NHỮNG NGUỒN THI CẢM CỦA HÀN MẶC TỬ

Thi sĩ Hàn Mặc Tử qua đời lúc ông 28 tuổi. Tuy cuộc đời ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn chương khá phong phú gồm:
-Năm tập thơ là: Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý, Thượng Thanh Khí, và Cẩm Châu Duyên.
-Hai kịch thơ là: Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội.
-Mười bài văn xuôi.
-Ngoài ra còn một số lớn thi ca được đăng trên các tạp chí ở Nam, Trung, Bắc. Tựu trung, thi ca Hàn Mặc Tử khởi đi từ bốn nguồn thi cảm: Lòng yêu nước, Tình cảm yêu đương, Cuộc đời đau khổ , Và ơn sủng siêu nhiên.

1. Nguồn thi cảm thứ nhất: Lòng Yêu Nước: Trong những năm của thập niên 30, xã hội Việt Nam dấy lên một cao trào chống thực dân Pháp. Hàn Mặc Tử lúc đó còn rất trẻ, đang là học sinh trung học, cũng sáng tác thi ca, mô tả nỗi thống khổ, uất hận của dân tộc. Tiêu biu là các bài: Thức Khuya, Chùa Hoang, Gái — Chùa. Các bài này đã được nhà cách mạng Phan Bội Châu nhiệt tình khen ngợi, đã họa lại, và cho đăng báo để giới yêu thơ thưởng thức. Ngoài ra Hàn Mặc Tử còn đích thân ra Huế gặp cụ Phan. Do đó, Sở Mật Thám Pháp đã gạch tên Hàn Mặc Tử khỏi danh sách học sinh được du học tại Pháp. Dưới đây là 4 câu thơ trong bài Đêm Không Ngủ:

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ màn chăn.

2. Nguồn thi cảm thứ hai: Tình Cảm Yêu Đương: Khi rời mái trường trung Học Pellerin Huế, Hàn Mặc Tử tròn 18 tuổi, và như bao nhiêu người trai trẻ khác, tâm hồn của người mới lớn, đều có cái xôn xao, rạo rực. Người tình đầu tiên của chàng là Hoàng Cúc, và mối tình giữa chàng mười tám, đôi mươi với cô nàng mười lăm, mười bảy, tất nhiên là cao đẹp, mộng mơ. Để tỏ tấc lòng cùng người yêu, chàng đã ghi tên nàng vào các bài thơ như : Vịnh Hoa Cúc, Trồng Hoa Cúc, Hồn Cúc.

Đọc các bài này, người ta thấy tình cảm của Hàn Mặc Tử lúc ấy, có cái giọng nhà nho, còn thấm nhuần lễ giáo Khổng, Mạnh. Rồi từ tình yêu vụng trộm, chàng muốn đi đến hôn nhân chính thức. Tuy nhiên, hôn sự lại bất thành vì ông thân sinh Hoàng Cúc là chủ sự sở Đạc Điền, mà Tử đang làm dưới quyền, đã chê chàng là không xứng mặt với con gái ông. Hàn Mặc Tử giận lắm, xin nghỉ việc và vào Saigon làm báo. Trong khi đó, Hoàng Cúc lại ra Huế, nên hai người không gặp nhau nữa. Tuy nhiên, như nhà văn Thế Lữ nói:

Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.

Nên năm 1936, khi in tập thơ đầu tay Gái Quê, chàng đã định đề tặng Hoàng Cúc, nhưng sau thấy bất tiện nên đành chôn kín nỗi lòng. Tập Gái Quê cũng như mối tình với Hoàng Cúc, có bầu không khí dịu dàng, chất phác của một tâm hồn chưa muốn thoát khỏi luỹ tre xanh. Bao nhiêu hình ảnh trong Gái Quê đều là những hình ảnh mộng mơ, êm ái. Tình cảm trong Gái Quê, cũng như mối tình với Hoàng Cúc, còn kín đáo, còn ngượng ngùng, hồn nhiên và ngây dại. Đến khi Hàn Mặc Tử đau bệnh nằm ở Quy Nhơn, thì Hoàng Cúc lại gửi tặng chàng tấm ảnh cô gái Huế, với lời mời ra chơi Thôn Vỹ Dạ. Để tạ lòng người tri kỷ, Hàn Mặc Tử sáng tác bài: Thôn Vỹ Dạ.

Sau mối tình bất thành với Hoàng Cúc, Hàn Mặc Tử gặp Mộng Cầm. Có thể nói, Mộng Cầm là nguồn thi hứng dạt dào nhất cho Hàn Mặc Tử. Vậy Mộng Cầm là ai? Chuyện tình của họ thế nào? Chuyện sau đây do chính Mộng Cầm kể với giáo sư Châu Hải Kỳ, được đăng trong tạp chí Văn số 171 ra ngày 1-6-1971 tại Saigon:

Năm ấy tôi 17 tuổi, đang học lớp nhất trường nam Phan Thiết. Tuy học lớp nhất nhưng tôi rất ham văn chương. Đêm đêm tôi thường đến học thêm Việt ngữ với cậu Bích Khê tôi. Cậu mở lớp dậy cho những ai muốn học thêm và có chỉ dẫn cách làm thơ. Những bài tôi làm ra toàn là thơ đường luật. Tôi đăng báo Công Luận trong Nam.

Một hôm đến trường, tôi tiếp được một bức thư. Đó là bức thư đầu tiên Hàn Mặc Tử gửi cho tôi. Trong thơ, Hàn Mặc Tử tỏ ý cốt tìm cho biết để giao thiệp, trau luyện văn thơ. Tôi có gặp trên báo tên Hàn Mặc Tử một đôi lần, nhưng không biết Hàn Mặc Tử là ai, và cũng không biết bằng cách nào, Hàn Mặc Tử lại biết địa chỉ của tôi. Một tháng sau tôi mới trả lời thơ. Từ đó chúng tôi có thư đi, thư lại cho nhau, nhưng cũng toàn nói chuyện thơ.

Rồi nhân nghe tin bà Dì tôi bị bắt, Hàn Mặc Tử gởi ra cho tôi một bài thơ tặng bà. Đó là bài thơ đầu tiên Hàn Mặc Tử gửi cho tôi. Chúng tôi giao thiệp như thế được mấy tháng thì tôi phải về Quảng Ngãi. Cuộc giao thiệp gián đoạn. Về Quảng Ngãi tôi mới biết, chính chị bạn tôi quen biết với Hàn Mặc Tử, đã giới thiệu tôi với Hàn và cho Hàn địa chỉ.

Ở Quảng Ngãi mấy tháng, tôi lại trở vào Phan Thiết, rồi ra Mũi Né học nghề cô đỡ với cậu tôi. Đọc báo Saigòn Mới, cậu tôi thấy Hàn Mặc Tử nhắn trong mục thư tín là : Chị Mộng Cầm ở đâu cho biết địa chỉ. Ông mới hỏi tôi Hàn Mặc Tử là ai mà cứ nhắn hỏi cháu hoài. Sao cháu không trả lời.

Tôi kể đầu đuôi câu chuyện quen biết với mục đích trau luyện văn chương cho cậu tôi nghe. Cậu tôi cho phép tôi viết thơ cho Hàn Mặc Tử. Thư từ mật thiết đi lại trong mấy tháng thì một chiều thứ Bảy nọ, Hàn Mặc Tử ra Phan Thiết. Anh mướn đò đi Mũi Né tìm đến bệnh xá. Tôi đang làm thuốc cho một bệnh nhân, thì ông phu nhà thuốc đưa tôi một tấm danh thiếp có in mấy chữ Hàn Mặc Tử - Trưởng Hội Nghiên Cứu. Tấm danh thiếp này tôi giữ mãi làm kỷ niệm. Tôi bảo ông phu ra thưa với khách là chờ tôi một chút. Khi ra thì thấy một thanh niên ăn mặc âu phục xoàng xĩnh, đang đứng ở của bệnh xá.
Sau khi chào hỏi, tôi mời vào nhà giới thiệu với cậu tôi. Cậu tôi để chúng tôi tiếp chuyện tự nhiên. Kể ra vào thời đại nam nữ phải cách biệt, mà được như vậy cũng là tự do lắm rồi.

Hàn Mặc Tử xin cậu tôi, sẵn có đò cho phép tôi đi Phan Thiết chơi, luôn tiện nhờ tôi giới thiệu để gặp Bích Khê là cậu tôi mà anh hằng ao ước tìm gặp. Cậu tôi bằng lòng. Và tối hôm đó, chúng tôi xuôi đò về Phan Thiết.

Gặp hôm có trăng, chúng tôi không ngồi trên mui thuyền để ngắm sông nước mà ngồi trong khoang để nói chuyện. Hàn Mặc Tử không đẹp nhưng nhỏ nhẹ, dễ thương. Hồi này anh mới 24 tuổi, song trông anh yu tướng. Tôi in trí thế nào anh cũng không thọ. Nhờ ngọn đèn sáng dưới đò, tôi đã ngờ ngay hôm đó là anh có bệnh phung. Hai trái tai anh hơi đỏ, má dầy dầy. Vì có học ở nhà thương nên tôi biết triệu chứng. Tuy vậy, tôi chưa dám chắc. Sau này nhờ anh bạn cùng làm với Tử cho biết, lúc đó tôi mới chắc chắn.

Về chuyện đi chơi lầu ông Hoàng với Hàn Mặc Tử, tôi có đi, có gặp mưa, có ngồi ở nhà nghĩa địa, nhưng không phải vì đó mà Hàn Mặc Tử bị bịnh phung, như anh Quách Tấn viết. Nếu Hàn Mặc Tử bị phung thì sao tôi lại không hề gì cả.

Đoán Hàn Mặc Tử có phung, tôi không nói ra, song vẫn một lòng kính trọng anh. Đến đò Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử gặp cậu Bích Khê. Đến chiều, anh ấy đáp tàu về lại Saigòn.

Sau ngày ấy, tôi ra dậy ở trường Hồng Đức. Lẽ đó mà Hàn Mặc Tử mỗi chiều thứ Bảy đều có mặt tại Phan Thiết, chiều Chủ Nhật lại đáp xe về Saigon. Một chiều thứ Bảy, đi chơi Lầu Ông Hoàng anh thổ lộ tâm tình với tôi. Tôi có trả lời anh là: Chắc rằng không thể đến chỗ làm bạn trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do thì tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thực ra vì biết Hàn Mặc Tử bị bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được. Ý tôi muốn được một người chồng mạnh mẽ tráng kiện. Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật trong hai năm như thế.

Trong thời gian này có nhiều lần, Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà, và trong nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời, nhưng luôn luôn ngụy biện để từ chối. Thế rồi, một lần tôi trả lời anh ấy : Em nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe theo lời thân mẫu em.

Sau đó, Mộng Cầm đi lấy chồng, để lại niềm đau day dứt trong tâm hồn Hàn Mặc Tử. Cuộc tình đổ vỡ, cùng với bệnh trạng phong cùi mới xuất hiện, đã là nguồn thi cảm quan trọng nhất để thi sĩ có được những lời thơ kêu than, ảo não. Nếu không có Mộng Cầm, nếu không có cuộc tình đổ vỡ vì bệnh cùi, thì thi ca Việt Nam chắc hẳn không có những áng thơ tình như bài Phan Thiết, có địa danh Lầu Ông Hoàng là nơi đôi trai gái đã để lại biết bao kỷ niệm, hoặc nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã không có cảm hứng để sáng tác bài ca bất hủ “Hàn Mặc Tử”.

Khi Mộng Cầm cất bước sang ngang, để lại trong lòng Hàn Mặc Tử mối hận nghìn thu, thì lại một thiếu nữ thứ ba xuất hiện trong đời Hàn Mặc Tử. Đó là nhà thơ Mai Thị Lệ Kiều, biệt hiệu Mai Đình. Cuối năm 1937 Mai Đình đi qua Quy Nhơn, ghé thăm Hàn Mặc Tử, nhưng chàng không tiếp. Theo các tác giả viết về Hàn Mặc Tử, thì Mai Đình là một cô gái học thức, nhưng rất lãng mạn và hơi xấu. Tuy thế, để đáp lại tấm lòng người phương xa, chàng tặng nàng tập thơ Gái Quê. Đọc xong, nàng cảm động, sáng tác bài thơ Biết Anh gửi Hàn Mặc Tử để đánh dấu mối tình giữa hai thi sĩ tiền chiến:

Hàn Mặc Tử cao hứng, cũng đáp lại bài thơ đượm tình âu yếm. Do vậy, nàng sung sướng vội vã đi thăm chàng. Tuy nhiên, đến nơi, nàng hết sức ngỡ ngàng khi thấy chàng nhất định không chịu tiếp. Nàng cho rằng: chẳng qua vì sợ nàng trông thấy hình hài ghê gớm, nên không tiếp nàng mà thôi. Tin tưởng như vậy, nên có lần, nàng tâm sự với thi sĩ Quách Tấn :

Tôi biết tình tôi không xứng với Hàn Mặc Tử, nhưng đã yêu thì cứ việc yêu chứ sợ gì? Phải không anh?

Với thái độ cương quyết đó, Mai Đình không chịu lùi bước, nàng đến thăm chàng lần nữa. Các bà chị khuyên chàng không nên xử tệ với ai có lòng chiếu cố đến mình, do đó Hàn Mặc Tử đã tiếp Mai Đình hai lần. Và khi từ biệt, thi sĩ đã tặng nàng bài thơ có nhiều câu thống thiết. Về sau, Mai Đình biết lòng Hàn Mặc Tử chỉ yêu, chỉ rung cảm, khi làm thơ tặng mình nên đã lặng lẽ ra đi. Tuy thế, nàng vẫn trung thành, đến khi Hàn Mặc Tử chết rồi, không ai ngó ngàng, thì chỉ mình nàng cứ thui thủi đến viếng thăm phần mộ và cầu nguyện cho người tình xấu số.

Cũng trong cuộc đời tình ái của Hàn Mặc Tử, đồng thời với Mai Đình, còn một người nữa tên là Lê Thị Ngọc Sương. Ngọc Sương người Thu Xà, tỉnh Quảng Ngãi, là chị ruột của thi sĩ Bích Khê. Khi Mộng Cầm phụ tình đi lấy chồng, và Mai Đình không thể thay thế Mộng Cầm được, thì thi sĩ Bích Khê nghĩ ra một kế để an ủi Hàn Mặc Tử đang bị khủng hoảng vì cô đơn: Năm 1938 Bích Khê ra thăm Hàn Mặc Tử, có tặng chàng tấm hình mà ông chụp chung với người chị tên là Ngọc Sương. Chàng giới thiệu Ngọc Sương với Hàn Mặc Tử và cho biết Ngọc Sương là cô gái học thức, dáng dấp dễ thương. Rồi, dù chưa gặp lần nào, chàng cũng đem lòng yêu trộm, nhớ thầm. Một ngày kia, ngắm bức hình của Ngọc Sương, chàng không cầm lòng được, thốt ra bài thơ có chữ Ngọc Sương.

Ta đề chữ NGỌC trên tàu lá,
SƯƠNG ở cung Thiềm nhỏ chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối,
Nuốt giận đòi phen cắn phải môi.

Bích Khê biết chuyện, nhưng cứ giả vờ như không biết. Còn Ngọc Sương không hề biết gì về bài thơ đó. Mãi một năm sau, Mai Đình đọc bài thơ đó cho Ngọc Sương nghe, Ngọc Sương mới biết Hàn Mặc Tử đã yêu mình. Tuy thế, Ngọc Sương vẫn không biết tại sao chàng biết tên mình. Gạn hỏi mãi, Bích Khê mới thú thật và người chị đã mắng yêu đứa em :

Đồ qủy sứ, hèn chi mất tấm hình trong album mà hỏi thì cứ cười cười.

Về sau Ngọc Sương yêu cầu anh em và các bạn đừng thêm dầu vào lửa. Thế là mối tình một chiều của Hàn Mặc Tử với Ngọc Sương chấm dứt, nhưng vẫn để lại cho hậu thế những áng thơ trác tuyệt.

Sau Ngọc Sương , Hàn Mặc Tử gặp được một nguồn tình cảm mới. Đó là Thương Thương mà chàng gọi là nguồn thơ bất tuyệt. Thương Thương là một nữ sinh, em ruột của Trần Tá Phùng, cháu gọi Trần Thanh Địch là chú. Các nhân vật này đều là những nhà văn, nhà báo. Họ đều là bạn thân với Hàn Mặc Tử.

Nhận thấy Mộng Cầm đi lấy chồng, để lại tâm hồn Tử một lỗ trống mà Mai Đình không thể trám lấp nổi, nên Trần Thanh Địch, vì thương Tử cô đơn, phải sống trong túp lều tranh nơi rừng vắng, đã mượn cái tên Thương Thương giới thiệu với Tử, và nói rằng: nàng là một tuyệt sắc giai nhân, rất trân quý thơ văn của Hàn Mặc Tử. Sau đó, Tử nhận được một vài lá thơ của Thương Thương, với lời lẽ đoan chính, lịch sự. Tuy thế, những lá thơ ấy vẫn đủ sức làm ấm cõi lòng cô đơn của Hàn Mặc Tử. Rồi chỉ nghe cái tên kiều diễm, chỉ cảm nhận được chút lòng thơm thảo, mà Tử đem lòng yêu Thương Thương. Lắm lúc Hàn Mặc Tử biết yêu như thế là vô duyên, nhưng càng tưởng tưởng đến hình ảnh của Thương Thương, chàng càng yêu Thương Thương tha thiết. Trong một bức thư gửi cho Thương Thương, chàng thú nhận rằng: Em ơi, nhờ những giây phút nhớ nhung em mà anh đã quên được cuộc đời đau khổ, bệnh hoạn.

Sầu lên cho tới ngàn khơi
Ai lau ráo lệ cho lời nói ra,
Chiềy nay tàn tạ hồn hoa
Nhớ THƯƠNG THƯƠNG quá xót xa tâm bào!

Những bài thơ Hàn Mặc Tử làm trong lúc này nhiều khi rất siêu thoát. Chỉ trong nửa năm chàng hoàn tất được ba tập thơ, nói lên tình cảm đối với Thương Thương. Một tập định lấy tựa đề là Thương Thương, sau thấy không tiện, đổi là Cẩm Châu Duyên. Hai tập kia là Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội. Riêng Quần Tiên Hội, còn một đoạn cuối chưa viết, nhưng vì có sự can thiệp của gia đình Thương Thương, nên Hàn Mặc Tử đã quăng bút và giải nghệ viết lách. Thế là nguồn thơ khởi hứng từ tình yêu đã hoàn toàn tắt lịm trong con người Hàn Mặc Tử từ lúc đó cho đến khi chàng qua đời tại Quy Hòa.

Cốt truyện của Duyên Kỳ Ngộ là một thi sĩ, tức Hàn Mặc Tử đi tìm nguồn thơ, lạc vào một nơi tiên cảnh. Suối cất tiếng chào, chim đưa lời đón, và những tiếng sáo tiêu thánh thót theo hầu. Đương khi say sưa cùng cảnh vật, thì một tiên nga trong trắng và ngây thơ xuất hiện. Đó là Thương Thương.

Hai bên gặp nhau tình thanh, ý thắm, trao đổi tâm tình dưới bầu trời gấm hoa, đầy nhạc, đầy hương, đầy tiếng chim, tiếng suối phụ họa. Bỗng nhiên, thi sĩ chợt nhớ đến hoàn cảnh thực tại của kẻ cùi hủi, thân hình xấu xa, liền từ biệt Tiên Nga, ra đi với tấm lòng khô héo, và tiếng tiêu não nùng quấn quít bên chân.

3. Nguồn thi cảm thứ thứ ba: Những Nỗi Đau Khổ Của Cuộc Đời: Hai biến cố quan trọng ảnh hưởng tới thi ca Hàn Mặc Tử là phung cùi và cuộc tình lở dở với Mộng Cầm. Hai biến cố ấy đã làm cho tâm hồn thi nhân thác loạn. Trong hoàn cảnh này, đối với người bình thường, không ai còn bụng dạ nào sáng tác thi ca, nhưng Hàn Mặc Tử thì khác, bệnh càng trầm trọng chừng nào, Mặch thơ càng mạnh chừng ấy. Và người ta không mấy ngạc nhiên, khi thấy thơ văn Hàn Mặc Tử đầy dẫy những danh từ, nói về bệnh cùi như: Tê dại, sượng sần, da diết, chết điếng, đỏ hườm.

Nhưng rồi dần dần chàng cũng quen được với sự đau khổ, và nhận thấy rằng, chính những lúc náo loạn tâm hồn, lại là khởi điểm cho một nguồn thơ mới. Cuối năm 1937, Hàn Mặc Tử gom góp 50 bài thơ làm trên giường bệnh và đặt tên là Đau Thương gồm ba tập: Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên. Trong Đau Thương, chàng dành hơn một nửa nói về trăng, còn hầu hết nói về linh hồn. Điều đó cho ta thấy tâm hồn Hàn Mặc Tử lúc nào cũng ám ảnh sự tuyệt vọng và chết chóc.

Đến tập Mật Đắng, người ta gặp một linh hồn vô cùng khổ não do cuộc tình giang dở với Mộng Cầm. Trong văn học Việt Nam, chuyện thất tình không thiếu, và hậu quả của nó thường chỉ là thứ tình buồn thấm thía, dìu dịu. Nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử, người ta thấy một nỗi đau thương mãnh liệt mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân gọi là lời thơ dính máu.

Sang tập Máu Cuồng và Hồn Điên thì thơ văn Hàn Mặc Tử ra khỏi thế giới trần tục. Người đọc sẽ rùng mình, ngơ ngác tìm xem trong lòng mình có gì giống cảnh của Hàn Mặc Tử không? Ta sẽ không tìm thấy gì, và nếu lục lọi trong văn thơ cổ kim, ta cũng không thấy gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết một điều là ta đang đứng trước một con người sượng sần vì bệnh cùi, điên cuồng vì lo sợ, tuyệt vọng vì cái chết sẽ đến nay mai. Đang lúc tư tưởng của chàng đi vào cõi siêu thực, thì một nguồn lực siêu nhiên khác đến với chàng. Đó là ân sủng siêu nhiên.

4. Nguồn thi cảm thư tư: Ơn Sủng Siêu Nhiên: Sau những năm tháng dài khắc khoải trên giường bệnh, sống cảnh cơ cực, Hàn Mặc Tử đã cố tìm nguồn an ủi nơi gia đình, bạn bè, thi ca và người tình. Nhưng tất cả chỉ giúp giảm bớt phần nào niềm đau day dứt. Cuối cùng, khoảng ba năm trước khi qua đời, Hàn Mặc Tử nhận ra rằng chỉ có ân sủng siêu nhiên của Chúa và Mẹ Maria, mới an ủi được chàng trong những giây phút khổ đau, tuyệt vọng.

Trong giai đoạn này, người ta thấy thái độ và thi văn của chàng không còn cái không khí hốt hoảng, điên loạn như những ngày mới mắc bệnh. Chàng dâng trọn vẹn sự đau khổ vào vòng tay thương yêu của Chúa và Mẹ Maria nên tâm hồn rất thanh thản. Nhà văn Hoàng Trọng Miên trong một bài báo tựa đề Giao Dịch Với Hàn Mặc Tử Qua Thư Từ đã viết về tâm trạng của chàng trong giai đoạn này như sau :

Thời kỳ này Tử đã quen thuộc với đau khổ của bệnh trạng nan y, và tìm thấy niềm an vui trong nguồn đạo, sớm chiều đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ và làm thơ. Những bài thơ trong tập Xuân Như Ý, Quần Tiên Hội và Duyên Kỳ Ngộ được sáng tác trong giai đoạn này.

Và nếu đọc các bài thơ được sáng tác sau này, người ta thấy tâm hồn Hàn Mặc Tử đã hoàn toàn chuyển hướng. Trong bài Đêm Xuân Cầu Nguyện, Hàn Mặc Tử đã van lơn Chúa thứ tha cho những câu thơ tội lỗi trước đây. Thi sĩ viết:

Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.

Và nếu trước đây Hàn Mặc Tử có lần nói rằng: Thơ là âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng, rên vang dưới ngòi bút. Thì nay chàng đã khuyên thi sĩ Bích Khê rằng : Sáng tạo là điều cần nhất, tối yếu của thơ, mà muốn tìm nguồn cảm xúc mới lạ không chi cho bằng đọc các sách về tôn giáo cho nhiều. Như thế thơ văn mới trở nên trọng vọng, cao quý, có một ý nghĩa thần bí.

Rồi vào tháng 6 năm 1939 nghĩa là gần hai năm trước khi chết, trong một văn bản rất quan trọng gửi cho Hoàng Trọng Miên, lúc ấy đang là chủ Nhiệm của tờ Văn Nghệ Người Mới ở Saigon, Hàn Mặc Tử xác định rõ mối tương quan giữa thi ca và Thiên Chúa. Chàng cặn kẽ giải thích lập trường của mình như sau:

Trong đời thi sĩ, thi sĩ đã sống cô độc, những người con gái rất xinh đẹp cũng không làm cho thi sĩ vui được, vì ở người con trai cũng như người con gái, đều có một tâm hồn nhỏ nhoi, tầm thường, không hợp với tính tình thanh tao của thi sĩ. Vì thế thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi! không bao gi thi sĩ tìm được. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự . Đấng ấy là Đức Chúa Trời. Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với người, dâng cho người những bài thơ sáng láng, anh hoa, thế mới là mãn nguyện.

Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời, phải quy tụ, phải khơi Mặch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp, thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền.

Và khi so sánh với nhà văn Pháp Beaudelaire, Hàn Mặc Tử viết:

Beaudelaire nói: Thơ văn không thể dung hoà với khoa học hay luân lý và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được. Thơ chỉ là thơ. Beaudelaire thuộc phái vô thần nên không tin có chân lý. Còn Trí, Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.

Mang niềm tin sắt đá vào Thượng Đế, Hàn Mặc Tử đã tiên phong đi tìm nguồn cảm hứng sáng tác trong nguồn Mặc khải Thánh Kinh Kitô Giáo. Anh viết:

Tôi dự định viết ra nhiều tập thơ về tôn giáo. Trong thi giới, ta chưa thấy ai nghĩ đến việc đem chuyện Sinh Nhật, Phục Sinh làm thi đề. Đó là những tài liệu còn gì thú vị bằng.

Chính vì niềm tin này mà nhà văn Võ Long Tê đã kết luận về thi sĩ Hàn Mặc Tử như sau: Nghiên cứu Hàn Mặc Tử dẫn đến một kết luận kỳ thú bất ng. Trong Hàn Mặc Tử không phải chỉ có một tác giả được thừa nhận là một thi hào, mà còn có một con người sống với đức tin Công Giáo nhiệt thành. Làm thơ đối với Hàn Mặc Tử là làm người, nghĩa là sống đạo.

Với lập trường vững tin nơi Chúa như vậy, Hàn Mặc Tử đã khẩn khoản xin Chúa ban ơn cho chàng sáng tác thi phẩm Xuân Như Ý. Trong bài tựa của tác phẩm này, thi sĩ viết những lời cầu nguyện như sau:

Lậy Chúa Trời tôi, hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phúc lộc. Ôi, trời hạo nhiên, đây không phải là công trình châu báu của Người sao? Lòng vô lượng đây không phải do phép tắc màu nhiệm của đấng vô thủy vô chung sao?

Cầu nguyện với Chúa rồi, Hàn Mặc Tử sáng tác thi phẩm Xuân Như Ý và Hoài Thanh - Hoài Chân đã nhận định về giá trị thi phẩm này như sau:

Mùa xuân Hàn Mặc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với Chúa Giêsu, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là mùa xuân thường với những màu sắc, nhưng hình dáng ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy dẫy những kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Với Hàn Mặc Tử, thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế, mà cũng để nối người ta với Thượng Đế, để ban ơn phước cho cả và thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng cho thơ trào ra là chín tầng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao.

Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì giống như vậy. Hàn Mặc Tử dựng riêng một ngôi đền thờ để thờ Chúa. Nếu thiếu đức tin, người đọc sẽ chỉ là du khách không thể cùng quỳ lậy với thi nhân được. Nhưng dù lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngớp vì cái vẻ huy hoàng, trang trọng, lung linh , huyền ảo của lâu đài kia. Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng, rực rỡ. Rõ ràng Xuân Như Ý là tập thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn Mặc Tử ra đời điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một không khí có thể kết tinh lại thành thơ.

Đối với những người chưa có dịp tiếp xúc với kinh thánh Kitô Giáo, thì khó mà hiểu được thế nào là mùa Xuân của Hàn Mặc Tử, như Hoài Thanh Hoài Chân vừa thú nhận. Nhưng, với những ai có niềm tin nơi Chúa, thì sẽ thấy mùa xuân ở đây, là mùa xuân của Chúa, của Thiên Đàng.

Chúng tôi sưu tầm và trình bày bài viết này với mục đích tưởng niệm và tôn vinh một thi sĩ lớn trong văn học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ của Hàn Mặc Tử (11 tháng 11 năm 1940). Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn vinh danh một chứng nhân Phúc Âm trong môi trường văn học và nghệ thuật, đã vượt thắng những khổ lụy của cuộc sống để tìm về với Đấng Tối Cao.