Những giây phút cuối đời của Hàn Mặc Tử

Cuộc đời Hàn Mặc Tử đang êm trôi trong trại, thì đến ngày 30 tháng 10 năm 1940, chàng bị bệnh kiết lỵ trầm trọng. Chàng kiệt sức quá không đi nhà thờ đọc kinh như mọi ngày được. Anh Xê đề nghị Mẹ Juetta đưa Hàn Mặc Tử vào phòng kẻ liệt cho tiện săn sóc, và ban đêm anh Xê được mẹ Juetta trao trách nhiệm trông coi kẻ liệt. Đến đêm ngày 8 tháng 11, Hàn Mặc Tử ngồi bật dậy, lấy từ trong áo ra 2 tập giấy đánh máy, rồi gọi anh Xê:

-Anh Xê à - anh đã có tình yêu chưa?

Câu hỏi bất ngờ quá, nhưng anh Xê cũng thành thật trả lời:

-Tôi là người Công Giáo, từ nhỏ tới giờ ở đây, tôi chỉ có một tình yêu duy nhất là yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria thôi anh ạ.

Hàn Mặc Tử gật đầu, vừa nói, vừa lấy bút chì ghi dòng chữ sau đây:

-Tập thơ Cầu Nguyện để tặng anh Xê.

-Tập thơ Đời để tặng anh Phạm Văn Trung.

Đêm hôm ấy, bệnh kiết lỵ của Hàn Mạc Tử trở nên trầm trọng. Chàng nhờ anh Xê lấy quyển sách Dọn Mình Chết Lành đọc cho chàng nghe, và miệng chàng luôn luôn than thở: Lậy Mẹ Hằng Cứu Giúp, Xin Thương Xót Con. Lậy Mẹ Hằng Cứu Giúp, Xin Cứu Linh Hồn Con Trong Giờ Sau Hết.

Sáng ngày 9 tháng 11, Mẹ Juetta vào thăm, Mẹ bưng chén thuốc cho Trí uống rồi nói:

- Trí à ! Chiều nay, Mẹ sẽ cho xe đi đón cha tuyên úy vào đây để con xưng tội rước lễ. Cha sẽ xức dầu cho con. Con chuẩn bị tâm hồn đi.

Sáng ngày 10 tháng 11, cha tuyên uý cho Hàn Mặc Tử chịu Phép Xức Dầu và rước lễ. Suốt ngày ấy, bệnh trạng của chàng trở nên nguy kịch, nhưng tinh thần có vẻ tỉnh táo. Chàng gọi anh Xê lại trăn trối lời cuối:

-Anh Xê ơi - Khi tôi chết, anh trao lá thơ này cho mẹ tôi và xin báo tin cho Trần Thanh Mại ở Huế và Quách Tấn ở Nha Trang.

-Thế còn gia đình anh thì sao?

-Rồi anh Hành, bà con tôi sẽ vào nay mai, và dĩ nhiên mẹ và gia đình tôi sẽ biết.

Đêm ngày 10 tháng 11, Mẹ Juetta, sơ Julienne và anh Xê vào thăm Hàn Mặc Tử 3 lần. Và lần thứ 3, lúc khoảng 3 giờ sáng, sơ Julienne cho biết Hàn Mặc Tử đang hấp hối. Sáng ngày 11 tháng 11 năm 1940, lúc 5 giờ 45 Phanxicô Nguyễn Trọng Trí, 28 tuổi, đã tắt hơi thở cuối cùng trong ân nghĩa Chúa. Anh em trong trại lo khâm liệm và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô Nguyễn Trọng Trí. Thánh lễ an táng được cử hành tại nhà nguyện của trại.

Trong đám tang Hàn Mặc Tử, không một người thân, không một người bạn, chỉ có anh em trong trại cùi, các dì phước và cha Tuyên Úy. Họ không phải là những người thân quyến của Hàn Mặc Tử, nhưng là những người anh em trong Chúa, vì bệnh tật, phải sống cách ly với thế giới bên ngoài.

Mộ Hàn Mặc Tử nằm trong nghĩa địa trại cùi Quy Hòa. Mộ của những người phong hủi được chôn theo thứ tự ngày chết, và un lên từng nấm dài đều đặn như những luống khoai. Mộ bằng đất với cây Thánh Giá gỗ, không vòng hoa, không hương khói, đìu hiu quạnh quẽ dưới gốc cây phi lao. Chỗ an nghỉ cuối cùng của Hàn Mặc Tử đã phù hợp với lời thơ trong tác phẩm Duyên Kỳ Ngộ của chàng.

Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương, anh nằm chết như trăng.

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.


Anh Nguyền Văn Xê gom góp tài sản của người quá cố để đốt đi theo luật của trại. Tài sản của người thi sĩ này không có một đồng xu dính túi, chỉ có: một bộ bà ba trắng cũ, một áo veston cũ, một đôi ba ta sắp hư, một quyển sách Pháp Văn, và trong túi áo mặc, trước khi chết, có một tờ giấy viết bằng Pháp Văn có tựa đề : La Pureté De L' âme- nghĩa là Sự Thanh Khiết Của Tâm Hồn. Bài này được viết nửa tháng trước khi chết, có nội dung ca tụng tinh thần hy sinh bác ái của những nữ tu dòng Phanxicô. Sau đây là bản dịch bài Sự Thanh Khiết Của Tâm Hồn :

Hỡi các Thiên Thần trên trời, Thiên Thần của Chúa, Thiên Thần của Bình An và Hoan Lạc, hãy mang cho tôi một tràng hoa.

Tôi muốn tắm mình trong biển hào quang và tình thương cao cả.

Bởi vì, ở chốn hạ giới này, những phép linh dị của Chúa khiến mọi người phải yên lặng để say sưa chiêm ngưỡng công nghiệp huyền diệu của đấng Tối Cao.

Hỡi các Thiên Thần trên trời, Thiên Thần của Chúa, Thiên thần của bình an và hoan lạc hãy tung hô các Mẹ và các Chị dòng thánh Phan Xi Cô đã xuống giữa loài người mà an ủi chúng tôi, những kẻ trầm luân yếu đuối, bệnh tật, phung hủi.

Tôi muốn cao ngâm những lời thơ trong suốt ngọt ngào, khi Mẹ và các chị dòng cất tiếng hát: Hosana, Hosana.

Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong tinh tuyền, nguồn tươi vui, ánh sáng. Vì tất cả đó là hình tượng của những Tâm Hồn Thanh Khiết.

Hỡi các Thiên Thần, Thiên thần của Chúa, Thiên Thần của bình an và hoan lạc, hãy tung hoa hồng, hoa sen, tiếng hát du dương, hơi nhạc đẫm hương và tưới tràn trề đức hạnh, can đảm cùng hạnh phúc xuống cho những người tôi tớ Chúa. Phanxicô Trí.


Sau khi Hàn Mặc Tử chết được ba ngày, thì gia đình chàng biết tin và ngay hôm sau, mẹ và người chị tức tốc vào Quy Hòa. Anh Xê hướng dẫn gia đình đi thăm mộ. Anh Xê đã không cầm được nước mắt khi thấy mẹ khóc một đứa con yêu, chị khóc một đứa em xấu số. Mẹ chàng khóc thật nhiều, rồi ôm lấy anh Xê nói lời uất nghẹn:

-Xê ơi, bà đã già trước tuổi vì đi bà đã mấy lần tang tóc, đã rơi không biết bao nhiêu là nước mắt rồi.

Và cũng vào một ngày cuối hè năm 1941, anh Xê hướng dẫn một cô gái đến nghĩa địa thăm mộ Hàn Mặc Tử. Trước nấm mồ cô khóc xướt mướt thật lâu. Anh Xê rất ngạc nhiên, về sau, mới biết thiếu nữ đó là Mai Đình, người đã hết lòng yêu Hàn Mặc Tử lúc còn bệnh hoạn, nhưng chàng không đáp lại tình yêu đó. Đối với bàn bè và những người biết Mai Đình hồi đó, đều có một ý nghĩ không tốt về Mai Đình. Tuy thế, khi Hàn Mặc Tử chết rồi, bạn bè không ai ngó ngàng, không ai đọc cho chàng một câu kinh trước mộ, chỉ có nàng, nàng vẫn một lòng chung thủy, vẫn thỉnh thoảng trở lại thăm mộ người tình xấu số.

Năm 1941 Nhà văn Trần Thanh Mại vào Quy Hòa, tìm hiểu đời sống Hàn Mặc Tử. Mẹ Bề Trên Marie De Saint Venant, phó Giám Đốc bệnh Viện Quy Hoà, đã chỉ mộ chàng và nói:

Francois (tức Hàn Mặc Tử) người rất nhỏ nhắn, rất lịch thiệp và là một người Công Giáo rất tốt lành. Tôi tin chắc Francois đã về Thiên Đàng với Chúa.Và bây giờ anh nằm đây, yên nghỉ để đợi ngày Phục Sinh.

Năm 1959 gia đình Hàn Mặc Tử và thi sĩ Quách Tấn lo việc cải táng, đưa hài cốt từ Quy Hòa ra Gành Ráng. Mộ phần nằm lưng chừng núi Gành Ráng. Phía trong là núi, phía trước là biển, và xa xa là thành phố Quy Nhơn nằm trải dài trên bờ cát vàng óng ánh.

Tuy mộ nằm trên núi, trên rừng, nhưng việc cải táng cũng đã gặp trở ngại bất ngờ. Lúc hai ông Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín, em ruột Hàn Mặc Tử, đem hài cốt ra núi Gành Ráng, thì ông thôn trưởng, cùng viên cảnh sát xã kéo năm người dân vệ đến. Viên cảnh sát hùng hổ nói:

-Chỗ này là đất cấm, sao các ông dám đem mồ mả lên mà chôn?

Ông Tín đáp:

-Chúng tôi đã được ông tỉnh trưởng cho phép rồi.

-Dù đã được phép đi nữa cũng phải đợi làng làm lễ khai sơn đã, rồi muốn làm gì thì làm. Chớ làm ẩu thế này sẽ động làng động xóm, rủi sanh tai họa thì ai chịu trách nhiệm cùng nhân dân. Huống nữa, làng chúng tôi chưa được giấy tỉnh sức. Vì vậy chúng tôi phải triệt quan tài tại đây, làm biên bản phúc trình tỉnh.

Ông Tín dằn tiếng nói:

-Các anh nhất định không cho chôn phải không?

-Nhất định.

Quách Tấn ngoảnh lại nói cùng ông Nguyễn Bá Tín:

-Thôi các ông không cho chôn thì chúng ta cứ về. Gởi quan tài lại đó cho các ông. Khi nào được lệnh tỉnh, các ông cho chôn, chúng mình sẽ đến chôn.

Hiểu được thâm ý của ông Quách Tấn, ông Tín và gia đình tán thành. Nhưng viên cảnh sát phản đối ngay:

-Các ông muốn bỏ vạ cho ai đó?

Quách Tấn đáp:

-Các ông không cho chôn, chúng tôi phải để lại chứ biết sao bây giờ ?

Ông thôn trưởng vẻ e ngại hiện hẳn ra mặt, đến nói nhỏ cùng Quách Tấn:

-Nếu để quan tài giữa trời thế này thì thất đức quá. Phải chi có người của tỉnh đến chứng nhận rằng qúy ông đã được phép rồi, để sau chúng tôi không trở ngại gì cả.

Thế là chúng tôi đưa ông cảnh sát đi gặp ông tỉnh trưởng. Ông tỉnh trưởng đi vắng, nên ông cảnh sát đổi ý bảo rằng:

-Chẳng lẽ quý ông lại nói dối với chúng tôi là vai con em rằng ông tỉnh trưởng đã cho phép sao? Thôi, xin các ông trở về lo việc chôn cất kẻo tối.

Thế là muôn sự tốt lành.Ngày nay có ai đến thăm mộ người thi sĩ tài hoa này, xin nhớ 2 câu thơ trong tác phẩm Xuân Như Ý của chàng:

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mưa gió.

Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao.


Năm 1991, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường, tác giả bài hát Hàn Mặc Tử, đã cùng một số anh chị em nghệ sĩ, bảo trợ kinh phí để ban giám đốc trại cùi Quy Hoà xây đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử. Và nơi trút hơi thở cuối cùng, đã được biến thành Phòng Lưu Niệm, trong đó trưng bày một cái giường, tượng bán thân, những tác phẩm và các bài báo viết về Hàn Mặc Tử. Riêng mộ Hàn Mặc Tử tại Gành Ráng, thì nay đã biến thành trung tâm du lịch. Thơ văn và ảnh Hàn Mặc Tử được bày bán rất nhiều và đặc biệt có thùng tiền công đức bên cạnh mộ. Ngoài ra còn một căn nhà nhỏ có bàn thờ Hàn Mặc Tử, với hương đèn nghi ngút quanh năm.

Nay thì Hàn Mặc Tử đã mồ cao mả đẹp và người ta thường chỉ nhớ đến chàng qua những vần thơ trác tuyệt và cuộc tình dang dở với Mộng Cầm. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối đời, Hàn Mặc Tử còn là một chiến sĩ Phúc Âm trong mặt trận văn học và nghệ thuật. Đó là một khía cạnh rất quan trọng trong đời sống Hàn Mặc Tử mà chúng tôi sẽ trình bày trong phần III: Những Nguồn Thi Cảm Của Hàn Mặc Tử.

Ngày mai: Những nguồn thi cảm của Hàn Mặc Tử