Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Colin Powell, nói khoảnh khắc quyết định đã tới sau chặng đường đàm phán dai dẳng giữa hai nước.

Hoa Kỳ đã hứa cung cấp khoản viện trợ và cho vay dao động từ 24 tới 26 tỉ đôla để đổi lấy quyền đưa hàng ngàn quân Mỹ có mặt tại Thổ chuẩn bị cho chiến tranh với Iraq.

Thổ, trong khi đó, muốn có thêm viện trợ cùng các quyền lợi khác, chẳng hạn việc tiếp cận mỏ dầu của Iraq.

Phát biểu với các phóng viên, ông Powell nói là Hoa Kỳ sẽ không tăng thêm tiền, tuy rằng một số điều khoản khác vẫn còn thương lượng được.

Hoa Kỳ giận dữ
Trong các cuộc nói chuyện không chính thức, nhiều quan chức Hoa Kỳ tỏ ra giận dữ vì thái độ mặc cả tới cùng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Rất có thể Hoa Kỳ sẽ đành từ bỏ hi vọng sử dụng các căn cứ của Thổ mà từ đó họ có thể thiết lập mặt trận thứ hai khi xảy ra chiến tranh với Iraq.

Không có Thổ Nhĩ Kỳ, quân Mỹ vẫn có thể tấn công Iraq. Nhưng dĩ nhiên mọi việc sẽ thêm phức tạp, đặc biệt sau khi trên mặt trận ngoại giao, Hoa Kỳ đang gặp khó khăn với NATO và Liên Hiệp Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết

Emin Sheerin, thành viên của đảng cầm quyền và phó chủ tịch uỷ ban Đối Ngoại trong quốc hội, nói: "Tiền không phải là mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi."

"Mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi là an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và an ninh ở vùng bắc Iraq. Vấn đề thứ hai mà chúng tôi quan tâm là bản đồ chính trị tương lai ở Iraq. Và vấn đề thứ ba là sự đền bù cho những mất mát mà chúng tôi có thể phải hứng chịu."

Phóng viên Jonny Dymond của Đài BBC từ Ankara cho biết: "Tôi cho rằng họ sẵn sàng tiến xa hơn. Ngày hôm qua, chủ tịch đảng cầm quyền nói rằng trong tuần này sẽ không có việc biểu quyết về vấn đề này."

"Điều này cho thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang sẵn sàng theo đuổi đường lối cứng rắn. Không đơn giản là chỉ cần thêm vài tỷ đô la vào khoản viện trợ trọn gói."

"Có một đòi hỏi khác, đó là một văn bản của Mỹ đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được tiền, cũng như những đảm bảo chính trị khác nữa."

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về tình hình ở vùng phía bắc Iraq, và về chuyện một chính quyền tự trị của người Kurd liệu có được phép thành lập trong bối cảnh Iraq hỗn loạn hay không. Ankara không có ý định để một chính quyền tự trị của người Kurd ra đời.

Đó là những quan ngại lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã phải trải qua 15 hay 20 năm dẹp loạn vụ nổi dậy của người Kurd tại các tỉnh ở vùng đông nam nước này. (BBC)