Bằng việc cung cấp những cuộc trò chuyện qua điện thoại bị nghe lén, những tấm hình vệ tinh bí mật và thông tin từ những người cộng tác bên trong Iraq, ông Powell bắt đầu vén tầm màn về quy mô các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ. Những người hoài nghi có thể chỉ trích từng yếu tố cụ thể trong bộ hồ sơ của ngoại trưởng Hoa Kỳ và quả thật nhiều phần trong đó chỉ là những thông tin sơ lược, tách biệt. Tuy nhiên, nhìn chung toàn bộ phần trình bày của ông Colin Powell cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho cáo buộc rằng Iraq đã liên tục tìm cách qua mặt các thanh tra vũ khí.

Có người so sánh buổi trình bày hôm qua với khoảnh khắc năm 1962 khi ông Adlai Stevenson, khi đó là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, đã cung cấp những tấm hình đen trắng cho thấy Liên Xô điều động tên lửa hạt nhân tới Cuba. Nhưng hiện nay, tình hình không rõ rệt như vậy. Mức độ thuyết phục của ông Colin Powell phụ thuộc vào tầm mức thông tin đưa ra cũng như phụ thuộc cách diễn giải và tổng hợp những chi tiết khác nhau. Khó có thể khẳng định liệu bài diễn văn có thuyết phục được Hội đồng Bảo an và dư luận hay không. Những gì ông Colin Powell tiết lộ là những thông tin tình báo và xét theo luật, thì đây không hẳn là bằng chứng cáo giác tội phạm. Thông tin tình báo thường không đầy đủ mà chỉ là những phân mảnh của một bức tranh phức tạp rút ra từ vô số các thông tin mà có thể là vô nghĩa.

Sắp tới sẽ là bản báo cáo trước Hội đồng Bảo ancủa ông Hans Blix và Mohamed ElBaradei ngày 14-2. Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng của họ và của ông Colin Powell. Tuy vậy, phát biểu của ông Colin Powell ngày 5-2 cho thấy nếu Hội đồng Bảo an không hành động, Hoa Kỳ sẽ ra tay. (BBC)