Mở mắt thức dậy, bước chân ra khỏi nhà là người ta phải đối diện với nhiều vấn đề, với nhiều khuôn mặt, với nhiều hoàn cảnh … Vấn đề, khuôn mặt, hòan cảnh xưa nay vốn phức tạp trong cái phức tạp của nó thì nay lại phức tạp hơn vì thực và giả cứ lẫn lộn. Đơn giản nhất, ta ra đường, ta cũng gặp người ăn xin nhưng bây giờ thì khó ai có thể xác định được đó là thật hay là giả vì đã xảy ra người ta đã lợi dụng lòng nhân hậu của người khác để sống trong hưởng thụ.

Đơn cử chỉ là chuyện của người ăn xin. Còn biết bao nhiêu vấn đề khác trong cuộc sống, thường gặp nhất đó chính là mất tiền thật để mua hàng giả. Thật và giả đang len lỏi trong cuộc sống để rồi nhiều người sống thật rất ghét sự giả dối vì sự giả dối đã mang lại không biết bao nhiêu phiền muộn trong cuộc sống.

Vài ngày nay, dư luận xã hội quan tâm nhiều về hai câu hỏi dạng nghị luận xã hội của đề thi môn văn khối C và D (trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2009). Các nhà giáo cho rằng đề thi đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một kỳ thi, nó còn có ý nghĩa giáo dục học sinh về sự tự tin và lòng trung thực.

Sống trung thực, trên báo Tuổi Trẻ, một bạn trẻ đã phát biểu rằng: "Theo em, phải trên 70% là sống trung thực sẽ bị thua thiệt". Tất nhiên đây sẽ là một chủ đề đáng để tranh luận; nhưng khẳng định ấy không khỏi khiến người ta giật mình: Phải chăng dối trá, lọc lừa, lướt qua mặt nhau đang tràn khắp nơi nơi?!

Đỡ bi quan hơn thì sẽ trăn trở một điều: Khi mình muốn vươn tới những điều chân thật, muốn sống trung thực và chất phác nhưng kết quả là sẽ bị lợi dụng, dễ bị "hở sườn" để người khác "tấn công" lấn lướt thì có nên giữ vững lập trường, rằng "em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên" hay không?

Vì phải đối diện với áp lực của cuộc sống như vậy nên đâm ra người ta dễ bị đưa đẩy đến cái chuyện sống không thật với nhau. Vấn đề sống thật và giả thì ai ai cũng biết đấy nhưng trách nhiệm lớn là ở đâu ? Có lẽ trách nhiệm chính vẫn là gia đình và nhà trường vì lẽ nhà trường và gia đình chính là chiếc nôi đầu tiên để đứa trẻ hội nhập vào cuộc sống sau này.

Chẳng dám đổ trách nhiệm hoàn toàn cho nhà trường nhưng thật sự mà nói vấn đề giáo dục của nước ta nó làm sao ấy ? Giáo dục Việt Nam đánh giá học sinh dựa trên kết quả đạt được chứ không phải quá trình phấn đấu. Học sinh phải học và bằng mọi cách để có được kết quả cao. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua được tổ chức nghiêm ngặt với hàng loạt quy định khắt khe như thế nhưng vẫn có hàng trăm thí sinh vi phạm. 12 năm đèn sách được đánh giá bằng một kỳ thi, họ phải “xoay xở” bằng mọi cách có thể...

Nên chăng cần phải có một cuộc “lột xác” về giáo dục để cho đất nước và con người phát triển hơn. Chương trình giảng dạy cần sâu sát hơn với thực tế và tâm lý học sinh. Phải chăng chương trình giáo dục của ta đang dừng lại ở mức độ học vẹt hơn là khả năng sáng tạo của mỗi người. Với những câu hỏi mở như câu hỏi dạng nghị luận xã hội của đề thi tuyển sinh văn vừa rồi, học sinh nào muốn quay cóp cũng không thể. Đồng thời sự trung thực tùy thuộc ý thức mỗi người.

Giáo dục cần đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện ý thức đó bằng cách nên đưa các bài giảng về lòng trung thực vào chương trình ngoại khóa và chính khóa. Bài giảng không phải là những lời dạy suông, sáo rỗng, khô khan mà nên đi kèm với các hoạt động thiết thực. Cần phải đưa những ví dụ thực tế đang xảy ra trong xã hội như là chuyện làm thuốc tây giả, thức ăn giả, sữa giả và cả … phân bón giả cho học sinh nhìn thấy. Phải cho học sinh thấy hậu quả kinh khủng của những sự giả tạo trong cuộc sống thường ngày. Làm sao để học sinh thấy được trung thực là phẩm chất cao quý của con người và cảm thấy tự hào khi mình trung thực trong thi cử, trong cuộc sống. Tức là nếu sống trung thực, chúng tôi sẽ được gì?

Điều nghịch lý của cuộc đời ở chỗ là nếu ta làm một cuộc thăm dò về sống thật và sống giả, bảo đảm tỷ lệ thích sống thật sẽ chiếm đa số vì ai ai cũng thích sự trung thực, sự chân thành hơn giả dối. Thế nhưng, khi đối diện với thực tại thì lại khác, người ta tìm đủ mọi cách có thể được để đạt được mục đích của mình nên họ đành phải sống giả.

Chẳng cần phải lên án ai, chẳng cần phải trách ai. Mỗi kitô hữu, bước đi theo Chúa Giêsu trong con đường lữ thứ trần gian này ắt hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều thử thách trong việc sống giả và sống thật. Cần phải có một lương tâm trong sáng, cần phải có ơn Chúa thì kitô hữu mới dám sống thẳng, sống thật được.

Vậy thì mỗi một kitô hữu, mỗi một người nhận mình là con cái Chúa phải sống thật giữa cái thế gian đầy giả dối này. Mỗi kitô hữu phải cố gắng hết sức phận mình để tranh đấu cho sự gian tà lúc nào cũng đang tiềm ẩn trong con người của mình để sống thật. Sống thật chắc chắn sẽ bị thua thiệt, bị chà đạp nhưng nếu sống thật sẽ tìm thấy sự bình an thật trong tâm hồn, còn ngược lại …

Người sống thật ngày nay phải nói là gặp quá nhiều khó khăn và thử thách. Sống thật như người đang đi ngược giữa dòng nước cuốn của sự giả dối. Thế nhưng, là kitô hữu thật sẽ an tâm trước những khó khăn thử thách của cuộc đời vì như Chúa nói “ Sự Thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32).

Chúa Giêsu, ngày xưa vì nói thật và sống thật và cuối cùng thế gian đã loại trừ Ngài. Những ai đang nói thật và sống thật cũng sẽ bị loại trừ như Thầy Chí Thánh vậy. Nhưng, ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu.