Nỗi niềm khi không có WC

Đến thăm các gia đình, chúng tôi chứng kiến tận mắt và cảm nhận sự bất tiện của họ. Có những gia đình sống đến 3 thế hệ nhưng vẫn chịu cảnh thiếu điều kiện vệ sinh. Khi chúng tôi hỏi sao không cố gắng làm một WC
trong nhà cho tiện lợi, ông Hải, phường Hưng Long làm nghề biển, vừa lắc đầu vừa trả lời: “Đến cái ăn còn chạy bữa no bữa đói, kiếm đâu ra mấy triệu đồng làm nhà vệ sinh tự huỷ”.

Anh Nam, Caritas Gx. Đức Thắng cho biết: “Tại phường Đức Thắng, trừ một số gia đình có điều kiện xây nhà mới thì có WC trong nhà. Còn những hộ nghèo khác mấy chục năm nay rất chật vật khi không có WC”. Khi có nhu cầu “trút bầu tâm sự” thì cả người già, trẻ con hay thanh niên có 3 giải pháp để chọn: đến nhà vệ sinh công cộng (phải trả phí), đi ngoài vườn lấy cát lấp lại, và nhiều nhất là chọn “nhà vệ sinh lộ thiên bãi biển” vừa … mát mẻ vừa tự do. Chỉ tay về khu vực bờ biển có “nhà vệ sinh lộ thiên” trước là bãi cát, ông nói: “Ngày trước, cứ mùa mưa, nước tràn vào khu dân cư gây mất vệ sinh và ô nhiễm nặng nguồn nước giếng sinh hoạt. Mùa nắng, đi qua các bãi này, có khi mùi hôi bốc lên nồng nặc”. Từ ngày nhà nước xây bờ kè, dân chúng phải mất công đoạn leo qua bờ kè thì mới “trút bầu tâm sự” được. Buổi tối, có khi vội quá, người ta cho trẻ con “bậy” luôn ngoài đường đi.

Phương, cộng tác viên của Caritas Phan Thiết, kể lại kỉ niệm dở khóc dở cười khi anh đến thăm gia đình người bạn gái cùng lớp ở phường Lạc Đạo. Đột nhiên bị đau bụng, hỏi nhà vệ sinh ở đâu thì chủ nhà nhiệt tình dắt anh ra … bờ kè. Dù trời sắp mưa nhưng anh đành gồng mình lên xe phóng về nhà mình.

Món quà ý nghĩa cải thiện cuộc sống

Theo thống kê năm 2009, mật độ dân cư của 4 phường khá đông, trong đó phường Đức Long là 17.329 người, Lạc Đạo là 14.799 người, Hưng Long là 10.203 người và Đức Thắng 8.674 người. Mấy chục năm trôi qua cuộc sống của người lao động và ngư dân ở đây vẫn trong vòng luẩn quẩn với cái nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tình trạng người dân đi vệ sinh ngoài bãi biển gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan là điều hiển nhiên ai cũng thấy và không thể lường hết được các nguy cơ bệnh tật xảy ra cho sức khoẻ người dân trong khu vực, đặc biệt là trẻ em. Khu dân cư sát biển phường Lạc Đạo và Đức Thắng có 2 nhà vệ sinh công cộng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nghe đâu trước đây phường Đức Long cũng có nhà vệ sinh công cộng nhưng đã bị sóng đánh sập.

Trao đổi về dự án này, Linh mục Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Caritas Phan Thiết cho biết: “Nhận thấy sự cấp bách cần thiết khắc phục phần nào hậu quả và tạo điều kiện sống tốt hơn bảo vệ sức khoẻ của người dân, Caritas Phan Thiết đã trình dự án làm nhà vệ sinh cho các hộ gia đình gởi cho tổ chức ERZBISTUM KÖLN của Đức. Sau 6 tháng điều nghiên, dự án được chấp nhận”. Làm sao để chọn khi có hàng trăm gia đình nghèo có nhu cầu làm nhà vệ sinh, nhưng số lượng chỉ giới hạn 40. Caritas Phan Thiết đã giao cho Ban Caritas các Giáo xứ trong khu vực chọn những gia đình không phần biệt lương giáo cần giúp đỡ nhất với tiêu chí ưu tiên nhất là gia đình nghèo, có người già và đông trẻ em.

Khởi công vào tháng 9/ 2012 đến giữa năm 2013 dự án hoàn tất mang lại niềm vui cho 40 gia đình. Với sự tận tâm và khéo tính toán, cha Huân, phó xứ Chính Tòa và ban Caritas các giáo xứ Chính Tòa, Đức Thắng và Đông Hải đã tư vấn cho các hộ gia đình dùng số tiền 6 triệu đồng được hỗ trợ để làm được một nhà vệ sinh tự hủy. Các gia đình cũng sẵn sàng đóng góp thêm vì thấy được ích lợi thực sự là mang đến sức khỏe tốt cho họ và con cái họ.

Trở lại thăm các gia đình, chúng tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trên gương mặt của họ. Bà Huỳnh Thị Mười, 79 tuổi, ngụ tại Hưng Long nói: “Có WC trong nhà thật sự thoải mái và rất vui. Tôi già cả, trước đây buổi tối hay trời mưa phải ra ngoài đi vệ sinh thật khó khăn. Đã có lần té ngã. Bây giờ thì gia đình rất an tâm”. Anh Nhường, có 3 con nhỏ ở Đức Thắng, chia sẻ: “Hai vợ chồng ao ước bấy lâu giờ mới được toại nguyện. Cùng với số tiền Caritas Phan Thiết hỗ trợ, gia đình tôi mượn thêm một ít để làm luôn cái nhà tắm, vừa sạch sẽ, vừa hợp vệ sinh”. Anh nói thêm, “Hàng xóm bên cạnh cũng có thể đi “ké” nhà vệ sinh của gia đình khi cần. Mình nhận được sự giúp đỡ của Hội Caritas thì cũng phải biết cho người khác sử dụng để họ khỏi đi “bậy” bên ngoài”. Chúng tôi nhận ra món quà “nhà vệ sinh” rất có giá trị đối với họ vì nó sẽ cải thiện mang lại một sự khác biệt lớn trong cuộc sống của họ.

Linh mục Sáng cho biết thêm: “Cùng với việc xây dựng, Caritas Phan Thiết còn giúp người dân hiểu về tác hại của việc môi trường bị ô nhiễm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người vì chung tay gìn giữ môi trường sống trong lành chính là bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng của mình. Môi trường sống tốt sẽ đem lại cho con em của họ một tương lai tươi sáng hơn”.