85. CÂU NÓI KỲ DIỆU CỦA KHÂU SINH

Ở tại Thường châu có ông hòa thượng giàu có chết để ở trong chùa Thiên Ninh, những ai đến viếng tang đều được tặng quà đem về, nên gọi là “quà tiễn”.

Có thân sĩ Trọng trong nhà có người chết, cũng phỏng theo cách làm của chùa Thiên Ninh.

Có một thư sinh tên Khâu vóc dáng lùn, người ta gọi là “đốc Khâu”, anh ta và thân sĩ Trọng không quen biết nhau, nhưng vì tham quà tặng của thân sĩ Trọng mà đi viếng tang, chỉ mấy ngày mà đến bốn lần lãnh bốn phần quà tặng.

Chủ nhân kinh ngạc hỏi:

- “Khi tiên nhân còn sống, chúng ta chưa hề quen biết nhau mà?”

Đốc Khâu” nói:

- “Trong bụng của người chết thì biết tôi mà !”

Ai cũng ôm bụng cười lăn.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 85:

Đi viếng tang là việc làm của tình người, là biểu lộ niềm tin của mình vào sự sống đời sau, là chia sẻ sự mất mát to lớn của tang gia.

Người chết thì không còn tranh chấp gia tài với anh em trong gia đình, không còn ghen tương với bạn bè, không còn hỉ nộ sân si với người sống, nhưng linh hồn bất tử của họ vẫn nhìn thấy những hỉ nộ sân si của người sống...

Người Ki-tô hữu biết rằng chết không phải là kết thúc nhưng là bắt đầu sự sống mới, cho nên việc đi viếng tang là một cuộc hẹn hò gặp nhau ở trên thiên đàng, là sự gởi gắm cho nhau lời cầu nguyện giữa người sống và người chết, đó chính là sự hiệp thông của tín điều Các Thánh Thông Công mà Giáo Hội công giáo đã dạy.

Hạnh phúc cho người sống và người chết, vì Đức Chúa Giê-su Ki-tô chính là nguồn hạnh phúc của họ ở đời này và đời sau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info