Sinh họat hằng ngày của Hàn Mặc Tử trong trại cùi Quy Hòa

Thấm thoát mà Hàn Mặc Tử đã vào Quy Hòa được 3 tuần, được sống trong bầu khí đầy tình thương của các dì phước, của các người bạn mới trong trại. Chàng có vẻ lên tinh thần. Trong một lá thư gửi cho bạn, Hàn Mặc Tử nói về sinh hoạt hằng ngày của chàng như sau:

Buổi mai ngủ dậy, Trí đọc kinh trước hết, kế dơ tay lên, dơ tay xuống tập thể thao, rồi súc miệng rửa mặt và lên giường ngồi đợi ăn. Ăn xong Trí lại đọc kinh rồi đi bách bộ trong nhà và ngâm thơ vang lên. Đến 10 giờ rưỡi trưa Trí lại đi nằm, và nửa giờ sau lại đọc kinh và ngâm thơ nữa. Buổi trưa ăn cơm xong, cũng tráng miệng bằng cách ngâm vài bài thơ rồi ngủ cho tới ba giờ chiều. Lại đọc kinh, lại ngâm thơ. Buổi tối sau khi ăn xong, cũng đi bách bộ, vừa ngâm thơ một cách sung suớng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy không thấy buồn lắm và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì, một hình ảnh, một bóng người đến viếng, một phong thư, một tờ nhật trình.

Ngoài thì giờ đọc kinh cầu nguyện, chàng dùng thì giờ rảnh rỗi trong trại để sáng tác hai tập thơ. Một là Thơ Cầu Nguyện, hai là Thơ Đời. Riêng tập Thơ Đời đã trải qua một giai thoại khá ngộ nghĩnh: Năm 1941, Ông Trần Thanh Maị vào trại cùi Quy Hoà tìm hiểu đời sống Hàn Mặc Tử. Ông gặp anh Nguyễn Văn Xê và xin anh cho mượn hai tập thơ này để làm tài liệu nghiên cứu. Anh Xê trả lời như sau:

-Thưa ông, tôi rất sẵn lòng đưa ngay cho ông mượn, nhưng tiếc là tập thơ Cầu Nguyện đã trao cho dượng rể tôi là nhà văn Bùi Tuân hồi cuối hè vừa rồi.

Ông Mại hỏi:

-Thế còn tập Thơ Đời của Trí thì đề tặng ai?

-Đó là anh Phạm Văn Trung, cũng là bệnh nhân ở đây và có mở một quán hàng nhỏ tạp hóa.

Ông Mại nhíu mày hỏi anh Xê:

-Anh có hiểu nguyên nhân nào Trí đã tặng anh Trung tập Thơ Đời không?

-Sở dĩ tập Thơ Ðời tăng anh Trung vì Trí hỏi tôi yêu đời hay yêu đạo thì tôi trả lời là tôi yêu đạo, nên Trí mới ghi tặng tôi tập thơ Cầu Nguyện, và dĩ nhiên tập Thơ Đời thì Trí đề tặng anh Trung.

-Ông chủ quán tên Trung có liên quan gì đến Trí, mà sao tôi không nghe các chị dòng nói đến?

-Anh Trung mở quán, nên từ ngày Trí vào trại cho đến ngày chết, anh Trung luôn luôn săn sóc Trí bằng cách cung cấp nước trà sớm, trưa, chiều, tối, thỉnh thoảng lại còn gửi ít bánh kẹo cho Trí ăn chơi.

Lúc này ông Mại gật đầu:

-À, à! Ân đền, oán trả. Tôi hiểu rồi.

Sau đó, anh Xê đưa ông Mại đến quán anh Trung để tìm tập Thơ Đời. Anh Trung đưa ra một tập giấy pelure trắng mỏng đã bị xé rách hơn phân nửa. Ông Mại nâng niu tập giấy, xem tới xem lui rồi hỏi:

-Các trang bị xé rách anh còn giữ được không?

-Dạ không dám giấu gì thầy, tôi thấy giấy tốt quá, nên vấn thuốc hút và dùng giấy gói tiêu tỏi cho khách hàng.

-Anh Trung, anh cố nhớ những tờ giấy như thế này còn ở đâu nữa không?

-Thưa thày, tôi nói thật, nếu có gì không nên không phải, xin thày tha lỗi cho.

-Anh cứ nói sự thật đi.

-Thú thật với thày là nhựt trình mắc quá, nên tôi thỉnh thoảng làm giấy vệ sinh.

Thế là một số thơ của Hàn Mặc Tử làm trong trại cùi đã hoàn toàn bị mất.

Theo nhà văn Võ Long Tê, trong bài báo Thi Hào Công Giáo Hàn Mặc Tử, in Canada, năm 1995, thì tập thơ Cầu Nguyện chính là tập thơ Xuân Như Ý.

Ngoài ra, Hàn Mặc Tử còn làm hai bài thơ bằng tiếng Pháp gọi là Poème En Prose, gửi cho nhà văn Hoàng Trọng Miên, chủ nhiệm tờ báo Văn Nghệ Người Mới ở Saigon, để ca ngợi tinh thần các dì phước trong trại cùi.

Trong trại Qui Hòa, Hàn Mặc Tử sống rất khiêm tốn, nhã nhặn và không bao giờ khoe khoang với người trong trại rằng mình là thi sĩ, là một ký giả. Với cảc các dì phước người Pháp, chàng cũng không bao giờ dùng tiếng Pháp để nói chuyện. Mãi về sau, khi chết rồi, các người trong trại mới biết đó là một nhà thơ lừng danh, một ký giả có khả năng viết và nói tiếng Pháp lưu loát. Ông Trần Thanh Mại viết về cung cách xử sự của chàng trong trại:

Xưa nay chàng vẫn là người hiền lành, nhã nhặn, đối với bất kỳ ai, cũng lễ độ, nên không mấy lúc mà chinh phục được lòng bao nhiêu người trong trại cùi, từ các dì phước, đến các người bệnh. Nhiều ngày chàng đi thăm và an ủi anh em, chị em đồng bệnh. Chàng vui vẻ, ăn nói đậm đà, ưa đùa bỡn với bạn mới, biết lựa lời để cho vừa ý mọi người. Nhiều khi trong túi có một đồng hay năm bảy hào của nhà gửi cho mà chàng thấy không cần dùng, thì chàng lại chia cho các người nghèo túng hơn. Có một dạo, gia đình trong Quy Nhơn gửi cho chàng bộ quần áo mới. Đến khi người nhà vào thăm, thấy chàng vẫn mặc quần đen cụt cũ kỹ, lấy làm lạ, gạn hỏi thì chàng cho biết đã cho một người ốm và nghèo trong trại.

Sống trong trại cùi Quy Hòa, tâm tư Hàn Mặc Tử lắng đọng xuống. Chàng hiểu rõ mẹ chàng đang đau khổ, nên viết thư về an ủi mẹ:

Kính lạy mẹ đặng bình an trong Rất Thánh Trái Tim Chúa. Con viết mấy hàng chữ này để lạy từ tạ mẹ. Lậy mẹ, xin mẹ cũng đừng đau buồn làm chi, nên coi con dã chết, và con không thể quên mẹ. Xin cho con được chết lành. Kính thăm anh chị Dõng, chị Ba, em Tín, Hiếu và chúc các cháu bình an. Con bất hiếu Trí.

Rồi nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tụy của Mẹ Juetta, bệnh của Hàn Mặc Tử thuyên giảm rõ rệt. Có lần, chàng vui vẻ bàn tới chuyện sang năm sẽ cùng các bạn trong trại đi rước kiệu Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị. Chàng thổ lộ tâm tình với anh bạn Nguyễn Văn Xê.

Tôi đến Quy Hòa này có bãi biển, có rừng dừa xanh, có núi non hùng vĩ, và cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là có tình người nồng ấm, nên tôi được hưởng cái an bình của nội tâm, cái thanh tao của người vừa tưởng như đã chết trong khi tôi ở Thôn Tấn đầy đau khổ, nghèo túng, cô đơn, không ai đến an ủi, săn sóc.

Cái tình người nồng ấm mà Hàn Mặc Tử nói ở trên, sở dĩ có được, là do tinh thần hy sinh của các dì phước. Ông Trần Thanh Mại, không phải là người Công Giáo, đã gặp các dì trong trại cùi, và viết về các dì như sau:

Họ là những người đàn bà hết sức hiếm hoi ở dưới trần gian này, đã bỏ cả gia đình, cả tổ quốc, với những gì văn minh, xa hoa cực điểm, đã bỏ cả tuổi thanh xuân, với sắc đẹp huy hoàng lộng lẫy, tự đày mình ở một nơi xa ngoài trăm nghìn dặm, tự giam mình trong cái địa ngục ghê gớm và rùng rợn hơn địa ngục của Cơ Đốc Giáo, chỉ để mong đỡ đần nguồn đau khổ vô hạn của loài người. Những cái nhìn xanh biếc, nụ cười tươi thắm trên mặt trái xoan, đúc theo khuôn mẫu của những vị nữ thần Hy Lạp, chỉ biết gieo vào lòng người một niềm tin bác ái, mộ đạo, và kéo bao nhiêu ý thức về đức thuần tuý cao siêu của Đức Chúa Trời.

Ngày mai: Những Giây Phút Cuối Đời của Hàn Mặc Tử