Trăng Trung Thu

Ngày còn nhỏ tôi thường được nghe kể về ánh trăng Trung Thu, về lễ hội rước đèn Trung Thu của trẻ con. Nhưng chưa bao giờ có cơ hội làm lồng đèn cùng đi rước đèn đêm Trung Thu ngày15.tháng Tám âm lịch.

Cũng ngày còn thơ bé tôi đã có vài lần được cha mẹ mua cho tấm bánh Trung Thu nướng mầu nâu. Nhưng lúc đó ăn mà lại không biết thưởng thức mùi vị bánh Trung Thu ra làm sao.

Lớn lên tuổi thanh thiếu niên nghe qua đài phát thanh hay nghe băng cát-xét những bái hát trẻ con rước đèn đêm Trung Thu ồn ào vui nhộn. Nghe mà chẳng cảm nhận được gì. Vì tuổi thơ đã qua rồi.

Mặt trăng

Người ta truyền tụng đêm rằm tháng tám âm lịch trăng sáng đẹp và các em bé tay cầm lồng đèn đi rước ca hát vui mắt lắm. Ðêm nào trời trong sáng có mặt trăng nổi hiện tròn trịa trên nền trời, nhìn lên đó thấy hình ẩn hiện, như những đám mây tụ lại ở một góc. Theo truyền thuyết đó là chú Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng với chị Hằng Nga. Năm 1969 người Mỹ lần đầu tiên đổ bộ đặt chân lên cung trăng, họ truyền về trái đất hình ảnh toàn những núi đá ở trên đó.

Trong ngôn ngữ tiếng Việtnam không có phân biệt giống loại. Nhưng khi nói về mặt trăng lại liên tưởng đến giống cái: mặt trăng với chị Hằng Nga, Nguyễn Du diễn tả sắc đẹp của phụ nữ như „ Khuôn trăng đầy đặn“; người ta cũng ví nét mặt dịu hiền của một người phụ nữ như ánh sáng mặt trăng tươi mát dịu dàng, trái ngược với ánh mặt trời nóng bức biểu hiệu cho người đàn ông phái mạnh...

Trong tiếng Trung Hoa cũng phân định : mặt trăng „yin“ biểu hiệu cho giống cái; mặt trời „yang“ biểu hiệu cho giống đực. Theo sự tin tưởng bình dân của người Trung Hoa mặt trăng vào mùa thu trong sáng đẹp hơn cả trong năm. Ngày 15. tháng thứ tám âm lịch trong năm là ngày lễ hội của Trăng, là ngày mặt trăng xuất hiện trên nên trời không chỉ trong sáng, nhưng còn tròn đầy đặn nhất.

Tiếng Latinh phân biệt mặt trăng „Luna“ giống cái; mặt trời „Sol“ giống đực. Trong tiếng Pháp cũng có phân biệt tương tự mặt trăng „la Lune“, giống cái; mặt trời „le Soleil“, giống đực. Chỉ trừ trong tiếng Ðức ngược lại: mặt trời giống cái „die Sonne“ và mặt trăng giống đực „der Mond“.

Có lẽ vì thế mặt trăng trở thành biểu tượng của giống cái, của sự biến chuyển và tăng trưởng. Mặt trăng biến chuyển hình thái tùy theo thời gian ngày trong một tháng: trăng đầy trăng khuyết, trăng lưõi liềm hay trăng tròn. Những ngày trăng xuất hiện như hình lưỡi liềm - một nửa - là hình ảnh nói về sự chóng qua, biến chuyển thay đổi nhưng cũng nói lên sự quay trở lại.



Thần mặt trăng trong thần thoại Hylạp „Artemis“ và trong thần thoại của người Rô-ma „Lucina“ là quan thầy bổn mạng của sinh sản, đồng thời cũng là nữ thần của đồng trinh. Hai lối suy diễn này được tìm thấy nơi Ðức Mẹ Maria: là người đồng trinh và là mẹ sinh con. Ðức Mẹ Maria được vẽ hay khắc chạm đứng trên vầng trăng hình lưỡi liềm, là mẹ của Hội thánh và là người chiến thắng sự dữ, như trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan diễn tả: „ Rồi có một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người phụ nữ mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.“ (KH 12, 1)

Mặt trời và mặt trăng là hai hình ảnh mang hai sắc thái khác biệt nhau: Sức mạnh và sự yếu kém; giống đực và giống cái; cố định và thay đổi. Hai sắc thái này tuy khác biệt nhau, nhưng không loại trừ nhau. Trái lại chúng bổ túc cho nhau, giống như hai tính loại âm dương mang đến sự hài hòa khi cùng hòa lẫn vào nhau.

Trong mỗi con người đều có pha trộn hai sắc thái của mặt trời và mặt trăng. Chúng ta ai cũng vậy, không chỉ có mặt sáng tươi đầy sức mạnh, có uy phong một người chỉ huy dũng mạnh của sắc thái mặt trời. Nhưng cũng có mặt yếu kém giới hạn, sự hay thay đổi của sắc thái mặt trăng.

Solares và Lunares đều có trong mỗi con người và làm nên bản tính sắc thái mỗi người.

Chiếc lồng đèn

Các em nhỏ ngày Tết Trung Thu 15. tháng tám âm lịch, cầm chiếc lồng đèn đủ mọi mầu sắc, có ánh sáng ngọn nến hay ngọn điện nhỏ chiếu sáng từ bên trong, làm nổi bật khung hình cùng mầu sắc vẽ hay dán chung quanh chiếc đèn.

Ðiểm ánh sáng từ chiếc lồng đèn của các em bé giữa trời tối chiếu tỏa ra bầu khí lung linh, đang khi cùng hòa lẫn với ánh sáng trăng trên cao chiếu xuống mặt đất. Ánh sáng đó tuy nhỏ yếu gấp trăm lần so với sức sáng rực nóng của ngọn đèn điện ngoài đường hay trong sân trường. Nhưng ánh sáng đó không chói chang làm nhức mắt người nhìn thẳng vào nó. Ánh sáng đó chiếu tỏa không khí êm dịu thi vị. Ánh sáng đó có lẽ chỉ chiếu sáng đủ làm khuôn mặt em bé cầm chiếc đèn nổi bật trong đêm tối.

Ngắm nhìn ánh sáng chiếu tỏa từ chiếc lồng đèn em bé, tôi liên tưởng đến ánh sáng cây nến Rửa Tội của em, ngày em lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy gia nhập Hội Thánh Chúa Kitô. Ánh sáng cây nến Rửa tội của em, của tôi và của mọi người Công giáo đều được đốt thắp lên từ Cây Nến Chúa Phục Sinh, Ðấng là ánh sáng muôn dân, là sự sống. Ánh sáng đó là ánh sáng niềm tin, ánh niềm vui mừng, niềm hy vọng cho em và cho mọi người.

Những hình ảnh với mầu sắc của chiếc lồng đèn đủ mọi kiểu nào con cá, con tôm, con gà, con chim với đôi cánh đang tung bay lượn, hình ngôi sao, khung hình mặt trăng hiền dịu, khung hình mặt trời đang chiếu sáng với nét mặt rạng rỡ tươi cười…Ánh sáng lung linh của ngọn nến hay bóng đèn điện từ bên trong chiếu tỏa lên càng làm rõ nét hình của chiếc đèn với mầu sắc trong đêm tối, mang đến không khí niềm vui nhộn nhịp cho tâm hồn em bé và cho tâm hồn mọi người.

Hình ảnh đó phải chăng cũng là hình ảnh nói lên: em bé và cả mọi người đã đón nhận ánh sáng cây nến sự sống của Chúa Kito phục sinh cũng có bổn phận phải chiếu tỏa ánh sáng đó từ trong tâm hồn mình, trong cuộc sống mình ra bên ngoài qua lối sống bác ái tình người, qua nụ cười, lời nói lòng nhân ái tha thứ làm hòa? Như Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em thương yêu nhau!(Ga 13, 35)



„Trung thu Trăng sáng ta rước đèn đùa vui ca hát.

Trăng sáng trên cao, chiếu soi trời đất.

Lung linh ánh nến tô thắm màu đèn sao muôn sắc.

Vai sánh bên nhau, hát ca vang trời.

Hát lên em ơi!

Hát vang bạn hỡi!

Ánh trăng lung linh;

Trăng sáng trong ta, sáng trong muôn người.“


Nhạc: Halleluja của Taizè

Mùa Trung Thu 2004