1. Tuyên bố của giáo phận Saint Denis về vụ trộm cắp và đập phá các ảnh tượng tại nhà thờ Saint-Pierre ở Bondy, ngày 10 tháng Giêng năm 2022

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ phạt tạ đã được cử hành vào hôm Thứ Ba, ngày 11 tháng Giêng, lúc 7 giờ tối, do Đức Cha Pascal Delannoy, giám mục giáo phận chủ tế cùng các linh mục trong giáo phận.

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai 10 tháng Giêng, Đức Cha Pascal của giáo phận Saint Denis, cho biết như sau:

Trong khoảng từ đêm Chúa Nhật đến sáng thứ Hai ngày 10 tháng Giêng, nhà thờ Saint-Pierre ở Bondy đã bị trộm cắp và đập phá.

Tọa lạc tại trung tâm thành phố, ngôi thánh đường này được mở cửa hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối

Hôm Chúa Nhật 9 tháng Giêng, Cha Jocelyn Petitfils, phó xứ, đóng cửa nhà thờ lúc 7 giờ tối. Ngày hôm sau, một tình nguyện viên đã mở cửa một vài phút trước 8 giờ sáng, trước khi đi làm. Anh ta ngay lập tức nhận thấy rằng các hòm tiền của nhà thờ đã bị cưa bằng máy mài để lấy trộm tiền.

Được cảnh báo, Cha Petitfils đã đến hiện trường và quan sát những thiệt hại khác:

- Một cửa sổ kính màu bị vỡ

- Nhà tạm bị đập nát, bể tung và trống rỗng bên trong

- Phòng thánh có cửa bị hỏng và nơi có các đồ phụng vụ khác bị đánh cắp. Máy tính xách tay bị lấy mất. Căn phòng bị lục tung.

Cuối buổi sáng, cảnh sát khoa học hình sự phân tích hiện trường đã đến tiếp theo là các đội kỹ thuật của tòa thị chính. Giáo phận Saint-Denis-en-France đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát.
Source:/saint-denis.catholique.fr

2. Tòa Giám Quản Rôma lên án vụ phủ cờ chữ vạn lên quan tài trong đám tang

Hôm thứ Ba 11 tháng Giêng, Tòa Giám Quản Rôma, đã mạnh mẽ lên án một hành vi diễn ra bên ngoài một ngôi thánh đường là “xúc phạm và không thể chấp nhận được”. Sau khi quan tài được đưa ra khỏi nhà thờ sau một đám tang, những người đưa tang đã phủ lên quan tài lá cờ Đức Quốc xã và giơ tay chào theo kiểu phát xít.

Các bức ảnh và video về cảnh bên ngoài nhà thờ Thánh Lucia sau lễ tang hôm thứ Hai đã được cổng thông tin trực tuyến Open của Ý đăng tải. Các bức ảnh và video này cho thấy khoảng hai chục người đang tụ tập bên ngoài nhà thờ chung quanh một chiếc quan tài phủ một lá cờ hình chữ vạn và hét lên “Presente!”, nghĩa là “Có mặt!” với cánh tay phải của họ giơ lên theo theo kiểu chào của bọn phát xít.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba, Tòa Giám Quản Rôma đã lên án mạnh mẽ cảnh tượng này và nhấn mạnh rằng cả cha xứ, cũng như linh mục cử hành tang lễ, đều không biết những gì sẽ diễn ra bên ngoài sau khi thánh lễ an táng kết thúc.

Tuyên bố gọi lá cờ Đức Quốc xã có thêu hình chữ vạn là “một biểu tượng kinh khủng không thể tương hợp với Kitô Giáo.”

Tuyên bố cho biết: “Sự lạm dụng một biểu tượng ý thức hệ và bạo lực, đặc biệt là ngay sau một hành động thờ phượng gần một địa điểm linh thiêng, là rất nghiêm trọng, gây xúc phạm và không thể chấp nhận được đối với cộng đồng Giáo Hội ở Rôma và đối với tất cả những người có thiện chí trong thành phố của chúng ta”.

Tuyên bố dẫn lời linh mục quản xứ, là Cha Alessandro Zenobbi, cho biết bản thân ngài và Giáo Hội lên án một cách mạnh mẽ “mọi lời nói, cử chỉ và biểu tượng đã được sử dụng bên ngoài nhà thờ, vốn xuất phát từ các ý thức hệ cực đoan đối nghịch với thông điệp của Phúc âm của Chúa Kitô”.

Các bản tin Ý xác định người chết là một cựu chiến binh 44 tuổi của nhóm cực hữu Forza Nuova, người đã chết vào cuối tuần qua vì cục máu đông.

Về mặt kỹ thuật, Đức Thánh Cha Phanxicô là Giám Mục của Rôma, nhưng ngài giao quyền quản lý hàng ngày của giáo phận cho vị Giám Quản của ngài, là Đức Hồng Y Angelo De Donatis.
Source:AP

3. Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bolivia xét nghiệm dương tính với COVID-19

Văn phòng báo chí của Tòa Tổng Giám Mục Sucre báo cáo rằng Đức Hồng Y Ricardo Centellas Guzman,Tổng Giám Mục và cũng là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Bolivia,, có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong những ngày gần đây, nhưng đang trong tình trạng ổn định, tuân thủ các biện pháp cách ly.

Tuyên bố của Tòa Tổng Giám Mục cho biết:

“Cách đây vài ngày, chính xác là một tuần, Đức Tổng Giám Mục của chúng ta đã xuất hiện các triệu chứng nhẹ của COVID, vì lý do này, một xét nghiệm chẩn đoán đã được thực hiện, Đức Hồng Y Centellas đã có kết quả dương tính với coronavirus.”

Theo báo cáo y tế gần đây nhất, tình trạng của Đức Tổng Giám Mục ổn định, và ngài đang tuân thủ các biện pháp cách ly. Văn phòng báo chí cho biết thêm: “Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của các tín hữu, giới truyền thông và toàn thể người Công Giáo.

“Sự tôn trọng đối với phần còn lại và sự cách ly của Đức Hồng Y của chúng ta” cũng được yêu cầu.

Tòa Tổng Giám mục giải thích rằng sự lây lan xảy ra “sau những công việc mục vụ không mệt mỏi của Đức Hồng Y được thực hiện tại các thị trấn và thành phố trong đó ngài ban bí tích Thêm Sức cho hơn 10,000 thanh thiếu niên trong khoảng 200 nhà thờ thuộc 29 thành phố trong miền Chuquisaca”.

Văn phòng báo chí cũng lưu ý rằng có những trường hợp dương tính trong “các linh mục, và tu sĩ nam nữ, nhưng những trường hợp này không làm ảnh hưởng đến các cử hành Phụng Vụ và các dịch vụ khác được cung cấp cho người dân.”

Hôm Thứ Ba, ngày 11 tháng Giêng, một tuyên bố của Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Bolivia cũng thông báo rằng Đức Hồng Y Toribio Porco Ticona, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Corocoro, cũng được chẩn đoán dương tính với COVID-19.

Thông cáo cho biết thêm: “Hiện tại, Đức Hồng Y đang được chăm sóc y tế đầy đủ với tất cả các kế hoạch an toàn sinh học, và được thông báo rằng sức khỏe của ngài đã ổn định. Chúng tôi kêu gọi dân Chúa cùng cầu nguyện thêm để sức khỏe của Đức Hồng Y Toribio và các bệnh nhân COVID-19 được phục hồi nhanh chóng”.

Như thế, tính cho đến nay đã có 27 vị Hồng Y bị nhiễm coronavirus, trong đó, đáng buồn là 3 vị Hồng Y đã thiệt mạng.

Văn phòng báo chí của Tòa Tổng Giám Mục Sucre yêu cầu ở cuối thông điệp rằng “chúng tôi xin anh chị em cầu nguyện thêm cho Giáo Hội và cho người dân của chúng ta, hy vọng rằng tình huống khó khăn như thế này sẽ sớm qua đi. Chúng tôi cũng kêu gọi sự quan tâm có trách nhiệm của tất cả chúng ta, những người sống ở đây trong vùng đất được Chúa chúc lành”.

Hôm 10 tháng Giêng, Bộ trưởng Bộ Y tế và Thể thao Jeyson Auza cho biết Bolivia đã đạt số ca nhiễm kỷ lục với 60,801 ca trong tuần đầu tiên của năm 2022. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống còn 0.6% các trường hợp nhiễm coronavirus.

Auza đã xác nhận sự lưu hành của biến thể omicron trong nước, nhưng ông giải thích rằng nó không phải là một biến thể chiếm ưu thế, biến thể Delta vẫn tiếp tục chiếm ưu thế và “điều đó khiến chúng tôi lo lắng hơn, tuy nhiên, chiến lược giảm thiểu và tiêm chủng không có gì thay đổi”.
Source:ACIPrensa

4. Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: Công việc là một thành phần cốt yếu để nên thánh

Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư 12 tháng Giêng năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 1,000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ hai trong năm nay. Ngồi hàng đầu trong thính đường, có một số người khuyết tật và các đôi tân hôn.

Sau khi Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc, đến phần tôn vinh Lời Chúa, với đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (13:54-55.57) được các linh mục công bố bằng tám thứ tiếng:

“Khi về đến quê hương của Ngài, Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường của họ và dân chúng ngạc nhiên và nói: “Từ đâu ông được khôn ngoan và làm những việc lạ lùng này? Ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Và mẹ ông chẳng phải tên là Maria sao? và đối với họ đó là cớ vấp phạm.”

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ bảy này mang tựa đề: “Thánh Giuse, người thợ mộc”.

Mở đầu, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Các thánh sử Mátthêu và Máccô gọi Thánh Giuse là “bác thợ mộc”. Trước đó, chúng ta đã nghe thấy người dân ở Nadarét, khi nghe Chúa Giêsu nói, đã tự hỏi: “Đây không phải là con của bác thợ mộc hay sao?” (13:55; xem Mc 6: 3). Chúa Giêsu đã thực hành nghề của cha mình.

Thuật ngữ tekton trong tiếng Hy Lạp, được sử dụng để chỉ công việc của Thánh Giuse, đã được dịch theo nhiều cách khác nhau. Các Giáo phụ Latinh dịch là “thợ mộc”. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng vào thời Palestine của Chúa Giêsu, gỗ không chỉ được sử dụng để làm máy cày và các đồ nội thất khác nhau, mà còn dùng để xây nhà, vốn có khung bằng gỗ và mái nhà có nóc dùng làm sân làm bằng những chiếc đà nối với cành cây và đất.

Do đó, “thợ mộc” là một chữ chung chung, chỉ cả thợ mộc lẫn thợ thủ công tham gia vào các hoạt động liên quan đến xây dựng. Đó là một việc làm khá vất vả, phải làm việc với các vật liệu nặng như gỗ, đá và sắt. Xét về quan điểm kinh tế, nó không bảo đảm thu nhập lớn, như có thể suy ra từ việc Đức Maria và thánh Giuse, khi dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, chỉ dâng đôi chim gáy hoặc chim bồ câu (x. Lc 2:24), như Luật đã quy định cho người nghèo (x. Lv 12: 8).

Như thế, cậu bé Giêsu đã học nghề này từ cha mình. Vì vậy, khi trưởng thành, Người bắt đầu rao giảng, những người hàng xóm ngạc nhiên hỏi: “Nhưng người này do đâu mà có sự khôn ngoan và những công việc vĩ đại này?” (Mt 13:54), và họ đã vấp phạm vì Người (x. câu 57), vì Người là con bác thợ mộc, nhưng Người ăn nói như một luật sĩ, và họ vấp phạm vì điều này.

Sự kiện tiểu sử về Thánh Giuse và Chúa Giêsu này khiến tôi liên tưởng đến tất cả những người lao động trên thế giới, đặc biệt là những người làm công việc mệt nhọc trong các hầm mỏ và một số nhà máy nào đó; những người bị bóc lột qua công việc không có giấy tờ; các nạn nhân của lao động: chúng ta đã thấy rất nhiều cảnh này ở Ý mấy lúc gần đây; những đứa trẻ buộc phải làm việc và những em lục lọi thùng rác để tìm kiếm thứ gì đó có thể bán được...

Tôi xin nhắc lại những gì tôi đã nói: những công nhân giấu mặt, những công nhân lao động nặng nhọc trong các hầm mỏ và trong một số nhà máy nào đó: chúng ta hãy nghĩ đến họ. Chúng ta hãy nghĩ về họ. Chúng ta hãy nghĩ về những người bị bóc lột với công việc không được khai báo, những người được trả lương lậu, một cách ranh mãnh, không có lương hưu, không có bất cứ điều gì cả. Và nếu anh chị em không làm việc, anh chị em sẽ không có an sinh xã hội. Công việc không có giấy tờ. Và ngày nay có rất nhiều công việc không có giấy tờ.

[Chúng ta hãy nghĩ đến] những nạn nhân của việc làm, những người bị tai nạn lao động. Đối với những đứa trẻ bị buộc phải làm việc: điều này thật khủng khiếp! Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi, đáng lẽ được chơi, bị bắt phải lao động như một người lớn! Trẻ em bị buộc phải làm việc. Và trong số đó - những em đáng thương! - những em lục lọi các bãi rác để tìm kiếm thứ gì đó có thể bán được: các em đến các bãi rác... Tất cả những người này là anh chị em của chúng ta, những người kiếm sống bằng cách này: người ta không dành cho họ một nhân phẩm! Chúng ta hãy nghĩ về điều đó. Và điều đó đang xảy ra ngày nay, trên thế giới, điều đó đang xảy ra ngày nay.

Nhưng tôi cũng nghĩ đến những người không có việc làm. Có bao nhiêu người đi gõ cửa các nhà máy, xí nghiệp [hỏi] "Có việc gì để làm không?" - “Không, không có gì, không có gì cả". [Tôi nghĩ] đến những người cảm thấy nhân phẩm của họ bị tổn thương vì họ không thể tìm ra việc làm này. Họ trở về nhà: “Và? anh đã tìm được việc gì chưa? ” - “Không, không có gì… Anh đến Caritas và anh mang bánh mì về”. Điều mang lại phẩm giá không phải là mang bánh mì về nhà. Anh chị em có thể nhận nó từ Caritas - không, điều này không mang lại cho anh chị em phẩm giá. Điều mang lại cho anh chị em phẩm giá là kiếm được cơm bánh - và nếu chúng ta không đem lại cho người dân, đàn ông và đàn bà của chúng ta, khả năng kiếm được cơm bánh, thì đó là một sự bất công xã hội ở nơi đó, ở quốc gia đó, ở lục địa đó. Các nhà lãnh đạo phải đem lại cho mọi người khả năng kiếm được cơm bánh, vì khả năng kiếm ăn này mang lại cho họ phẩm giá. Đó là một việc xức dầu thánh cho phẩm giá, cho việc làm. Và điều này rất quan trọng.

Nhiều người trẻ, nhiều ông bố, bà mẹ trải qua thử thách khi không có một việc làm giúp họ sống thanh thản. Họ sống ngày qua ngày. Và việc tìm việc làm rất thường trở thành tuyệt vọng đến mức khiến họ mất hết hy vọng và khát vọng sống. Trong thời kỳ đại dịch này, nhiều người đã mất việc làm - chúng ta biết điều này - và một số, bị gánh nặng đè bẹp không thể chịu đựng nổi, đến mức phải tự kết liễu mạng sống mình. Tôi muốn tưởng nhớ từng người trong số họ và gia đình của họ ngày hôm nay. Chúng ta hãy dành một chút thời gian im lặng, tưởng nhớ những người đàn ông, những người đàn bà này, những người đang tuyệt vọng vì không thể tìm được việc làm.

Người ta chưa xem xét đủ sự kiện này là việc làm là một thành tố thiết yếu của đời sống con người, và thậm chí còn là con đường nên thánh nữa. Việc làm không chỉ là phương tiện kiếm sống mà thôi: nó còn là nơi chúng ta tự phát biểu, cảm thấy mình hữu dụng và học được bài học lớn về tính cụ thể, giúp giữ cho đời sống tinh thần không trở thành chủ nghĩa duy linh.

Tuy nhiên, thật không may, lao động thường là con tin cho cảnh bất công xã hội và thay vì là một phương tiện của con người, nó trở thành một ngoại vi hiện sinh. Tôi thường tự hỏi: Chúng ta làm công việc hàng ngày với tinh thần nào? Làm thế nào để chúng ta đối phó với sự mệt mỏi? Chúng ta có thấy hoạt động của mình chỉ liên quan đến vận mệnh của mình hay cũng liên quan đến vận mệnh của nhiều người khác nữa? Thực thế, việc làm là một cách phát biểu nhân cách của chúng ta, vốn tự bản chất có tính tương quan. Và, việc làm cũng là một cách để phát biểu óc sáng tạo của chúng ta: mỗi người chúng ta làm việc theo cách riêng của mình, với phong cách riêng của mình: cùng một việc làm nhưng với những phong cách khác nhau.

Thật tốt khi nghĩ tới sự kiện chính Chúa Giêsu đã làm việc và học nghề thủ công này từ Thánh Giuse. Hôm nay, chúng ta nên tự hỏi chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của việc làm; và chúng ta có thể đóng góp gì, như một Giáo hội, để việc làm có thể được cứu chuộc khỏi luận lý học lợi nhuận thuần túy và có thể được trải nghiệm như một quyền và nghĩa vụ căn bản của con người, một điều vốn phát biểu và làm tăng phẩm giá của họ.

Anh chị em thân mến, vì tất cả những điều trên, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em đọc lại lời cầu nguyện mà Thánh Phaolô VI đã dâng lên Thánh Giuse vào ngày 1 tháng 5 năm 1969:

Lạy Thánh Cả Giuse,

Đấng bảo trợ Giáo Hội!

Đấng sát cánh với Ngôi Lời thành xác phàm,

Ngài từng làm việc mỗi ngày để kiếm cơm bánh, bằng cách

rút tỉa sức mạnh từ Người để sống và lao công;

Ngài từng trải nghiệm tâm tình lo lắng cho ngày mai,

tâm tình cay đắng của nghèo đói, sự bấp bênh của việc làm:

Ngài là người hôm nay nêu gương sáng,

khiêm tốn dưới mắt người đời

nhưng được tôn vinh hơn hết dưới mắt Thiên Chúa:

Xin ngài che chở người lao động trong cuộc sống khó nhọc hàng ngày của họ,

bảo vệ họ khỏi nản lòng,

khỏi nổi loạn tiêu cực,

và khỏi những cám dỗ yêu thích khoái lạc;

và xin gìn giữ hòa bình trên thế giới,

nền hòa bình một mình nó mới có thể bảo đảm sự phát triển của các dân tộc.

Amen.