Không ai phủ nhận phát triển về khoa học kỹ thuật đã góp một phần rất lớn cho đời sống con người. Thế nhưng, những phát triển ấy có lúc làm tổn hại con người không thể tưởng tượng được. Có những phát minh phát minh ra làm tăng thêm phần âu lo cho con người.

Hơn lúc nào hết, thế giới đang phải đối diện với một thế giới gọi là thế giới ảo trên chiếc máy vi tính. Người ta có thể ngồi “chát - chít” với nhau hàng giờ và thậm chí hàng ngày nhưng có khi lại chẳng khi nào thấy khuôn mặt thật của nhau. Hơn nữa, dù họ có nói biết bao nhiêu lời hoa mỹ, dùng bao nhiêu lời tán tỉnh cho nhau nhưng không thể nào biết được con người thật của nhau.

Người ta quen nhau hàng năm trời vậy mà còn chưa đi đến đâu vậy mà có những mối tình vài phút, vài giờ. Có trường hợp hẹn hò nhau trên mạng qua vài phút “chat - chit” để rồi gây ra không biết bao nhiêu hậu quả cho gia đình, cho xã hội: cướp bóc, phá thai …

Có những trường hợp quen nhau do “chát - chít” trên mạng, sau cái ngày hò hẹn thì cả hai bên đều “tá hoả tam tinh” vì lẽ đối phương mà mình gặp khác xa với người mà mình “gặp gỡ” hàng ngày trên chiếc máy tính. Người mà mình gặp trong máy tính sao mà dễ thương quá, sao mà có cảm tình và mong mau được làm quen quá nhưng thực tế lại không phải như vậy. Cũng na ná giống một số người vì lý do nào đó trang điểm cho mình một bộ mặt thật là đẹp bởi những lớp phấn đường son thật đẹp nhưng sau khi rửa đi những lớp phấn - đường son loè loẹt ấy lại là một khuôn mặt mà chẳng ai dám nhìn cả.

Mới đây, một cô bé ở vùng đất nghèo của Hai Tôm ở đã làm cho bao chàng trai chưng hửng.

Chuyện là cô bé ấy không được may mắn hơn các bạn cùng trang lứa, tính tình cũng hơi bị khác thường một chút. Cô bé ấy đã tìm mua báo Phụ Nữ, cô vào ngay cái trang mà có mục “tìm bạn bốn phương” quen thuộc của tờ báo ấy và bắt đầu làm quen. Bên đầu dây bên kia nghe giọng nói ngọt ngào của cô gái ấy nên nhiều và nhiều chàng trai thành phố nao nức xuống tận Cần Giờ. Quá vất vả để qua được cái phà Bình Khánh cộng với con đường đầy ổ voi và bụi mù trời để tìm đến với cai giọng nói quá dễ thương trên chiếc điện thoại. Tiếc thay sự hồ hởi, sự háo hưng, sự chờ đợi “người đẹp” trên chiếc điện thoại nay bỗng tan tành mây khói. Các chàng trai ấy không thể nào hình dung ra trước mặt mình là một cô bé ốm nhom, miệng thì móm sọm !!! Chưa đầy 5 phút, các chàng trai phải tìm cách để rút êm với cô bạn ảo mà bấy lâu nay mình mong đợi.

Chắc có lẽ cô bé này không phải là trường hợp duy nhất trong xã hội hôm nay. Còn nhiều và nhiều trường hợp ảo như vậy đang diễn ra trong xã hội. Cũng vui thật khi không ít người thích thú với kiểu ảo chứ không thật này.

Bắt nhịp với xu hướng của xã hội, với một số người chạy theo thế giới ảo, mới đây có vài công ty mở ra hướng kinh doanh mới là “chuyên cung cấp vợ - chồng tạm” cho những người có nhu cầu ! Cũng vui đấy chứ ! Chỉ cần bỏ ra vài ba trăm ngàn là ta có thể có một người “chồng ảo” hay một người “vợ ảo” để cặp kè dạo phố hay để “lở mày lở mặt” với người khác.

Hoá ra là người nữ nào cần có một người đàn ông bên cạnh để cho đủ “đội hình” thì thuê một người nào đó làm chồng trong vài giờ (dĩ nhiên là có những quy định trong bản hợp đồng “vợ - chồng” mà hai bên đã thoả thuận). Ngược lại, người đàn ông trong hoàn cảnh nào đó mà không có vợ thì có thể thuê một người nữ để làm vợ trong vài giờ ?

Thật ra, đây cũng là giải pháp tạm bợ, giải pháp tức thời cho những ai có nhu cầu để bù trừ những khoảng trống của những người bị thiếu thốn. Hậu quả của những người đóng vai làm chồng, làm vợ ảo này thì khó có thể lường được.

Cái giằng co lớn về ảo và thực nó luôn thôi thúc bên trong con người. Hỏi thăm thì ai ai cũng muốn mình thích thực chứ không thích ảo, thích thực hành hơn là lý thuyết nhưng khi đối diện với thực tại thì người ta lại chạy theo thế giới ảo chứ không theo thế giới thực như lòng họ mong ước. Con người, nếu như cứ để cho cái ảo quấn lấy mình, ôm lấy mình thì sẽ lãnh nhận những hậu quả khôn lường.

Nhìn những mảnh ruộng, những vuông tôm ở Cần Giờ, Hai Tôm không khỏi chạnh lòng vì nó đang nằm chơ vơ không người chăm sóc vì lẽ nó không còn ở cái giá thực của nó vì nó đã trót vào tay thế giới ảo. Mảnh ruộng, vuông tôm ấy với giá trị thực chẳng là bao so với cái giá trị ảo mà người ta gắn vào nó để rồi chẳng ai mua làm chi mảnh đất ấy.

Mảnh đất nhiễm phèn ấy đáng giá vài chục triệu thôi nhưng do cơn sốt đất, do chạy theo giá trị ảo nay nó có giá đến vài trăm triệu. Giá đất thì cao nhưng rồi hoa lợi từ mảnh đất ấy chẳng có gì cả vì quanh năm nhiễm phèn nhiễm mặn. Ngậm ngùi cay đắng thay cho tình trạng ảo.

Có biết bao gia đình, biết bao nhiêu con người ngày đêm đang phải khốn đốn với chuyện ảo và chuyện thực nhưng đau đớn là họ vẫn bỏ cái giá trị thực mà chạy theo giá trị ảo.