Từ ngày Giáo Hội Công Giáo chính thức mở văn khố liên quan đến triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII, nhiều học giả đã cho phổ biến nhiều tài liệu để chứng tỏ quan điểm cố hữu của họ là ngài không hề lên tiếng phê phán Quốc Xã và chính sách tàn sát người Do Thái của chúng.



Dĩ nhiên các tài liệu họ trưng dẫn đều có thật. Chỉ có điều đó là những tài liệu trong số hàng triệu tài liệu mà họ không đọc hay có đọc mà cố tình làm ngơ vì nó không vào khuôn với những định kiến có sẵn của họ về vị Giáo Hoàng này. Và nếu xét rộng hơn thì sử gia không thể dựa vào một sự kiện, vào một thời gian và nơi chốn đặc thù nào đó để có thể đánh giá đúng một triều Giáo Hoàng dài đến gần 20 năm và đầy các biến động như triều Giáo Hoàng của Đức Piô XII.

Để rộng đường phân định, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy một số sự kiện lịch sử liên quan tới vị giáo hoàng mà Giáo Hội Công Giáo đã nhìn nhận là Đấng Đáng Kính, nhưng bị những người phê phán ngài làm ngơ.

Thông điệp Giáng sinh 1942

Trước nhất là các thông điệp truyền thanh. Như bài Nhận định ý thức hệ một chiều của David Kertz đối với lập trường của Đức Piô XII trong Thế chiến II trên Vietcatholic ngày 11 tháng 6, 2022 đã viết: Đức Piô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên dùng đài phát thanh Vatican để truyền đi các thông điệp Giáng sinh của ngài. Thông điệp Giáng sinh 1942 đã lên án chính sách kỳ thị và sát hại dựa trên yếu tố tôn giáo và chủng tộc của Quốc Xã.

Tuy nhiên, trước đó, theo hãng thông tấn Jewish Telegraphic Agency (JTA) trên bản tin ngày 24 tháng Giêng năm 1940 (https://www.jta.org/archive/nazi-atrocities-in-poland-held-affront-to-mankind-in-vatican-broadcast), “Đài phát thanh Vatican hôm qua đã phát đi một bài tố cáo thẳng thừng các hành động tàn bạo và ngược đãi của người Đức ở Ba Lan bị Quốc xã chiếm đóng; đài này tuyên bố rằng chúng xúc phạm đến ‘lương tâm đạo đức của nhân loại’. Chương trình phát sóng đã trích dẫn ‘chứng từ đáng tin cậy của những người chứng kiến tận mắt các nỗi kinh hoàng và sự thái quá không thể bào chữa được gây ra cho những người không nơi nương tựa và vô gia cư, cũng như hòa bình và khiêm tốn như bất cứ người nào ở châu Âu’.

Đề cập đến việc áp bức ở Ba Lan do Nga chiếm đóng, chương trình phát sóng tiếp tục: ‘Thậm chí còn bạo lực và kiên quyết hơn là cuộc tấn công vào công lý và sự thích đáng sơ đẳng ở một phần của đất nước Ba Lan quy phục đã rơi vào tay chính quyền Đức. Phần giàu có nhất của Tây Ba Lan đang bị đánh cắp một cách thô lỗ từ người Ba Lan và chuyển giao cho người Đức khi các chủ sở hữu thực sự bị nhồi nhét trong những chuyến tàu hôi thối chở đến vùng Warsaw bị chiến tranh tàn phá….

Một hệ thống trục xuất và định vùng bên trong đang được tổ chức vào một trong những Mùa đông khắc nghiệt nhất của Châu Âu về các nguyên tắc và phương pháp chỉ có thể mô tả là tàn bạo. Và nạn đói nghiêm trọng khiến 70% dân số Ba Lan phải đương đầu khi lượng thực phẩm và phương tiện dự trữ của họ bị chuyển đến Đức để bổ sung kho lẫm ở đấy. Người Do Thái và người Ba Lan đang bị dồn vào những khu biệt lập riêng, bị giam kín một cách chặt chẽ và không thỏa đáng đối với sự sinh tồn kinh tế của hàng triệu người sống ở đó.... Người ta đã thêm vào trách nhiệm đáng sợ và lớn lao một sự lăng nhục nặng nề nữa đối với lương tâm đạo đức của nhân loại, một sỉ nhục khinh thường luật pháp của các quốc gia, một nhát gươm nữa mở toang trái tim vị cha chung của gia đình Kitô giáo, người vốn đau buồn với Ba Lan thân yêu của ngài và cầu xin một nền hòa bình thích đáng và công bằng từ ngai ân sủng. "

Rõ ràng nội dung cuộc phát tuyến trên do lệnh của Đức Piô XII. Giáng sinh 1942, chính ngài lên tiếng một cách chính thức bằng một thông điệp dài tới 24 trang. Theo từ điển mở Wikipedia, từ tháng 5 năm 1942, Quốc Xã bắt đầu chính sách Final Solution, hay Diệt Chủng, đối với người Do Thái. 7 tháng sau, Đức Piô XII đọc thông điệp Giáng Sinh của ngài.

Thông điệp dài tới 26 trang, hơn 5 ngàn chữ, phải 45 phút mới đọc xong. Phần lớn thông điệp nói tổng quát tới nhân quyền và xã hội dân sự. Sau khi tỏ lòng mong ước mọi người cương quyết đưa ra lời thề hứa long trọng sẽ không an nghỉ “cho tới lúc ở mọi dân tộc và ở mọi quốc gia trên trái đất, một liên minh rộng lớn sẽ được thành lập từ những nhóm người này, những người, có xu hướng muốn đưa xã hội trở lại với tâm điểm sức hút của nó tức luật Thiên Chúa, vốn có khát vọng phục vụ nhân vị và cuộc sống chung được Thiên Chúa ban phẩm giá của họ”, ngài rõ ràng chĩa mũi dùi vào Quốc Xã: “Nhân loại nợ lời thề hứa này với hàng trăm ngàn người, tuy không có lỗi gì, đôi khi chỉ vì quốc tịch hay sắc tộc, đã và đang bị qui cho cái chết hay từ từ hủy diệt”

Chỉ có bấy nhiêu dòng, và dù không đích danh nêu tên Quốc Xã hay người Do Thái, nhưng trong bối cảnh Diệt Chủng, không ai lại không hiểu lời đó nhằm lên án cuộc Diệt Chủng Do Thái của Quốc xã.

Nhận định về thông điệp trên, tờ New York Times hồi ấy (xin xem https://www.catholicleague.org/the-new-york-times-editorials-praising-pope-pius-xii/), nhận định rằng: “Hơn bao giờ hết, Lễ Giáng sinh này Đức Piô XII là tiếng nói đơn độc la lên giữa sự im lặng của một lục địa. Bục giảng từ đó ngài lên tiếng, hơn bao giờ hết, giống như Đá Tảng trên đó Giáo Hội đã được xây dựng, một hòn đảo tí hon bị đánh phá và bao vây bởi đại dương chiến tranh. Trong những hoàn cảnh ấy, đúng hơn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai mong đợi Đức Giáo Hoàng lên tiếng như một nhà lãnh đạo chính trị, hay như một nhà lãnh đạo chiến tranh, hay trong bất cứ vai trò nào khác hơn vai trò một vị giảng thuyết được sắp đặt đứng trên mọi trận tuyến, buộc phải giữ tính vô tư, như chính ngài cho biết, đối với mọi và sẵn lòng hợp tác vào bất cứ trật tự nào miễn là đem lại một nền hòa bình công chính.

Nhưng chính vì Đức Giáo Hoàng nói với và theo một nghĩa nào đó thay cho mọi dân tộc lâm chiến, nên lập trường rõ ràng của ngài đối với các vấn đề căn bản của cuộc xung đột có sức nặng và thẩm quyền lớn hơn. Khi một nhà lãnh đạo bị buộc phải vô tư với các quốc gia ở cả hai bên lên án là dị giáo hình thức nhà nước quốc gia mới, buộc mọi sự phải phục tùng mình: khi ngài tuyên bố rằng bất cứ ai muốn hòa bình phải bảo vệ chống 'các cuộc tấn công tùy tiện', cho 'sự an toàn hợp pháp của các cá nhân'; khi ngài lên án bạo lực chiếm đóng lãnh thổ, lưu đày và bắt bớ con người không vì lý do gì khác ngoài chủng tộc hoặc quan điểm chính trị; khi ngài nói rằng mọi người phải đấu tranh cho một nền hòa bình công bằng và thích đáng, một 'nền hòa bình hoàn toàn' - 'sự phán đoán vô tư' giống như một phán quyết tại một tòa án công lý cấp cao.

Đức Giáo Hoàng Piô phát biểu một cách say mê, như bất cứ nhà lãnh đạo nào ở phía chúng ta, mục tiêu của cuộc chiến là đấu tranh cho tự do khi ngài nói rằng những ai hướng tới việc xây dựng một thế giới mới phải đấu tranh cho việc tự do lựa chọn chính phủ và trật tự tôn giáo của họ. Họ phải bác bỏ việc nhà nước biến các cá nhân thành một bầy đàn mà nhà nước có thể vứt bỏ nếu họ trở thành hết sinh khí”.

Ấy thế mà cũng tờ New York Times này năm 2022 thay đổi hẳn tác phong. Trong ngày ra mắt cuốn sách mới xuất bản của Kerzt, Jason Horowitz của tờ này, ngày 27 tháng 5, 2022, gọi Tòa Thánh là “đại bản doanh xưa của Tòa Án Dị Giáo Rôma Thánh thiện”, là “một trong những định chế tăm tối nhất trần gian”, gọi Kertz là “người đao bới hữu hiệu nhất các tội lỗi giấu kín của Vatican”, “một học giả đày thận trọng” (xem https://www.nytimes.com/2022/05/27/world/europe/vatican-history-secrets-david-kertzer.html).

Harold Hilgard Tittmann, Jr., đại diện Tổng thống Roosevelt bên cạnh Tòa Thánh, tuy làm áp lực để Đức Piô XII nói mạnh hơn, nhưng đã đánh điện tín cho Bộ Ngoại Giáo Hoa Kỳ rằng “xét chung, thông điệp được coi như lời kết tội chủ nghĩa toàn trị. Mặt khác, việc nhắc đến cuộc bách hại và các cuộc trục xuất hàng loạt người Do Thái là điều không thể lầm lẫn được”.

Thông điệp có tiếng vang mạnh nơi Giáo Hội Hòa Lan. Đức cha Johannes de Jong, Tổng Giám Mục Utretch, coi thông điệp đó như dấu hiệu để người Công Giáo công khai đối đầu với Quốc Xã. Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoà Lan sau đó cho là đã “theo nẻo đường Đức Thánh Cha vạch ra”, nhưng thư mục vụ đi xa đến nỗi đã chỉ đích danh Quốc Xã và kết quả là sau đó, chiến dịch bách hại người Công Giáo và Do Thái Hòa Lan lên cao độ.

Đức Cha Konrad von Preysing của Berlin coi thông điệp đó nói tới người Do Thái, nhưng cho rằng chưa nói rõ đủ. Người Công Giáo Ba Lan cũng cho rằng Đức Giáo Hoàng nên chỉ đích danh kẻ gây kinh hoàng.

Tony Humeston (http://www.catholicmessenger.net/2010/12/popes-1942-christmas-message-offered-hope/) thuật lại phản ứng của xứ đạo ông ở Hoa Kỳ ngày Giáng sinh 1942: “Cha Heinen nói về cuộc chiến kinh hoàng và lòng can đảm của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Ngài nói với chúng tôi thông điệp Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng là một lời tố cáo gay gắt việc Quốc Xã đối xử với người Do Thái, và Đức Giáo Hoàng đọc thông điệp đó trong lúc đang ở Rome bị bao vây bởi bọn Quốc Xã và Phátxít”. Humeston nhắc đến nội dung bài nhận định của tờ New York Times như trên.

Riêng với Đức thì sao, họ hiểu thông điệp của Đức Piô XII như thế nào? Giáo sĩ Do Thái David G. Dalin (https://www.catholiceducation.org/en/controversy/common-misconceptions/a-righteous-gentile-pope-pius-xii-and-the-jews.html) cũng như học giả và giáo sư luật Ronald Rychlak (https://www.eurasiareview.com/10042018-the-flaws-in-cnns-episode-on-pius-xii-oped/) đều quả quyết rằng theo một phúc trình của Văn phòng An ninh Cao cấp của Heinrich Himmler “Một cách chưa từng biết trước đây, Giáo Hoàng đã bác bỏ Trật tự Âu châu Mới của Quốc Xã... Đúng là Giáo Hoàng không nhắc đích danh những người Quốc Xã ở Đức, nhưng ngôn từ của ông ta là một cuộc tấn công dài chống lại mọi điều chúng ta đại diện cho... Ông ta nói Thiên Chúa coi mọi người và mọi chủng tộc đều đáng được xem xét như nhau. Ở đây, ông ta rõ ràng nói thay cho người Do Thái... Ông ta gần như tố cáo dân tộc Đức bất công đối với người Do Thái, và tự biến ông ta thành cái loa cho những tên tội phạm chiến tranh Do Thái”.

Giáo sĩ Do Thái Dalin viết thêm rằng trong bài giảng Lễ Phục sinh năm 1940, Đức Piô XII lên án việc Quốc Xã ném bom các công dân, người già và ốm đau, cùng các trẻ thơ vô tội. Ngày 11 tháng 5, 1940, ngài công khai kết án cuộc xâm lược Bỉ, Hòa Lan, và Lục Xâm Bảo. Tháng 6, 1942, ngài lớn tiếng chống lại việc trục xuất hàng loạt người Do Thái khỏi Pháp lúc đó do Đức chiếm đóng, đồng thời chỉ thị cho sứ thần Tòa Thánh ở Paris phản đối Thống chế Henri Pétain vì “vô nhân đạo giam giữ và trục xuất người Do Thái khỏi các vùng Nước Pháp bị chiếm đóng tới Silesia và nhiều phần của Nga”.

Tờ The London Times, ngày 1 tháng 10, 1942, minh nhiên ca ngợi ngài đã lên án Quốc Xã và công khai trợ giúp người Do Thái nạn nhân của khủng bố Do Thái. Tờ báo này viết: “Một nghiên cứu lời lẽ Đức Piô XII từng phát biểu từ ngày mới lên ngôi sẽ không chừa chỗ cho hoài nghi. Ngài lên án việc tôn tờ bạo lực và các biểu hiện cụ thể của nó trong việc dẹp bỏ các tự do quốc gia và trong việc bách hại chủng tộc Do Thái”.

Nói về những phát biểu chống Quốc Xã của Đức Piô XII, Kate Guilfoyle, trên tuần san The Catholic Weekly của tổng giáo phận Sydney (https://www.catholicweekly.com.au/pius-xii-the-pope-who-fought-hitler/) ngày 18 tháng 10 năm 2018, dựa vào nhà ngoại giao và sử học Do Thái Pinchas Lapide, đã liệt kê nhiều phát biểu như thế: trong số 44 bài diễn văn giữa năm 1917 và năm 1929, ít nhất 40 bài có nội dung chống Quốc Xã hoặc lên án các lý thuyết của Hitler. Tháng 3 năm 1935, Đức Hồng Y Pacelli viết một thư ngỏ cho Tổng Giám Mục Cologne, gọi những tên Quốc Xã là “các tiên tri giả với sự kiêu ngạo của Lucifer”. Ngày 28 tháng 4, 1935, tại Lộ Đức trong Tam nhật Thánh thể, trước 250,000 tới 350,000 khách hành hương, vị Giáo Hoàng tương lai Piô XII lên án những tên Quốc Xã ý thức hệ chỉ chuyên: “đạo văn một cách vụng về, mặc cho các sai lầm xưa bộ áo mới. Bất kể có phải chúng tập họp quanh lá cờ cách mạng xã hội, bất kể có phải chúng bị hướng dẫn bởi quan niệm sai lạc về thế giới và sự sống hay chúng bị ám ảnh bởi mê tín chủng tộc và tôn thờ dòng máu”. Ngày 13 tháng 7 năm 1937, tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris, trước hàng ngàn khách hành hương, ngài mô tả bọn Quốc Xã như “những lãnh tụ xấu xa của dân tộc cao thượng và hùng mạnh đó muốn dẫn dân tộc này ra sai lạc đi vào việc thờ ngẫu thần chủng tộc”.

Theo Lapide, ai cũng biết Đức Hồng Y Pacelli, tức Đức Piô XII trong tương lai, đứng đàng sau thông điệp Mit Brennender Sorge (“với nỗi lo âu cháy lòng”), minh nhiên lên án chủ nghĩa Quốc Xã của Đức Piô XI năm 1937. Thành thử một ngày sau khi thông điệp được công bố, tờ Voelkischer Beobachter cho đăng xã luận nói về “Thiên Chúa Do Thái và Các Đại diện của Người ở Rome” khẳng định rằng “Piô XI nửa người là Do Thái còn Hồng Y Pacelli trọn người là Do Thái”.

Chính vì thế, trước ngày bầu ngài làm Giáo Hoàng, tạp chí Quốc Xã Das Reich lặp lại câu nói trên, và sau khi ngài được bầu, tờ Berliner Morgenpost viết: “Việc bầu Hồng Y Pacelli không được hoan hô ở Đức, vì ngài luôn thù nghịch đối với Chủ Nghĩa Quốc Xã”. Và nên nhớ, họ là quốc gia duy nhất không cử đại diện tham dự lễ đăng quang của ngài.

Ngày 27 tháng 10 năm 1939, trong tư cách tân Giáo Hoàng, ngài ban hành thông điệp Summi Pontificatus. Những người chống đối ngài bác bỏ mọi nội dung công khai chống Quốc Xã. Nhưng bọn Quốc xã không nghĩ như thế. Khi không quân Anh và không quân Pháp thả 88,000 bản của thông điệp này xuống Đức, trùm Gestapo là Heinrich Himmler cho rằng thông điệp này “hoàn toàn nhằm chống lại Nước Đức”.

Guilfoyle cho rằng năm 1942, Đức Piô XII bị phê phán khi không ký vào bản Tuyên Ngôn của Đồng Minh năm ấy chống lại chính sách tàn bạo của Quốc Xã đối với người Do Thái. Ngài làm thế không hẳn vì muốn im lặng cho bằng ngài không đứng về bên chính trị và quân sự nào trong Thế chiến II. Nhưng tới Giáng sinh năm này, trong tư cách một nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài đã lên tiếng qua thông điệp Giáng Sinh dài 45 phút của riêng ngài.

Ngày 27 tháng 6 năm 1943, Đài Phát thanh Vatican phát đi huấn lệnh của Đức Giáo Hoàng: “Ai phân biệt giữa người Do Thái và người khác là bất trung với Thiên Chúa và trái ngược với các giới răn của Thiên Chúa”. Bộ Tuyên truyền của Đức rải truyền đơn tấn công “vị Giáo Hoàng phò Do Thái hiện nay” mà hành động vốn gây “mất niềm tin nơi ngài của thế giới Công Giáo”.

Còn 1 kỳ