CHƯƠNG MƯỜI: NHỮNG NĂM ÐẦU CỦA HÔN NHÂN

Giai đoạn đầu tiên của hôn nhân kéo dài khoảng năm năm, từ giữa những năm 20 đến khoảng năm 30. Trong năm năm cốt yếu này, vợ chồng phải tạo được một mối liên hệ ổn định dựa trên năm yếu tố xã hội, thể lý, xúc cảm, tri thức và tâm linh. Trong chương 13, ta sẽ trình bầy các chứng cớ cho thấy giai đoạn hôn nhân này rất quan trọng đối với sự sống còn của hôn nhân. Hai người đã si mê nhau trong thời gian hẹn hò, một trạng thái háo hức cao độ về xúc cảm và tính dục cũng như thần tượng hóa lẫn nhau, giờ đây họ mới bắt đầu đi vào yêu thương thực sự. Yêu thương hệ ở việc luôn luôn sẵn sàng có đó và có thiện ý thiết lập một liên hệ tối thiểu về cả năm phương diện trên. Khi cái tối thiểu ấy không có, thì khó có thể nói được là cuộc hôn nhân của họ đã bắt đầu. Việc thiết lập ra các mối liên hệ này đòi hai vợ chồng phải nâng đỡ nhau, chữa lành cho nhau và cùng nhau tăng trưởng, và bất cứ khi nào thích hợp, những đòi hỏi này cần được liên kết với những trách vụ cụ thể hai vợ chồng đang phải đương đầu.

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI

Các vấn đề xã hội mà hai vợ chồng phải đương đầu là những vấn đề sau đây: xây dựng một mái ấm, phân phối công việc nhà, tài chánh, liên hệ với thân bằng quyến thuộc, công ăn việc làm và nghỉ ngơi giải trí.

XÂY DỰNG MÁI ẤM GIA ÐÌNH

Phần lớn các cặp vợ chồng muốn có nơi trú ngụ riêng và điều này được nhóm kinh tế xã hội cao hơn và những cặp vợ chồng lấy nhau lúc đã ngoài 20 tuổi thực hiện được nhiều hơn (1). Các tài nguyên kinh tế của nhóm này cho phép họ thực hiện được điều đó thay vì phải sống với thân nhân. Tầm quan trọng của việc có mái ấm riêng rất đáng kể, vì nó giúp hai vợ chồng thiết lập được cuộc sống riêng của họ, có cơ hội thực nghiệm, mắc lầm lỗi, và sửa chữa các lỗi lầm này mà không cần phải có sự giám sát kè kè của thân nhân.

Xây dựng mái ấm, theo truyền thống, là trách nhiệm của người vợ, nhưng nay cả hai vợ chồng đều chia sẻ và góp phần vào đó. Ðây là cách thi hành việc nâng đỡ lẫn nhau qua đó, vợ chồng chỉnh đốn và thích ứng với khiếu thẩm mỹ của nhau, nhận ra một cách thực tiễn điều gì là điều thích hợp. Có thể có khác biệt trong việc chọn mầu sắc, đồ đạc, trang trí và thế quân bình giữa các phần của ngôi nhà được cả hai sử dụng và những nơi để cá nhân vợ chồng có thể lui vào cho những sinh hoạt tư riêng của mình.

PHÂN PHỐI CÔNG VIỆC TRONG NHÀ

Cách nay không xa lắm, trách nhiệm trông coi việc nhà được đặt trọn vẹn lên vai người vợ. Ngày nay, phần nhiều người vợ phải đi làm trong những năm đầu tiên, nên việc chia sẻ trách nhiệm nội trợ là một phần quan trọng trong việc xây dựng mái ấm gia đình. Càng ngày người ta càng chờ mong người chồng chịu đi mua sắm, nấu ăn và chia sẻ các công việc nội trợ khác. Phần lớn các ông chồng, trước khi lấy nhau, sẵn sàng hứa làm những điều ấy; vấn đề là liệu họ có làm như thế trong thực tế hay không và làm được bao nhiêu. Người ta thấy họ vẫn còn khuynh hướng chừa phần lớn công việc nội trợ cho vợ.

Phần quan trọng của việc nâng đỡ nhau chính là đây. Vì ngày nay cũng như trong tương lai, người vợ có thể muốn theo đuổi việc học hoặc tiếp tục làm công việc họ thích. Cũng có thể là nàng thích săn sóc nhà cửa và có con. Việc phối hợp hai nghề nghiệp đòi nhiều nâng đỡ nơi người chồng, không những phải chia sẻ công việc nhà mà còn phải biết khuyến khích vợ khi cuộc sống trở nên khó khăn và nhiều đòi hỏi đối với nàng. Ông cũng cần phải giúp nàng bớt đi cái mặc cảm tội lỗi về việc vừa phải làm mẹ vừa phải đi làm toàn thời gian. Rõ ràng là hai vợ chồng phải đảm bảo cho con cái có được sự chăm sóc ân cần của mình. Với thông cảm và nâng đỡ, hai vợ chồng có thể sắp xếp êm đẹp được điều đó (2).

TÀI CHÁNH

Trong giai đoạn này và cho đến lúc đứa con đầu tiên ra đời, phần lớn hai vợ chồng đều đi làm, nên ít có khó khăn về tài chánh. Trên đây đã đề cập đến việc tiền bạc tự nó có giá trị nội tại về kinh tế và đồng thời là một biểu tượng mạnh mẽ của yêu thương và chữa trị. Có những người, vì thiếu thời túng thiếu, nên cảm thấy rất khó khăn khi phải tiêu tiền cho chính mình. Ðối với họ, tiền bạc là an toàn hơn là một đơn vị chi tiêu. Người như thế thường chỉ sử dụng tiền bạc hoàn toàn cho gia đình mà thôi, ít khi nghĩ đến chính bản thân họ. Ðứng trước hoàn cảnh đáng buồn này, người phối ngẫu có thể góp phần rất nhiều vào việc chữa trị căn bệnh ấy bằng cách khuyến khích người bạn đời chịu chi tiền cho các nhu cầu riêng của họ theo cách họ muốn. Nhờ thế, người bạn đời khó khăn này sẽ dần dần thấy mình cũng đáng được dành ngân khoản chi tiêu riêng.

Khi đứa con đầu ra đời, phần chắc là người vợ sẽ phải ngưng làm việc trong một thời gian. Lúc ấy nàng sẽ hoàn toàn lệ thuộc chồng. Ông phải làm thế nào để cho vợ thấy sự đóng góp của mình là sẵn sàng và tự phát. Lúc này tiền bạc trở thành máng chuyển yêu thương.

THÂN BẰNG QUYẾN THUỘC

Ý niệm rời bỏ thân nhân để dính kết với người phối ngẫu là một ý niệm rất cổ xưa. "Ðấy là lý do người đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ mình và dính kết với vợ và cả hai nên một thân xác" (St 2:24). Sự ra đi này không hẳn chỉ có nghĩa thể lý. Thực vậy, hai người phối ngẫu từ trước đến nay vẫn có cha mẹ như là cự điểm chính yếu của đời mình thì nay phải đổi hướng và lấy người kia làm trung tâm qui chiếu của mình. Sự tách rời ấy thật khó khăn và thực sự là một thách đố lớn đối với một số đàn ông và đàn bà. Nếu người vợ hoặc người chồng quá gắn bó với cha mẹ, thì quả là khó khăn cho họ phải xa lìa cuống rốn. Người bạn đời của họ cần phải kiên nhẫn, tỏ cho họ thấy mình là người thay thế đáng tin cậy, và dần dần giúp họ quen với việc coi mình như trung tâm qui chiếu. Chính các bậc cha mẹ đôi khi cũng thấy khó xa lìa con, nên có thể vẫn tiếp tục điện thoại hoặc tới thăm con một cách quá thường xuyên hơn đòi hỏi. Một lần nữa người phối ngẫu nên giúp người bạn đời của mình tự tách ra khỏi cha mẹ mà không phải rẫy bỏ các ngài hoặc không cảm thấy tội lỗi khi không tham khảo hoặc không thăm viếng các ngài.

Ðôi khi cả hai vợ chồng cùng bị cha mẹ đôi bên nắm quá chặt và tỏ ra lệ thuộc các ngài cách quá đáng. Trường hợp này cần được giúp đỡ nhiều hơn và có thể cần đến cả huấn đạo viên như điểm nâng trong khi vợ chồng đang khám phá ra những khả năng có thể tin tưởng nơi nhau.

Vợ chồng cũng phải thỏa thuận để cho những người bạn nào mình đã có trước khi lấy nhau được tiếp tục dự phần vào cuộc sống tâm tình của vợ chồng sau khi lấy nhau. Không phải ai ai cũng được cả hai chấp nhận, một vài người có thể bị loại, đặc biệt là các bạn gái hoặc bạn trai cũ. Nhưng những bạn quen đã lâu, có khi từ những ngày còn đi học, được duy trì và trong trường hợp này chắc chắn người phối ngẫu không biết họ trước đây phải cố gắng và hy sinh nhiều lắm mới có thể chấp nhận được những người bạn này. Ở đây có vấn đề ghen tuông, do đó cần đề phòng tránh những cuộc đụng độ vì lý do bạn bè. Cần phải đạt được nguyên tắc này là những người quan trọng cần được cả hai duy trì, còn những người khác, tức những người có nguy cơ phá vỡ cuộc hôn nhân của mình, thì cần loại bỏ dần dần.

CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Về phần người chồng, ít khi hôn nhân làm gián đoạn được công việc làm ăn của họ, cho nên theo một nghĩa nào đó, hôn nhân không hẳn có tác động như một biến động xã hội. Người vợ thường cũng làm việc cho đến lúc đứa con đầu ra đời. Tại Anh và Wales, các cuộc thống kê dân số năm 1971 cho thấy có 69.6% phụ nữ hoạt động về kinh tế lúc mới kết hôn, nhưng giảm xuống còn 27.9% sau đó 6 năm để rồi lại tăng lên 59.7% sau 24 năm kết hôn (3). Những con số này chứng tỏ một tỷ lệ đi làm khá cao trước khi các con ra chào đời, và dần trở lại mức đi làm cao khi các con đã khôn lớn.

Một trong những vấn đề muôn thuở liên quan đến việc người mẹ đi làm là tác động có thể bất lợi đối với con cái. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý rằng nếu có được sự chăm sóc thích đáng thay thế, thì chưa có cuộc nghiên cứu nào trưng được bằng cớ là nó gây hại đối với trẻ em trước tuổi đi học (4,5,6). Dù vậy người ta vẫn tin theo trực giác rằng người mẹ nên ở bên con, nếu có thể, lúc con chưa đi học và nên có mặt để đón con đi học về trong thời gian con học tiểu học.

THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI NHÀN RỖI

Thời gian hẹn hò tán tỉnh hẳn đã giúp tạo nên sự giống nhau tạm đủ để hai vợ chồng biết rõ họ muốn thưởng thức loại tiêu khiển nào với nhau. Ðôi khi người vợ có thể muốn học cho biết thưởng thức những môn chơi được coi như của đàn ông tỉ dụ bóng đá, cricket hoặc banh bầu dục, nhưng xét chung ra, họ sẽ có những sở thích chung. Thời gian chung sống với nhau sẽ rất đáng kể trước khi các con ra đời nhưng sau đó sẽ giảm đi khá nhiều. Ðây là chỗ người chồng có thể giúp vợ bằng cách coi con, và đương nhiên hai vợ chồng cần thân nhân và bằng hữu coi con cho cả hai. Khi các con ra đời, thì giờ bên nhau trở nên rất quí giá, và vợ chồng phải sắp xếp để có được những giây phút ấy. Có khi một trong hai người phối ngẫu, thường là người chồng, không thích xã giao bạn bè. Những khó khăn như thế cần được người phối ngẫu kia giúp đỡ để mở rộng chân trời cho người bạn đời.

CHIỀU KÍCH THỂ LÝ

Những năm đầu lúc mới lấy nhau, trước khi các con ra đời, là thời gian độc đáo để tìm hiểu nhau. Sức khỏe tốt là điều kiện chủ yếu cho việc tìm hiểu này và thường thường điều này bao giờ cũng có. Hoạ hiếm mới có trường hợp trong đó bệnh tật nặng bắt đầu phát triển ngay sau khi lấy nhau khiến hai vợ chồng không gần gũi nhau về thể lý cũng như xúc cảm được. Sự nâng đỡ cần thiết cho những vợ chồng như vậy thật là đáng kể. Họ phải đỡ đần nhau trong lúc bệnh hoạn, hy sinh chuyện ân ái trong thời gian này và chỉ có thể ân ái lại khi cơn bệnh đã qua hẳn.

Thỏa mãn dục tính trong những năm đầu tiên này hết sức quan trọng. Cũng có thể họ đã từng ân ái với nhau rồi, nhưng hoàn cảnh bây giờ cho phép họ đến với nhau một cách thư dãn và thoải mái hơn nhiều. Họ cần khoảng một năm mới có thể đạt tới một hòa nhịp thoải mái trong đời sống tính dục. Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khoảng 82% các bà vợ mới lấy chồng chưa được một năm cho biết đời sống tính dục của họ từ tốt đến rất tốt, và tỷ lệ này tăng lên 88% khi họ đã có thể thổ lộ đầy đủ để chồng biết các phản ứng và tâm tư tình cảm của mình (7). Như thế còn khoảng từ 12% đến 18% không được thoả mãn. Khám phá này phù hợp với một nghiên cứu tại Anh trong đó từ 12% đến 21% các bà vợ không được thỏa mãn về tính dục trong thời gian đầu mới lấy chồng (8).

Thỏa mãn dục tính không đồng nghĩa với việc đạt khoái ngất. Mơn trớn, tức việc chuẩn bị trước khi giao hợp, là lúc hai vợ chồng đặc biệt cho nhau thấy rõ họ được nhìn nhận, được thèm muốn và được trân qúi như người bạn đời. Sự phối hợp giữa những đụng chạm thể lý cốt gợi tính dục và những lời nói thích hợp mang lại cho người ta cái điểm gặp gỡ giữa một bên là nhu cầu người lớn và bên kia là nhu cầu trẻ thơ. Ðây chính là lúc hai vợ chồng đi lùi lại, tìm gặp lại những hình thức vui sướng và thích thú của tuổi thơ và dần dà có thể đến với nhau trong một hợp nhất toàn diện mà họ đã từng cảm nghiệm lúc còn thơ ấu trong vòng tay mẹ. Khúc nhạc dạo đưa đến sự hiệp nhất về thể lý chính là sự hiệp nhất về xúc cảm trong đó cái Anh và cái Em tự tan biến đi và biên giới bản ngã của vợ chồng bị xóa hẳn để trở thành một.

Ðể đạt được điều trên, họ cần phải cảm thấy hoàn toàn thư dãn và tin tưởng vào việc hiến thân của nhau. Khi thể xác và tâm tư đã sẵn sàng như trên, thì các cơ phận sinh dục sẽ sẵn sàng được tiếp nhận và hoàn tất sự phối hiệp thể lý. Trong diễn trình thực hiện, rất có thể cần phải vượt thắng phản ứng căng thẳng của một trong hai người phối ngẫu. Sự gần gũi, thân mật và xuồng xã ấy có thể là mối đe doạ đối với một trong hai người, vì nó làm họ tê liệt, mất kiểm soát, kinh tởm, hoặc cả hai. Những phản ứng này cần được hiểu thấu và tìm cách loại bỏ dần dần. Nhu cầu đối thoại tích cực rất quan trọng để giải thích cho nhau điều làm mình đau đớn cũng như để cho nhau biết điều làm mình thích thú. Người ta hay lui về với cái mô thức hiệp nhất thuở đầu giữa con thơ và mẹ để tin rằng mẹ biết điều gì tốt cho con mà không cần con phải nói ra. Trong giao hợp, người ta cũng muốn xác tín như thế, vì họ cho rằng hai vợ chồng, trong trực giác, biết rõ điều người kia muốn. Nhưng thực ra không hẳn như vậy và do đó thông đạt là điều sinh tử. Qua thông đạt, vợ chồng hướng dẫn nhau cho biết những vùng gây khoái, phẩm độ mơn trớn mong chờ, mức độ gợi hứng trước khi các cơ phận sinh dục tiến vào nhau và những kiểu trao đổi thể lý nào có thể đem lại một khóai ngất thỏa mãn. Ðôi khi việc giao hợp vẫn có thể rất khoan khóai đối với người vợ dù không có khóai ngất, tuy nhiên, cố gắng đạt tới khóai ngất cho cả hai bao giờ cũng gia tăng khóai cảm.

Thuật ngữ Thánh Kinh dùng để chỉ giao hợp là "biết". Nó cho thấy giao hợp tính dục có nhiều lớp lang mà ta cần phải đào sâu dần dần. Ở tầng lôi cuốn tính dục, ta thấy có sự nhìn nhận bản thân. Sự lôi cuốn tính dục đem hai vợ chồng lại với nhau và cho phép họ nhận ra nhau ở cái tầng sâu ăn rễ ngay trong giai đoạn đầu đời của tuổi ấu thơ. Sự ôm ấp thể xác và thân mật xuồng xã làm mất đi mọi phân cách, giúp cho sự phối hiệp bản thân xẩy ra, một sự phối hiệp được hoàn tất bằng sự phối hiệp các cơ phận sinh dục. Giờ đây tuy họ chỉ còn nói với nhau bằng ngôn ngữ thể xác, nhưng trong cái thẳm sâu thân xác ấy, họ tìm ra nhau và cùng nói lên niềm vui của quá khứ, của hiện tại và của tương lai. Cuộc gặp gỡ với sự sống này tựu chung cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa, tác giả sự sống, và sự trao hiến trọn vẹn của người này cho người kia, trong lúc giao hợp, nhắc ta nhớ đến sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự hiệp nhất của giao ước giữa Thiên Chúa và con người, và sau cùng sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Như thế, giao hợp bao gồm trọn vẹn mọi chiều kích trong kinh nghiệm nhân bản từ thể lý qua tâm linh. Sự hiệp nhất được thực hiện từ những con người biệt lập nhưng nay thuộc về nhau và sự giao hợp luôn luôn nhắc ta nhớ đến tính hiệp nhất và tính biệt lập của mọi mối liên hệ, từ Thiên Chúa Ba Ngôi qua Nhập Thể, đến các mối liên hệ của con người.

CHIỀU KÍCH XÚC CẢM

Giao hợp tính dục là một hình thức phát biểu cảm xúc. Thông đạt xúc cảm sẽ còn tiếp tục xẩy ra trong các thời gian khác, nhưng trong giai đoạn đầu của cuộc sống hôn nhân, nó giữ vị thế trung tâm trong liên hệ vợ chồng. Họ cần cảm thấy được nhìn nhận, được ước muốn và được trân qúi cả trong những thời điểm khác ngoài những thời điểm ân ái tính dục. Sự quan tâm này xoay quanh việc nhìn nhận những đặc điểm của nhau và sự nhìn nhận này cần được phát biểu bằng một thông đạt thích hợp. Có rất nhiều sinh hoạt hàng ngày cần đến loại thông đạt đầy quan tâm ấy. Vợ chồng có thể có nhịp điệu sinh hoạt và nghỉ ngơi khác nhau, cho nên giờ đi ngủ hoặc thức dậy có thể cần được điều chỉnh. Người này có thể thích một chiếc giường thật ấm trong khi người kia lại không chịu được nóng. Giờ ăn cũng như các loại món ăn có thể không hợp nhau. Trên hết, thời giờ bên nhau và thời giờ mỗi người cần riêng cho mình cũng cần được sắp xếp. Thông đạt rất chủ yếu đối với các sắp xếp này.

'Thông đạt” không hẳn chỉ là trao đổi tin tức, tín liệu. Khi đã biết tính khí, nhu cầu, cảm tính và những điểm dễ nổi nóng của nhau, hai vợ chồng sẽ học được lối đáp ứng một cách cẩn trọng và nhậy cảm. Nhiều vợ chồng cần được săn sóc ngay lập tức, không chịu được sự thất vọng lâu, nếu không họ sẽ cảm thấy buồn khổ như bị ruồng rẫy bỏ rơi. Thông đạt là nói cho nhau biết các nhu cầu nội tâm của mình và thẩm định lại xem liệu mình có thực sự hiểu nhau hay không. Ðây là chỗ các vết thương của quá khứ cần được chữa trị. Người phối ngẫu này có thể thấy mình không chịu đựng được lời chỉ trích dù là chỉ trích có thiện ý. Người phối ngẫu kia có thể lúc nào cũng cần phải được khẳng nhận một cách tích cực để cảm thấy chắc là mình đang đi đúng hướng. Lại có những người thấy việc phát biểu các tâm tình giận dữ là điều khó làm nên họ đã giữ ở trong lòng để rồi sau đó tức khí nổi sùng vì những chuyện chả ra sao hoặc để rồi cứ hầm hầm cái bản mặt giận hờn khó coi. Tất cả những phản ứng này sẽ trở thành chất liệu cho những trao đổi trong thời kỳ đầu của hôn nhân.

Việc đối thoại thông đạt như trên dĩ nhiên cần có thời gian và đây là chỗ những cặp vợ chồng mà cả hai đều đi làm cảm thấy khó có thể có thì giờ ngồi với nhau để thủ thỉ tâm tình. Nhưng thực ra họ luôn có thể tìm ra thì giờ nếu họ thực tâm muốn chuyện trò với nhau. Rất có thể một trong hai người hoặc cả hai thấy việc phát biểu chuyện tâm tình là điều khó nhai, nên đã tìm mọi lý lẽ để tránh những cuộc gặp gỡ như vậy.

Trong mối liên hệ bình đẳng, việc phân chia quyền hành và việc giải quyết các tranh chấp là điều quan trọng chủ yếu. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho các cuộc hôn nhân thuộc nhóm kinh tế xã hội cấp cao. Ðối với các cuộc hôn nhân thuộc nhóm kinh tế xã hội cấp thấp, vì tàn dư chế độ tổ phụ vẫn còn, nên người ta vẫn còn coi người chồng như nhân vật chính yếu đem cơm áo về cho gia đình và giữ quyền quyết định tối hậu, còn người vợ thì lo quán xuyến việc nhà (9). Những gia đình theo tinh thần tổ phụ như thế có khuynh hướng giảm thiểu hóa các tranh chấp lộ liễu vì vợ chồng biết thế đứng của nhau rồi. Tranh chấp thường chỉ có trong các mối liên hệ bình đẳng là mối liên hệ trong đó mọi quyết định quan trọng đều phải được cả hai vợ chồng cùng nhất trí. Những tranh chấp không được giải quyết và cứ được lặp đi lặp lại quả là những đe dọa lớn đối với cuộc hôn nhân. Những cơn nóng giận có thể xẩy ra trong diễn trình dàn xếp một vấn đề, và những cơn nóng giận ấy có thể được những cuộc tấn công bằng mồm hoặc bằng tay chân tiếp nối (10).

CHIỀU KÍCH TRI THỨC

Thời gian hẹn hò, nếu không có sóng gió, thường làm cho hai người có cái nhìn về cuộc đời khá giống nhau, tuy không hoàn toàn như nhau. Hai người phần lớn giống nhau về trí hiểu, cùng một bối cảnh và cùng tiếp cận các vấn đề với một nhãn quan và một sở thích hòa hợp. Họ chia sẻ với nhau những cảm nghiệm trong các quan điểm về tôn giáo, về kinh tế, về các biến cố trên thế giới, về xu hướng chính trị, về cách thưởng ngoạn nghệ thuật, nhưng không phải luôn luôn như thế. Ngay trong các cuộc hẹn hò bình thường, có những nhãn quan hai bên không đồng ý với nhau. Thực vậy, mối liên hệ càng bình đẳng thì vợ chồng càng có thể có những lối tiếp cận cuộc đời khác nhau nhưng điều này là để làm cho những trao đổi giữa vợ chồng trở nên phong phú hơn. Nó chỉ đem lại khó khăn khi một trong hai người phối ngẫu không chịu được việc quan điểm của mình bị thách thức, coi đó như một sỉ nhục bản thân.

Các khó khăn càng nghiêm trọng hơn khi hai vợ chồng lấy nhau vội vã không có thì giờ tìm hiểu nhau. Trên thực tế, họ có thể bật ngửa thấy mình có rất ít điểm tương đồng. Nhiều người chỉ muốn mau thoát ly được gia đình hoặc muốn tìm thấy một ý nghĩa nào đó về đời người, nên đã vội vã đi lấy chồng lấy vợ. Chỉ sau đó mới khám phá ra họ có rất ít điểm chung. Ðây chưa hẳn là vấn đề không thể nào vượt qua được miễn là họ đừng đổ lỗi cho nhau.

CHIỀU KÍCH TÂM LINH

Hạn từ tâm linh có thể hiểu theo hai cách. Trước nhất như một tác động trực tiếp của tôn giáo vào cuộc sống của vợ chồng. Thứ hai như một hệ thống giá trị mà cả hai cùng chia sẻ. Nói về truyền thống Do thái và Kitô giáo, thì chủ yếu hôn nhân là việc thánh thiện và thánh thiêng, đặc biệt hơn trong truyền thống Công giáo La-mã, nó là một bí tích và do đó là máng chuyển đem ơn thánh đến cho hai vợ chồng. Ðiều này thực sự có nghĩa là mọi kinh nghiệm của hai vợ chồng dù là xã hội, thể lý, xúc cảm hay tri thức, tất cả đều là những biến cố chở theo ơn thánh hay sự sống của chính Thiên Chúa. Vợ chồng có cơ hội thấy và cảm nghiệm được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngay bên trong những biến cố thường nhật bao quanh họ.

Các linh mục thường hay phàn nàn rằng các gia đình ngày nay không còn cầu nguyện chung với nhau nữa. Cầu nguyện là phương thế mạnh mẽ để vươn tới và đáp lại Thiên Chúa, đấng Siêu Việt trên ta. Nhưng ngay trong những giây phút tương giao với nhau, vợ chồng thực sự đang tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Những biến cố từ vặt vãnh nhất đến ý nghĩa nhất đối với nhau chính là lời kinh cầu ngỏ với đấng Thiên Chúa đang hiện diện nội tại trong mỗi người. Hôn nhân là chia sẻ mạnh mẽ sự sống Thiên Chúa và, mặc dầu cần được các bí tích khác bổ túc, nó đã chứa sẵn nguồn suối ơn thánh tiềm tàng chỉ cần hành động hỗ tương của hai vợ chồng làm nó tuôn chẩy. Việc từ bên trong vươn tới sự sống Thiên Chúa, đấng vốn là tình yêu, chính là đặc ân mà cũng là trách nhiệm của mọi cặp vợ chồng.

Yếu tố tâm linh nối kết con người với đấng thần linh cho phép những ai có đức tin như thế tham dự vào một chiều kích hữu thể hết sức độc đáo, một sức mạnh biến đổi toàn diện cuộc hiện sinh trên cõi đời này.

Những người khác không thấy Thiên Chúa trong cách thế mạc khải đặc biệt của truyền thống Do thái và Kitô giáo. Ðúng hơn, đời sống tâm linh của họ tùy thuộc một hệ thống các giá trị nhân bản xét cho cùng cũng khá giống với các giá trị Kitô giáo. Cây cầu nối liền hai hệ thống đó chính là tình yêu được diễn tả qua săn sóc, quan tâm, chân lý, công bình, trợ giúp người cô thế và tôn trọng phẩm giá con người. Cách cư sử của hai vợ chồng với nhau chính là phần chính của hệ thống giá trị hướng dẫn đời họ. Họ dựa vào lý trí, lương tri và các giá trị cho đến nay vẫn còn là thành phần làm nên xã hội truyền thống Kitô giáo.

CÁC CUỘC HÔN NHÂN TRẺ

Trên đây chúng tôi đã lưu tâm đến tính cách mỏng dòn của các cuộc hôn nhân mà vợ chồng chỉ mới ở tuổi mười mấy. Những cặp vợ chồng này thường thuộc nhóm xã hội kinh tế cấp thấp, thường có bầu trước hôn nhân, và thường không có nơi ăn chốn ở riêng biệt. Sự kiện người mẹ không còn kiếm ra tiền khi mang bầu thường làm cho hai vợ chồng lâm vào hoàn cảnh bấp bênh về tài chánh. Nói chung lại, những cô dâu dưới tuổi 20 thường có khá nhiều vấn đề làm họ ngập đầu, do đó tỷ lệ ly dị khá cao (11,12).

CON CÁI

Tại Anh, con số các phụ nữ có thai lúc kết hôn tăng từ 13% trong nhóm người kết hôn giữa các năm 1956-1960 lên 22% trong nhóm kết hôn giữa các năm 1971-1975. Như thế, xét chung, việc có thai trước khi lấy nhau đã gia tăng, nhưng có giảm đối với những người kết hôn dưới 20 tuổi, phần lớn là do phá thai. Việc có thai trước khi lấy nhau trong số những người dưới 20 vẫn còn cao đến mức gấp đôi so với những người thuộc tất cả các nhóm tuổi khác (13).

Nếu tính thời gian để có con sau khi kết hôn, người ta thấy có sự triển hạn không muốn có con ngay (14). Các bà vợ thường tiếp tục làm việc một thời gian rồi mới chịu có đứa con đầu. Không tính các vụ có thai trước khi kết hôn, thì chỉ có 9% những người kết hôn trong các năm 1971-1974 chịu có đứa con đầu ngay trong năm thứ nhất so với 15% những người kết hôn trong các năm 1956-1960. Còn một sự kiện đáng kể hơn nữa là trong số những người kết hôn trong thập niên 1970, chỉ có 26% có con trong năm thứ hai so với 45% những người kết hôn trong các năm 1956-1960. Những khác biệt tương tự cũng được ghi nhận trong năm thứ ba sau khi kết hôn.

Việc đứa con đầu ra đời bao giờ cũng làm cả hai cấu trúc của gia đình tức xã hội và tâm lý thay đổi. Người vợ nay trở nên mẹ và thường thôi không làm việc nữa, còn người chồng nay trở nên cha với nhiệm vụ phải nâng đỡ vợ và con về cả hai phương diện xúc cảm và kinh tế. Nếu những thay đổi lớn lao này có tạo nên các đột biến trong gia hộ thì điều này chẳng có chi đáng ngạc nhiên. Có điều hiển nhiên là đứa con sơ sinh sẽ đòi hỏi nơi cha mẹ rất nhiều chú tâm săn sóc. Cho nên đây là thời gian có nhiều mất mát và căng thẳng. Thực tế đó là thời gian khủng hoảng về tâm lý và xã hội và tạm thời gây ra nhiều khó khăn đáng kể, ít nhất cũng là mệt mỏi. Một cuộc nghiên cứu về 1,296 bà mẹ có con thơ dưới một tuổi cho thấy số thời gian họ phải lo việc nhà ít nhất cũng bằng phân nửa số thời gian những bà mẹ có con nhỏ nhất mười mấy tuổi lo cùng việc ấy (15). Sự mệt mỏi này lan vào toàn bộ mối liên hệ của vợ chồng và có thể có ảnh hưởng đến việc thông đạt cả về xúc cảm lẫn tính dục.

Ðối với chính đứa trẻ, điều tối quan trọng trong những năm này là được chăm sóc về thể lý và xúc cảm. Ðứa trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ mới sống còn được, mới góp nhặt được những tài nguyên để cảm thấy mình được thừa nhận, được ước muốn và được trân qúi. Chính trong những năm này, lòng tin cậy và óc tự lập được vun đắp và đứa trẻ cần xa rời cha mẹ đủ để có thể đương đầu với việc ở một mình trong những năm tiến triển sau. Ðây cũng là những năm đứa trẻ đương đầu với những bước dò dẫm đầu tiên trong hành trình tăng trưởng về tri thức. Nên các em cần được khuyến khích về ngôn ngữ, về các đồ vật, các đồ chơi và môn chơi để các em làm quen với các thứ bậc sự vật. Nhưng trên hết, đây là những năm tháng cha mẹ phải cung cấp cho các em một cái khung để các em dễ dàng phát triển xúc cảm một cách đáng tin cậy.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Ineichen, B. Trong Equalities and Inequalities in Family Life, ed. R. Chester and J. Peel. Academic Press, 1977.

2. Rapaport, R. and Rapaport, R. Dual Career Families. Penguin, 1971.

3. Btitton, M., 'Women at Work'. Population Trends No. 2. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1975.

4. Rutter, M., Tizard J. And Whitmore, K. (Eds.), Education, Health and Behaviour. Longman, 1970.

5. Douglas, J.W.B., Ross J.M. and Simpson, H.R., All our Future. Peter Davies, 1968.

6. Rutter, M. And Madge,N., Cycles of Disadvantage. Heinemann, 1976.

7. Levin, R.J. and Levin, A., Sexual Pleasure: The Surprising Preference of 100,000 Women. Redbook 1973.

8. Thornes, B. And Collard, J., Who Divorces? Routledge and Kegan Paul, 1979.

9. Aldous J., The Development Approach to Family Analysis, Vol. 2. University of Georgia Press, Athens (USA), 1974.

10. Gayford, J.J., trong British Medical Journal. 1975, 1, 194.

11. Thornes, B. And Collard, J., p. 71.

12. Ineichen, p.53

13. Dunnell, K., Family Formation 1976. Office of Population Censuses and Surveys, HMSO, 1979.

14. Ibid., p.12

15. Walker, K.E. trong Family Economics Review (1969) 5,6.