Vatican: Qua tất cả mọi chiều kích, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong suốt 25 năm Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô, là một triều đại đáng chú ý nhất trong lịch sử.

Sau đây là những nét nổi bật của Ðức Thánh Cha qua từng niên đại: (tiếp theo và hết)

1998: Trong 4 chuyến tông du hải ngoại, Ðức giáo HOàng viếng thăm mục vụ 4 quốc gia. Lần đầu tiên Ðức Giáo Hoàng tông du tới nước Cộng Sản Cuba, tại đây Tổng Thống Fidel Castro sẽ phải đối mặt với Ðức Giáo Hoàng về tự do tôn giáo. Ðức Giáo Hoàng công bố Thông Ðiệp thứ 13 “Ðức Tin và Lý Trí” (Fides et Ratio) vào ngày 14/9 về tương quan giữa Ðức Tin và Lý Trí. Ðức Thánh Cha cũng viết tông thư về sự tuân thủ dự lễ ngành Chúa Nhật. Chuẩn bị cho ngàn năm thứ ba sắp đến, Ðức Thánh Cha chủ sự 2 Thượng Hội Ðồng Giám Mục Miền: tại Á Châu vào Tháng 5 và tại Ðại Dương Châu vào tháng 12.

Sắc lệnh của Ðức Giáo Hoàng công bố Năm Thánh vào năm 2000, Ðức Thánh Cha thúc giục đến hành động cho công lý trên khắp hoàn vũ trong Năm Thánh, cũng như chuyên tâm cầu nguyện và đi hành hương. Ðức Giáo Hoàng duyệt lại giáo luật ra hình phạt cho người Công Giáo ngoan cố chống lại giáo huấn Giáo Hội, và Tòa Thánh cũng cảnh cáo và điều tra nhiều thần học gia.

Văn kiện mới của Tòa Thánh thừa nhận đáp ứng của giáo hội và những người Công Giáo không thỏa đáng trong cuộc tàn sát người Do Thái của Quốc Xã Ðức. Tòa Thánh Vatican và Ðại Học Al-Azhar tại Cairo, Ai Cập lần đầu tiên thành lập cuộc đối thoại thường trực giữa Công Giáo và Hồi Giáo.

Vào ngày 24/6, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận lên làm Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình thay thế Ðức Hồng Y Roger Etcheragay xin về hưu, mở đường cho Ngài sẽ được vinh thăng Hồng Y. Ðức Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn sang Roma nhận dây Palium.

1999: Ðức Giáo Hoàng viếng thăm mục vụ 7 quốc gia trong 5 chuyến tông du bao gồm Mexico và Hoa Kỳ, trong chuyến viếng thăm Mỹ Châu, Ðức Thánh Cha ban Tông Huấn “Giáo Hội Mỹ Châu”. Ðức Thánh Cha cảnh cáo đến nền văn hóa chết tại St Louis- Hoa Kỳ, nhờ đó một tử tội được ân xá, Ngài cũng cố gắng can thiệp cho nhiều tử tội khác tại Hoa Kỳ, nhưng tiếc thay họ không được ân xá và bị hành quyết trong năm.

Chuyến viếng thăm trở về cố hương Ba Lan lần thứ 7 kéo dài 13 ngày, đây được coi là chuyến tông du dài nhất kể từ khi Ngài lên ngôi Giáo Hoàng. Ðức Giáo Hoàng bị cảm đã khiến Ngài phải hủy bỏ chuyến viếng thăm mục vụ tới Armenia. Chuyến viếng thăm mục vụ tới Romania được coi là chuyến tông du đầu tiên tới quốc gia đa số là Chính Thống Giáo. Trong chuyến viếng thăm mục vụ tới Ấn Ðộ, Ðức Giáo Hoàng công bố Tông Huấn “Giáo Hội Á Châu”. Ðức Thánh Cha chủ sự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu vào tháng 10, như thế Ngài đã hoàn tất chủ sự những bước chuẩn bị cho ngàn năm thứ ba tại các Thượng Hội Ðồng Giám Mục Miền.

Trong chuyến tông du Ấn Ðộ và Georgia từ ngày 5-9/11, tại George cựu thuộc địa cũ của Nga Sô, hình ảnh của Ðức Thánh Cha rung tay rung chân dấu hiệu của bệnh Parkinson được toàn thế giới chứng kiến qua các màn truyền hình. Với tuổi cao niên 79 tuổi, nhân dịp Liên Hiệp Quốc phát động Năm cho Người Già, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô viết tông thư mục vụ “Thư cho người Cao Niên”.

Giáo Hội hoàn vũ cùng hướng về Roma vào lễ Vọng Giáng Sinh, Ðức Giáo Hoàng mở cửa Thánh tại Ðền Thờ Thánh Phêrô, chính thức công bố khai mạc Năm Thánh 2000.

Năm Thánh 2000: Một năm đầy những biến cố và sự xuất hiện của Ðức Giáo Hoàng trong Năm Thánh 2000. Sáu biến cố trổi vượt trong năm nay:

Biến cố thứ nhất Ðức Giáo Hoàng nói với Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận: “Năm đầu tiên của Ngàn Năm Thứ Ba, một người Việt Nam sẽ giảng tuần Tĩnh Tâm cho Giáo Triều Roma.” Chăm chú nhìn Ðức Tổng Thuận một lúc rồi Ngài tiếp: “Trong tâm trí Ðức Cha có chủ đề gì không?”. Ðức Tổng Thuận bàng hoàng: “Thưa Ðức Thánh Cha, thật là hoàn toàn kinh ngạc đến với con! Có lẽ …con sẽ nói về niềm hy vọng?” Ðức Thánh Cha không chần chừ nói tiếp: “Hãy kể lại cho chúng tôi những chứng tá của Ðức Cha”. Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận vừa xúc động vừa hoang mang đi vội về nhà nguyện cầu nguyện thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa Giêsu con sẽ phải làm gì đây. Con chỉ là một cựu tù nhân!” Và rồi Ðức Tổng Thuận đã giảng tuần tĩnh tâm Mùa Chay cho Ðức Giáo Hoàng và Giáo Triều Roma với 23 bài suy niệm Chứng Từ Hy Vọng được nuôi dưỡng trong suốt 13 năm bị tù đày dưới chế độ cộng sản. Chứng từ Hy Vọng ấy đã là một thông điệp Hy Vọng chiếu dõi lên “một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, tông truyền và vui mừng” cho ngàn năm mới. Sau tuần tĩnh tâm, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã tiếp riêng Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận và tặng cho Ngài một chén lễ mạ vàng.

Biến cố thứ hai: Ðức Giáo Hoàng hành hương tới Thánh Ðịa Giêrusalem, là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hoàng trở về thánh đô, hàng tỉ người trên khắp hoàn vũ cùng hướng về thánh đô hiệp thông với Ngài, và thật cảm động khi Ðức Giáo Hoàng cầu nguyện tại bức tường thành ở Thánh Ðô. Trong chuyến hành hương 6 ngày từ 20-26/3, Ðức Giáo Hoàng đã đến Jordan, Do Thái và Palestine. Trước đó vào ngày 24-26/2, Ðức Giáo Hoàng đã đến Ả Rập gặp vị lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Cổ.

Biến cố Thứ Ba: Giáo Hội Việt Nam một lần nữa vui mừng cùng hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ khi Ðức Giáo Hoàng nâng lên hàng Chân Phước thày giảng Dòng Tên Việt Nam Anrê Phú Yên, Ngài cũng là vị tử đạo tiên khởi tại Việt Nam trong thời kỳ Cha Dòng Tên Ðắc Lộ sang truyền giáo tại Việt Nam, Cha cũng là người có lẽ mọi người đã quên vì chính tiếng Việt ngày nay gọi là chữ Quốc Ngữ do chính Cha sáng tác lập ra để tiện việc truyền giáo.

Biến cố thứ tư: Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tông du tới Bồ Ðào Nha từ ngày 12-13/5 và phong Chân Phước cho 2 trong số 3 trẻ đã được Ðức Mẹ hiện ra và tỏ phép lạ vào ngày 13/5/1917, là 2 em Francisco và Jacinta Maria. Trẻ thứ ba là Dì Lucia (Dòng Carmelo) hiện nay vẫn còn sống. Ðây là lần thứ bốn Ðức Giáo Hoàng đặt chân tới Bồ Ðào Nha và lần thứ ba đến Bồ Ðào Nha vào những ngày 13/5 (lần thứ nhất vào năm 1982, một năm sau khi Ðức Thánh Cha bị ám sát vào ngày 13/5/1981; lần thứ 2 vào năm 1991, 10 năm sau khi Ðức Giáo Hoàn bị ám sát, và lần thứ ba trong năm nay). Sau buổi lễ Phong Thánh, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh công bố bản văn Bí Mật Fatima thứ 3, trong đó có thị kiến báo trước “một vị Giám Mục mặc áo trắng” bị bắn ngã quỵ, Tòa Thánh đã giải thích đó là lần Ðức Thánh Cha bị mưu sát vào ngày 13/5/1981. Trong dịp này Dì Lucia 92 tuổi, người được Ðức Mẹ hiện ra cũng tiếp kiến riêng với Ðức Gioan Phaolô II.

Biến cố thứ năm: Ðức Giáo Hoàng chủ sự buổi cầu nguyện trong Ngày Tha Thứ, xin tha thứ tất cả mọi lồi lầm của Giáo Hội hiện tại cũng như quá khứ.

Biến cố thứ sáu: trong triều Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài thương giới trẻ một cách rất đặc biệt nên đã khởi sự Ngày Thế Giới Trẻ, trong Năm Thánh 2000 vào tháng 8 hơn 2 triệu bạn trẻ khắp nơi trên thế giới trong đó phái đoàn bạn trẻ Việt Nam do Ðức Cha Nguyễn Văn Sang thuộc Giáo Phận Thái Bình dẫn đầu đã tựu về Roma tham dự Thánh Lễ Ngày Thế Giới Trẻ lần thứ 15 do Ðức Giáo Hoàng chủ sự.

Trong những dịp phong Thánh năm nay có vị Thánh được phong đầu tiên cho Năm Thánh 2000 là Thánh Faustina Khowalska và Ðức Thánh Cha tuyên bố Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh dành kính nhớ Lòng Nhân Ái của Chúa; một số vị Thánh đáng kể tới là vị Thánh người Hoa Kỳ- Nữ Tu Katharine Drexel và 120 vị Thánh Tử Ðạo Trung Hoa là những vị Thánh đầu tiên của Trung Hoa. Dịp phong Thánh các vị tử đạo Trung Hoa đã làm cho chính quyền Trung Hoa căm giận và họ bãi bỏ tất cả những lễ mừng liên quan đến dịp phong Thánh, lý do thứ nhất là các vị Thánh Trung Hoa một số là các vị thừa sai, Trung Quốc cho rằng đó là quân phiệt, lý do thứ hai ngày lễ phong Thánh trùng vào ngày 1/10 đó là ngày Quốc Khánh của Trung Quốc, trong khi Tòa Thánh chọn ngày này vì là ngày lễ kính Thánh Têrêsa, bổn mạng các xứ truyền giáo. Ðức Giáo Hoàng đã nâng 2 vị Giáo Hoàng tiền nhiệm lên hàng Chân Phước là Giáo Hoàng Piô IX và Gioan XXIII. Thi hài của Ðức Gioan XXIII được chuyển lên đền thờ Thánh Phêrô

Ðức Giáo Hoàng lên án chính quyền Hà Lan (Dutch) ban hành luật pháp cho phép “hôn nhân” giữa những người đồng phái tính và Ngài cũng kêu gọi bải bõ tổ chức Diễu Hành Thế Giới của Người Ðồng Phái Tính tại Roma đi ngang qua trước các thánh đường và trong Năm Thánh. Ðức Thánh Cha cũng mạnh mẽ lên án quyết định của Anh Quốc và Hoa Kỳ cho phép xử dụng tế bào gốc từ phôi thai người.

2001: Ðức Giáo Hoàng công bố Tông Thư cho ngàn năm mới, chính thức công bố bế mạc Năm Thánh 2000 và đặt ra một viễn tượng cho tương lai giáo hội.

Giáo Hội Việt Nam một lần nữa cùng với Giáo Hội Hoàn Vũ vui mừng khi Ðức Giáo Hoàng vinh thăng 44 tân Hồng Y trong đó có Ðức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đáng mến của chúng ta, đưa ra một kỷ lục mới cho Hồng Y Ðoàn cả thảy có 184 vị và số vị Hồng Y được bầu trong Cơ Mật Viện là 135 vị vượt con số mà Ðức Phaolô VI đã ban hành vào năm 1973 là 120 vị. Ðức Giáo Hoàng cũng triệu tập Công Nghị Hồng Y lần đầu tiên sau 7 năm, nhằm đưa ra những mục vụ ưu tiên khởi đầu cho ngàn năm thứ ba.

Ðức Giáo Hoàng đã viếng thăm mục vụ 6 quốc gia trong 3 chuyến tông du hải ngoại. Trong số này Ngài đã mở chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phaolô qua ba quốc gia tới Ai Cập, Syria và Malta, ước mơ của Ngài dự dịnh đặt chân đầu tiên tới Iraq nhưng không thành. Tại Ai Cập, Ðức Giáo Hoàng đã xin lỗi vì những sự sai lầm trong lịch sử của Công Giáo đối với Chính Thống Giáo. Tại Syria, Ðức Giáo Hoàng đã phá kỷ lục là một vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử đến viếng thăm đền thờ Hồi Giáo và khuyến khích ba tôn giáo độc thần (cùng chung tổ phụ Abraham) hãy công tác với nhau cho nền hòa bình tại Trung Ðông.

Tại Ukraine, Ðức Giáo Hoàng đã đặt vòng hoa và tưởng niệm các Kitô hữu bị giết dưới thời cộng sản.

Trước sự kinh hoàng và bất ổn đã làm sửng sốt cho toàn thế giới sau vụ khủng bố tấn công vào tháp song sinh tại Nữu Ước và Ngũ Giác Ðài 11/9, Ðức Giáo Hoàng vẫn cương quyết tông du tới Kazakstan và Armenia như dự định vào ngày 22-27/9 tức sau 2 tuần Hoa Kỳ bị khủng bố, tại đây Ngài mạnh mẽ lên tiếng “tôn giáo không bao giờ được dùng như một lý do cho công kích”.

Ðức Giáo Hoàng Công Bố tông huấn cho Giáo Hội Ðại Dương Châu, lần đầu tiên Ðức Giáo Hoàng ngồi trước máy vi tính và gởi tông huấn đi bằng internet. Một lần nữa Ðức Thánh Cha muốn khuyến khích mọi người hãy biết tận dụng mạng lưới internet trong việc truyền bá Tin Mừng. Mặc dầu sức khoẻ đã yếu, tay bị rung nhưng chỉ một cái “click” nhẹ, Tông Huấn của Ðức Thánh Cha băng qua rừng, nhảy qua núi, vượt trùng dương để tới tất cả cánh đồng truyền giáo nhanh như điện giật. Ðiều đó chứng tỏ thêm phương tiện truyền thông liên lạc ngày hôm nay là một vũ khí vô cùng lợi hại và sắc bén.

Ðức Giáo Hoàng chủ sự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới bàn đến vai trò của Giám Mục trong Giáo Hội.

2002: Ðức Giáo Hoàng triệu tập các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới về Assisi cầu nguyện cho hòa bình, Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình đã đọc diễn văn khai mạc buổi cầu nguyện này. Trong dịp này Ðức Giáo Hoàng và Giáo Triều Roma đã đáp chuyến xe lửa từ Roma tới Assisi. Trong tháng Hai Ðức Giáo Hoàng đã viếng thăm giáo xứ thứ 301 trong tổng số 334 giáo xứ tại Roma. Vì bị thương chân Ðức Giáo Hoàng đã hủy bỏ những chuyến viếng thăm giáo xứ, nhưng ngược lại từ tháng Mười Tòa Thánh tổ chức để Giáo Xứ đến Vatican dự lễ và thăm Ðức Giáo Hoàng.

Trong 3 chuyến tông du hải ngoại, Ðức Giáo Hoàng đã viếng thăm 6 quốc gia. Ðức Thánh Cha đã chủ sự Ngày Thế Giới Trẻ lần thứ 17 được tưng bừng khai mạc tại Canada. Ðức Giáo Hoàng đã trở về thăm cố hương và viếng mộ song thân của Ngài tại Ba Lan, giới báo chí đồn rằng Ðức Thánh Cha về Ba Lan và sẽ tuyên bố từ nhiệm Giáo Hoàng !!!

Tình hình bất ổn diễn ra tại Hoa Kỳ trước nạn lạm dụng tính dục, Ðức Gioan Phaolô ÍI đã triệu tập tất cả Hồng Y Hoa Kỳ về Roma vào tháng 4 để quyết định phải hành xử như thế nào. Ðức Giáo Hoàng tuyên bố không một người nào xúc phạm tới trẻ em lại có chân trong thiên chức Linh Mục và Tu Sĩ.

Ðức Giáo Hoàng nâng bốn miền Giám Quản Tông Tòa tại Nga lên hàng Giáo Phận đã khiến cho Chính Thống Giáo tỏ ra bất đồng và chống đối.

Tháng 10, Ðức Giáo Hoàng tuyên bố và khai mạc Năm Mân Côi và công bố năm “Sự Sáng” cho kinh Mân Côi, như thế cả thảy có năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng và năm sự Sáng.

Lần đầu tiên, Ðức Giáo Hoàng viếng thăm Quốc Hội Y và ban bài diễn văn trong 50 phút đưa ra những thách đố mới từ việc quốc gia Ý đối xử với người nghèo và di dân cho đến tình trạng sinh sản quá thấp của các đôi vợ chồng Ý.

Tòa Thánh tuyên bố phạt tuyệt thông cho 7 phụ nữ thụ phong linh mục do một cựu Linh Mục được thụ phong Giám Mục bất hợp lệ, trong số 7 phụ nữ có cựu phu nhân của cựu thống đốc bang Ohio Hoa Kỳ.

Ðức Giáo Hoàng phong Thánh cho Chân Phương Josemaria Escriva de Balaguer, Ðấng Sáng Lập Giám Hạt Tòng Nhân Opus Dei. Trong một ủy ban đặc biệt được triệu tập giữa các vị giáo sĩ trong giáo triều và các vị giáo sĩ Hoa Kỳ, Ðức Thánh Cha chuẩn y bản hiến chương của Giáo Hội Hoa Kỳ trong việc bài trừ nạn linh mục lạm dụng tính dục trẻ vì thành niên.

Hai tang lớn đến cho Giáo Hội Việt Nam và Tòa Thánh Vatican mất đi hai người con yêu: Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ là thỉnh nguyện viên án phong Thánh cho 117 Chân Phước Tử Ðạo Việt Nam và từng là thư ký riêng của Ðức Thánh Cha tạ thế ngày 15/7 tại Roma hưởng thọ 84 tuổi. Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã đi hết cuộc lữ hành được Chúa gọi về vào lúc 18 giờ ngày 16/9 tại Roma hưởng thọ 74 tuổi và được Ðức Gioan Phaolô II chủ sự Thánh Lễ an táng.

2003: Ðức Giáo Hoàng đã thực hiện chuyến tông du tới Slovakia từ ngày 11- 14/9 đây là chuyến tông du thứ 102 trong 25 năm triều Giáo Hoàng.

Trước tình hình căng thẳng tại Trung Ðông và sự đe dọa đánh phủ đầu của khối Anh, Mỹ, Úc, Ðức Thánh Cha đã gởi đặc sứ tới Iraq và Hoa Kỳ cũng như có các buổi triều yết với các nhà lãnh đạo thế giới và Liên Hiệp Quốc để điều đình và can thiệp không để cuộc chiến diễn ra. Trong nhiều lần Ðức Thánh Cha đã lên án đến cuộc chiến và công khai nói rằng người chủ trương trong các cuộc công kích phải chịu “sự phán đoán trước Thiên Chúa”.

Ðức Thánh Cha chỉ thị cho Bộ Giáo Lý Ðức Tin soạn thảo quyển Giáo Lý bỏ túi để tiện lợi và thích hợp cho Giáo Dân. Ðức Thánh Cha lên tiếng nhiều lần trong các bài huấn dụ ngày Chúa Nhật trước khi đọc kinh Truyền Tin đến nguồn gốc căn cội Kitô Giáo tại Âu Châu, và nó phải có trong bản hiến pháp của Công ÐoànÂu Châu.

Ðức Giáo Hoàng ban hành Thông Ðiệp thứ 14 Ecclesia de Eucharstia, Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể vào ngày 17/4 nói về Bí Tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Ðức Thánh Cha chuẩn y văn kiện sống chung của người đồng phái tính gây tai hại tới xã hội và kêu gọi các nhà luật pháp Công Giáo phải chống đối.

Giáo Hội Việt Nam được nổi bật trong năm nay, khi Ðức Giáo Hoàng tấn phong Tổng Giám Mục cho Ðức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tốt và bổ nhiệm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Benin và Tongo, là giáo sĩ Việt Nam trong chức vụ này. Bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn nhận thêm chức vụ Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội. Bổ nhiệm Ðức Ông Mai Thanh Lương lên hàng Giám Mục, ngài là vị Giám Mục Việt Nam tiên khởi tại Hoa Kỳ. Bổ nhiệm tân Giám Mục Micae Hoàng Ðức Oanh cho Giáo Phận Komtum và Bổ nhiệm Giám Mục Antôn Vũ Huy Chương cho Giáo Phận Hưng Hóa sau 11 năm trống tòa. Vinh thăng Hồng Y cho Ðức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn vào trưa Chúa Nhật 28/9, là vị tân Hồng Y tiên khởi xuất thân từ miền Nam.

Ðức Giáo Hoàng sẽ lên đường đến Linh Ðịa Ðức Mẹ tại Pompeli vào ngày thứ Ba 7/10 để bế mạc Năm Mân Côi và trong tháng Mười, Ngài sẽ mừng ngân khánh 16/10, phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcuta 19/10, triệu tập Hội Nghị Hồng Y và tấn phong Hồng Y từ ngày 21-22/10.

Trong suốt dòng thời gian 25 năm qua, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không những là người Cha chung cai quản Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ, nhưng còn là một người lãnh đạo xuất sắc cho hòa bình thế giới. Liệu đến ngày Thứ Sáu 10/10, Ðức Gioan Phaolô có nhận được giải Nobel Hòa Bình hay không?

Hãy cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha vị Cha chung của chúng ta để Ngài được tiếp tục qua triều Giáo Hoàng năm thứ 26.