Ðức tuyên bố sẽ không ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc cho phép tiến hành chiến tranh chống Iraq.

Trong một bài báo đánh dấu 40 năm hiệp định hòa bình hậu chiến giữa Đức và Pháp, thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nói rằng nước ông sẽ dùng mọi cách để duy trì hòa bình.

Trong một bài báo khác, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac nói rằng mục tiêu chung của hai quốc gia là dùng quyền lực của Châu Âu để duy trì hòa bình. Phát biểu trước các ủng hộ viên của Đảng Xã hội Dân chủ Đức, ông Schroeder nói Đức sẽ không ủng hộ hành động quân sự chống Iraq.

Nhưng khi được hỏi có thực sự là thủ tướng Đức bác bỏ khả năng bỏ phiếu thuận cho nghị quyết chống Iraq của Liên Hợp Quốc hay không, ông Gernot Erler, phó chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ nói không hẳn là như vậy:

Ông Erler nói :"Quan điểm của Đức là chính chiến tranh với Iraq là một đe dọa thực sự đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Những gì mà Đức sẽ làm cùng với Liên Hợp Quốc là gia tăng cuộc chiến quốc tế chống khủng bố và với quan điểm này thì những gì chúng tôi làm sẽ phụ thuộc vào việc chúng tôi có vai trò chính trị như thế nào trên toàn cầu".

Ông Erler nói Thủ Tướng Schroeder muốn gây chú ý tới quan điểm phản đối mạnh mẽ của Đức và muốn nhấn mạnh rằng Đức sẽ không đương nhiên ủng hộ hành động quân sự chống Iraq trước khi các điều khoản của bất kỳ nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc được đưa ra. Đức không muốn chiến tranh xảy ra trước khi tiến trình thanh tra Iraq hoàn tất.

Ngoài Đức thì Pháp, nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, và nhiều nước đồng minh khác đã gia tăng phản đối chiến tranh. Đa số những nước này muốn để thanh tra vũ khí có thêm thời gian hoàn tất công việc ở Iraq.

Ngoại Trưởng Pháp Dominique de Villepin nói rằng cho đến nay chưa có đủ cơ sở để tiến hành hành động quân sự và ông không loại trừ khả năng Pháp sẽ sử dụng quyền phủ quyết. Pháp là một trong năm quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An. Hội Đồng Bảo An LHQ Gồm 15 thành viên

Cần ít nhất chín lá phiếu tán thành trong Hội Đồng Bảo An để thông qua một nghị quyết cho phép tiến hành chiến tranh. Dường như đến nay Mỹ không kiếm đủ số phiếu này.

Trước đó, thành viên NATO chủ chốt là Thổ Nhĩ Kỳ nói đại diện các nước Syria, Ai Cập, Saudi Arabia, Iran và Jordan sẽ họp mặt tại Istanbul vào Thứ Năm tới đây để tìm giải pháp ngăn chặn chiến tranh.

Trong khi đó, hôm nay Ngoại Trưởng Anh Jack Straw tới Washington để hội đàm với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell. Hôm Thứ Ba, Thủ Tướng Anh đã thuyết trình trước ủy ban nghị viện rằng cần phải tăng cường áp lực lên Baghdad.

Ông Blair nói ông bảo lưu quyền tham gia vào chiến dịch quân sự, kể cả trong trường hợp có quyết định phủ quyết từ bất kỳ thành viên nào trong Hội Đồng Bảo An.(BBC)