Vatican – Mặc dầu Iraq hiện nay có một chính quyền dân chủ, nhưng dưới thời nhà cựu độc tài Saddam Hussein, các Kitô hữu Iraq được an toàn hơn và được che chở nhiều hơn. Đó là phát biểu của vị hồng y sắp trở thành chủ tịch Hội đồng Đối thoại Liên tôn của Tòa thánh.

Năm 2003, khi cuộc xâm lăng Iraq do Hoa kỳ lãnh đạo khởi đầu, Đức Hồng Y người Pháp Jean-Louis Tauran – sẽ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn vào ngày 1 tháng 9 sắp tới - đã chỉ trích kế hoạch đánh phủ đầu của chính phủ Mỹ và nói rằng cuộc chiến tranh đơn phương chống Iraq sẽ là “tội ác chống lại hòa bình.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho nguyệt san 30 Giorni (Ý), Đức Hồng Y nói rằng những phê phán của ngài đúng là một lời tiên báo:

“Các sự việc xảy ra đã nói lên đầy đủ cả. Làm cho cộng đồng quốc tế bị mọi người xa lánh (bằng việc Mỹ thúc đẩy chiến tranh) là một lỗi lầm.” Đó là phát biểu của ngài đăng trên tạp chí số ra ngày 10 tháng 8. Một bản sao cuộc phỏng vấn đã được phổ biến trước cho ký giả các báo.

Ngài cho biết rằng một cuộc “tiến công không chính đáng” đã được dùng để lật đổ Saddam khỏi chính quyền, kết quả là sự hỗn loạn ngày càng gia tăng tại Iraq.

“Quyền lực hiện nằm trong tay kẻ mạnh nhất – đó là nhóm Shiites – và cả nước chìm trong cuộc nội chiến phe phái (giữa các tín đồ Hồi giáo Sunni và Shiite) và ngay cả người Kitô hữu họ cũng chẳng tha.

Ngài nói: Người theo Kitô giáo, “nghịch lý thay, dưới thời độc tài lại được che chở nhiều hơn”.

Đức Hồng Y Tauran là nhà ngoại giao kỳ cựu của Tòa thánh và là chuyên viên về sự vụ quốc tế. Ngài đã từng là “bộ trưởng ngoại giao” dưới thời cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là viên chức điều hành mọi chính sách ngoại giao của Tòa thánh Vatican từ năm 1990 đến 2003.

Ngài cho biết chức vụ mới được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Đối thoại Liên tôn mang theo “trách nhiệm lớn lao” nhưng ngài cũng thấy đó là một chương sách mới trong công tác phục vụ Tòa thánh của ngài. Đức Hồng Y sẽ có trách nhiệm giám sát các nỗ lực đối thoại của Tòa thánh Vatican với những đại diện của các tôn giáo không phải là Kitô giáo, bao gồm cả đạo Hồi.

Ngài được bổ nhiệm ngày 25 tháng 6 vừa qua, và như vậy đã làm nhẹ bớt đi các mối lo ngại tạo ra do quyết định tạm thời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sát nhập hai chức chủ tịch các Hội đồng Đối thoại Liên tôn với Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, e rằng với quyết định đó Vatican làm giảm thiểu đi các nỗ lực liên lạc với các tôn giáo khác.

Đức Hồng Y Tauran nói với báo 30 Giorni: “Chúng tôi phải làm mọi cách để các tôn giáo gieo rắc tình huynh đệ chứ không phải hận thù.”

Các nỗ lực của Tòa thánh trong việc xây dựng nhịp cầu nối kết với Hồi giáo đã bị khựng lại khi phát biểu của Đức Thánh Cha về Hồi giáo tại Regensburg (Đức) hồi tháng 9 năm ngoái đã gây nên những phản ứng tiêu cực khắp thế giới Hồi giáo.

Khi được hỏi là diễn văn của Đức Thánh Cha tại Regensberg có làm phương hại đến các nỗ lực đối thoại với người Hồi giáo của Tòa thánh hay không, Đức Hồng Y trả lời: “Lúc đầu thì có.”

“Nhưng về sau, nhất là trong cuộc công du tới nướcThổ nhĩ kỳ sau đó, Đức Thánh Cha đã giải thích tư tưởng của mình một cách rất rõ ràng.”

Đức Hồng Y nói Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là người rất tôn trọng Hồi giáo.

Các tranh luận xuất phát từ bài diễn văn tại Regensberg chỉ làm nổi bật sự quan trọng phải có một phân bộ đặc biệt của Tòa thánh chuyên lo về việc đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo khác.

“Cảm tạ Chúa vì các giải thích sai lầm bài diễn văn tại Regensberg đã không làm ngưng sự phát triển các mối liên lạc - cả quan hệ ngoại giao nữa – với các quốc gia theo Hồi giáo, Đức Hồng Y cho biết như vậy và đưa ra thí dụ về việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ mới đây giữa Tòa thánh và Liên Hiệp Vương quốc Ả Rập (United Arab Emirates).

Theo Đức Hồng Y Tauran thì trong chức vụ chủ tịch Văn phòng Đối thoại Liên tôn của Tòa thánh, ngài sẽ dùng thông điệp “Nostra Aetate” làm kim chỉ nam, đó là tuyên ngôn của Công đồng Vatican 2 về mối liên hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

“Xem xét mọi điều mà nhân loại cùng có chung với nhau…, đề cao công lý và sự thánh thiện hiện hữu nơi các tôn giáo khác” sẽ là một trong các mục tiêu của hội đồng. Nhưng việc theo đuổi để tìm hiểu những người khác sẽ là cơ hội cho việc can đảm làm chứng nhân cho con “đường, sự thật và sự sống” của Đức Giêsu.

“Trong ý nghĩa này, ngài nói, lộ trình của chúng tôi hiển nhiên là tuyên ngôn “Dominus Jesus” tức là tài liệu năm 2000 của Bộ Giáo lý và Tín lý của Tòa thánh tuyên xưng rằng Đức Kitô và Giáo hội là những yếu tố cần thiết cho ơn cứu độ.

Công tác đối thoại liên tôn sẽ triển dương ý tưởng này: mọi tôn giáo đều bình đẳng, nhưng mọi tôn giáo “đang tìm kiếm Thiên Chúa phải được tôn trọng vì các tôn giáo đó cùng có chung một phẩm cách.”