ÐỜI SỐNG HÀN MẶC TỬ TRONG TRẠI CÙI QUY HOÀ

Buổi sáng mùa thu ngày 20-9-1940 chiếc xe của sở Vệ Sinh thành phố Qui Nhơn đưa Hàn Mặc Tử từ Thôn Tấn đến trại cùi Quy Hòa, giữa tiếng khóc nức nở của các anh chị em, các cháu, và người mẹ già suốt đời hy sinh cho con.

Trại cùi Quy Hoà nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 7 cây số, chiếm một khu đất khá rộng lớn. Trại do linh mục Paul André Maheu thuộc Hội Thừa Sai Paris sáng lập năm 1929. Từ thời Pháp thuộc đến nay, không một chính quyền nào tự đứng ra chịu trách nhiệm điều hành trại cùi, mà chỉ yểm trợ phần nào tài chánh, rồi trao hết trách nhiệm điều hành cho các nữ tu dòng Thánh Phanxicô. Dòng này đến Việt Nam vào năm 1932 và chuyên lo việc tông đồ cho các người ngoại giáo. Việc truyền giáo của các dì dựa trên nền tảng hy sinh và cầu nguyện. Đến đâu, các dì cũng chỉ rao giảng tin mừng, và thực thi sứ điệp bác ái của Chúa Kitô. Do vậy, các dì đã vui lòng nhận trách nhiệm điều hành trại cùi Qui Hòa, để đem an ủi, yêu thương đến cho những bệnh nhân bị người đời ruồng rẫy. Linh Mục Phan Phát Huồn tả về trại cùi này lúc Hàn Mặc Tử sống ở đó:

Nhà thương Qui Hòa có đến 600 bệnh nhân. Họ sống trong một khung cảnh tuyệt vời, một bên là biển rộng bao la, một bên là núi xanh rừng rậm. Những người phung hủi nhờ sự săn sóc chu đáo và tận tụy của các dì phước, mà bệnh nhân gọi là các bà mẹ, có cảm tưởng như sống trong đại gia đình. Và nhờ thế, họ quên đi một phần nào cảnh đau đớn của bệnh tình. Trại có nhà thờ, trường học, nhà giải trí, phòng họp và chia ra làm nhiều khu: khu dành cho phái nam độc thân, phái nữ độc thân, và khu dành cho những người có gia đình. Mỗi gia đình bệnh nhân đều có một căn nhà nhỏ, có màu sắc và lối kiến trúc riêng. Và khi gia đình nào có con, các dì phước tách các em đó ra, nuôi và giáo dục ở một khu riêng, để tránh lây bệnh cho các em.

Những khách du lịch tới thăm Quy Hòa phải lấy làm ngạc nhiên khi nhận thấy ở tại Qui Hòa, các bệnh nhân cũng là những người thợ siêng năng. Họ là những người thợ giầy, thợ hớt tóc, thợ hồ, hoặc kiến trúc sư. Chính lúc bệnh nhân làm việc đẻ giúp kẻ khác, họ mới cảm thấy an ủi trong tâm hồn. Lúc các Mẹ mới đến trại, hầu hết những bệnh nhân là những người không Công Giáo. Nhưng về sau, vì thấy gương sáng của các Mẹ săn sóc, họ xin học đạo và dần dần đại đa số các bệnh nhân đã xin chịu phép rửa tội. Họ được một ơn an ủi vô giá là lúc từ trần, họ đã được biết và yêu Chúa, nguồn an ủi vô biên của lòng người.

Cuộc sống của Hàn Mặc Tử trong trại cùi Quy Hoà thế nào đã được anh Nguyễn Văn Xê là người Công Giáo, ở cùng trại, kể lại và được công bố trong tạp chí Sông Hương ở Huế: Anh Nguyễn Văn Xê, đã tận tình giúp đỡ Hàn Mặc Tử nên hai người đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Anh Xê kể rằng:

Khi chiếc xe chạy vào khu dành cho nam giới, các bệnh nhân trong trại bàn tán, xôn xao. Còn Mẹ Juetta, người Pháp, nữ tu dòng thánh Phanxicô, đon đả chạy ra rước bệnh nhân. Bác tài xế mở cửa xe, nhưng bệnh nhân gắng gượng lắm mới đứng lên được. Thấy vậy, Mẹ Juetta vội vàng chạy tới.
-Con à - mau đưa tay mẹ đỡ xuống cho - kẻo ngã.
Mẹ nói rồi, liền xốc đỡ Hàn Mặc Tử. Theo bàn tay dìu dắt của Mẹ, Hàn Mặc Tử tới giường số 3. Mẹ dừng lại, mở tập hồ sơ xem tên tuổi rồi nói:
-Trí à ! đây là chỗ của con.
Anh Nguyễn Văn Xê cũng là bệnh nhân trong trại, ôm mớ hành lý của Hàn Mặc Tử bỏ lên đầu tủ, dọn giường cho chàng rồi nói:
-Anh Trí! anh lên giường nằm nghỉ cho khoẻ.
Trí gật đầu, rút đôi chân sưng đen ra khỏi đôi ba ta rách, bước lên giường. Mẹ Juetta thấy Trí yếu quá, đem đến một tách sữa nóng và múc từng muỗng cho Trí uống. Trí e ngại:
-Thưa Mẹ, xin Mẹ để con tự bưng uống được mà.
Mẹ lắc đầu.
-Không được con à, để Mẹ đút cho. Sữa nóng sẽ làm con phỏng tay đấy. Tay con đang yếu mà.
Rồi Mẹ sung sướng, mỉm cười, khi thấy Trí uống hết ly sữa nóng.
-Thôi con nằm nghỉ đi chút nữa ăn cơm con ạ.
Trí lễ phép thưa:
-Con cám ơn Mẹ.
Đến 11 giờ trưa, anh Xê đến bên giường Trí:
-Anh Trí à - ra dùng cơm trưa, đến giờ rồi đấy.
Anh khập khiễng lê từng bước tới bàn ăn. Mẹ Juetta thấy Trí ăn ít quá nên ép:
-Trí à ! con gắng ăn thêm chút nữa cho có sức. Con yếu quá.
Nhưng Trí vẫn một mực từ chối:
-Cám ơn Mẹ - con đã no lắm rồi.

Đối với Hàn Mặc Tử, sau khi đã tìm được nguồn an ủi nơi Chúa và Mẹ Maria thì cầu nguyện là món ăn thiêng liêng chính của anh. Với tâm hồn thi sĩ thì thơ là kinh và kinh là thơ.

Nhà thơ Quách Tấn là một nhân chứng về sự chuyển hướng trong tâm hồn của Hàn Mặc Tử. Trước ngày Tử bị đưa vào Qui Hoà, ông Quách Tấn vào bệnh viện thăm Tử và chàng đã tâm sự và trăn trối những lời sau:

Tôi có lời nguyện rằng vào Qui Hoà, nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ Điên. Nhưng nghĩ lại, thơ đã làm lỡ ra rồi, dù có đốt đi cũng không xóa được tội lỗi, nên tôi không còn giữ ý định đó nữa. Tuy vậy, cũng không nên để cho người đời thấy được những bí ẩn của lòng mình. Tôi sợ gia đình tôi không theo được ý muốn của tôi, nên tôi nhờ anh thâu hết các bản thảo của tôi đem vào Nha Trang cất dùm. Tôi vào Quy Hoà, nhờ ơn Chúa tôi mạnh được thì chẳng nói chi, bằng tôi chết đi, thì tôi giao cho anh toàn quyền sử dụng. Bài nào nên cho hành thế, bài nào không, anh đã biết rõ. Tôi nhắn anh ra cốt có bấy nhiêu thôi.

Chàng đã viết trong lời tựa của tập thơ Xuân Như Ý những dòng tâm tình hoàn toàn mang màu sắc đạo đức, chứng minh một sự hiệp thông huyền diệu, thẳm sâu với Thiên Chúa:

Lậy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chang vô vàn phước lộc...
Ôi! Trời hạo nhiên, đây không phải là công trình châu báu của người sao? Lòng vô lượng đây không phải do phép tắc màu nhiệm của Đấng Vô thỉ, Vô chung sao?..

Thấm thoát mà Hàn Mặc Tử đã vào Quy Hòa được 3 tuần, được sống trong bầu khí đầy tình thương của các dì phước, của các người bạn mới trong trại. Chàng có vẻ lên tinh thần. Trong một lá thư gửi cho bạn, Hàn Mặc Tử nói về sinh hoạt hằng ngày của chàng như sau:

Buổi mai ngủ dậy, Trí đọc kinh trước hết, kế dơ tay lên, dơ tay xuống tập thể thao, rồi súc miệng rửa mặt và lên giường ngồi đợi ăn. Ăn xong Trí lại đọc kinh rồi đi bách bộ trong nhà và ngâm thơ vang lên. Đến 10 giờ rưỡi trưa Trí lại đi nằm, và nửa giờ sau lại đọc kinh và ngâm thơ nữa. Buổi trưa ăn cơm xong, cũng tráng miệng bằng cách ngâm vài bài thơ rồi ngủ cho tới ba giờ chiều. Lại đọc kinh, lại ngâm thơ. Buổi tối sau khi ăn xong, cũng đi bách bộ, vừa ngâm thơ một cách sung suớng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy không thấy buồn lắm và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì, một hình ảnh, một bóng người đến viếng, một phong thư, một tờ nhật trình.

Ngoài thì giờ đọc kinh cầu nguyện, chàng dùng thì giờ rảnh rỗi trong trại để sáng tác hai tập thơ. Một là Thơ Cầu Nguyện, hai là Thơ Đời. Riêng tập Thơ Đời đã trải qua một giai thoại khá ngộ nghĩnh: Năm 1941, Ông Trần Thanh Maị vào trại cùi Quy Hoà tìm hiểu đời sống Hàn Mặc Tử. Ông gặp anh Nguyễn Văn Xê và xin anh cho mượn hai tập thơ này để làm tài liệu nghiên cứu. Anh Xê trả lời như sau:
-Thưa ông, tôi rất sẵn lòng đưa ngay cho ông mượn, nhưng tiếc là tập thơ Cầu Nguyện đã trao cho dượng rể tôi là nhà văn Bùi Tuân hồi cuối hè vừa rồi.
Ông Mại hỏi:
-Thế còn tập Thơ Đời của Trí thì đề tặng ai?
-Đó là anh Phạm Văn Trung, cũng là bệnh nhân ở đây và có mở một quán hàng nhỏ tạp hóa.
Ông Mại nhíu mày hỏi anh Xê:
-Anh có hiểu nguyên nhân nào Trí đã tặng anh Trung tập Thơ Đời không?
-Sở dĩ tập Thơ Ðời tăng anh Trung vì Trí hỏi tôi yêu đời hay yêu đạo thì tôi trả lời là tôi yêu đạo, nên Trí mới ghi tặng tôi tập thơ Cầu Nguyện, và dĩ nhiên tập Thơ Đời thì Trí đề tặng anh Trung.
-Ông chủ quán tên Trung có liên quan gì đến Trí, mà sao tôi không nghe các chị dòng nói đến?
-Anh Trung mở quán, nên từ ngày Trí vào trại cho đến ngày chết, anh Trung luôn luôn săn sóc Trí bằng cách cung cấp nước trà sớm, trưa, chiều, tối, thỉnh thoảng lại còn gửi ít bánh kẹo cho Trí ăn chơi.
Lúc này ông Mại gật đầu:
-À, à! Ân đền, oán trả. Tôi hiểu rồi.
Sau đó, anh Xê đưa ông Mại đến quán anh Trung để tìm tập Thơ Đời. Anh Trung đưa ra một tập giấy pelure trắng mỏng đã bị xé rách hơn phân nửa. Ông Mại nâng niu tập giấy, xem tới xem lui rồi hỏi:
-Các trang bị xé rách anh còn giữ được không?
-Dạ không dám giấu gì thầy, tôi thấy giấy tốt quá, nên vấn thuốc hút và dùng giấy gói tiêu tỏi cho khách hàng.
-Anh Trung, anh cố nhớ những tờ giấy như thế này còn ở đâu nữa không?
-Thưa thày, tôi nói thật, nếu có gì không nên không phải, xin thày tha lỗi cho.
-Anh cứ nói sự thật đi.
-Thú thật với thày là nhựt trình mắc quá, nên tôi thỉnh thoảng làm giấy vệ sinh.
Thế là một số thơ của Hàn Mặc Tử làm trong trại cùi đã hoàn toàn bị mất.

Theo nhà văn Võ Long Tê, trong bài báo Thi Hào Công Giáo Hàn Mặc Tử, in Canada, năm 1995, thì tập thơ Cầu Nguyện chính là tập thơ Xuân Như Ý.

Ngoài ra, Hàn Mặc Tử còn làm hai bài thơ bằng tiếng Pháp gọi là Poème En Prose, gửi cho nhà văn Hoàng Trọng Miên, chủ nhiệm tờ báo Văn Nghệ Người Mới ở Saigon, để ca ngợi tinh thần các dì phước trong trại cùi.

Trong trại Qui Hòa, Hàn Mặc Tử sống rất khiêm tốn, nhã nhặn và không bao giờ khoe khoang với người trong trại rằng mình là thi sĩ, là một ký giả. Với cảc các dì phước người Pháp, chàng cũng không bao giờ dùng tiếng Pháp để nói chuyện. Mãi về sau, khi chết rồi, các người trong trại mới biết đó là một nhà thơ lừng danh, một ký giả có khả năng viết và nói tiếng Pháp lưu loát. Ông Trần Thanh Mại viết về cung cách xử sự của chàng trong trại:

Xưa nay chàng vẫn là người hiền lành, nhã nhặn, đối với bất kỳ ai, cũng lễ độ, nên không mấy lúc mà chinh phục được lòng bao nhiêu người trong trại cùi, từ các dì phước, đến các người bệnh. Nhiều ngày chàng đi thăm và an ủi anh em, chị em đồng bệnh. Chàng vui vẻ, ăn nói đậm đà, ưa đùa bỡn với bạn mới, biết lựa lời để cho vừa ý mọi người. Nhiều khi trong túi có một đồng hay năm bảy hào của nhà gửi cho mà chàng thấy không cần dùng, thì chàng lại chia cho các người nghèo túng hơn. Có một dạo, gia đình trong Quy Nhơn gửi cho chàng bộ quần áo mới. Đến khi người nhà vào thăm, thấy chàng vẫn mặc quần đen cụt cũ kỹ, lấy làm lạ, gạn hỏi thì chàng cho biết đã cho một người ốm và nghèo trong trại.

Sống trong trại cùi Quy Hòa, tâm tư Hàn Mặc Tử lắng đọng xuống. Chàng hiểu rõ mẹ chàng đang đau khổ, nên viết thư về an ủi mẹ:

Kính lạy mẹ đặng bình an trong Rất Thánh Trái Tim Chúa. Con viết mấy hàng chữ này để lạy từ tạ mẹ. Lậy mẹ, xin mẹ cũng đừng đau buồn làm chi, nên coi con dã chết, và con không thể quên mẹ. Xin cho con được chết lành. Kính thăm anh chị Dõng, chị Ba, em Tín, Hiếu và chúc các cháu bình an. Con bất hiếu Trí.

Rồi nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tụy của Mẹ Juetta, bệnh của Hàn Mặc Tử thuyên giảm rõ rệt. Có lần, chàng vui vẻ bàn tới chuyện sang năm sẽ cùng các bạn trong trại đi rước kiệu Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị. Chàng thổ lộ tâm tình với anh bạn Nguyễn Văn Xê.

Tôi đến Quy Hòa này có bãi biển, có rừng dừa xanh, có núi non hùng vĩ, và cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là có tình người nồng ấm, nên tôi được hưởng cái an bình của nội tâm, cái thanh tao của người vừa tưởng như đã chết trong khi tôi ở Thôn Tấn đầy đau khổ, nghèo túng, cô đơn, không ai đến an ủi, săn sóc.

Cái tình người nồng ấm mà Hàn Mặc Tử nói ở trên, sở dĩ có được, là do tinh thần hy sinh của các dì phước. Ông Trần Thanh Mại, không phải là người Công Giáo, đã gặp các dì trong trại cùi, và viết về các dì như sau:

Họ là những người đàn bà hết sức hiếm hoi ở dưới trần gian này, đã bỏ cả gia đình, cả tổ quốc, với những gì văn minh, xa hoa cực điểm, đã bỏ cả tuổi thanh xuân, với sắc đẹp huy hoàng lộng lẫy, tự đày mình ở một nơi xa ngoài trăm nghìn dặm, tự giam mình trong cái địa ngục ghê gớm và rùng rợn hơn địa ngục của Cơ Đốc Giáo, chỉ để mong đỡ đần nguồn đau khổ vô hạn của loài người. Những cái nhìn xanh biếc, nụ cười tươi thắm trên mặt trái xoan, đúc theo khuôn mẫu của những vị nữ thần Hy Lạp, chỉ biết gieo vào lòng người một niềm tin bác ái, mộ đạo, và kéo bao nhiêu ý thức về đức thuần tuý cao siêu của Đức Chúa Trời.

Cuộc đời Hàn Mặc Tử đang êm trôi trong trại, thì đến ngày 30 tháng 10 năm 1940, chàng bị bệnh kiết lỵ trầm trọng. Chàng kiệt sức quá không đi nhà thờ đọc kinh như mọi ngày được. Anh Xê đề nghị Mẹ Juetta đưa Hàn Mặc Tử vào phòng kẻ liệt cho tiện săn sóc, và ban đêm anh Xê được mẹ Juetta trao trách nhiệm trông coi kẻ liệt. Đến đêm ngày 8 tháng 11, Hàn Mặc Tử ngồi bật dậy, lấy từ trong áo ra 2 tập giấy đánh máy, rồi gọi anh Xê:

-Anh Xê à - anh đã có tình yêu chưa?
Câu hỏi bất ngờ quá, nhưng anh Xê cũng thành thật trả lời:
-Tôi là người Công Giáo, từ nhỏ tới giờ ở đây, tôi chỉ có một tình yêu duy nhất là yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria thôi anh ạ.
Hàn Mặc Tử gật đầu, vừa nói, vừa lấy bút chì ghi dòng chữ sau đây:
-Tập thơ Cầu Nguyện để tặng anh Xê.
-Tập thơ Đời để tặng anh Phạm Văn Trung.

Đêm hôm ấy, bệnh kiết lỵ của Hàn Mạc Tử trở nên trầm trọng. Chàng nhờ anh Xê lấy quyển sách Dọn Mình Chết Lành đọc cho chàng nghe, và miệng chàng luôn luôn than thở:

Lậy Mẹ Hằng Cứu Giúp, Xin Thương Xót Con. Lậy Mẹ Hằng Cứu Giúp, Xin Cứu Linh Hồn Con Trong Giờ Sau Hết.

Sáng ngày 9 tháng 11, Mẹ Juetta vào thăm, Mẹ bưng chén thuốc cho Trí uống rồi nói:

Trí à ! Chiều nay, Mẹ sẽ cho xe đi đón cha tuyên úy vào đây để con xưng tội rước lễ. Cha sẽ xức dầu cho con. Con chuẩn bị tâm hồn đi.

Sáng ngày 10 tháng 11, cha tuyên uý cho Hàn Mặc Tử chịu Phép Xức Dầu và rước lễ. Suốt ngày ấy, bệnh trạng của chàng trở nên nguy kịch, nhưng tinh thần có vẻ tỉnh táo. Chàng gọi anh Xê lại trăn trối lời cuối:

-Anh Xê ơi - Khi tôi chết, anh trao lá thơ này cho mẹ tôi và xin báo tin cho Trần Thanh Mại ở Huế và Quách Tấn ở Nha Trang.
-Thế còn gia đình anh thì sao?
-Rồi anh Hành, bà con tôi sẽ vào nay mai, và dĩ nhiên mẹ và gia đình tôi sẽ biết.

Đêm ngày 10 tháng 11, Mẹ Juetta, sơ Julienne và anh Xê vào thăm Hàn Mặc Tử 3 lần. Và lần thứ 3, lúc khoảng 3 giờ sáng, sơ Julienne cho biết Hàn Mặc Tử đang hấp hối.

Sáng ngày 11 tháng 11 năm 1940, lúc 5 giờ 45 Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, 28 tuổi, đã tắt hơi thở cuối cùng trong ân nghĩa Chúa. Anh em trong trại lo khâm liệm và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô Nguyễn Trọng Trí. Thánh lễ an táng được cử hành tại nhà nguyện của trại.

Trong đám tang Hàn Mặc Tử, không một người thân, không một người bạn, chỉ có anh em trong trại cùi, các dì phước và cha Tuyên Úy. Họ không phải là những người thân quyến của Hàn Mặc Tử, nhưng là những anh em trong Chúa, vì bệnh tật, phải sống cách ly với thế giới bên ngoài.

Mộ Hàn Mặc Tử nằm trong nghĩa địa trại cùi Quy Hòa. Mộ của những người phong hủi được chôn theo thứ tự ngày chết, và un lên từng nấm dài đều đặn như những luống khoai. Mộ bằng đất với cây Thánh Giá gỗ, không vòng hoa, không hương khói, đìu hiu quạnh quẽ dưới gốc cây phi lao. Chỗ an nghỉ cuối cùng của Hàn Mặc Tử đã phù hợp với lời thơ trong tác Phẩm Duyên Kỳ Ngộ của chàng.

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng.
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.

Anh Nguyền Văn Xê gom góp tài sản của người quá cố để đốt đi theo luật của trại. Tài sản của người thi sĩ này không có một đồng xu dính túi, chỉ có: một bộ bà ba trắng cũ, một áo veston cũ, một đôi ba ta sắp hư, một quyển sách Pháp Văn, và trong túi áo mặc, trước khi chết, có một tờ giấy viết bằng Pháp Văn có tựa đề : La Pureté De L' âme- nghĩa là Sự Thanh Khiết Của Tâm Hồn. Bài này được viết nửa tháng trước khi chết, có nội dung ca tụng tinh thần hy sinh bác ái của những nữ tu dòng Phanxicô. Sau đây là bản dịch bài Sự Thanh Khiết Của Tâm Hồn :

Hỡi các Thiên Thần trên trời, Thiên Thần của Chúa, Thiên Thần của Bình An và Hoan Lạc, hãy mang cho tôi một tràng hoa .
Tôi muốn tắm mình trong biển hào quang và tình thương cao cả.
Bởi vì, ở chốn hạ giới này, những phép linh dị của Chúa khiến mọi người phải yên lặng để say sưa chiêm ngưỡng công nghiệp huyền diệu của đấng Tối Cao .
Hỡi các Thiên Thần trên trời, Thiên Thần của Chúa, Thiên thần của bình an và hoan lạc hãy tung hô các Mẹ và các Chị dòng thánh Phan Xi Cô đã xuống giữa loài người mà an ủi chúng tôi, những kẻ trầm luân yếu đuối, bệnh tật, phung hủi.
Tôi muốn cao ngâm những lời thơ trong suốt ngọt ngào, khi Mẹ và các chị dòng cất tiếng hát: Hosana, Hosana.
Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong tinh tuyền, nguồn tươi vui, ánh sáng. Vì tất cả đó là hình tượng của những Tâm Hồn Thanh Khiết.
Hỡi các Thiên Thần, Thiên thần của Chúa, Thiên Thần của bình an và hoan lạc, hãy tung hoa hồng, hoa sen, tiếng hát du dương, hơi nhạc đẫm hương và tưới tràn trề đức hạnh, can đảm cùng hạnh phúc xuống cho những người tôi tớ Chúa. Phanxicô Trí.

Sau khi Hàn Mặc Tử chết được ba ngày, thì gia đình chàng biết tin và ngay hôm sau, mẹ và người chị tức tốc vào Quy Hòa. Anh Xê hướng dẫn gia đình đi thăm mộ. Anh Xê đã không cầm được nước mắt khi thấy mẹ khóc một đứa con yêu, chị khóc một đứa em xấu số. Mẹ chàng khóc thật nhiều, rồi ôm lấy anh Xê nói lời uất nghẹn:

Xê ơi, bà đã già trước tuổi vì đi bà đã mấy lần tang tóc, đã rơi không biết bao nhiêu là nước mắt rồi.

Và cũng vào một ngày cuối hè năm 1941, anh Xê hướng dẫn một cô gái đến nghĩa địa thăm mộ Hàn Mặc Tử. Trước nấm mồ cô khóc xướt mướt thật lâu. Anh Xê rất ngạc nhiên, về sau, mới biết thiếu nữ đó là Mai Đình, người đã hết lòng yêu Hàn Mặc Tử lúc còn bệnh hoạn, nhưng chàng không đáp lại tình yêu đó. Đối với bàn bè và những người biết Mai Đình hồi đó, đều có một ý nghĩ không tốt về Mai Đình. Tuy thế, khi Hàn Mặc Tử chết rồi, bạn bè không ai ngó ngàng, không ai đọc cho chàng một câu kinh trước mộ, chỉ có nàng, nàng vẫn một lòng chung thủy, vẫn thỉnh thoảng trở lại thăm mộ người tình xấu số.

Năm 1941 Nhà văn Trần Thanh Mại vào Quy Hòa, tìm hiểu đời sống Hàn Mặc Tử. Mẹ Bề Trên Marie De Saint Venant, phó Giám Đốc bệnh Viện Quy Hoà, đã chỉ mộ chàng và nói:

Francois (tức Hàn Mặc Tử) người rất nhỏ nhắn, rất lịch thiệp và là một người Công Giáo rất tốt lành. Tôi tin chắc Francois đã về Thiên Đàng với Chúa.Và bây giờ anh nằm đây, yên nghỉ để đợi ngày Phục Sinh.

Năm 1959 gia đình Hàn Mặc Tử và thi sĩ Quách Tấn lo việc cải táng, đưa hài cốt từ Quy Hòa ra Gành Ráng. Mộ phần nằm lưng chừng núi Gành Ráng. Phía trong là núi, phía trước là biển, và xa xa là thành phố Quy Nhơn nằm trải dài trên bờ cát vàng óng ánh.

Tuy mộ nằm trên núi, trên rừng, nhưng việc cải táng cũng đã gặp trở ngại bất ngờ. Lúc hai ông Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín, em ruột Hàn Mặc Tử, đem hài cốt ra núi Gành Ráng, thì ông thôn trưởng, cùng viên cảnh sát xã kéo năm người dân vệ đến. Viên cảnh sát hùng hổ nói:
-Chỗ này là đất cấm, sao các ông dám đem mồ mả lên mà chôn?
Ông Tín đáp:
-Chúng tôi đã được ông tỉnh trưởng cho phép rồi.
-Dù đã được phép đi nữa cũng phải đợi làng làm lễ khai sơn đã, rồi muốn làm gì thì làm. Chớ làm ẩu thế này sẽ động làng động xóm, rủi sanh tai họa thì ai chịu trách nhiệm cùng nhân dân. Huống nữa, làng chúng tôi chưa được giấy tỉnh sức. Vì vậy chúng tôi phải triệt quan tài tại đây, làm biên bản phúc trình tỉnh.
Ông Tín dằn tiếng nói:
-Các anh nhất định không cho chôn phải không?
-Nhất định.
Quách Tấn ngoảnh lại nói cùng ông Nguyễn Bá Tín:
-Thôi các ông không cho chôn thì chúng ta cứ về. Gởi quan tài lại đó cho các ông. Khi nào được lệnh tỉnh, các ông cho chôn, chúng mình sẽ đến chôn.
Hiểu được thâm ý của ông Quách Tấn, ông Tín và gia đình tán thành. Nhưng viên cảnh sát phản đối ngay:
-Các ông muốn bỏ vạ cho ai đó?
Quách Tấn đáp:
-Các ông không cho chôn, chúng tôi phải để lại chứ biết sao bây giờ ?
Ông thôn trưởng vẻ e ngại hiện hẳn ra mặt, đến nói nhỏ cùng Quách Tấn:
-Nếu để quan tài giữa trời thế này thì thất đức quá. Phải chi có người của tỉnh đến chứng nhận rằng qúy ông đã được phép rồi, để sau chúng tôi không trở ngại gì cả.
Thế là chúng tôi đưa ông cảnh sát đi gặp ông tỉnh trưởng. Ông tỉnh trưởng đi vắng, nên ông cảnh sát đổi ý bảo rằng:
-Chẳng lẽ quý ông lại nói dối với chúng tôi là vai con em rằng ông tỉnh trưởng đã cho phép sao? Thôi, xin các ông trở về lo việc chôn cất kẻo tối.
Thế là muôn sự tốt lành.Ngày nay có ai đến thăm mộ người thi sĩ tài hoa này, xin nhớ 2 câu thơ trong tác phẩm Xuân Như Ý của chàng:

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mưa gió.
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao.

Năm 1991, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường, tác giả bài hát Hàn Mặc Tử, đã cùng một số anh chị em nghệ sĩ, bảo trợ kinh phí để ban giám đốc trại cùi Quy Hoà xây đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử. Và nơi trút hơi thở cuối cùng, đã được biến thành Phòng Lưu Niệm, trong đó trưng bày một cái giường, tượng bán thân, những tác phẩm và các bài báo viết về Hàn Mặc Tử. Riêng mộ Hàn Mặc Tử tại Gành Ráng, thì nay đã biến thành trung tâm du lịch. Thơ văn và ảnh Hàn Mặc Tử được bày bán rất nhiều và đặc biệt có thùng tiền công đức bên cạnh mộ. Ngoài ra còn một căn nhà nhỏ có bàn thờ Hàn Mặc Tử, với hương đèn nghi ngút quanh năm.

Nay thì Hàn Mặc Tử đã mồ cao mả đẹp và người ta thường chỉ nhớ đến chàng qua những vần thơ trác tuyệt và cuộc tình dang dở với Mộng Cầm. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối đời, Hàn Mặc Tử còn là một chiến sĩ Phúc Âm trong mặt trận văn học và nghệ thuật. Đó là một khía cạnh rất quan trọng trong đời sống Hàn Mặc Tử mà chúng tôi sẽ trình bày trong phần III: Những Nguồn Thi Cảm Của Hàn Mặc Tử.

Bài sưu khảo ngày mai: Những nguồn thi cảm của Hàn Mặc Tử