GUIANA - Chuyến thám hiểm lên mặt trăng đầu tiên của châu Âu hiện đang được thực hiện.

Tàu thám hiểm Smart 1 đã được phóng đi từ bệ phóng vũ trụ Kourou ở Guiana, Pháp, vào lúc 23h14GMT.

42 phút sau, điều khiển mặt đất cho biết con tàu vũ trụ này đã được phóng thành công từ bệ phóng tên lửa Ariane 5, và đi theo đúng quĩ đạo.

Tàu Smart 1 sẽ kiểm tra một dạng hệ thống lực đẩy mới trong chuyến du hành tới mặt trăng, và sau đó, sẽ xác định sơ đồ các đặc điểm của bề mặt mặt trăng khi nó quay trở về vào năm 2005.

Tham vọng

Hành trình của Smart-1 có tham vọng trả lời câu hỏi cơ bản về quá trình hình thành nên mặt trăng.

Mẫu vật từ mặt trăng từng được các chuyến Apollo của Mỹ và các chuyến tên lửa của Nga đem về mặt đất.

Thế nhưng những chuyến viễn du đó hạ cánh ở phần trông thấy của mặt trăng.

Giới khoa học biết là các mẫu đắt đá mà chúng ta đang có ở đây không giống với mẫu vật trên toàn bề mặt của mặt trăng.

Smart-1 được kèm theo nhiều thiết bị thử nghiệm kỹ thuật hiện đại

Và Smart-1 sẽ xác định tính chất đúng của bề mặt mặt trăng, dùng tia X quang.

Thiết bị mới

Thiết bị đó được gọi là CIXS, do tiến sĩ Manuel Grande thiết kế.

Ông giải thích:

"Nếu nhìn vào mầu của tia X quang mà bề mặt mặt trăng phát ra qua tia huỳnh quang, thì bạn sẽ nhận dạng được mặt trăng cấu tạo từ hợp chất gì.

Ví dụ như là nếu có Silicon trên mặt trăng thì trong phổ huỳnh quang của mặt trăng sẽ có tia X quang mầu silicon.

Và bằng cách này chúng ta có thể xác định được toàn bộ bề mặt mặt trăng." - Lời giải thích của tiến sĩ Grande.

Và nếu biết được mặt trăng có những chất gì có thể sẽ cho chúng ta biết mặt trăng được hình thành như thế nào.

Kỹ thuật mới

Và ngoài sứ mệnh trên mặt trăng, bản thân Smart-1 cũng là một tên lửa thử những kỹ thuật mới.

Một trong số những cái mới đó là động cơ đẩy.

Không phải là buồng đốt mà là thiết bị i-on, với nhiên liệu là khí Xenon.

Theo giải thích ban đầu thì động cơ này vẫn dùng nguyên tắc phản lực, tức là khí Xenon được đưa vào buồng động cơ, chuyển thành dạng i-on và bắn ra phía sau, đẩy tên lửa phóng về phía trước.

Giới khoa học cũng trang bị cho Smart-1 các thiết bị thử nghiệm hệ thống mà trong tương lai cho phép định vị trực tiếp từ cách “nhìn” các vì sao.

Người ta cũng không quên lắp máy để thử xem có liên lạc với trái đất bằng tia laser hay không.

Và theo đánh giá ban đầu của Cơ quan không gian châu Âu, thì những kỹ thuật được trang bị và thử nghiệm trên chuyến Smart-1 lần này sẽ vô giá trong tương lai, cho những chuyến thám hiểm vượt khỏi sức tưởng tượng hơn nữa.(bbc)