NGÓN TAY VÀ MẶT TRĂNG

Vào thời điểm nạn khủng bố đe dọa khắp nơi, nhân danh tôn giáo mà ôm bom tự sát để tiêu diệt đạo khác... tưởng cũng nên nhìn lại "Ngón Tay và Mặt Trăng." Đây là cuốn sách của giáo sư Ðỗ Mạnh Tri do nhóm Ðường Sống và thân hữu xuất bản và giới thiệu tại Nam Cali, Hoa Kỳ.

Tựa đề cuốn sách Ngón Tay và Mặt Trăng nhắc tới chính câu nói của Ðức Phật. Mặt trăng là bờ cứu độ, và đạo được ví như ngón tay chỉ tới. Đạo như là cách thế để đạt mặt trăng. Phải nhìn mặt trăng và đi tới được mặt trăng chứ đừng bị ngón tay chận lại mà chĩa vào nhau. Ở A-phú-hãn, ở Pakistan, ở Do Thái, ở Ấn Độ, ở Tích Lan, ở Việt Nam, ở ngay nước Mỹ... Nhiều khi những màn khủng bố phi lí hay những tấn công mạt sát chỉ là Diện, còn Điểm thì ẩn đàng sau những bàn tay lông lá với những tham vọng được khéo đậy che.

Ðức Phật còn dùng một hình ảnh khác cũng thật hay, ví đạo như cái bè qua sông sang bờ bên kia, tức bờ giải thoát, vượt bến mê đến bờ giác ngộ. Nói theo hình ảnh của những người vượt biên là những cái ghe chở đầy ắp người ra khơi. Có cái lớn cái nhỏ, cái máy tốt cái máy hư, có cái còn chỗ có cái bị người ta “căn me” dồn người xuống cứng ngắc gần chìm.

Bao nhiêu chuyện tang thương đã xẩy ra hãi hùng tại vịnh Thái Lan do hải tặc hoành hành. Cách đây mười mấy năm về trước, một bé gái kể lại một câu chuyện thật về chính em. Sau khi đã cướp xong thì bọn hải tặc phá tầu của em cho đắm luôn. Trong cơn hốt hoảng, ai nấy vớ được cái gì thì bám cái đó. Nhiều người đã chết đuối vì không kịp bám vào đâu, rồi bị xoáy nước nhận chìm. Em không nhớ đã bám được cái gì, và đã ngất xỉu bao lâu. Chỉ biết khi tỉnh dậy thì em đang ôm một cái xác người chết. Một điều kỳ lạ em không hiểu được là xác đó chết hồi nào và tại sao lại nổi lên đúng chỗ để em có thể ôm lấy được trong cơn mê sảng, mà rồi em cũng không biết sợ xác chết nữa, cứ ôm ghì lấy cho trôi lềnh bềnh. May mắn em đã được vớt lên đưa vào bờ, để em sống sót mà kể một câu chuyện kỳ lạ như vậy.

Như thế Ðạo đúng là Ðường, là phương cách, là ngón tay dẫn tới đích điểm. Có khi là cái miếng gỗ, cái phao bằng cao su hay cái bình ny-lon. Phao nào thì phao, phải làm sao cứu vớt người ta được trong lúc đắm đuối trầm luân. Mà ngay cả cái xác chết mọi khi đáng sợ như vậy mà cũng có thể trở thành cái phao quá quí, cũng trở thành Đạo được. Ngón tay phải chỉ được mặt trăng, chứ đừng để nhiều ngón tay xù ra che lấp tất cả làm sao thấy trời trăng mây nước được! Phương chi lại đi chỉ mặt nhau mà báng bổ mạt sát ăn thua đủ phao hơn với phao kém, phao của dân tộc với phao nhập cảng!

CÁI CẲNG THỨ BA CỦA CON GÀ

Thiền sư người Nhật là Oshida đã kể một câu truyện dí dỏm về đạo như sau:

Một hôm người ta xôn xao tranh luận về cái cẳng của một con gà. Một người tức tối nói: “Tôi đã nói là con gà đau ở cẳng mặt.” Người thứ hai quát lại: “Lầm to rồi, con gà đau ở cẳng trái kia mà.” Cuộc “đối thoại” đã trở nên gay cấn ác liệt đến hồi suýt phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Rồi một người có vẻ đạo mạo đứng ra can gián: Ừ, thì cẳng nào chẳng là cẳng của con gà, cẳng mặt hoặc cẳng trái thì có sao đâu, sao lại phải cãi nhau? Thế là người thứ tư chen vào đấu lý: “Sao lại ba phải kiểu như cẳng nào cũng được là làm sao, cẳng nào thì một cẳng thôi chứ! Thôi thì tốt hơn nên coi con gà đau cả hai cẳng cho khỏi cãi nữa.”

Thế là xong chuyện chăng? Thưa không, đâu vẫn còn đấy cả. Chưa ai giải quyết được gì, vì người ta cứ mải mê cãi nhau về cái cẳng thứ ba của con gà. Hai cẳng thật của con gà vẫn còn đó mà chẳng ai muốn nhận ra, chỉ thích vỗ ngực đấu lý với nhau mà thôi. Tại sao không kéo nhau đến cái chuồng gà mà xem tận mắt cái con gà bị què giò để chứng thực với nhau là con gà, ngày hôm đó, nó đau ở cẳng nào? Ðừng lý luận suông nữa, đừng bám vào tư tưởng mà bỏ rơi thực tại... là đi cứu những người đang giẫy giụa trong bể khổ.

Cũng chính vì cảm nghiệm được cái “thực tại” không dễ gọi tên là Ðấng Tuyệt Ðối vượt trên mọi ngón tay mà vị thiền sư này đã gia nhập đạo Công Giáo, trở thành một linh mục dòng Ða-Minh nhưng vẫn sống thiền. Ông Trần Công Báu trong tập san Ðịnh Hướng số 6 kể lại chuyện trên với nhận định: “Nhờ sống trung thực với đạo pháp nhà Phật mà ông Oshida đã tìm thấy đạo lý Phúc Âm. Có người hỏi Ngài như thế nghĩa là gì, thì được trả lời rằng: “Tôi không bao giờ theo đạo Công Giáo như người ta bỏ một chỗ đứng cũ để bước sang một chỗ đứng mới.” Cứ theo cung cách trả lời ví von ấy, tôi hiểu rằng ngài không đi đạo như người ta đi đường, bỏ đi đạo Phật để rẽ sang đi đạo Chúa, không đổi đạo như người ta thay áo này mặc áo kia. Ðạo không phải là cái gì ở ngoài ta, để ta đi theo, hay để ta cởi ra mặc vào. Ðạo là sự sống; sự sống không thể cho vay mượn hay đổi chác gì được.

VẪN CẦN NGÓN TAY

Trong buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm Ngón Tay và Mặt Trăng, giáo sư Lưu Trung Khảo, một người ngoài Công giáo, đã nhận xét rất tinh tế về các ngón tay, tức là những lễ nghi của các niềm tin qua hình ảnh:

Trong một nghĩa địa, thấy người Nhật bày thức ăn để cúng người quá cố, một người Mỹ đã cất tiếng hỏi châm biếm:

- Ông nghĩ rằng thân nhân của ông có thể hưởng những món đồ cúng này ư?

Người Nhật thản nhiên hỏi lại để thay cho câu trả lời:

- Thế ông có nghĩ rằng thân nhân của ông có thể thưởng thức vẻ tươi đẹp của những bông hoa này sao?

Quả thực niềm tin rằng người chết thực sự vẫn còn sống là một niềm tin của nhiều tôn giáo, nhất là đối với đạo sống người Việt. Dâng một bông hoa, một nén hương là để diễn tả tâm tình. Trong một chiều kích khác, những nghi thức phụng tự còn để dẫn người dự lễ bước vào một thực tại cao hơn khi cả con người của mình tìm được sự hòa nhập đó. Có lần giáo dân dâng lễ một bình hoa khá đẹp mà các bông được cắm hướng ra phía trước. Vị linh mục đưa lại cho chú bé giúp lễ để đưa lên bàn thờ. Chú bé này đã thản nhiên đặt bình hoa mà phía mặt chính hướng lên Chúa, đang khi theo thói thường người ta đặt bình hoa phía chính quay xuống dân chúng cho đẹp mắt. Chú bé này xem ra ngây ngô nhưng đã cảm được cõi tâm vượt hơn cả nét phụng vụ nhằm hòa nhập người dự thưởng thức vẻ đẹp của hoa.

Ông Lưu Trung Khảo nói tiếp: “Sự xích mích có tính cách chủ quan và cực đoan giữa một số người không cùng một đức tin thì thời nào cũng có. Nhưng đối thoại là để tìm ra chân lý chứ không phải để miệt thị những cái mình không đồng ý. Phải tự chế, bình tĩnh và tôn kính lẫn nhau. Nếu không sẽ chỉ là độc thoại hay là cuộc đối thoại giữa hai người điếc, hay cũng có thể gọi đó là sự tiết hận để giảm đi sự ấm ức tàng trữ trong lòng. Ðối thoại kiểu đó là cuộc tranh cãi không bao giờ chấm dứt và đó cũng là cách giải cơn khát bằng cách uống nước muối vậy.”

HÃY NHÌN NGÓN TAY CHO KỸ

Thực ra thì thời nào cũng luôn có những bàn tay lông lá núp đàng sau tôn giáo, do tham sân si cá nhân hay phe nhóm với cái Điểm là những mục tiêu tính toán, nhưng lại "gài game" lợi dụng sức mạnh của tôn giáo để nhân danh tập thể tôn giáo mà khích động qua những xung khắc làm Diện, cũng như nhân danh văn hóa hay dân tộc mà bơm đẩy tự ái tới chém giết để thủ lợi... Nhiều người đã "anh minh" chỉ đường, bắt mọi người phải nhất trí "đoàn kết đứng sau lưng tôi" mà rồi trở thành “đường đi không tới!” Vậy là có những ngón tay chẳng chỉ mặt trăng mà nhằm chỉ vào chính mình với quyền lợi của mình.

Ông Ðỗ Mạnh Tri đã nhận định thật chính xác trong chương “Trăng: ảo ảnh hay thực tại?”

"Ngón tay có tầm quan trọng của nó. Ta cũng có lý để nói: “Khi ngón tay chỉ mặt trăng đừng vội nhìn mặt trăng, hãy nhìn ngón tay cho kỹ." (trang 94)

“Buôn thần bán thánh cũng chỉ một ngón tay: này đây thiên đàng, này đây địa ngục, đàng kia hạnh phúc, lối ấy tự do. Ðáng sợ, những ngón tay uy quyền.. nhọn như mũi giáo, nặng như những quả lựu đạn, những ngón tay sai khiến, đe dọa và chèn ép con người.” (Ngón Tay và Mặt Trăng, trang 95)


Những ngón tay phục vụ dễ biến thành những ngón tay uy quyền chỉ vào những tòa nhà quản trị. Tiếng "minister" thường được dịch là "giáo sĩ, đạo sư" trong tôn giáo, hay là "tổng trưởng" trong các nội các chính phủ. Thực ra từ gốc có nghĩa là người tôi tớ phục vụ (ministrare). Mà tinh thần đúng phải là như vậy. Vị đứng đầu của hội thánh Công giáo cũng vẫn chỉ nhận danh là "tôi tớ của các tôi tớ" (servus servorum). Lẽ nào mỗi lần vị nọ vị kia được bổ nhiệm để phục vụ trong một nhiệm vụ mới thì một số người lại chúc mừng với một giọng điệu nhiều khi vô tình nhưng tạo ấn tượng thăng quan tiến chức... là được vinh thăng! Chẳng vậy mà trong tiếng Mỹ bây giờ từ "minister" có nghĩa là cai trị chứ có mấy khi hiểu là phục vụ. Nghịch lý vậy đấy!

Trong Hành Trình Về Phương Đông, Baird Spalding đã nhận ra: "Các vị minh sư đâu có ngụ trong đền thờ lộng lẫy, họ đâu in danh thiếp với các chức tước, địa vị to lớn, trọng vọng. Họ đâu cần quảng cáo các quyền năng, đạo quả... Phải chăng ông thất vọng vì các đạo sĩ ông đã gặp chưa từng có các kinh nghiệm tâm linh?"

Một ngón tay chỉ thật đúng nghĩa hành đạo và truyền đạo, đó chính là ngón tay chỉ của thánh Gioan Tiền Hô: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian." (Gioan 1:30). Nếu không có ngón tay đó thì khó có ai nhận ra một thanh niên chừng 30 tuổi đang đi lẫn trong đám đông lại là Đấng Cứu Thế. Để có thể chỉ được như vậy thì cần con mắt của kinh nghiệm tâm linh và cung cách của một người tôi tớ khiêm hạ phục vụ. Ông đã thấy và làm chứng.

Chúa Giêsu cũng vẫn đang đi lẫn trong đám đông xô bồ giữa chợ đời hôm nay. Mẹ Têrêsa đã chỉ cho nhiều người thấy được. Còn tôi, tôi đang phục vụ theo cung cách nào?

Lm. Trần Cao Tường, e-mail: andytuong@cox.net

(từ tác phẩm Vũ Khúc Thăng Ca, Thời Điểm xuất bản)

Xin mời ghé thăm gia trang vietcatholic.net/caotuong của Lm. Trần Cao Tường.




một số trích đoạn Nhìn Về tác phẩm

VŨ KHÚC THĂNG CA của Lm. Trần Cao Tường


ÐÀI VOA, Tiếng Nói Hoa Kỳ phát thanh trong chương trình Tin Văn Học Nghệ Thuật

Bằng một giọng văn dí dỏm, đôi khi châm biếm, nhưng rất uyên bác, quyến rũ, tác giả đã dùng những sự kiện hằng ngày làm tấm gương soi, giúp người đọc cơ hội truy tầm chính mình... Chính vì tính đời thường ắp đầy trên từng trang chữ mà, người đọc không là Kitô Hữu, cũng vẫn bị từ trường của trang sách cuốn, hút, giống như thể tác giả đang thủ thỉ, kể một câu chuyện nho nhỏ cho riêng mình nghe.

Ðược biết “Vũ Khúc Thăng Ca” là tác phẩm thứ 5 của linh mục Trần Cao Tường. Hầu hết sách của ông được đọc giả đón nhận một cách thân ái. Bởi vì, thế giới văn chương của ông lúc nào cũng hắt lên một tình yêu tổ quốc chói gắt và, niềm hưng phấn tươi rói nơi tương lai của dân tộc Việt. Có dễ vì tác giả “Vũ Khúc Thăng Ca” là con người Việt Nam từ ý thức tới vô thức, nên rất nhiều người đã nhìn ông như một “con người dân tộc” mà không phân biệt tôn giáo. Dù cho ông sống một đời để đi gieo những hạt giống Thiên Chúa trên mặt địa cầu.

NHÀ VĂN PHẠM XUÂN ÐÀI, Tập San Thế Kỷ 21

Vũ Khúc Thăng Ca nhằm giới thiệu cho người nghe, người đọc một phương thức giản dị để sống hạnh phúc. Mỗi bài thường bắt đầu bằng một câu chuyện ngắn vui vui, để từ đó qui chiếu cho nó một ý nghĩa triết lý và một điểm tương ứng trong niềm tin Thiên Chúa giáo. Những chuyện kể ấy tác giả rút ra từ cuộc sống, từ sách vở cổ kim đông tây, trong đó nhiều chuyện, nhiều nhận xét bắt nguồn từ phong hóa, văn học Việt Nam.

Trước khi là linh mục Thiên Chúa giáo, tác giả Vũ Khúc Thăng Ca là một người Việt Nam “thuần chất”. Ông hiểu con người Việt Nam sâu xa, ông ý thức rất rõ đạo lý mà dân tộc Việt Nam dựa vào đó để tồn tại từ thượng cổ cho đến ngày nay, ông cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa của bánh dầy bánh chưng, của tục ăn trầu, của ca dao tục ngữ... Nơi ông như kết tụ cả một nền minh triết của tổ tiên.

Nhưng ông cũng tắm gội trong ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa giáo, với tâm linh rộng mở trong một tình thương yêu đích thực. Tác giả đã nhiều lần cho thấy đạo lý, quan niệm sống hoặc tập tục Việt Nam có nhiều điểm trùng hợp với Thánh Kinh Thiên Chúa giáo. Chẳng hạn, Chúa Giêsu dạy Con hãy thương yêu kẻ khác như chính mình con, ca dao Việt Nam nói Thương người như thể thương thân. Thánh Kinh: Hạt lúa nếu không rơi xuống đất và chịu thối mục, sẽ trơ trọi một mình (Gioan 12:24), Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai vui chết sẽ được sống tròn đầy (Gioan 12:25). Ca dao: Tưởng rằng đá nát thì thôi, ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.

Nhìn ra rất nhiều chỗ tương đồng như thế, tác giả đã cho thấy rằng trong văn hóa Việt Nam cũng như trong niềm tin Thiên Chúa giáo, nếu đi ngược về chỗ đơn sơ nhất của tâm thức thì chân lý chỉ là một. Ðời sống ngày càng phức tạp, cách tổ chức xã hội, tôn giáo khác biệt nơi này nơi khác trên quả đất có thể dần dần tạo ra các dị biệt, làm con người ngày càng xa niềm tin cội nguồn vốn rất đơn sơ, trong sáng, gần gũi nhau. Những bài giảng của linh mục Trần Cao Tường chỉ ra và xóa bỏ các cách biệt ấy, mang tâm hồn chúng ta về một cõi tin cậy chung. Và người Thiên Chúa giáo Việt Nam, với khả năng dung hóa cố hữu của dân tộc mình, sẽ sống đạo một cách dung dị như ông bà mình đã từng sống tự ngàn xưa.

NHÀ THƠ DU TỬ LÊ

Cuốn “Vũ Khúc Thăng Ca” của cha, tôi rất thích, là những bài viết ngắn, có chủ đề, đi theo chiều dọc của niên lịch và những biến động xảy ra hằng ngày trong đời thường của chúng ta hôm nay.

Cha có biết rằng, hàng đêm, trước khi đi ngủ, và mỗi sáng, mở mắt ra, cũng có tới hai, ba tháng qua, tôi đều thầm cảm ơn Thượng Ðế đã cho tôi sống một ngày vừa qua - cho tôi được sống, một ngày trước mặt. Tôi nghĩ nếu các cha phải rao giảng trong các thánh lễ, áp dụng cách truyền đạt Kinh Thánh và thánh ý Chúa kiểu như vậy, tôi tin, con chiên và, luôn cả những kẻ ngoại đạo như Du Tử Lê, sẽ tiếp thu được nhiều hơn.

Riêng cá nhân tôi, dường như mỗi lúc một cảm thấy rõ, thật rõ, sự hiện hữu của Thượng Ðế. Ðiều này, suốt tuổi trẻ, tôi không cảm thấy, nếu không muốn nói là chống báng. Tôi đã từng viết xuống trong truyện của mình.

Càng ngày, tôi càng thấy rõ, mỗi chúng ta, hiện diện trên mặt đất này, để hoàn tất một công việc nào đó, mà Thượng Ðế đã chọn sẵn cho từng cá nhân... Ngợi ca tình yêu, qua chiếc cầu văn học nghệ thuật, với tôi, là công việc của văn nghệ sĩ. Cá nhân nhỏ mọn của tôi, là giúp cho những người đọc tôi, qua thi ca, cảm nhận ra rằng khởi tự tình yêu mang tính cá nhân, gia đình, người ta sẽ có tình yêu tổ quốc, và rộng hơn nữa, tình nhân loại. Khi bước tới tình nhân loại, là bước gần tới ánh sáng của Thiên Chúa, của Thượng Ðế vì, nhân loại, dù màu da, khu vực địa lý nào, cũng đều là con cái của Chúa cả. Tôi cảm nghiệm được điều đó khi đọc Vũ Khúc Thăng Ca: một người sẽ không yêu Chúa, nếu không biết yêu cha mẹ, dòng tộc của mình.

ÐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM HẢI NGOẠI, phát thanh tại nhiều thành phố.

Tác giả có thể khởi đầu bằng bất cứ sự việc nào xẩy ra; từ những đề tài liên quan đến Thần Học, Triết Học hay Tâm Lý học đến những sự việc cỏn con xẩy ra, tác giả cũng đưa vào đó những phân tích cặn kẽ để nhìn ra cái ý nghĩa tiềm ẩn, cái sứ điệp nằm bên dưới cái vỏ bề ngoài coi bộ vô thưởng vô phạt và tưởng rằng chẳng liên hệ gì đến ta”.

HỆ THỐNG INTERNET CÔNG GIÁO VIỆT NAM (vietcatholic.net)

Vũ Khúc Thăng Ca là tập hợp những bài viết trong mục Tin Vui Thời Ðiểm 2000, có mặt và rất thu hút độc giả ngay từ những ngày đầu tiên của hệ thống Internet VietCatholic... Mỗi khi mục này lên Lưới chậm một chút là thế nào độc giả cũng gửi e-mail lên tiếng.

Viết với lối bút ký có khi nhẹ nhàng dễ đọc, giọng văn nhiều lúc nhí nhảnh tươi vui, nhưng nhiều lúc bừng bừng chói chang, có khi ngạo đời, khích động nơi người nghe, người đọc, một suy tư và thái độ cần đáp trả. Tác giả luôn dí dỏm - nhận xét thực tế cuộc đời: ba chìm bảy nổi và trái khoáy ở nơi tha hương này - để vẽ lên, diễn tả được những bức hình nghệ thuật sinh động với ánh sáng âm thanh mở lối soi rọi mà xoáy vào cõi lòng một thiết tha nào đó... Với kiểu trình bày này, Tin Vui đã được nhiều người đón nhận qua một cái nhìn mới không giấu diếm, vượt qua cả làn ranh tôn giáo hay giới hạn nhà thờ.

NHÀ VĂN QUYÊN DI, nhà xuất bản Thời Ðiểm, Cali.

Sách được văn giới cũng như giới thưởng ngoạn đánh giá là “sách tôn giáo đầy tính chất văn chương”, với đầy đủ hương sắc và mùi vị, từ tranh Vincent van Gogh đến mắm chấm gỏi cá Lê Thị Thành...

Là một linh mục, tác giả Trần Cao Tường lấy Thánh Kinh làm nguồn cảm hứng về cuộc đời, một cuộc đời mà bên cạnh những biến cố lớn lao là muôn vàn chuyện tầm thường của kiếp nhân sinh. Tin Vui với cái nhìn của tác giả, soi rọi vào từng ngóc ngách, từng chuyển động của cuộc sống ấy.

Nhưng cũng là một nghệ sĩ, ở cả hai khía cạnh sáng tác và thưởng ngoạn, tác giả say sưa với vẻ đẹp của cuộc sống, say mê nhiều thể loại nghệ thuật, từ văn đến thơ; từ kiến trúc, hội họa đến nhiếp ảnh... Người ta sẽ nhìn ra cái nét tài hoa của ông qua những đoạn viết về cảnh vật, cái nét suy tư của triết gia khi ông trình bày nhân sinh quan của mình.

Nét nổi bật nơi tác giả là “Con Người Việt Nam”. Ông say sưa minh chứng người Việt có một đạo sống rất giản đơn, nhưng rất hợp thời, đáp ứng được những thiếu thốn, những khao khát của con người thời đại... Với ông, những “đạo sống vuông tròn”, “con đường nghiền nát trầu cau”, “gừng cay muối mặn”, “cánh chim Âu”, “đạo trống”... là những giá trị văn hóa của người Việt, không phải chỉ để chiêm ngưỡng, ca ngợi, nhưng nhất là để áp dụng trong cuộc sống con người thời nay... Một khi nắm bắt được bí quyết ấy thì người ta sẽ là chim thăng ca vút cánh vượt mốc điểm thời gian, bay vào thiên niên kỉ thứ ba đang mở rộng lòng gọi mời nhân loại.

HOÀNG HẠC, báo Đây Ngọc Lân, New Orleans

“Vũ Khúc Thăng Ca” có sức cuốn hút rất mạnh. Từng trang làm tôi say sưa như tìm trong men rượu nho ngọt lịm. Từng trang toàn những chuyện thật hấp dẫn và dẫn đưa độc giả những bài học thực tế... Có những ghi nhận làm tôi rất hứng khởi như chuyện trong quan tài của Diana (người Anh Giáo), người ta cho công nương cầm chuỗi tràng hạt do Mẹ Têrêsa ở Ấn Ðộ trao tặng... Nào chuyện 13 tổng thống Hoa Kỳ thuộc Tam Ðiểm... Rồi đầu tắt mặt tối như tôi nghe câu này còn hơn liều thuốc bổ “cao đơn hoàn tán”: “Lần đầu tiên tôi nghe rõ tiếng nói của thinh lặng: Hãy để lòng bạn một khoảng trống, cho gió Trời có thể nhảy múa thổi vi vu” (trang 77).

TRẦN THIỆN, tác giả bài hát Khúc Sáo Ân Tình

“Vũ Khúc Thăng Ca” là sự chia sẻ niềm vui của một con người từng trải và tha thiết yêu mến cuộc đời, nhìn thấy ánh sáng ngay trong cảnh đêm tối dầy đặc, nhận ra những bông hồng thắm trong các bụi gai rậm rạp, và tìm được những cánh bướm rực rỡ từ những tổ sâu xấu xí kia. “Vũ Khúc Thăng Ca” là một niềm vui sống động tràn đầy, không thể giữ lại cho riêng mình, mà phải bung ra cho người khác.

Một mầu nhiệm lạ lùng đã được Thượng Ðế ban tặng cho cuộc sống: nỗi buồn mà được san sẻ sẽ vơi đi và biến mất; niềm vui mà được thắp chung như cây nến Phục Sinh sẽ bừng lên ánh sáng xua tan được bóng đêm. Xin cảm ơn tác giả “Vũ Khúc Thăng Ca”, một niềm vui tròn đầy đã lan tỏa sang người khác để phát sinh một “Khúc Hát Thăng Ca” rộn rã cùng với “Vũ Khúc Thăng Ca” có nhạc, có vũ, đem tặng cho cuộc đời.