Khi nói về các bản thánh ca lừng danh thế giới, người ta thường nhắc tới bài Hallelujah của George Frederick Handel. Bài này được trích trong vở đại nhạc kịch Đấng Cứu Thế - The Messiah - mô tả cuộc đời của Chúa từ lúc sinh ra đến khi vinh hiển sống lại. Theo lời Handel kể, ông sáng tác nhạc kịch này để tạ ơn Chúa vì đã cứu ông khỏi bệnh bán thân bất toại. Ông say sưa ngồi trên phím đàn trong 21 ngày để sáng tác, và khi chấm dứt nốt nhạc cuối cùng, ông đã ngã lăn ra bất tỉnh.

Tại Việt Nam, đọc lịch sử văn học cận đại, người ta cũng gặp một trường hợp khá tương tự với hoàn cảnh của Handel. Một thi sĩ Công Giáo có bút hiệu là Hàn Mặc Tử, mới 24 tuổi, hầu như điên loạn khi biết mình mắc bệnh ghê tởm phong cùi. Chàng đã đi tìm nguồn an ủi ở gia đình, bạn bè, người thân, người tình. Nhưng tất cả đều không làm cho chàng khuây khoa được tâm trạng đau khổ, mà lúc nào cũng bị ám ảnh bởi sự chết. Từ đó, chàng đâm ra tuyệt vọng rồi sáng tác những vần thơ đau thương, mà chàng gọi là Thơ Điên. Sau cùng, nhờ ân sủng siêu nhiên, chàng đã tìm thấy nguồn an ủi nơi Chúa và Mẹ Maria. Chàng đã vui vẻ với số phận, và như nhạc sĩ Handel, chàng đã sáng tác thi phẩm Xuân Như Ý để ca tụng Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Các nhà phê bình văn học sử Việt Nam đã đặt thi sĩ ngang hàng với nhà văn Công Giáo Pháp nổi tiếng thế giới là Paul Claudel. Nhà phê bình văn học, ông Trần Thanh Mại, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử, xuất bản năm 1941 tại Saigon, đã ước mong những bài thơ như Thánh Nữ Ðồng Trinh của Hàn Mặc Tử, phải được đệ trình lên Đức Khâm Sứ Toà Thánh ở Việt Nam và Đức Giáo Hoàng ở La Mã. Nay thì tên tuổi Hàn Mặc Tử đã được đưa vào lịch sử văn học Việt Nam, và linh mục sử gia Phan Phát Huồn đã dành cho chàng một chỗ xứng đáng trong tác phẩm Việt Nam Giáo Sử. Các tạp chí văn học nghệ thuật, như Tập San Văn, xuất bản tại Saigontrước 1975 đã viết nhiều bài khảo cứu về Hàn Mặc Tử. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cảm hứng từ mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm, sáng tác bài Hàn Mặc Tử mà ngày nay không mấy ai là không biết đến nhạc phẩm này. Trước năm 1975 trên sân khấu cải lương, người ta thấy vở tuồng Hàn Mặc Tử được trình diễn nhiều lần tại Saigòn và các tỉnh. Nhạc sư Hải Linh, một thiên tài về âm nhạc hợp xướng, đã phổ nhạc cho một số bài thơ nổi tiếng của Hàn Mạc Tử. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã xuất bản cuốn băng CD có tên Trường Ca Hàn Mặc Tử trong đó gồm nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, Duy Cường hoà âm, với các giọng hát của Duy Quang, Thái Hiền, Tuấn Ngọc và Thái Thảo. Gần đây nhất, năm 1998, nhà xuất bản Văn Học tại Việt Nam đã cho phát hành tác phẩm : Đi Tìm Chân Dung Hàn Mặc Tử mà tác giả là ông Phạm Xuân Tuyển đã bỏ ra 30 năm để sưu khảo về cuộc đời thi sĩ Hàn Mặc Tử. Qua báo chí, chúng tôi cũng được biết thêm là một cuộc hội thảo lớn về nhà thơ Hàn Mặc Tử đã được tổ chức tại Quy Nhơn vào tháng 11 năm 2000, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 60 của nhà thơ tài hoa này. Ngày nay tên tuổi Hàn Mặc Tử không còn xa lạ với quần chúng Việt Nam nữa.

Giống như các thiên tài khác trên thế giới, đời sống của Hàn Mặc Tử có nhiều chuyện đặc biệt. Về phương diện thi ca, các nhà phê bình văn học coi thơ của chàng như là hình ảnh tiêu biểu cho một thời đại văn học thế hệ 1930-1945, chịu ảnh hưởng văn hoá tây phương. Về phương diện tôn giáo, nếu nghiên cứu đời sống tâm linh của thi sĩ, qua bút tích để lại, ta sẽ thấy chàng là một chiến sĩ Phúc Âm trong môi trường văn học và nghệ thuật.

Với các lý do trên đây, chúng tôi viết loạt bài này nhằm giới thiệu với đồng bào Công Giáo cũng như không Công Giáo về thân phận và các nguồn thi cảm của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Nội dung các bài viết tập trung vào ba chủ đề:

I. Cuộc sống Hàn Mặc Tử trước khi vào trại cùi Quy Hòa.
II. Hàn Mặc Tử trong trại cùi Quy Hòa.
III. Những nguồn thi cảm của Hàn Mặc Tử.

Chúng tôi xin coi các bài viết này như những bó hoa để tưởng niệm và vinh danh một chiến sĩ Phúc Âm đã chiếm một ngôi vị rất cao trong nền văn học và nghệ thuật Việt Nam. Người chiến sĩ ấy đã một lần cao giọng ngâm:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Chúng tôi cũng xin dâng tặng các bài viết này đến những người đang mắc bệnh trầm kha, vô phương cứu chữa. Ước mong những quý vị ấy, cũng sẽ như Hàn Mặc Tử, tìm được nguồn an vui và hy vọng nơi Chúa và Mẹ Maria .

Nội dung các bài viết dựa trên các tài liệu của nhiều tác giả như Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Hoài Thanh, Hoài Chân, Võ Long Tê, Nguyễn Tấn Long, Nguyền Hữu Trọng, Trịnh Vân Thanh, Phạm Xuân Tuyển, Huy Phong, Yến Anh và linh mục Phan Phát Huồn.

I. CUỘC SỐNG HÀN MẶC TỬ TRƯỚC KHI VÀO TRẠI CÙI QUY HOÀ

Hàn Mặc Tử sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912. Theo gia phả, ông nội của thi sĩ là Phạm Bồi, quê ở Thanh Hóa, di cư vào Thừa Thiên và đổi tên là Nguyễn Bồi. Cụ Bồi được một linh mục thừa sai Pháp, tên là cố Đồng, giúp cho lập nghiệp tại xứ Ồ Ồ, cách Huế độ 30 cây số.

Cụ Bồi có người con trai là Nguyễn Toản. Khi trẻ, cậu Toản được cố Đồng đỡ đầu cho đi tu và học tại Đại Chủng Viện Huế. Thầy Toản chịu bốn chức, nhưng xét thấy không có ơn kêu gọi làm linh mục, nên đã xin bề trên ra ngoài, lập gia đình với cô Nguyền Thị Duy là con gái vị ngự y nổi danh triều Tự Đức. Ông Toản ban đầu làm thông ngôn cho Toà Sứ ở Hội An, làm Ký Lục cho sở Thương Chánh, sau thi đậu Tham Tá và được bổ nhiệm giữ chức Chủ Sự Phòng Thương Chánh ở Đồng Hới. Chính nơi đây ông bà Nguyễn Toản sinh hạ cậu Nguyễn Trọng Trí, tức thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ông Bà Toản có sáu người con tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, và Hiếu. Cậu Nguyễn Trọng Trí là con thứ tư, bị đau yếu từ lúc mới sinh. Khi rửa tội cha xứ đặt tên thánh cho cậu là Phanxicô, và khi chịu phép thêm sức, tên thánh của cậu là Phanxicô Xaviê.

Ban đầu, cậu Trí được khai tâm tại trường của các chị dòng Mến Thánh Giá xứ Tam Toà, rồi vì là công chức, ông thân sinh phải đổi đi nhiều nơi, nên cậu Trí đã theo học ở nhiều chỗ. Đến năm 1926, lúc cậu lên 14 tuổi, thì ông thân sinh mất, bà mẹ đem cả gia đình về Quy Nhơn sinh sống. Tại đây cậu bắt chước ông anh là Nguyễn Bá Nhân làm thơ, và lấy bút hiệu đầu tiên là Minh Duệ Thị. Hai anh em thi nhau xướng hoạ và theo các nhà phê bình văn học, thì thơ của cậu em có vẻ xuất sắc hơn thơ của ông anh. Nhưng thân mẫu không muốn con suốt ngày cứ ngâm với vịnh, bà muốn con có một nền giáo dục tốt, một căn bản đạo đức vững chắc, nên không ngại tốn hao tiền của, gửi con ra trường trung học Pellerin ở Huế để các Sư Huynh Công Giáo dậy dỗ.

Thời bấy giờ, Huế là nơi sinh hoạt văn học nghệ thuật, nên công việc đầu tiên của Trí là đổi ngay một bút hiệu khác: bút hiệu Phong Trần. Nhà thơ Phong Trần lúc này còn rất trẻ, rất mộng mơ, nhưng đã đều đều sáng tác thi ca để đăng các báo ở Huế, Saigòn. Thơ của Phong Trần lúc này chưa tuyệt hảo lắm, nhưng cũng làm cho thi sĩ Quách Tấn say mê, cảm phục. Nhờ đó, mà tình bạn giữa Quách Tấn vã Nguyễn Trọng Trí sau này triển nở một cách tốt đẹp.

Việc học của cậu Trí ở Huế tỏ ra không khởi sắc lắm, ngoại trừ việt văn là đạt kết quả tốt, còn các môn học khác như toán, khoa học, ngoại ngữ chỉ đạt kết quả trung bình. Không bao lâu, thấy việc học hành không hứng thú, cậu Trí nhất quyết giã từ mái trường, mặc những lời khuyên bảo tha thiết của bà mẹ. Thời gian đó là năm 1930, lúc cậu Trí được đúng 18 tuổi.

Tại sao Nguyễn Trọng Trí nhất quyết theo đuổi thú làm thơ? Ta hãy nghe chính anh tâm sự:

Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo.. Trên đầu Người là cao cả vô biên, và vô lượng; chung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bằng trăm dây quyến luyến, làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai ..... Gió phương mô đẩy đưa Người đến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy hương sắc. Người dừng lại để bái những lá tinh hoa. Người nín lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang như tiếng châu báu vỡ lở. À ! Ra Người cũng dại dột hốt vàng rơi bọc trong vạt áo.

Trí Người đã dâng cao và thơ Người dâng cao hơn nữa. Thì ra Người đang say sưa đi trong Mơ ước, trong Huyền diệu, trong Sáng láng và vượt hẳn ra ngoài Hư linh...

Tôi làm thơ ?

Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng.
Anh sẽ thấy hơi đàn lả lướt theo hơi thở của hồn tôi và chìu theo những sóng điện nóng ran trút xuống bởi năm đầu ngón tay uyển chuyển.
Anh sẽ run theo khúc ngân nga của tơ đồng, sẽ để mặc cho giai âm rền rĩ nuối không ngưng.

Và anh sẽ cảm giác lạ, nhìn không chớp mắt khi một tia sáng xôn xao, tại có vì Sao vỡ. Những thứ ấy là âm điệu của thơ tôi, âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng rên vang dưới ngòi bút.

Tôi làm thơ ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật.

Và nghĩa là tôi mất trí, tôi phát điên.

Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào tiếng rú . . . Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?

Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng phổi, bằng tim, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống.

Thôi mời cô cứ vào ...

Ánh sáng lạ trong thơ tôi sẽ làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh, không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh.

Lý do Hàn Mặc Tử rời mái trường theo nghiệp làm thơ là thế đó. Nhưng cuộc sống bắt buộc chàng phải đi kiếm việc. Chàng chấp nhận làm thơ ký cho một hãng buôn để sinh sống. Đến năm 1931, bút hiệu Phong Trần đột nhiên nổi tiếng trong chốn thi giới ở kinh đô Huế. Số là cụ Phan Bội Châu, một chiến sĩ cách mạng chống Pháp, đang bị an trí tại Huế, muốn quy tụ giới trí thức yêu nước, đã mở một thi đàn lấy tên là Mộng Du Thi Xã. Thơ phú bốn phương gửi về rất nhiều. Nhà thơ Phong Trần Nguyễn Trọng Trí, lúc ấy mới 19 tuổi, cũng gửi 3 bài tham dự. Không ngờ, 3 bài đó là: Đêm Không Ngủ, Chùa Hoang, Gái Ở Chùa đã được cụ Phan Sào Nam nhiệt liệt khen ngợi. Cụ họa lại và cho đăng báo để giới yêu thơ cả nước thưởng thức. Cụ còn cẩn thận viết thêm lời khen tặng như sau:

Từ khi về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế. Hồng Nam, Nhạn Bắc. Ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau, cười to một tiếng, ấy là thỏa hồn thơ đó.

Lời khen nồng nhiệt đó làm Nguyễn Trọng Trí hứng khởi, chàng liền ra Huế, hội kiến với cụ Phan Bội Châu, và bắt đầu sáng tác thi ca kêu gọi lòng yêu nước. Chính vì lýdo này mà Nguyễn Trọng Trí đã bị sở Mật Thám Pháp theo dõi, và gạc tên khỏi danh sách các học sinh sang Pháp du học, mặc dù chính cụ Nguyễn Hữu Bài, vị thượng quan triều đình Huế lúc bấy giờ, tích cực can thiệp, giúp đỡ.

Năm 1932 cậu Trí xin được việc làm ở Sở Đạc Điền Quy Nhơn. Công việc ở đây không bận lắm, cậu có nhiều thì gi đọc sách. Trong cuốn sổ ghi tên người mượn sách ở thư viện, người ta thấy tên của cậu đã chiếm quá nửa. Và cũng tại đây, chàng đem lòng yêu Hoàng Cúc, con gái ông chủ sự mà chàng đang làm dưới quyền. Mối tình đang xuôi xắn êm đẹp, thì bị cha cô chấm dứt, với lý do: chàng không xứng mặt với con gái của ông. Buồn vì bị khinh thường, Nguyễn Trọng Trí xin nghỉ việc và lên Đà Lạt thăm thi sĩ Quách Tấn. Đó là đầu năm 1933 lúc cậu Trí vừa tròn 21 tuổi.

Tại Đà Lạt, thi sĩ Quách Tấn đưa Nguyễn Trọng Trí đi thăm danh lam thắng tích. Trí sống ở đây không lâu lắm, song vẻ đẹp huyền mơ của Đà Lạt đã ảnh hưởng sâu đậm vào thi hứng của Trí, giúp ông sáng tác bài Đà Lạt Trăng Mờ. Cố nhạc sư Hải Linh đã phổ nhạc cho bài thơ này, và chính ông đã điều khiển ca đoàn Hồn Nước trình diễn bài Đà Lạt Trăng Mờ.

CUỘC ĐỜI LÀM BÁO CỦA HÀN MẶC TỬ

Khi làm việc ở Sở Đạc Điền Quy Nhơn, Nguyễn Trọng Trí vẫn sáng tác thơ để đăng các báo ở Saigon, Huế với bút hiệu thứ ba là Lệ Thanh. Rồi năm 1934 Nguyền Trọng Trí vào Nam, được ông bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận trao cho trọng trách trông coi trang văn học của tờ báo có tên là Sàigòn. Sau đó, chàng đứng ra chủ trương tờ Công Luận Văn Chương và viết giúp cho một số báo khác như: Trong Khuê Phòng, Tân Thời. Chính vào thời gian này, Nguyễn Trọng Trí lấy bút hiệu thứ tư là Hàn Mạc Tử.

Khi sưu tầm về bút hiệu của Nguyễn Trọng Trí, ông Phạm Công Thiện, trong báo Lành Mạnh, số 38, ra ngày 1-11-1959, đã cho biết như sau:

“Trong đời thi sĩ của Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử) thi nhân tuần tự lấy những biệt hiệu như sau: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử, và sau cùng là Hàn Mặc Tử”.
Mới chập chững bước vào làng thơ, thi nhân lấy hiệu Minh Duệ Thị, ít ai biết biệt hiệu này. Nguyễn Trọng Trí bắt đầu nổi danh với hiệu Phong Trần. Một
hôm thi sĩ Quách Tấn vừa chê vừa đùa:
Tướng anh mảnh khảnh thế ni, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước?
Một bà cụ thâm nho ở Bình Định cũng cho hiệu Phong Trần quá trệ và không thích hợp với con người của Tử. Bà có khuyên Tử nên đổi bút hiệu khác.
Thi nhân mới lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chính quán (Thanh Tân) ghép lại thành hiệu Lệ Thanh.
Ít lâu sau, Quách Tấn lại chê khéo:
Bộ anh ngó dễ thương mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng yểu điệu thục nữ quá! Âu là tôi gọi cô Lệ Thanh cho thêm duyên.
Nguyễn Trọng Trí làm thinh và ít lâu sau, người ta thấy ông đổi lại là Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc là bức rèm lạnh. Nhưng Quách Tấn lại có ý kháy nữa:
Kể cũng ngộ thật! tránh kiếp phong trần, lại đòi làm khách hồng nhan. Sợ khách hồng nhan đa truân, lại đòi làm kiếp rèm lạnh. Tránh lờ, chun vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế?
Nguyễn Trọng Trí nổi xung hầm hừ:
Anh này thật đa sự, không biết đặt cái đếch gì cho vừa lòng anh?
Quách tấn cười và nói rất ý vị, dí dỏm:
Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng.
Tinh ý, Nguyễn Trọng Trí khoái trá, giằng bút vạch thêm vành trăng non trên đầu chữ A thành hiệu Hàn Mặc Tử. Chỉ thêm vào một dấu (Á) mà ý nghĩa đã biến hẳn: Chữ Hàn trước kia có nghĩa là lạnh, nhưng ghép với chữ Mặc (mực) thì trở thành nghĩa là bút.
Hàn Mặc Tử có nghĩa là anh chàng bút mực.
Nguyễn Trọng Trí sửa xong, rồi nói một câu bất tử:
Đã có bóng trăng rọi vào, thi từ nay danh tôi cũng như văn chương của tôi sẽ mỗi ngày mỗi rạng ngời như bóng trăng”.

Ấy câu chuyện về bút hiệu Hàn Mặc Tử đại khái là thế. Năm 1936 Tân Dân có xuất bản thi phẩm đầu tiên của Hàn, ta thấy biệt hiệu tác giả in rõ ràng là Hàn Mặc Tử. Nội bấy nhiêu chúng ta cũng có một chứng cớ hùng hồn rồi.

Biệt hiệu sau cùng Hàn Mặc Tử đã đưa tên tuổi Nguyền Trọng Trí đi vào lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời được Linh Mục sử gia Phan Phát Huồn ghi lại tiểu sử và sự nghiệp văn chương trong mục các Nhà Văn Công Giáo của tác phẩm Việt Nam Giáo Sử.

Ở Saigon, Hàn Mặc Tử cùng với ba người bạn là các nhà văn Hoàng Trọng Miên, Thúc Tề và họa sĩ Việt Hồ, thuê căn gác của căn nhà số 107, đường Espagne, tức đường Lê Thánh Tôn bây giờ. Căn gác không đèn, không đóm nên mỗi lần muốn viết lách, họ phải mở cửa để điện đường rọi vào, rồi nằm bò trên sàn nhà mà viết. Họ nghèo đến độ không đủ tiền mua ghế bố, đêm đến, cứ quét sạch sàn nhà, rồi lăn ra đó mà ngủ. Tuy mang tiếng là nhóm làm báo, nhưng lúc ấy, mới chỉ có Hàn Mặc Tử có chỗ làm, còn ba anh kia, là những người đang chờ việc, mang thân phận ăn bám. Tính tình của Tử rất dễ dãi, ai cũng thân thiện được, và ai cũng lợi dụng được. Một người bạn ở chung với Tử đã thú nhận rằng:

Đời của Trí có thể tóm tắt lại trong hai đặc điểm: Một là ở bẩn vô thiên số; Hai là không bao giờ mất lòng anh em.

Lời phê bình ấy thật xác đáng. Trần Thanh Mại, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử, xác nhận như sau:

Hàn Mặc Tử có một quan niệm cổ quái về phép giữ vệ sinh cá nhân. Quần áo mặc trót tháng mà không thay đổi, thân hình thì suốt năm không hề tắm gội. Cứ thế mà chàng đi lang thang khắp phố Saigòn, không trông ai, không ngó ai, chỉ ngâm và đọc thơ của mình.

Theo lời kể của ông Nguyễn Bá Tín, em ruột thi sĩ, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử Anh Tôi, thì một lần hai anh em tắm biển, Hàn Mặc Tử suýt bị chết đuối, nên từ đó về sau, Hàn rất sợ nước, sợ luôn cả việc tắm giặt.

Vì tính tình, Hàn Mặc Tử rất phóng khoáng, bao nhiêu chi phí ăn ở đều do một mình Hàn Mặc Tử gánh chịu nên không bao lâu, Tử bắt đầu mắc nợ. Các món nợ cứ mỗi ngày thêm chồng chất. Rồi, một ngày kia, các bạn của Tử âm thầm mỗi người một ngả, chỉ còn lại mình Tử nên ông thợ giặt bó buộc phải bắt giữ hai cái quần, và ông chủ nhà cho thuê phải cầm giữ cái va li để thế nợ. Gia đình Hàn Mặc Tử đã kể với Trần Thanh Mại về trường hợp này:

Ra đi làm ăn lúc quá nửa năm, với chiếc va li đầy quần áo, thế mà khi tiếng pháo giao thừa nổ, Hàn Mạc Tử lững thững trở về gõ cửa với hai bàn tay trắng.

Đời sống vật chất có vẻ bất cần như vậy, nhưng đời sống tinh thần của Hàn Mặc Tử tỏ ra rất lành mạnh. Nhà văn Hoàng Trọng Miên, một trong ba người ở chung với Tử, đã viết về đời sống gương mẫu của chàng như sau:

Ngoài chuyện thơ văn ra, Hàn Mặc Tử không biết gì khác nữa. Sống chung với các bạn đang độ trai trẻ, hăng say, lại ở trong không khí phóng túng của văn nghệ, nhưng Tử theo một nếp sống thật hiền lành, yên dịu, ngoan ngoãn như một thư sinh chăm chỉ đèn sách.

Ở một đoạn khác, Hoàng Trọng Miên viết thêm:

Đời sống xa hoa, ăn chơi đặc biệt của xã hội Saigòn trước chiến tranh thứ hai cũng như những thú đam mê về nhan sắc phù dung, rượu ... phổ biến trong giới cầm bút thời đó, không hề ảnh hưởng gì đến Hàn Mặc Tử. Tử sống nhút nhát, e thẹn đến độ mỗi khi các bạn trai nói chuyện dính líu tới đàn bà, con gái là Tử đỏ mặt lên và lặng lẽ tránh đi chỗ khác.

CƠN BỆNH HIỂM NGHÈO

Vào cuối năm 1936, nghĩa là sau khi làm báo ở Saigon được gần hai năm, Hàn Mặc Tử trở về miền Trung, và đang lúc chuẩn bị vào lại Saigòn, thì chàng bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy toàn thân, đôi khi thấy tai, mũi ửng đỏ. Ban đầu, chàng và gia đình nghi ngờ không biết có phải là triệu chứng của bệnh cùi hay không? Cả nhà đi tìm nguyên nhân để giải thích. Họ xét gia phả, thì gia đình hai bên nội ngoại không có ai mắc chứng bệnh ấy. Họ không tìm ra nguyên nhân, nhưng đặt nghi vấn vào cổ thuyết dân gian cho rằng khi còn làm việc ở Sở Đạc Điền vào những năm 1932-1933, Hàn Mặc Tử thường hay đi qua làng mạc vùng quê, vào sáng sớm hay đêm khuya, có khi đi qua những bãi tha ma vào ngày mưa to gió lớn, do đó mà có thể đã mắc bệnh cùi.

Theo thi sĩ Quách Tấn, trong sách Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử, thì chính Hàn Mặc Tử cũng tin vào cổ thuyết trên. Chàng kể lại cho Quách Tấn và Quách Tấn viết lại nguyên nhân mắc bệnh như sau:

Tử có một người bạn gái ở Phan Thiết, hai bên hẹn nhau chiều thứ Bảy nọ cùng chơi Lầu Ông Hoàng. Tử đi xe tốc hành ra Phan Thiết. Đến ga thì đã thấy cô bạn đứng đợi.

Đêm hôm ấy có trăng nên hai người rủ nhau đi bộ. Giữa đường bỗng trời phát mưa giông. Chung quanh không nhà không quán. Hai người dắt nhau vào núp dưới bia một ngôi mộ trong nghĩa địa ở cạnh đường. Cách nhà bia chừng vài ba mươi thước, có một túp lều tranh xiêu vẹo tồi tàn. Ngoài ra chỉ có mả con mả lớn.

Gió mỗi lúc một mạnh, mây kéo mỗi lúc một dầy, rồi mưa đổ. Trời tối đen như mực, sấm chớp vang dậy tứ bề. Cảnh thật rùng rợn. Bỗng nơi túp lều tranh xiêu vẹo, tồi tàn kia vụt lóe ánh lửa. Ánh lửa cứ hừng lên rồi lại tắt, tắt rồi lại hừng lên. Đồng thời lại nghe tiếng rên ầm ầm như tiếng thùng sắt lăn trên đường trải đá. Hai người sợ rởn ốc, song không biết làm sao được, đành phải ôm nhau ngồi đợi mưa.

Mưa vừa ngớt hột, hai người dắt nhau chạy, băng nhào trên mồ cũ mả mới, chạy một mạch về nhà. Sau đêm hôm ấy, trong mình Hàn Mặc Tử thấy ngứa ngáy , nhất là đôi chân.

Khi biết mình thực sự mắc bệnh cùi rồi, Hàn Mặc Tử, lúc ấy vừa 24 tuổi, không còn quan tâm gì đến vấn đề nguyên nhân nữa. Thực tế nó nằm ỳ ra đấy. Nó ghê gớm quá, nó nghiệt ngã quá. Nó làm cho Hàn Mặc Tử ớn lạnh, hoảng hốt, tuyệt vọng. Đồng thời, trong quãng thời gian này, Mộng Cầm, người yêu của chàng lại đi lấy chồng. Nên bao nhiêu đau khổ do bệnh tật và cuộc tình đổ vỡ, đã làm cho chàng bị thác loạn tinh thần, tâm hồn như hoàn toàn bị tan rã.

Thế rồi, bệnh càng ngày càng tăng, Hàn Mặc Tử, một phần muốn tránh lây bệnh cho gia đình, phần khác sợ dân chúng biết báo Sở Vệ Sinh bắt về trại cùi, nên vào khoảng đầu năm 1937, gia đình âm thầm gửi Hàn Mặc Tử đi lánh bệnh ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Định như Xóm Động, Xóm Tần, Ghềnh Ráng, Gò Bồi. Tại Gò Bồi, căn nhà chàng ở chỉ là túp lều tranh vách đất, giữa đồng không mông quạnh, cách Quy nhơn 15 cây số. Hàng ngày gia đình phải lén lút tiếp đồ ăn cho Tử.

Chàng cũng tuyệt giao với bạn bè. Chàng cấm người nhà không được loan tin chàng mắc bệnh. Bao nhiêu thư từ gửi tới, chàng đều không trả lời. Tuy nhiên, tin chàng bị bệnh rồi cũng được thiên hạ loan ra. Thi sĩ Quách Tấn, bạn chí thân của Hàn Mặc Tử kể về chuyện này như sau:

Cuối năm 1937, một người bạn gái ở Quy Nhơn vào Nha Trang cho biết Tử mắc bệnh nan y. Chẳng khác một cơn ác mộng bao vây, lòng tôi mong đó là tin thất thiệt. Nhưng lẽ nào một người bạn lại đi chúc dữ một người bạn như thế. Tôi không dám ngờ, nhưng cũng không dám tin. Tôi bèn theo địa chỉ của người bạn gái cho, viết thư ra hỏi Tử. Tôi liền được một phúc thư, một bức thư đầy thương cảm.

Anh ơi, gần một năm nay muốn dấu anh nên không viết thơ cho anh, lòng tôi hết sức đau khổ. Song thà chịu đau khổ còn hơn cho anh biết, khiến anh phải đau khổ vì tôi. Nay thì không thể dấu anh được nữa, đành nói thực cùng anh.

Khi Hàn Mặc Tử ở Gò Bồi, bà mẹ cố chạy chữa thuốc thang cho con. Nhưng điều đáng chú ý là chàng không chịu uống thuốc Tây, mà chỉ tin vào thuốc Nam, thuốc Bắc. Nghe đâu có thầy hay, thầy giỏi thì dù phải trèo non, lặn suối, chàng và mẹ chàng cũng lặn lội tới nơi. Hết nơi này, sang nơi khác, nhưng tiền vẫn mất, tật vẫn mang. Có khi mới uống thuốc của ông lang này được vài ba thang, lại nghe chỗ khác có ông lang hay hơn, thế là chàng và mẹ chàng lại lặn lội tới nơi. Vì tâm trạng nóng lòng như vậy, nên nhiều phen, chàng bị phạm thuốc. Hơn nữa chữa bệnh cùi là phải dùng các vị độc chất để diệt trùng, nên thuốc đã hành hạ thân xác chàng. Lắm bận, chàng bị mờ cả đôi mắt trong năm bảy hôm. Và có khi, vì trái thuốc, chàng đã chết đi sống lại ba bốn lần.

Theo các sử gia viết về Hàn Mặc Tử, chính những giây phút nguy kịch đó, Mẹ Maria đã hiện đến cứu chữa chàng. Chính chàng cũng nhận điều đó và đã viết lên bài thơ Thánh Nữ Đồng Trinh để cảm tạ Đức Mẹ. Đây là một số câu trích trong bài thơ nói trên:

Lậy Bà là đấng tinh tuyền thanh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp như bao là khí vị
Và trong miệng ngâm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hào quang.

Thi sĩ Quách Tấn, người bạn thân tình nhất của Hàn Mặc Tử, không phải là người Công Giáo, nhưng đã làm chứng về chuyện Đức Mẹ cứu chữa chàng như sau:

Một đêm Tử nằm mộng thấy Đức Mẹ Maria lấy nhành dương liễu nhúng nước thánh rảy khắp mình Hàn Mặc Tử, Tử cảm thấy ớn lạnh. Cho nên khi cầm viết được, Tử liền soạn bài Thánh Nữ Đồng Trinh để tạ ơn Đức Mẹ.

Còn nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại, cũng không phải là người Công Giáo, đã viết về chuyện này trong tác phẩm Hàn Mặc Tử:

Chính trong cơn bệnh hoạn của chàng, mỗi lần chàng chết đi sống lại, là chàng đều cảm thấy bà Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đến cứu chữa chàng. Cho nên hơn hết cả muôn vì thần thánh, Thánh Mẫu Maria là đấng đáng cho chàng ca tụng. Việc ấy chàng đã làm trong một bài thơ tuyệt diệu, mà tôi muốn làm sao cho thấu đến tòa Khâm Mạng toàn cõi Đông Dương, đến cả Tòa Thánh La Mã nơi có Đức Giáo Hoàng. Những bài thơ của Hàn Mạc Tử về loại đạo hạnh này có thể đặt chàng ngang hàng với thi hào Pháp Paul Claudel .

Bệnh tình của Hàn Mặc Tử mỗi ngày một thêm nghiêm trọng. Và đúng là hoạ vô đơn chí. Trong mấy năm ấy, đau khổ, tai họa, chết chóc, bệnh tật cứ liên tiếp đổ ập xuống gia đình đáng thương này. Từ ngày ông thân sinh chết, cả gia đình hoàn toàn trông nhờ vào ông anh cả Nguyễn Bá Nhân, làm nghề thầu khoán. Năm 1936 là năm Hàn Mặc Tử lâm bệnh, thì cũng năm đó, ông Nhân chết vì tai nạn xe cộ. Gánh nặng gia đình trút hết lên vai bà mẹ già yếu, với số lương hưu bổng 21 đồng mỗi tháng.

Trước tình thế cùng quẫn đó, Hàn Mặc Tử đã năm lần bảy lượt quyết định đi vào Bố Thí Viện Quy Hòa, nhưng mẹ và các chị em không cho. Đang lúc mong mỏi có ai giúp đỡ thì Hàn Mặc Tử được sự giúp đỡ của một người bạn ở Nha Trang, đó là ông Quách Tấn. Ông gửi một vị lương y đến tận Gò Bồi để chữa trị. Nhờ vị lương y, bệnh tình của Hàn Mặc Tử thuyên giảm một cách rõ rệt. Chàng mừng quá, nhiều lần oà lên khóc, ôm chầm lấy ông thầy thuốc mỗi khi đến bắt mạch cho chàng.

Đang lúc phấn khởi như vậy, thì vấn đề tài chánh gia đình lại trở nên quẫn bách hơn bao giờ hết. Trong một bức thư gửi cho bạn thân là Trần Thanh Địch, chàng than thở:

Địch ơi, cuộc đời Trí rung rinh lắm rồi, hiện nay Trí khổ lắm, không có tiền uống thuốc Địch ạ ! Bệnh Trí mỗi ngày một khá nhiều lắm, thế mà không biết làm sao có tiền để mua thuốc. Lâu nay, Trí không mấy khi làm phiền gia đình về sự thuốc men nữa cả. Không bao giờ Trí nói cho ai biết. Người thầy thuốc có lòng thương Trí, cho Trí uống chịu thuốc, nhưng bây gi họ cũng không thể cho nữa, vì họ cũng nghèo khổ qúa rồi.

Chàng đinh ninh nếu có đủ thuốc men, căn bệnh sẽ lành hẳn. Niềm tin đó, làm cả gia đình tràn trề hy vọng. Riêng chàng, chàng mừng rỡ tung tin đi khắp nơi cho bạn bè biết: là một ngày gần đây, mình sẽ khỏi bệnh, sẽ trở lại sinh hoạt văn nghệ với anh em như thường lệ.

Nhưng có biết đâu, số phận hẩm hiu đã an định. Cơn bệnh sau mấy tháng giảm bớt, bỗng nhiên bộc phát trở lại một cách dữ dội. Vị lương y đành thúc thủ, ông âm thầm ra đi, mà lòng ngậm ngùi cho thân phận nghiệt ngã của một con người tài hoa. Lúc ấy, Quách Tấn cũng không làm gì hơn được, mỗi tháng dành dụm biếu bạn 10 đồng để uống thuốc.

Tuy vậy, mẹ Hàn Mặc Tử vẫn không tuyệt vọng, còn nước, còn tát. Trong nhà có gì, bà đem bán hết để đưa con đi Thôn Tấn vì nghe ở đó có bà lang chữa lành người cùi. Về Thôn Tấn, bệnh trạng của Tử lại trở nên trầm trọng hơn, trong lúc tài chánh gia đình tới hồi hoàn toàn kiệt quệ. Cuối cùng, vào giữa năm 1940, Hàn Mặc Tử nghe lời anh rể là Bửu Dõng, đến bệnh viện Quy Nhơn xin khám bệnh. Bác sĩ cho biết Hàn Mặc Tử đã bị phong cùi và các bộ phận trong cơ thể, đã hầu như hoàn toàn bị hủy hoại. Có lẽ, đây là hậu quả tất nhiên của việc dùng quá nhiều độc chất trong thuốc Nam để trị bệnh. Còn dung dạng bên ngoài, chỉ có đôi bàn tay là bị co quắp, mặt bị nám một vệt lớn bên má trái, còn tai, mũi của Hàn Mặc Tử chỉ ửng đỏ mà thôi.

Sau khi nghe lời bác sĩ, Hàn Mặc Tử yên trí là chàng không còn sống bao lâu nữa, nên một lần, với vẻ mặt đầy xúc động, chàng ôm lấy mẹ, nức nở nói với mẹ:

Mẹ ơi, con sắp chết nay mai mẹ ạ, mẹ thương con không, nhưng con không sợ chết mẹ ạ. Con nghĩ rằng con phải bỏ mẹ, phải vĩnh viễn xa mẹ nên con đau khổ quá mẹ ôi.

Thế rồi, chàng gác hết mọi chuyện văn chương, chữ nghĩa, suốt ngày, đọc kinh cầu nguyện, hướng tâm hồn về với Chúa và mẹ Maria. Viết thư cho bạn bè, Hàn Mặc Tử thường nói:

Đó là ngưỡng cửa phải bước qua để đến nơi có Chúa, có Mẹ Maria chờ đón tôi ở đó.

Đang lúc chuẩn bị tâm hồn như vậy, thì bọn lý hào ở Thôn Tấn tố cáo với nhà cầm quyền, nên ngày 20 tháng 9 năm 1940, trong một buổi sáng tinh sương, Hàn Mặc Tử khóc xướt mướt, từ giã mẹ và anh em, bước lên xe để sở Vệ Sinh áp tải về trại cùi Quy Hoà. Trong khi xe mở máy, Hàn Mặc Tử vén màn lên nhìn lại lần cuối cùng những người chị hiền lành, những đứa cháu ngây dại, và nhất là bà mẹ già lọm khọm suốt đời hy sinh cho con. Tất cả đang đứng ôm mặt khóc nức nở.

Bài sưu khảo ngày mai: Ðời Sống Hàn Mặc Tử Trong Trại Cùi Quy Hoà.