Vào ngày 16/10, ngày mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong gần một tháng qua, chúng tôi đã cho đăng những bài vở liên quan tới triều đại 25 năm Giáo Hoàng của Ngài. Thật đáng khích lệ và cảm kích thay, từ ngày Chúa Nhật 21/9 tại nhiều cộng đoàn, nhiều Dòng Tu, nhiều gia đình bắt đầu 25 ngày cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị mục tử thánh thiện đánh kính của nhân loại ….”

Vatican: Qua tất cả mọi chiều kích, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong suốt 25 năm Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô, là một triều đại đáng chú ý nhất trong lịch sử.

Sau đây là những nét nổi bật của Ðức Thánh Cha qua từng niên đại:

1978: Ðức Hồng Y Karol Wojtyla tại Krakow, Balan đã được tuyển chọn lên ngôi Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện Hồng Y vào ngày 16/10. Ngài lấy tên Giáo Hoàng là Gioan Phaolô II, là một vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý kể từ năm 1523. Với tuổi 58, Ngài là vị Giáo Hoàng trẻ nhất kể từ thời Ðức Giáo Hoàng Piô IX được lên ngôi lúc 54 tuổi. Trong Thánh Lễ Ðăng Quang vào ngày 22/10, Ðức Thánh Cha chọn chủ đề hành trình mục vụ cho triều Giáo Hoàng của Ngài, một chủ đề mà Ngài đã thi hành rất quả quyết mà toàn thể Giáo Hội có thể chứng kiến qua suốt giòng thời gian 25 năm qua: “Ðừng sợ. Hãy mở rộng các cánh cửa ra cho Ðức Kitô”.

1979: Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu giàn xếp điều đình cho cuộc tranh chấp quần đảo tại Kênh Beagle giữa Chilê và Á Căn Ðình (Argentine). Ðức Thánh Cha ban bố Thông Ðiệp đầu tiền về đức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc nhân loại “Redemptor Hominis” vào ngày 4/3/1979 và tông huấn đầu tiên về Giáo Lý. Ngài bắt đầu một loạt 4 chuyến tông du trong năm, trong đó có chuyến tông du về thăm quê hương dấu yêu của Ngài lần đầu tiên tất cả gồm có Nước Cộng Hòa Dominican và Mễ Tây Cơ; Ba Lan, Ái Nhĩ Lan và Hoa Kỳ trong đó Ngài viếng thăm Liên Hiệp Quốc; Thổ Nhì Kỳ tại đây Ðức Thánh Cha và Ðức Thượng Phụ Constantinople chính thức khai mạc cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Chính Thông Giáo. Vào năm thứ 2 báo chí tại Italia đã gọi Ngài là “Cơn bão tố Wojtyla”.

Ðức Thánh Cha triệu tập công nghị Hồng Y đầu tiên trong hơn 400 năm để bàn thảo về Tài Chánh của Vatican, cơ cấu của giáo triều và Giáo Hồi và Văn Hóa.

Ðối với Ðức Gioan Phaolô ÌI, Ngài cũng đặt trọng tâm vào Giáo huấn và thần học Giáo Hội. Vào tháng 12, vị Thần Học Gia Dòng Ða Minh, Linh Mục Edward Schillebeecx được triệu về Roma để điều tra và Cha Hans Jung là một thần học gia Công Giáo bị tước quyền giảng dạy, điều này rõ ràng cho thấy một dấu hiệu mới đối với sự lưu truyền thần học và giảng dạy không rõ ràng hay đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội.

1980: Ðức Giáo Hoàng triệu tập các Hồng Y Hà Lan (Dutch) về Roma trong một công nghị đặc biệt để hồi phục lại sự hiệp nhất và kỷ luật đối với Giáo Hội Hà Lan. Ðức Thánh Cha cũng triệu tập các Giám Mục Ukrainia trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, để chấp thuận tiếng nói của các Ngài trong việc tuyển chọn người lãnh đạo kế nhiệm vị lãnh đạo đau yếu là Ðức Hồng Y Joseph Slipyj. Trong một tông thư gởi cho các Giám Mục trên toàn thế giới, Ðức Giáo Hoàng cảnh cáo việc lạm dụng trong phụng vụ. Ngài chuẩn y văn kiện của Bộ Giáo Lý Ðức Tin công bố lên án việc trợ tử (Euthanasia). Ðức Giáo Hoàng công bố Thánh Phanxicô thành Assisi là thánh bổn mạng cho sinh thái học và tôn phong Thánh Catherine thành Siena là Thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng phong Chân Phước cho thổ dân Mỹ Kateri Tekakwitha.

Ðánh dấu 450 năm ly khai của giáo hội Lutheran tại Augsburg, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh và khuyến khích đến vai trò của thần học gia trong việc nghiên cứu đưa ra những nền tảng căn bản chung giữa đức tin Công Giáo và Lutheran. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tông du qua 6 quốc gia tại Phi Châu và tới nước Pháp, Ba Tây và Tây Ðức. Ngài chủ sự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về gia đình và ban hành Thông Ðiệp thứ hai về Lòng Thương Xót Chúa “Dives in Misericordia” vào ngày 30/11.

1981: Ðức Gìáo Hoàng Gioan Phaolô II ủng hộ các quyền người lao động trong buổi gặp gỡ với ông Lech Walesa và các nhà lãnh đạo khác tại Công Ðoàn Thương Mại Ðại Kết Ba Lan. Ðức Thánh Cha tông du tới Phi Luật Tân, đảo Guam và Nhật Bản, Ngài dừng chân tại Pakstan và Alaska. Trong 2 năm, Ðức Thánh Cha đã mở 9 chuyến tông du hải ngoại cũng bằng số chuyến tông du trong triều đại 15 năm của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, kể từ đây trở đi mỗi lần chuyến tông du là mỗi lần Ðức Gioan Phaolô II phá thêm một kỷ lục mới. Tại Phi Luật Tân Ðức Thánh Cha đã phong Chân Phước cho 16 vị tử đạo tại Manila, Phi luật Tân, là dịp lễ phong Chân Phước lần đầu tiên ngoài thánh đô Roma,kể từ thời các triều Giáo Hoàng không ở Vatican nhưng trú ngụ tại Avignon vào thế kỷ thứ 14. Aviignon là thành phố tại miền Nam nước Pháp và là dinh của Giáo Hoàng từ năm 1306 đến năm 1377, thời kỳ này được gọi là thời kỳ “Quản thúc Babylon” vì tình hình bất ổn cho ngôi Giáo Hoàng tại Ý dưới thời Hoàng Ðế Roma Henry VII. Khi đến thời Ðức Giáo Hoàng trở về Roma là Ðức Giáo Hoàng Clemente VII (1378- 1394 và Giáo Hoàng Benedictô (1394- 1409), nhưng xảy ra thời kỳ Ly Giáo buộc các Ngài phải về trú ngụ tại Avignon một lần nữa.

Vào ngày 13/5, tên Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca, mưu toan ám sát và bắn Ðức Giáo Hoàng, Ðức Thánh Cha bị thương nặng và phải đưa vào nằm bệnh viện 11 tuần lễ. Trong thời gian điều trị, Ðức Giáo Hoàng đã yêu cầu cộng sự viên của Ngài là Linh Mục Dòng Tên đem hồ sơ Bí Mật Fatima cho Ngài xem, mở đường cho việc công bố bản văn Bí Mật thứ ba Fatima và phong Chân Phước cho hai trong số 3 trẻ đã được Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima cũng cùng ngày tháng tức là ngày 13/5/1917.

Ðức Giáo Hoàng tổ chức lại cơ cấu của Ủy Ban Vatican về Gia Ðình và nâng lên thành Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách cho Gia Ðình và công bố Tông Huấn về Thần Học Gia Ðình.

Ðức Thánh Cha thành lập một Hội Ðồng các Hồng Y để đích thân tường trình tường trình trực tiếp về những vấn đề tài chánh và tổ chức. Khi vị Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên bị đột quy đau tim, Ðức Thánh Cha đã tức khắc can thiệp bổ nhiệm Bề Trên lâm thời cho Dòng. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Thông Ðiệp về Lao Ðộng con người “Laborem Exercens” vào ngày 14/9/1981.

Ðức Thánh Cha bổ nhiệm Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger người Ðức làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin. Ðức Thánh Cha cũng gởi một phái đoàn đặc sứ của Ngài tới các vị lãnh đạo hàng đầu trên thế giới thỉnh cầu cắt giảm và giãi trừ vũ khí hạt nhân.

1982: Vì bị mưu toan ám sát vào năm 1981, Ðức Giáo Hoàng đã bãi bỏ không đi tông du viếng thăm mục vụ tại hải ngoại sau đó trong năm 1981. Ðể bù lại những chuyến tông du chưa được tiến hành, Ðức Thánh Cha đã đi viếng thăm mục vụ hải ngoại 7 lần trong năm gồm có Nigeria, Berni, Gabon, Equatorial Guinea, Bồ Ðào Nha, Anh Quốc, Á Căn Ðình, Thụy Sĩ, San Marino. Năm này cũng là chuyến viếng thăm đầu tiên tới Bồ Ðào Nha, tại đây vào ngày 13/5 đúng 1 năm sau ngày bị mưu sát, Ðức Thánh Cha đã kính viếng Linh Ðịa Fatima và đặt viên đạn đã bắn vào Ngài dưới chân tượng Mẹ Maria.

Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Palestinia Yasser Arafat, người cho đến nay mặc dầu không còn tại chức nhưng vẫn còn đứng sau lưng các tay ném bom tự sát tại Palestine. Ðức Thánh Cha phong thánh cho vị tử đạo người Ba Lan, Thánh Maximilian Kolpe, Ngài là 1 trong số 4 vị Thánh được phong Thánh lần đầu tiên trong triều đại 25 năm Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha công bố Tổ Chức Opus Dei là Phủ Giám Chức Tòng Nhân Opus Dei được điều hành do quy chế được Tòa Thánh soạn thảo, dưới sự lãnh đạo của một Giám Mục với tư cách là Bản Quyền riêng. (Xem thêm Giáo Luật 294-297).

Sau khi hội thảo với Hội Ðồng các Hồng Y và Hội Nghị toàn thể các Hồng Y về tài chánh tại Vatican, Ðức Giáo Hoàng thừa nhận đến nhu cầu cần thiết phải ra các báo cáo công khai về tài chánh tại Vatican.

1983: Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Bộ Giáo Luật mới, đây được coi là những dự án chính cải tổ giáo hội kể từ sau Công Ðồng Vaticanô II. Ðức Thánh Cha khai mạc một năm Thánh đặc biệt kỷ niệm 1950 năm Cứu Ðộ (không muốn bàn cãi những sai sót ghi chú ngày tháng lịch sử trong thời của Ðức Giêsu, năm đầu tiên được đánh dấu là năm Giáng Sinh của Chúa Giêsu, sau 30 năm Ðức Giêsu đi rao giảng trong 3 năm, sự cứu độ được mang đến cho loài người trong Ðức Giêsu: cái chết của Người đã giải phóng loài người như chính họ chịu hình phạt, trả tiền chuộc, vì những tội lội của họ. Sự cứu chuộc có một khía cạnh cánh chung (Ep 4,30)và một khía cạnh vũ trụ (2 Cr 15,28; như thế năm thứ 33+ kỷ niệm 1950 năm= 1983))

Ðức Giáo Hoàng công bố một Hiến chương về các quyền của Gia Ðình. Ðức Giáo Hoàng viếng thăm mục vụ tới 12 quốc gia trong 4 chuyến tông du, lần này cũng là lần thứ 2 Ngài trở về cố hương Ba Lan và lần thứ 2 viếng thăm Pháp, Ðức Thánh Cha cũng dừng chân tại Bồ Ðào Nha cũng là lần thứ 2. Năm nay cũng là chuyến tông du kéo dài 9 ngày tới 7 quốc gia tại Trung Mỹ và Haiti. Trong chuyến viếng thăm Nicaraqua, Ngài công khai quở trách Linh Mục Dòng Tên Ernesto Cardenal, là một linh mục đã xin từ nhiệm khỏi thừa tác vụ để phục vụ trong chính quyền Sandinista. Trong chuyến viếng thăm tại Balan, chính quyền cộng sản Ba Lan đã từ khước không thả ông Lech Walesa để gặp Ðức Giáo Hoàng., ông vẫn còn bị quản thúc. Sau này chính ông Lech Walesa đã kết liễu chế độ độc tài cộng sản Ba Lan.

Ðức Giáo Hoàng cảnh cáo các Giám Mục Hoa Kỳ không được ủng hộ bất kỳ nhóm nào bênh vực và chủ trương phong chức linh mục cho phụ nữ. Ðức Giáo Hoàng chủ tọa Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới với chủ đề Ăn Năn và Hòa Giải. Vào tháng 12 Ðức Thánh Cha đích thân viếng thăm một nhà thờ của Giáo Hội Tin Lành Lutheran tại Roma, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng ban bài giảng trong nhà thờ Tin Lành.

Quên đi những nghi kỵ, lầm lỗi và tha cho kẻ muốn giết mình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến nhà tù thăm tên Thổ Mehmet Ali Agca, người đã toan ám sát Ðức Thánh Cha vào năm 1981.

Còn tiếp