HÀN MẶC TỬ MỘT CHIẾN SĨ PHÚC ÂM

4. Nguồn thi cảm thư tư: Ơn Sủng Siêu Nhiên: Sau những năm tháng dài khắc khoải trên giường bệnh, sống cảnh cơ cực, Hàn Mặc Tử đã cố tìm nguồn an ủi nơi gia đình, bạn bè, thi ca và người tình. Nhưng tất cả chỉ giúp giảm bớt phần nào niềm đau day dứt. Cuối cùng, khoảng ba năm trước khi qua đời, Hàn Mặc Tử nhận ra rằng chỉ có ân sủng siêu nhiên của Chúa và Mẹ Maria, mới an ủi được chàng trong những giây phút khổ đau, tuyệt vọng.

Trong giai đoạn này, người ta thấy thái độ và thi văn của chàng không còn cái không khí hốt hoảng, điên loạn như những ngày mới mắc bệnh. Chàng dâng trọn vẹn sự đau khổ vào vòng tay thương yêu của Chúa và Mẹ Maria nên tâm hồn rất thanh thản. Nhà văn Hoàng Trọng Miên trong một bài báo tựa đề Giao Dịch Với Hàn Mặc Tử Qua Thư Từ đã viết về tâm trạng của chàng trong giai đoạn này như sau :

Thời kỳ này Tử đã quen thuộc với đau khổ của bệnh trạng nan y, và tìm thấy niềm an vui trong nguồn đạo, sớm chiều đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ và làm thơ. Những bài thơ trong tập Xuân Như Ý, Quần Tiên Hội và Duyên Kỳ Ngộ được sáng tác trong giai đoạn này.

Và nếu đọc các bài thơ được sáng tác sau này, người ta thấy tâm hồn Hàn Mặc Tử đã hoàn toàn chuyển hướng. Trong bài Đêm Xuân Cầu Nguyện, Hàn Mặc Tử đã van lơn Chúa thứ tha cho những câu thơ tội lỗi trước đây. Thi sĩ viết:

Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu

Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối

Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi

Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng

Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.


Và nếu trước đây Hàn Mặc Tử có lần nói rằng: Thơ là âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng, rên vang dưới ngòi bút. Thì nay chàng đã khuyên thi sĩ Bích Khê rằng :

Sáng tạo là điều cần nhất, tối yếu của thơ, mà muốn tìm nguồn cảm xúc mới lạ không chi cho bằng đọc các sách về tôn giáo cho nhiều. Như thế thơ văn mới trở nên trọng vọng, cao quý, có một ý nghĩa thần bí.

Rồi vào tháng 6 năm 1939 nghĩa là gần hai năm trước khi chết, trong một văn bản rất quan trọng gửi cho Hoàng Trọng Miên, lúc ấy đang là chủ Nhiệm của tờ Văn Nghệ Người Mới ở Saigon, Hàn Mặc Tử xác định rõ mối tương quan giữa thi ca và Thiên Chúa. Chàng cặn kẽ giải thích lập trường của mình như sau:

Trong đời thi sĩ, thi sĩ đã sống cô độc, những người con gái rất xinh đẹp cũng không làm cho thi sĩ vui được, vì ở người con trai cũng như người con gái, đều có một tâm hồn nhỏ nhoi, tầm thường, không hợp với tính tình thanh tao của thi sĩ. Vì thế thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi! không bao giờ thi sĩ tìm được. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự. Đấng ấy là Đức Chúa Trời. Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với người, dâng cho người những bài thơ sáng láng, anh hoa, thế mới là mãn nguyện.

Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời, phải quy tụ, phải khơi Mặch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp, thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền.


Và khi so sánh với nhà văn Pháp Beaudelaire, Hàn Mặc Tử viết:

Beaudelaire nói: Thơ văn không thể dung hoà với khoa học hay luân lý và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được. Thơ chỉ là thơ. Beaudelaire thuộc phái vô thần nên không tin có chân lý. Còn Trí, Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.

Mang niềm tin sắt đá vào Thượng Đế, Hàn Mặc Tử đã tiên phong đi tìm nguồn cảm hứng sáng tác trong nguồn Mặc khải Thánh Kinh Kitô Giáo. Anh viết:

Tôi dự định viết ra nhiều tập thơ về tôn giáo. Trong thi giới, ta chưa thấy ai nghĩ đến việc đem chuyện Sinh Nhật, Phục Sinh làm thi đề. Đó là những tài liệu còn gì thú vị bằng.

Chính vì niềm tin này mà nhà văn Võ Long Tê đã kết luận về thi sĩ Hàn Mặc Tử như sau: Nghiên cứu Hàn Mặc Tử dẫn đến một kết luận kỳ thú bất ngờ:

Trong Hàn Mặc Tử không phải chỉ có một tác giả được thừa nhận là một thi hào, mà còn có một con người sống với đức tin Công Giáo nhiệt thành. Làm thơ đối với Hàn Mặc Tử là làm người, nghĩa là sống đạo.

Với lập trường vững tin nơi Chúa như vậy, Hàn Mặc Tử đã khẩn khoản xin Chúa ban ơn cho chàng sáng tác thi phẩm Xuân Như Ý. Trong bài tựa của tác phẩm này, thi sĩ viết những lời cầu nguyện như sau:

Lậy Chúa Trời tôi, hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phúc lộc. Ôi, trời hạo nhiên, đây không phải là công trình châu báu của Người sao? Lòng vô lượng đây không phải do phép tắc màu nhiệm của đấng vô thủy vô chung sao?

Cầu nguyện với Chúa rồi, Hàn Mặc Tử sáng tác thi phẩm Xuân Như Ý và Hoài Thanh - Hoài Chân đã nhận định về giá trị thi phẩm này như sau:

Mùa xuân Hàn Mặc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với Chúa Giêsu, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là mùa xuân thường với những màu sắc, nhưng hình dáng ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy dẫy những kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Với Hàn Mặc Tử, thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế, mà cũng để nối người ta với Thượng Đế, để ban ơn phước cho cả và thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng cho thơ trào ra là chín tầng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao.

Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì giống như vậy. Hàn Mặc Tử dựng riêng một ngôi đền thờ để thờ Chúa. Nếu thiếu đức tin, người đọc sẽ chỉ là du khách không thể cùng quỳ lậy với thi nhân được. Nhưng dù lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngớp vì cái vẻ huy hoàng, trang trọng, lung linh, huyền ảo của lâu đài kia. Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng, rực rỡ. Rõ ràng Xuân Như Ý là tập thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn Mặc Tử ra đời điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một không khí có thể kết tinh lại thành thơ.


Đối với những người chưa có dịp tiếp xúc với kinh thánh Kitô Giáo, thì khó mà hiểu được thế nào là mùa Xuân của Hàn Mặc Tử, như Hoài Thanh Hoài Chân vừa thú nhận. Nhưng, với những ai có niềm tin nơi Chúa, thì sẽ thấy mùa xuân ở đây, là mùa xuân của Chúa, của Thiên Đàng.

Chúng tôi sưu tầm và trình bày bài viết này với mục đích tưởng niệm và tôn vinh một thi sĩ lớn trong văn học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ của Hàn Mặc Tử (11 tháng 11 năm 1940). Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn vinh danh một chứng nhân Phúc Âm trong môi trường văn học và nghệ thuật, đã vượt thắng những khổ lụy của cuộc sống để tìm về với Đấng Tối Cao.