Kính thưa quý vị, thưa các bạn

Năm cũ 2006 đã qua đi, 3 lãnh tụ từng là nguyên thủ của 3 quốc gia đã nằm xuống trong cùng tháng 12, mỗi một người đều mang cá tính, lãnh đạo quốc dân hoàn toàn khác biệt, thế nhưng cả 3 đều mang một mẫu số chung, một cách gián tiếp hay trực tiếp hàng ngàn người vô tội đã chết hay bị giết dưới quyền lãnh đạo của họ.

Cùng với tiếng nói của Giáo Hội, Vietcatholic xin lần lượt điểm qua cuộc đời của nhà độc tài Augusto Pinochet- Tổng Thống nước Chilê, Gerald Ford vị tổng thống bất đắc dĩ thứ 38 của Hoa Kỳ và cuối cùng là nhà độc tài Sađam Hussein của Irad đã bị án tử hình treo cổ.

Hôm qua chúng tôi đã trình bày Augusto Pinochet, hôm nay xin được trình bày tiếp đến người thứ 2:

Gerald Rudolph Ford- Tổng Thống thứ 38 tại Hoa Kỳ

Trong một thời gian ngắn ngủi lên nắm quyền Tổng Thống, một vị tổng thống bất đắc dĩ mà dân không phải đi bầu, Gerald R Ford đã hồi phục lại sắc thái và thanh liêm cho Nhà Trắng và đã mang đến một chiều kích hàn gắn quốc gia Hoa Kỳ những đau thương và chia rẽ sau vụ xì căn đan xảy ra tại khách sạn Watergate, là một vụ đánh cắp tài liệu của đảng Cộng Hòa đã buộc tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Cựu Tổng Thống Ford, đã bị bệnh viêm phổi vào hồi tháng Giêng và trải qua 2 cuộc giải phẫu tim vào tháng Tám năm 2006, đã yên hàn vĩnh viễn bỏ lại người vợ thân yêu sau lễ Giáng Sinh vào ngày 26/12/2006 tại tư gia ở Rancho Mirage, California, hưởng thọ 93 tuổi.

Vỏn vẹn trong 30 tháng làm Tổng Thống, miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay cộng sản sau khi toàn bộ quân đội Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Việt Nam, hàng ngàn người Việt Nam bị chết và bị giết bao gồm những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản, xử tử, bị chết vì tra tấn và đói trong trại tù cải tạo, những người vượt biên bị chết vì hải tặc cướp tàu và hãm hiếp, những người vượt biên bị chết vì tàu đắm trên biển cả hay bị bắn khi vừa ra ngoài hải phận Việt Nam; các viên chức trong phủ tổng thống dưới quyền Nixon đã bị tòa án lên án trong vụ Watergate; Ủy Ban quân cảnh xác minh cơ quan tình báo Mỹ C.I.A đã dính dáng tới những hành vi bất chính; Tòa Thượng Thẩm Hoa Kỳ ban hành lại án tử hình, Hoa Kỳ đã nhận hơn 140,000 người Việt tị nạn và cuối cùng là Hoa Kỳ mừng 200 năm ngày lập quốc.

Thế nhưng Tổng Thống Gerald Ford đã mang lại sự đóng góp tích cực mối bang giao giữa Do Thái và Ai Cập, gia tăng giúp đỡ thực phẩm cho các quốc gia hải ngoại và ký kết thỏa ước giới hạn vũ khí hạt nhân với Liên Sô. Mặc dầu với sự khủng hoảng về kinh tế và khan hiếm năng lượng khí đốt vào năm 1973, Tổng Thống Ford đã dàn xếp cắt giảm được nạn lạm pháp và khủng hoảng kinh tế.

Tổng Thống Ford thường diễn tả và coi mình như một người "ôn hòa trong các công việc quốc nội, một người bảo thủ trong đường lối kinh tế và một người ngoan cố trong chính sách quốc ngoại"

Trong ngày thành hôn


Trong cuốn tiểu sử phát hành năm 1979 với tựa đề "Một Thời để Hàn Gắn", ông đã coi công viện hàn gắn lại những đau thương và chia rẽ sau vụ Watergate là một thành quả to lớn nhất của ông.

Một công việc quan trọng nhất trong nỗ lực này mà Tổng Thống Ford đã thực hiện sau khi tuyên thệ tổng thống được một tháng, đó là tha thứ cho cựu tổng thống Richard Nixon về bất cứ những tội nào mà Nixon có thể bị lên án trong vụ che đậy và chứa chấp vụ Watergate. Một hành động tha thứ mà đã dấy lên những mối hận thù và chia rẽ nhất mà tổng thống Gerald Ford đã không ngờ tới, nhưng dẫu thế nào thì Ford đã ngăn chận được những vụ xét xử sẽ phải kéo lâu dài và rồi chắn chắn rằng sẽ mang đến sự chia rẽ và cay đắng hơn nữa.

Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố rằng ông tha tội cho Nixon vì quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải vì Nixon.

Gerald Ford cũng là vị tổng thống đầu tiên sau khi Tòa Thượng Thẩm cho phép quyền các tiểu bang luật phá thai theo nhu cầu vào năm 1973. Tổng Thống Ford đã thiên đến việc bổ sung hiến pháp để cho phép các tiểu bang được quyền quy định luật phá thai. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chống đối đướng lối này của Ford, và lên tiếng rằng một sự bổ sung cấm phá thai trong tầng cấp liên bang phải được cần đến để tất cả các tiểu bang có thể ban hành luật cấm phá thai.

Mặc dầu thế, Tổng Thống Ford đã chiếm được cảm tình nơi nhiều Giám Mục Hoa kỳ vì ông ủng hộ chính sách trợ giúp liên bang cho các trường thuộc tôn giáo tại địa phương; chính sách trợ giúp thực phẩm trong nạn đói lan tràn tại quốc gia nghèo vào năm 1975; chính sách trợ giúp, đón tiếp và thâu nhận người Việt tị nạn định cư tại Hoa Kỳ và tại các quốc gia khác trên thế giới; cải cách chính sách di dân để chương trình đoàn tụ gia đình được dễ dàng hơn và cuối cùng là những nỗ lực bang giao với Sô Viết.

Thế nhưng các Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã chống đối chính sách quốc nội của Gerald Ford trong việc giảm chương trình phiếu thực phẩm (food stamp) và các lãnh vực an sinh xã hội khác. Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng đã chỉ trích việc phủ quyết các các chương trình trong công ăn việc làm của chính phủ mà nó có thể tạo thêm được công việc cho 600,000 cư dân Hoa Kỳ; ủng hộ các hành động "khoác áo nhà tu" của cơ quan tình báo C.I.A theo đó họ đã xử dụng các vị thừa sai để cung cấp thông tin tình báo, đó là một chính sách đã làm xói mòn và hủy hoại thanh danh của các vị truyền giáo chân chính.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đã chỉ trích quyền phủ quyết của ông về một số dự luật an sinh xã hội và lên án rằng ông đã không nhạy cảm trước tình cảnh nghèo đói và khốn khổ của những người thất nghiệp. Trong một bài phỏng vấn vào năm 1976, ông đã kể lại "nếu tôi thông qua mọi dự luật do quốc hội đưa ra, chúng ta sẽ phải áp đặt thuế má một cách tàn nhẫn nhất trên tất cả mọi người, đó là nạn lạm pháp"

Bàn đến cuộc chiến tại Việt Nam với Ngoại Trưởng Kissinger


Thật vậy, dưới quyền Tổng Thống Gerald Ford, nạn lạm pháp đã bị cắt giảm còn 9% ngay từ khi ông bắt đầu chức vụ tổng thống và chỉ còn lại dưới 6% vào cuối nhiệm kỳ của ông. Chỉ cần so sánh với tỉ lệ của vị tổng thống kế vị là Jimmy Carter mới thấy Gerald Ford là người tài giỏi, vì nạn lạm pháp lại tăng vọt gấp đôi lên chỉ số 13.5% vào năm 1980 và đã bị ảnh hưởng lâu dài trong nền kinh tế Hoa Kỳ.

Đối với đời sống tôn giáo, mặc dầu Gerald Ford là một người Anh Giáo, trong một bài diễn văn đọc trước Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 41 vào năm 1976 tại Philadelphia ở Hoa Kỳ, Tổng Thống Ford đã bày tỏ lòng quan ngại đến "hành động thiếu tôn kính đang gia tăng trong cuộc sống" tại Hoa Kỳ.

Vào một tháng sau đó, trong một lá thư gởi đến phái đoàn Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ được công bố trong một cuộc gặp gỡ kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ tại Nhà Trắng, Tổng Thống Ford đã nói lên lòng ngưỡng mộ và sự cam kết đến một số vấn đề do các Đức Giám Mục đưa ra bao gồm đến việc phá thai.

Tổng Thống Ford nói "phá thai theo nhu cầu là sai lầm" và thêm rằng mọi tiểu bang nên có một quyền lập hiến để kiềm chế nạn phá thai, và ông cũng bày tỏ niềm tin rằng những luật như thế cần "nhận thức và lo toan trong những trường hợp ngoại lệ".

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Tổng Thống Ford đã thiết lập một Ủy Ban Ân Xá trong đó có 2 linh mục tên tuổi được nhiều người biết tới đó là viện trưởng Đại Học Nottre Dame, Cha Theodore M. Hesburgh Dòng Thánh Giá và Đức Ông Francis Lally, Thư Ký trong Ủy Ban Phát Triển Xã Hội và Hòa Bình Thế Giới của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ủy Ban Ân Xá nhằm cứu xét từng trường hợp đến những người trốn tòng quân và đào ngũ vì nố lương tâm trong chiến tranh Việt Nam.

Tổng Thống Ford đã tiếp xúc và gặp gỡ các vị lãnh đạo Công Giáo để bàn đến một số vấn đề mà quốc gia Hoa Kỳ đang đối đầu, bao gồm đến nạn phá thai, sức khoẻ và chính sách an sinh xã hội, những người tị nạn từ Việt Nam và Cambodia, chính sách cải cách di dân và các vấn đến trợ giúp nhân đạo và nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Năm 1975, Tổng Thống Gerald Ford đã triều yết Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong chuyến đi tại Âu Châu.

Vào tháng 8/1975, trước làn sóng vượt biên ồ ạt bằng thuyền từ Việt Nam đã đặt chân lên đất Indonesia, Mã Lai, Thái Lan hay bằng đường bộ tới Thái Lan, Tổng Thống Ford đã viếng thăm các văn phòng tái định cư của Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ USCC (nay là Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ USCCB) tại Fort Chaffee, Ark., để bày tỏ lòng cám ơn đến sự đóng góp đến việc định cư của hơn một nửa số người tị nạn đặc biệt là những người tị nạn từ Việt Nam.

Tổng Thống Ford đã tăng gấp đôi các chương trình trợ giúp Thực Phẩm cho Hòa Bình của Hoa Kỳ và trong một bài diến văn tại Đại Học Notre Dame, ông đã cảnh giác chống lại nạn lạm pháp và nền kinh tế thoái hóa tại Hoa Kỳ để rút đi trách nhiệm dẫn đến việc triệt thoái quân đội Hoa Kỳ tại các quốc gia nghèo, ông tuyên bố "thật không an toàn tại bất kỳ quốc gia nào trong cảnh nghèo đói, thiếu giáo dục và tuyệt vọng".

Cậu Gerald Rudolph Ford sinh ngày 14/7/1913, tại Omah, Neb., và tên là Leslie King Jr. Khi được 2 tuổi, vì không chịu nổi sự hành hạ đánh đập của người chồng, mẹ của Ford phải sống ly dị và dời về sinh sống ở Grand Rapids, Mich. Tại đây người mẹ đã gặp và cưới ông Gerald R. Ford là một người thợ sơn với trình độ mới lớp 8. Chính Gerald R. Ford đã thừa nhận đứa con riêng Leslie King Jr của người vợ và lấy chính tên mình để đặt cho nó cho nên Leslie King Jr đã mang tên Gerald Rudolph Ford. Cậu Gerald Rudolph Ford không hề hay biết người cha trong gia đình không phải là bố ruột cho đến khi cậu được 17 tuổi.

Thật vậy, khi đang đi học Gerald Ford đã trở thành một người vô địch trong Đội Bóng Đá (football) của trường Trung Học Trojans, với một thân hình to lớn cao gần 1.9 mét tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ với một giọng khàn khàn và nụ cười toe toét dễ thương. Người mẹ và người bố nuôi thường nói rằng "con là sản phẩm của một gia đình tan vỡ". Gerald Ford chỉ tưởng rằng đó là một câu nói đùa nhưng Gerald Ford đã khám phá ra được đó là câu nói thật cho đến một ngày.. khi đang đi học Ford đã đi rửa chén và bồi bàn trong nhà hàng người Hy Lạp kiếm thêm chút tiền còm để xài, người cha ruột của Gerald Ford đã xuất hiện và nói với Ford "Cha là bố của con". Gerald Ford thật hốt hoảng và cảm thấy sốc", trong đêm đó, Gerald Ford không ngủ được và ngậm ngùi khóc suốt đêm, kèm theo hình ảnh của một người cha "ích kỷ, vô tư lự, không thiết tha gì đến niềm hy vọng và ước mơ của thằng con trai đầu lòng".

Sau một nửa thế kỷ, Gerald Ford vẫn còn nỗi niềm cay đắng đã kể lại hồi ký này và nói "thật là kinh hoàng khi ông ta lại xâm nhập trên một cuộc sống gia đình mà tôi cảm thấy sống hạnh phúc với người cha nuôi, sau khi ông ta đã bỏ rơi mẹ tôi và tôi, rồi không chịu trả tiền mà tòa án đã phán quyết ông phải cung cấp tiền sinh dưỡng con". Ông bố ruột đã không hề trả một đồng nào, nhưng chính ông nội đã trả khoảng tiền thay cho đứa con mình là bố ruột của Ford cho đến khi ông nội của Ford qua đời.

Từ khi xảy ra vụ này, Gerald Ford lại càng cảm thấy khâm phục và kính trọng người cha nuôi hơn bao giờ hết.

Gerald Ford tốt nghiệp trường đại học Michigan vào năm 1935 và Trường Tuật Yale vào năm 1941. Ông tòng quân và phục vụ trong binh chủng Hải Quân từ năm 1942-1946. Sau khi giải ngũ ông phục vụ trong luật sư đoàn tại Grand Rapis. Vào năm 1948, ông được bầu vào trong quốc hội và phục vụ trong 25 năm, 8 năm cuối cùng ông được bầu làm người lãnh đạo thiểu số thuộc đảng Dân Chủ.

Tháng 10/1973, khi phó Tổng Thống Spiro T. Agnew phải từ chức vì tội gian lận thuế. Ford trở thành vị phó Tổng Thống theo điều khoảng bổ xung thứ 25 trong việc tuyển chọn phó tổng thống

Vào một năm sau, khi Tổng Thống Nixon từ chức, Gerald Rudolp Ford đương nhiên trở thành vị Tổng Thống thứ 38 của Hoa Kỳ mà không phải qua cuộc bầu cử do dân tuyển chọn.

Vị sự tha thứ của Tổng Thống Ford đối với cựu Tổng Thống Nixon, Gerald Ford đã thất cử với Jimmy Carter trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống kế tiếp với số phiếu rất ngang ngửa. Trong buổi tuyên thệ Tổng Thống thứ 39, Tổng Thống Jimmy Carter bày tỏ lòng cám ơn đến vị tiền nhiệm "vì tất cả những gì ông đã làm để hàn gắn cho đất nước chúng ta".

Trở về cuộc đời dân sự sau khi thất cử Tổng Thống, Ford và người vợ Betty đã trở về sinh sống ẩn dật tại Rancho Mirage. Gerald Rudolph Ford ra đi để lại người vợ và 4 người con Michael, Jack, Steven và Susan cùng các cháu.

Để tưởng nhớ cựu Tổng Thống Gerald R. Ford, Tổng Thống George W. Bush đã ra lệnh treo cờ rũ trong 30 ngày và trong ngày quốc táng 2/1/2007, tất cả các cơ sở hành chính của chính phủ phải đóng cửa.

(còn tiếp một kỳ)