Hành tinh mặt Trăng

Đêm ngày 20. rạng sáng ngày 21.Tháng Bảy 1969 phi hành gia Neil Amstrong, Hoa Kỳ, từ phi thuyền con thoi Appolo 11. đặt bước chân thám hiểm của con người đầu tiên xuống mặt Trăng, một hành tinh ở xa cách mặt đất 384.000 km, cùng nhỏ chỉ bằng một phần tư ( ¼) trái đất và nhẹ hơn trái đất 81 lần.

Đây là một biến cố lớn không chỉ có ý nghĩa về bước nhảy vọt của tầm mức tiến bộ kỹ thuật khoa học thám hiểm bay vượt qua không gian từ hành tinh trái đất tới tận hành tinh mặt Trăng. Nhưng còn nói lên trí khôn con người được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, ban cho những khả năng tiềm tàng phát minh khám ra con đường đời sống mới khác.

Mặt Trăng với suy luận của khoa học ngày nay là một hành tinh còn tiềm tàng ẩn chứa nhiều nguyên liệu mới lạ có thể giúp ích nhiều cho đời sống con người trên trái đất và còn cần phải thảm hiểm khám phá. Nhưng theo thần học cùng khía cạnh thiên nhiên trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hành tinh này mang một ý nghĩa sâu xa hơn.

Đâu là ý nghĩa của hành tinh mặt Trăng nhìn theo khía cạnh tu đức thần học?

1. Mặt Trăng trong công trình vũ trụ

Vào những ngày quang đãng không mây che khuất ban đêm, với con mắt thường chúng ta nhìn thấy mặt Trăng chiếu ánh sáng trong mát tới khắp nơi ở địa cầu trái đất.

Ngày xưa nhân loại còn lấy mặt Trăng làm tiêu chuẩn mốc tính đặt tên cho ngày tháng năm trong năm với 13 tháng. Nhưng dần dần như bây giờ, thời gian được tính phân chia theo quy trình của mặt Trời với 12 tháng.

Ngay từ thuở ban đầu khi tạo dựng vũ trụ trời đất, Thiên Chúa đã tạo dựng mặt Trăng, vầng sáng nhỏ hơn mặt Trời, là hành tinh vận chuyển trên bầu trời soi sáng mốc thời gian vào ban đêm tối. ( St 1, 16).

Mặt Trăng đối chiếu với mặt Trời, tự mình không là vật thể có ánh sáng chiếu tỏa ra, nhưng ánh sáng mặt Trăng nhận từ mặt Trời và phản chiếu lại vào ban đêm.

Hành tinh mặt Trăng thay đổi hình dáng tròn đầy, rồi một nửa vòng tròn và rồi biến dần thành khuyết hình lưỡi liềm ngay trong thời gian một tháng theo cách tinh phân chia của chúng ta. Đang khi đó, hành tinh mặt Trời lúc nào cũng có hình dạng tròn đầy như nhau.

Vua Thánh David trong Thánh Vịnh (104,19), khi nhìn vòm trời, đã thốt lên: „Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết, dạy mặt Trời biết lặn đúng thời gian.“

Sách Huấn Ca (43,6) đã cho rằng mặt Trăng là mốc trụ dấu hiệu chỉ thời gian:

„Cả vầng trăng cũng luôn đúng hẹn,

làm dấu hiệu muôn đời chỉ rõ thời gian.“

Mặt Trăng còn được ca ngợi là:

„ Trước mặt Ta, ngai báu Người bền vững tựa thái dương

muôn đời kiên cố như vầng nguyệt

đứng giữa trời cao làm nhân chứng trung thành." ( Tv 89,38)


2. Mặt Trăng trong đời sống con người

Ánh sáng mặt Trăng ban đêm dịu mát không nóng gắt chói như ánh sáng mặt Trời, nên mặt Trăng theo tiếng Latinh “luna” thuộc về thể loại mạo tự giống cái, nữ tính; đang khi đó mặt Trời „ sol“ được kể vào thể loại mạo tự giống đực, nam tính.

Trong những ngôn ngữ phân biệt mạo tự giống tính như tiếng Pháp „ la lune“, tiếng Ý „ la luna“, tiếng Tây ban Nha „ la luna“ - chỉ trừ tiếng Đức „ der Mond“ có mạo tự thể loại giống đực, nam tính, mặt Trăng có mạo tự thể loại giống cái.

Đang khi trong những ngôn ngữ đó mặt Trời – le soleil, in sole, el sol – cũng chỉ trừ tiếng Đức die Sonne có giống cái nữ tính, có thể lọai mạo tự giống đực, nam tính.

Dựa vào đặc tính như thế, có thể nói mặt Trăng là hình ảnh nói về sự lệ thuộc cùng nữ tính, về sự biến chuyển thay đổi tuần hoàn và sự phát triển.

Sự biến chuyển thay đổi tuần hoàn về hình dạng của mặt Trăng từ khuyết hình lưõi liềm biến thành nửa vòng tròn và tròn đầy; rồi lại từ tròn đầy chuyển sang trở lại nửa vòng tròn và rồi sang thành hình khuyết lưỡi liềm, nói lên hình ảnh sự tan biến chóng qua và sự quay trở lại.

3. Mặt Trăng trong đời sống đức tin

Có lẽ cũng vì ý nghĩa dấu hiệu đó của mặt Trăng, nên người Hy lạp đã tôn thờ mặt Trăng là nữ thần Artemis; người Roma gọi mặt Trăng là thần Lucina, là quan thầy của phù hộ cho mọi loài sinh sản, và cũng là Nữ thần của đời sống đồng trinh.

Hai khía cạnh đạo đức thần học này, trong Kinh Thánh và trong tập tục đời sống đức tin của Gíao Hội, tìm thấy nơi Đức Mẹ Maria, là người sinh ra Chúa Giêsu con Thiên Chúa.

„Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.“ ( Kh 12,1).

Ánh sáng mặt Trăng do đặc tính lệ thuộc nhận và phản chiếu ánh sáng của mặt Trời, nên mặt Trăng cũng là hình ảnh chỉ về Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian.

Chúa Giêsu là mặt Trời công chính đã thiết lập nên Giáo Hội ở trần gian. Giáo Hội có sứ mạng tiếp tục loan truyền chiếu tỏa ánh sáng giáo lý tình yêu của Chúa Giêsu rộng rãi đến cho trần gian. Sức sống cùng Giáo lý của Giáo Hội có được là do nguồn sức sống và giáo lý của Chúa Giêsu truyền sang cho.

Không biết có phải là phóng đại qúa đáng hay không, khi nói rằng:

Như mặt Trăng phản chiếu lại ánh sáng mặt Trời, tình yêu của hai vợ chồng trong đời sống hôn nhân cũng phản chiếu lại tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên đời sống của họ, tạo cơ hội dẫn đưa họ gặp gỡ nhau cùng muốn sống gắn bó với nhau suốt đời. Và trong suốt đời sống của hai vợ chồng, sự sống mới được phát triển nảy sinh ra là những người con họ đón nhận. Yêu nhau, nhưng cha mẹ không phải là người tạo nặn đúc làm nên con mình.Họ chỉ là người đón nhận sự sống, thân xác của con mình thôi. Chính sự sống của họ cũng không do họ tạo thành làm ra, mà được Trời cao ban cho.

Như mặt Trăng tiếp nhận cùng phản chiếu lại ánh sáng mặt Trời, các Linh mục của Chúa trong Giáo Hội cũng là người đón nhận ánh sáng đức tin của Chúa và có nhiệm vụ mang ánh sáng đó qua ngôn từ tiếng nói cùng đời sống làm chứng cho Chúa giữa lòng đời sống trong xã hội. Linh mục không rao giảng ánh sáng của chính mình. Vì chính ông cũng không có ánh sáng riêng. Ánh sáng ông có là ánh sáng được Trời cao ban cho.

******************

Solar và Lunar, mặt Trời và mặt Trăng, hai hành tinh khác biệt nhau, hai vật thể đối chiếu nhau, hai hình ảnh nói về sức mạnh và sự yếu mềm, nam tính và nữ tính, giống đực và giống cái, sự gì là vững chắc luôn như vậy và sự gì là hay thay đổi biến chuyển. Hai đặc tính khác biệt của hai hành tinh đó không làm giảm gía trị của nhau, nhưng bổ túc lẫn cho nhau, như trật tự trong khái niệm về chức vụ và bổn phận phục vụ.

Trong mỗi con người cũng có hai mặt Solar và Lunar, sức mạnh nóng gắt muốn phô trương cai trị và sự dịu dàng mềm dẻo, yếu điểm giới hạn cùng hay thay đổi bất thuờng; nam tính và nữ tính.

Hai mặt khác biệt đó cùng bổ túc tạo nên nếp sống cá biệt của người.

40 năm con người đặt chân lên mặt Trăng 1969- 21.07.2009