MỘT THOÁNG CẦN GIỜ

Tạm biệt cái nắng, cái gió của thành phố, chúng tôi ghé thăm vài điểm truyền giáo ở Cần Giờ. Chúng tôi thì đến Cần Thạnh - một xã nằm ven biển thuộc huyện Cần Giờ, cách thành phố khoảng 70 Km về hướng Đông. Hẳn mục đích chuyến thăm của chúng tôi không phải là để nghỉ mát nhưng là để nghe, nhìn, tiếp xúc, tìm hiểu và cảm thông với đời sống của những anh chị em ở vùng truyền giáo này. Bên cạnh đó, chúng tôi học h ỏi kinh nghiệm truyền giáo với quý cha, quý thầy ở đây.

Mặc dù thời gian ngắn ngủi, nhưng chúng tôi cũng đã khám phá và hiểu được phần nào về nỗi khó khăn, sự vất vả của những anh chị em cũng như của quý cha, quý thầy ở Cần Thạnh nói riêng và Cần Giờ nói chung.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Phải nói rằng, Cần Giờ là một vùng truyền giáo có nhiều thuận lợi lẫn khó khăn. Hiện nay, Cần Giờ có ba giáo điểm do các cha Dòng Chúa Cứu Thế bám trụ gồm: Cần Thạnh, Đồng Hòa và An Thới Đông.

Về mặt đối ngoại, có lẽ Cần Thạnh và Đồng Hòa là hai giáo điểm tương đối có thuận lợi hơn so với An Thới Đông. Hai giáo điểm Cần Thạnh và Đồng Hòa có nhà thờ là nơi sinh hoạt tôn giáo, được nhà nước chính thức công nhận; ở giáo điểm An Thới Đông chờ đợi mãi mới có phép của nhà nước để xây nhà thờ. Riêng ở Đồng Hòa, nói rằng đã có nhà thờ cho oai, nhưng thật ra chỉ là một căn nhà ọp ẹp, được tân trang lại, chiều ngang khoảng 5 mét và chiều dài khoảng 9 mét. Hơn nữa, vì hai giáo điểm trên được thành lập lâu hơn so với giáo điểm An Thới Đông, nên có một số giáo dân “đạo gốc” còn trụ lại sau những năm chiến tranh như là hạt nhân của giáo điểm.

Tuy nhiên, hiện nay, dẫu An Thới Đông là giáo điểm mới thành lập, nhưng lại có nhiều người đến để tìm hiểu đạo hơn so với Cần Thạnh và Đồng Hòa. Hy vọng trong tương lai, An Thới Đông sẽ có nhiều người đón nhận đức tin Công Giáo và sẽ là giáo điểm truyền giáo đầy năng động sau khi ngôi nhà thờ được mọc lên.

Bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn, phần đông người dân ở Cần Giờ sống bằng nghề biển, tình trạng kinh tế còn bấp bênh, việc mưu sinh ít nhiều chi phối việc sống lòng tin.

Ngoài ra, Cần Giờ vừa là nơi thu hút nhiều cư dân ở những nơi khác đến lập nghiệp, lại vừa có một số ít phân tán đi làm ăn ở phương xa, tạo nên sự bất ổn định, thậm chí phức tạp. Cần Giờ cũng còn là điểm du lịch, tuy chưa thu hút nhiều khách lắm, nhưng nếu không cẩn thận đề phòng thì người dân ở đây sẽ phải đối mặt với các tệ nạn xã hội. Hơn nữa, quá trình đô thị hoá đã và đang tác động tích cực lẫn tiêu cực đến lối sống của người dân ở đây.

PHONG CẢNH

Màn đêm buông xuống, thú vị biết bao khi ta ngồi bên bờ biển Cần Thạnh để lắng nghe tiếng thì thầm của biển, để hòa quyện cùng hơi thở của đại dương. Trông về phía Vũng Tàu, tôi như bị cuốn hút bởi vẻ đẹp huyền ảo của một con đường ngoằn ngoèo ven biển rực lên những ánh đèn lung linh, soi mình trên biển; chỉ có mình ngọn hải đăng ở trên cao là luôn dõi mắt đăm đăm hướng về khơi xa, như đang mong những con thuyền đi xa cập bến bình yên.

Hình ảnh ấy đã gợi lên trong tôi hình ảnh Đức Kitô – Ánh Sáng đích thực soi chiếu cho thế gian. Ngài là ngọn hải đăng chiếu soi, định hướng cho những ai đang lênh đênh giữa biển đời tăm tối để giúp họ định hướng cuộc đời. Ngài luôn sẵn sàng chờ đợi những con thuyền trở về bến bình an. Ngài không thụ động như ngọn hải đăng, chỉ đứng nhìn những mảnh đời đang đối mặt với sóng to gió lớn giữa biển khơi; trái lại, Ngài đã đi theo họ, ở trên thuyền với họ như khi xưa Ngài đã ở trên thuyền cùng với các tông đồ.

Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến những anh chị em ở Cần Giờ, họ đang đối mặt với những cơn sóng to gió lớn, không phải của đại dương mà là của trào lưu đô thị hóa. Sóng gió ngoài khơi thật dễ sợ, vì nó có thể nhấn chìm tàu bè và những người đi trên đó. Cũng vậy, dẫu những cơn sóng đô thị hoá có thể đem đến những cơ hội mới để phát triển, giúp đời sống của một số người khá lên về mặt kinh tế, nhưng nó cũng kéo theo những hậu quả khôn lường: tạo nên những hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, cuốn người ta vào vòng xoáy của lối sống hưởng thụ, đua đòi, tệ nạn, làm cho người ta bị mất phương hướng, mất đức tin, nếu như người ta không tìm cho mình một ý nghĩa, một lẽ sống vượt ra ngoài sự chi phối của vật chất.

Vấn đề là làm sao khơi lên nơi những anh chị em đó niềm hy vọng, niềm xác tín vào Đức Kitô, Đấng đang sống, hằng yêu thương và đang có mặt trên thuyền đời của họ. Có lẽ đây cũng là nỗi khắc khoải, băn khoăn của quý cha, quý thầy ở vùng truyền giáo Cần Giờ.