97. ÂM DƯƠNG ĐẢO NGƯỢC

Ở trong Mân (1) có một thầy thuốc họ Âm, và vợ của ông ta gọi là Dương thị, người ta cười đùa gọi họ là “âm dương đảo ngược”, rồi lại gọi đùa con của họ là “thầy địa lý.”

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 97:

Âm là giống cái và dương là giống đực, cho nên chồng tên Âm vợ tên Dương thì đúng là chuyện tức cười, tức cười chứ không phải là nhạo cười…

Người Ki-tô hữu thì đến nhà thờ để thờ phượng Thiên Chúa và đón nhận ơn lành của Ngài; người bên lương thì đi chùa miếu để bái lạy cúng quảy cầu phước, đó là chuyện dễ hiểu trong đời sống tín ngưỡng của mỗi người, nhưng cái đáng nhạo cười là đã mang danh người Ki-tô hữu mà vẫn đi vào chùa miếu để bái bái lạy lạy bụt thần trong ba ngày tết, hoặc tin vào những điều dị đoan mà người Ki-tô hữu không được phép làm…

Âm dương đảo ngược là lấy gốc làm ngọn và lấy ngọn làm gốc, lấy thuận làm nghịch và lấy nghịch làm thuận, chứ không phải là do cái tên mà ra, bởi vì có những người có cái tên không đẹp nhưng cuộc sống của họ rất hay và đẹp, và có những người tên rất đẹp nhưng cuộc sống của họ không mẫu mực chút nào cả…

“Ki-tô hữu” là danh từ rất đẹp và hạnh phúc, vì nó lột tả được tất cả hạnh phúc đời này và đời sau của người mang danh ấy…

(1) Tên gọi khác của tỉnh Phúc Kiến, xem từ điển Trung-Việt trang 838.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info