HÀN MẶC TỬ NHẬP TRẠI CÙI QUY HOÀ

Buổi sáng mùa thu ngày 20-9-1940 chiếc xe của sở Vệ Sinh thành phố Qui Nhơn đưa Hàn Mặc Tử từ Thôn Tấn đến trại cùi Quy Hòa, giữa tiếng khóc nức nở của các anh chị em, các cháu, và người mẹ già suốt đời hy sinh cho con.

Trại cùi Quy Hoà nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5 cây số, chiếm một khu đất khá rộng lớn. Trại do linh mục Paul André Maheu thuộc Hội Thừa Sai Paris và bác sĩ Le Moine, trưởng ngành y tế Quy Nhơn sáng lập năm 1929. Từ thời Pháp thuộc đến nay, không một chính quyền nào tự đứng ra chịu trách nhiệm điều hành trại cùi, mà chỉ yểm trợ phần nào tài chánh, rồi trao hết trách nhiệm điều hành cho các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Dòng này đến Việt Nam vào năm 1932 và chuyên lo việc tông đồ cho các người ngoại giáo. Việc truyền giáo của các dì dựa trên nền tảng hy sinh và cầu nguyện. Đến đâu, các dì cũng chỉ rao giảng tin mừng, và thực thi sứ điệp bác ái của Chúa Kitô. Do vậy, các dì đã vui lòng nhận trách nhiệm điều hành trại cùi Qui Hòa, để đem an ủi, yêu thương đến cho những bệnh nhân bị người đời ruồng rẫy. Linh Mục Phan Phát Huồn tả về trại cùi lúc Hàn Mặc Tử sống ở đó:

Nhà thương Qui Hòa có đến 600 bệnh nhân. Họ sống trong một khung cảnh tuyệt vời, một bên là biển rộng bao la, một bên là núi xanh rừng rậm. Những người phung hủi nhờ sự săn sóc chu đáo và tận tụy của các dì phước, mà bệnh nhân gọi là các bà mẹ, có cảm tưởng như sống trong đại gia đình. Và nhờ thế, họ quên đi một phần nào cảnh đau đớn của bệnh tình. Trại có nhà thờ, trường học, nhà giải trí, phòng họp và chia ra làm nhiều khu: khu dành cho phái nam độc thân, phái nữ độc thân, và khu dành cho những người có gia đình. Mỗi gia đình bệnh nhân đều có một căn nhà nhỏ, có màu sắc và lối kiến trúc riêng. Và khi gia đình nào có con, các dì phước tách các em đó ra, nuôi và giáo dục ở một khu riêng, để tránh lây bệnh cho các em.

Những khách du lịch tới thăm Quy Hòa phải lấy làm ngạc nhiên khi nhận thấy ở tại Qui Hòa, các bệnh nhân cũng là những người thợ siêng năng. Họ là những người thợ giầy, thợ hớt tóc, thợ hồ, hoặc kiến trúc sư. Chính lúc bệnh nhân làm việc đẻ giúp kẻ khác, họ mới cảm thấy an ủi trong tâm hồn. Lúc các Mẹ mới đến trại, hầu hết những bệnh nhân là những người không Công Giáo. Nhưng về sau, vì thấy gương sáng của các Mẹ săn sóc, họ xin học đạo và dần dần đại đa số các bệnh nhân đã xin chịu phép rửa tội. Họ được một ơn an ủi vô giá là lúc từ trần, họ đã được biết và yêu Chúa, nguồn an ủi vô biên của lòng người.


Cuộc sống của Hàn Mặc Tử trong trại cùi Quy Hoà thế nào đã được anh Nguyễn Văn Xê là người Công Giáo, ở cùng trại, kể lại và được công bố trong tạp chí Sông Hương ở Huế: Anh Nguyễn Văn Xê, đã tận tình giúp đỡ Hàn Mặc Tử nên hai người đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Anh Xê kể rằng:

Khi chiếc xe chạy vào khu dành cho nam giới, các bệnh nhân trong trại bàn tán, xôn xao. Còn Mẹ Juetta, người Pháp, nữ tu dòng thánh Phanxicô, đon đả chạy ra rước bệnh nhân. Bác tài xế mở cửa xe, nhưng bệnh nhân gắng gượng lắm mới đứng lên được. Thấy vậy, Mẹ Juetta vội vàng chạy tới.

-Con à - mau đưa tay mẹ đỡ xuống cho - kẻo ngã.

Mẹ nói rồi, liền xốc đỡ Hàn Mặc Tử. Theo bàn tay dìu dắt của Mẹ, Hàn Mặc Tử tới giường số 3. Mẹ dừng lại, mở tập hồ sơ xem tên tuổi rồi nói:

-Trí à ! đây là chỗ của con.

Anh Nguyễn Văn Xê cũng là bệnh nhân trong trại, ôm mớ hành lý của Hàn Mặc Tử bỏ lên đầu tủ, dọn giường cho chàng rồi nói:

-Anh Trí! anh lên giường nằm nghỉ cho khoẻ.

Trí gật đầu, rút đôi chân sưng đen ra khỏi đôi ba ta rách, bước lên giường. Mẹ Juetta thấy Trí yếu quá, đem đến một tách sữa nóng và múc từng muỗng cho Trí uống. Trí e ngại:

-Thưa Mẹ, xin Mẹ để con tự bưng uống được mà.

Mẹ lắc đầu.

-Không được con à, để Mẹ đút cho. Sữa nóng sẽ làm con phỏng tay đấy. Tay con đang yếu mà.

Rồi Mẹ sung sướng, mỉm cười, khi thấy Trí uống hết ly sữa nóng.

-Thôi con nằm nghỉ đi chút nữa ăn cơm con ạ.

Trí lễ phép thưa:

-Con cám ơn Mẹ.

Đến 11 giờ trưa, anh Xê đến bên giường Trí:

-Anh Trí à - ra dùng cơm trưa, đến giờ rồi đấy.

Anh khập khiễng lê từng bước tới bàn ăn. Mẹ Juetta thấy Trí ăn ít quá nên ép:

-Trí à ! con gắng ăn thêm chút nữa cho có sức. Con yếu quá.

Nhưng Trí vẫn một mực từ chối:

-Cám ơn Mẹ - con đã no lắm rồi.

Đối với Hàn Mặc Tử, sau khi đã tìm được nguồn an ủi nơi Chúa và Mẹ Maria thì cầu nguyện là món ăn thiêng liêng chính của anh. Với tâm hồn thi sĩ thì thơ là kinh và kinh là thơ.

Nhà thơ Quách Tấn là một nhân chứng về sự chuyển hướng trong tâm hồn của Hàn Mặc Tử. Trước ngày Tử bị đưa vào Qui Hoà, ông Quách Tấn vào bệnh viện thăm Tử và chàng đã tâm sự và trăn trối những lời sau:

Tôi có lời nguyện rằng vào Qui Hoà, nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ Điên. Nhưng nghĩ lại, thơ đã làm lỡ ra rồi, dù có đốt đi cũng không xóa được tội lỗi, nên tôi không còn giữ ý định đó nữa. Tuy vậy, cũng không nên để cho người đời thấy được những bí ẩn của lòng mình. Tôi sợ gia đình tôi không theo được ý muốn của tôi, nên tôi nhờ anh thâu hết các bản thảo của tôi đem vào Nha Trang cất dùm. Tôi vào Quy Hoà, nhờ ơn Chúa tôi mạnh được thì chẳng nói chi, bằng tôi chết đi, thì tôi giao cho anh toàn quyền sử dụng. Bài nào nên cho hành thế, bài nào không, anh đã biết rõ. Tôi nhắn anh ra cốt có bấy nhiêu thôi.

Chàng đã viết trong lời tựa của tập thơ Xuân Như Ý những dòng tâm tình hoàn toàn mang màu sắc đạo đức, chứng minh một sự hiệp thông huyền diệu, thẳm sâu với Thiên Chúa:

Lậy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chang vô vàn phước lộc...

Ôi! Trời hạo nhiên, đây không phải là công trình châu báu của người sao? Lòng vô lượng đây không phải do phép tắc màu nhiệm của Đấng Vô thỉ, Vô chung sao?


Ngày mai: sinh hoạt hằng ngày của Hàn Mặc Tử trong trại cùi Quy Hòa