CHƯƠNG MƯỜI BẨY: PHỤNG VỤ HÔN NHÂN(tiếp theo)

NHỮNG NĂM GIỮA (GIAI ÐOẠN HAI)

Những năm này là những năm các con ra đời và lớn lên. Ngày nay, đôi khi người ta hoãn cho đến những năm này mới bắt đầu có con. Ðây cũng là những năm khi những đợt sóng hân hoan của thuở ban đầu mới lấy nhau lùi bước dần để nhường chỗ cho tỉnh mộng, kình chồng, bất trung, thất vọng, nghi hoặc liệu có nên tiếp tục nữa không đây. Tất cả những tâm tình này đều tìm thấy qua nhiều đoạn Sách Thánh khác nhau.

1.CỰU ƯỚC

Có rất nhiều đoạn ca tụng niềm vui có con, đặc biệt là con trai:

Con trai là phần thưởng của Giavê,

Người thưởng cho hậu duệ.

Những con trai ngươi đẻ ra lúc tráng thời,

Như mũi tên trong tay người dũng sĩ.

Phúc thay kẻ chứa đầy bao,

Những mũi tên như thế;

Họ sẽ không nhục nhã lúc đến cổng thành,

Tranh tụng với địch thủ.
(Tv 127: 3-5)

Ngược lại, son sẻ không con được coi như biểu hiệu thất sủng. Ra-ken gào khóc với Gia-cóp, chồng mình: Cho em con đi không em chết mất! Ðiều này làm Gia-cóp nổi giận trả lời: Anh đâu phải Chúa! Chính Ngài không cho em làm mẹ (St 30:1-2).

Tuy nhiên, con cái phải lớn lên và trong những năm tháng này, cha mẹ thường gặp hàng loạt những vấn đề do chúng đem lại. Một mặt, chúng muốn độc lập, trong khi cha mẹ lại muốn bảo đảm là chúng có thể tự lo liệu được trước khi có thể tự quyết định lấy đời sống. Tình thế ấy thường gây nên căng thẳng. Thánh thư và Phúc âm không quên nhắc đến những điều ấy ở nhiều đoạn.

Trong khi ấy, cuộc sống của hai vợ chồng vẫn phải tiếp tục. Và trong những năm này, ta thấy có nhiều tranh chấp. Cựu Ước đã đã nhắc đến điều này. Trong bất cứ tranh chấp nào, ta cũng thấy có sự góp phần của cả hai vợ chồng. Cái khuynh hướng trọng nam (andro-centric) của Cựu Ước phần nào nghiêng về phiá người chồng, như cho phép họ được bất bình. Phụ nữ có thể nóng giận khi mang thai, nhưng đàn ông có lợi thế hơn khi có căng thẳng giữa vợ chồng. Ngày nay, đàn ông đàn bà đều có quyền cằn nhằn lẩm bẩm như nhau, nhưng trong trường hợp sau đây, đàn bà là người bị chê trách. Việc chê trách này, tuy nhiên, cho ta thấy một điều: mặc dù đối với xã hội, đàn bà có tư thế thấp hơn, nhưng trong gia đình, tiếng nói của họ chưa chắc đã bị lép vế.

Không vết thương nào sánh nổi vết thương lòng,

(không sự dữ nào bằng sự dữ do đàn bà gây nên)

không độc ác nào bằng độc ác của người phụ nữ.

Không cái khổ nào bằng cái khổ do kẻ ghét ta gây nên.

Không sự báo thù nào như sự báo thù của kẻ địch.

Không nọc độc nào như nọc độc của loài rắn.

Không cơn giận nào bằng cơn giận của kẻ thù.

Tôi thà ở chung với sư tử hay rắn rết

Còn hơn chung sống với người đàn bà xấu xa.
(Hc 26:13-16)

Giọng điệu oán trách đó tiếp tục trong những câu sau đây và kết thúc bằng luận điệu quá trớn trong đó người đàn ông được khuyến cáo nên thoát ly khỏi nàng. Chúa Kitô đã chấm dứt tình trạng ấy.

Tội bắt đầu có là do đàn bà,

Và cũng tại đàn bà mà tất cả chúng ta phải chết.

Ðừng khai mương cho nước chẩy,

Cũng đừng để cho đàn bà độc dữ tự do ăn nói.

Nếu con đưa tay làm hiệu mà nó chẳng theo

Thì con hãy đoạn tuyệt với nó.
(Hc 25: 24-26)

Nhưng cũng có những lời ca tụng điều tạo nên người vợ tốt và quyến rũ.

Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc,

Vợ khôn khéo thì chồng được nở mặt nở mày.

Phụ nữ ít nói là quà Thiên Chúa ban,

Không chi sánh bằng người có giáo dục.

Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời;

Không chi quí giá bằng người tiết hạnh.

Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp

Ðẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh Ðức Chúa.

Khuôn mặt diễm kiều với thân hình cân đối

Ví như ngọn đèn tỏa sáng trên giá đền thờ.

Ðôi chân thon thả với gót chân vững chắc

Khác chi trụ vàng trên đế bạc.
(Hc 26:13-18)

Ðoạn văn trên có vẻ mâu thuẫn. Người chồng muốn có một người vợ ít nói. Ngày nay trái lại, người vợ không đòi buộc phải im lặng nữa, họ được yêu cầu góp phần xây dựng mối tương quan vợ chồng. Có điều hay là đoạn văn trên nhìn nhận giá trị của vẻ đẹp thân xác. Ðây là điều cần làm nổi bật trong giai đoạn hôn nhân này. Con cái là điều quan trọng, nhưng phúc lợi của chúng tùy thuộc ở sự vững ổn và hạnh phúc của cha mẹ. Muốn được như thế, hai vợ chồng phải biết đánh giá lẫn nhau trong mọi chiều kích kể cả chiều kích thể lý.

2. THÁNH VỊNH

Cuộc chiến đấu để bảo tồn tình yêu phu phụ trong những năm này khá quyết liệt. Vì vợ chồng nào cũng thay đổi, sự tăng trưởng của họ đôi khi làm họ ra xa lạ với nhau, các cam kết của họ loãng dần do hiệu quả của thất vọng cũng như thất bại. Dân Chúa trong Cựu Ước luôn ý thức họ thiếu khả năng yêu thương và tuân giữ Lề Luật. Cho nên họ luôn hướng về Chúa để được nâng đỡ trong cơn hiểm nguy. Ý thức về Chúa và về tấm tình trọn hảo và lòng trung tín của Ngài là điều cần thiết để nhắc nhở hai vợ chồng kiên trì trong tình yêu dành cho nhau và cho con cái trong khoảng hai mươi năm, vốn là thời gian kéo dài của giai đoạn này. Vợ chồng đôi lúc lạc đường, nên họ cần Chúa giúp đỡ để tìm lại đường ngay nẻo chính.

Trong Thánh vịnh 107, là Thánh vịnh diễn tả cảnh con người mất hướng, Chúa đuợc cầu xin vẽ mới lại đường ta đi. Ðáp ca sẽ là câu: Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài nhân từ.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Họ sẽ cùng nói lên như vậy,

Những người đuợc Chúa thương giải thoát;

Giải thoát cho khỏi tay địch thù,

Trìệu tập về từ bao viễn xứ,

Khắp miền Nam Bắc, khắp ngả Ðông Tây.

Họ lạc bước trong vùng sa mạc, nơi đất cõi cằn,

Không thấy đường về chốn thành thị định cư,

Vừa đói vừa khát, mạng sống hầu tàn.

Khi gặp buớc ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,

Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân,

Dắt họ đi thẳng đường ngay lối,

Về chốn thị thành định cư.

Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,

và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.

Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình,

Bụng đói lả Người cho ăn thỏa thích
. (Tv 107, 1-9)

3. THÁNH THƯ

Thánh Phaolô không chú mục đến việc truyền sinh cũng như hôn nhân. Với truyền thống Do thái, Ngài coi nhũng chuyện đó là chuyện đương nhiên. Nhưng thánh nhân biết rõ sự căng thẳng giữa cha mẹ và con cái và Ngài đưa ra khá nhiều lời khuyên có giá trị:

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Thánh Phaolô không ngừng giảng dạy về tầm quan trọng của tình yêu. Vợ chồng tất nhiên luôn cố gắng làm cho tình yêu của họ có ý nghĩa đối với nhau. Trong đoạn trích thời danh sau đây, thánh Phaolô miêu tả các phẩm tính của tình yêu, mà nội dung của nó cần được các cặp vợ chồng học hỏi và nghiền ngẫm:

Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1 Cor 13:4-7).

Mấy câu vắn vỏi trên đây mở cửa cho ta đi vào mọi thứ tình yêu được diễn tả qua một liên hệ nhưng đặc biệt áp dụng cho các cặp vợ chồng là những người phải xử lý mọi trao đổi của họ trong yêu thương. Các quan niệm được thánh Phaolô nhắc đến rất lý tưởng và ít khi đạt tới được trong mọi phương diện. Nhưng chúng được duy trì như những đích nhắm, những mục tiêu, những tiêu chuẩn để qua đó, các cặp vợ chồng có thể lượng giá được sự tiến triển của họ trên đường nẻo yêu thương của Chúa. Trong những năm giữa đường này, họ có rất nhiều cơ hội để không ngừng tái thẩm định tình họ dành cho nhau, một mối tình luôn bị áp lực đè nặng. Trong thời gian này, việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau tăng trưởng chỉ có thể diễn ra khi tình yêu của họ tiếp cận cái lý tưởng kia, mặc dù không bao giờ đạt tới nó.

Một đoạn văn thời danh khác về tình yêu là phần chính trong chương bốn Thư thứ nhất của Thánh Gioan. Ðoạn văn này có thể dùng thay đổi với đoạn văn trên (1 Ga 4:7-21).

4. PHÚC ÂM

Trong Kitô giáo, vị thế độc đáo của Ðức Maria vừa phát xuất từ sự kiện Ngài sinh ra Chúa Kitô vừa phát xuất từ việc Ngài hoàn toàn tín thác vào Chúa. Cái đức tin sâu xa và hoàn toàn ấy hẳn đã gặp thách thức lớn lao khi thiên sứ Gabriel truyền tin cho Ngài (Lc 1:34-35).

Ðức Mẹ hiển nhiên là người có phúc, nhưng Phúc âm này khi cho ta một mô tả sống động về sự nhẩy mừng của đứa con trong lòng bà Elizabeth, một cảm nghiệm mà bà mẹ mang thai nào cũng có thể nhận ra, cũng đưa ra một tình tiết mà thời nay cha mẹ nào cũng có thể nhận thấy. Việc tăng trưởng của đứa nhỏ hướng tới trưởng thành là một diễn trình tự lập dần dần, một diễn trình đem lại sự căng thẳng giữa cha mẹ và đứa trẻ chung quanh vấn nạn nên để nó độc lập đến đâu và bắt đầu từ lúc nào. Ðức Mẹ cũng đã giáp mặt với vấn đề ấy (Lc 2:41-50).

Chồng con cần được săn sóc và điều này làm người vợ còn rất ít thì giờ để cầu nguyện và suy niệm. Tuy người đàn ông càng ngày càng giúp vợ nhiều hơn trong công việc nhà, nhưng còn lâu lắm sự chia sẻ ấy mới hoàn toàn được. Trong khi ấy, người vợ và nói chung bất cứ người đàn bà nào, là những người phải gánh vác phần lớn công việc trong nhà, thường phải vật lộn giữa việc bận bịu với công ciệc nhà và ý muốn làm việc tư riêng theo sở thích. Trong tình tiết rất nhân bản về Maria và Martha, ta thấy Martha rất bận rộn, lo lắng đủ thứ, trong khi Maria thì ngồi không, lắng nghe Chúa Kitô nói. Ai cũng có thể hình dung ra những hoàn cảnh tương tự trong đó một thành viên của gia hộ cảm thấy mình phải làm nhiều hơn cái phần mình phải làm nên đã phải thở than. Câu Chúa trả lời Martha tuy đầy quan tâm và thiện cảm nhưng rõ ràng Ngài đứng về phía cô em Maria. Thực vậy, ở đây cũng như ở nhiều chỗ khác, Chúa muốn cho ta thấy ta cần đặt thứ tự ưu tiên cho đúng, tức cần dành thì giờ cho Chúa để những công việc nhân bản của ta thấm nhiễm sự hiện diện của Ngài (Lc 10:38-42).

NHỮNG NĂM SAU CÙNG (GIAI ÐOẠN BA)

Giai đoạn ba trong hôn nhân, bắt đầu với việc con cái rời gia đình và tiếp diễn cho đến lúc một trong hai vợ chồng qua đời, thường lâu chừng 20 năm hoặc hơn. Trong dịp thứ tư hoặc sau cùng này của chu kỳ hàng năm, Thánh Kinh cho ta nhiều cái nhìn sâu sắc về những vấn đề muôn thuở như hạnh phúc trong hôn nhân, sự bất trung và nhu cầu tha thứ và kiên vững, cũng như những nét phác thảo về sự sống đời sau trong đó hôn nhân như ta hiểu hiện nay không còn hiện hữu nữa.

1. CỰU ƯỚC

Trong giai đoạn này, hạnh phúc có nhiều nhưng sầu đau không hẳn thiếu khi hôn nhân gặp sự bất trung. Tất nhiên, bất trung không phải chỉ giai đoạn này mới có, nhưng đến lúc này, người đàn ông và người đàn bà không còn phải bận bịu với con cái nữa, nên có nhiều thì giờ và năng lực để tự khám phá về chính mình. Việc khám phá này thường diễn ra ngay trong hôn nhân nhưng đôi khi cũng xẩy ra ở bên ngoài cuộc hôn nhân nữa. Các đoạn văn được chọn ở đây cho thấy niềm sảng khoái và nỗi thống khổ của cuộc sống vợ chồng.

Ðây là đoạn văn khích lệ lòng chung thủy trong mối liên hệ hân hoan:

Hãy hưởng thú vui bên người vợ thời son trẻ. Nàng là nai vàng đáng yêu, là sơn dương kiều diễm. Ước chi tấm thân nàng luôn làm con vui sướng thoả thuê, và tình yêu của nàng mãi làm con say sưa ngây ngất (Cn 5:19).

Và cũng chính Sách Châm ngôn cho ta một mô tả về người vợ hoàn hảo và qua đó một hình ảnh về hôn nhân từng trổi vượt ba ngàn năm nay:

Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quí giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng. Nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc. Giống như những thương thuyền, nàng đem lương thực về từ tận phương xa. Nàng thức dậy khi trời còn tối, cung cấp phần ăn cho cả nhà, và sai bảo con ăn đứa ở.

Sách tiếp tục nhắc đến các thành quả của nàng và kết luận:

Có nhiều cô đảm đang, nhưng em còn trổi trang gấp bội. Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ nữ kính sợ Ðức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng. Hãy để cho nàng hưởng thành quả tay nàng làm ra. Ước chi nơi cổng thành, nàng luôn dược tán dương ca tụng do những việc nàng làm (Cn 31: 10-15, 29-31).

Các chi tiết trên vẫn còn đúng đối với nhiều nơi trên thế giới nhưng càng ngày càng ít đúng hơn đối với các xã hội kỹ nghệ phát triển. Tuy thế, ngay cả trong các xã hội này, người vợ vẫn phải trông coi gia đình và là nguồn cung cấp an toàn thể chất và là chất xúc tác của tình âu yếm thân thương.

Tuy vậy, vẫn có những cuộc hôn nhân tan nát vì bất trung và ngoại tình, và do đó, gia đình chịu nhiều thống khổ buồn đau. Thánh Kinh có đoạn diễn tả thật sinh động một cuộc hôn nhân như thế và đưa ra giải pháp cho cái khuynh hướng khoái ly dị của xã hội ngày nay. Không có giới hạn cho việc giảng hòa và tha thứ, và tiên tri Hôsê đã chứng minh điều ấy. Câu truyện của ông là một trình thuật thật cảm động về sự quyết tâm của một người đàn ông trong cố gắng duy trì cuộc hôn nhân của mình dù phải đối diện với sự tan vỡ toàn diện của nó. Hôsê cưới một người đàn bà trước đây hành nghề mãi dâm. Sau khi lấy ông, người đàn bà ấy vẫn tiếp tục thất trung với ông. Biểu tượng ở đây là việc người chồng tiếp tục duy trì mối liên hệ hôn nhân y hệt việc cam kết giữa Thiên Chúa và Israel, kẻ luôn bất trung với Ngài. Dù đã bế tắc hoàn toàn và có thể ly dị, người chồng vẫn không ngừng cố gắng tìm cách lấy lại tình yêu của vợ. Sau đây là những trao đổi đầy giận dữ:

Hãy đưa mẹ các ngươi ra toà, đưa nó ra tòa đi!

Vì nó không phài là vợ của ta, và ta không phải là chồng của nó.

Những vật đĩ thóa trên mặt nó,

Và những dấu ngoại tình trên ngực, nó đều phải vứt bỏ.

Nếu không ta sẽ lột trần nó ra,

Và để nó như ngày mới lọt lòng mẹ
(Hs 2:4-5).

Người vợ nhiếc mắng chồng không cung cấp nổi điều mà những người khác sẵn sàng dâng hiến:

Tôi đi theo các tình nhân của tôi,

Chính họ cho tôi bánh và nước,

Cho len, cho vải, cho dầu ăn, thức uống.


Người chồng cãi lại:

Nó đâu biết rằng chính ta đã ban cho nó,

Lúa mì, rượu mới với dầu tươi,

Cũng chính ta đã tặng cho nó bạc vàng nhiều vô kể,

Vậy mà chúng lại đem chế tạo đồ dâng kính Ba-an...

Bởi thế ta sẽ trừng phạt nó vì những ngày của Ba-an,

Những ngày chúng đốt hương thờ kính chúng,

Những ngày nó đeo nhẫn đeo kiềng

Chạy theo đám tình nhân của nó,

Còn ta thì nó nỡ bỏ quên
(Hs 2:7-10, 15)

Nhưng sau cơn giận lôi đình, sau khi những tình cảm giận hờn đã được thổ lộ ra, Ông tìm cách giảng hòa: ông sẵn sàng tha thứ và muốn bắt đầu lại, ông muốn vợ ông trở về. Và quả tình nàng đã trở về thật.

Tôi phải trở về với người chồng đầu tiên của tôi,

Vì hồi ấy tôi sướng hơn bây giờ
. (Hs 2:9)

Sự trở về ấy làm ông sung sướng và ông mở tiệc ăn mừng hân hoan.

2. THÁNH VỊNH:

Giữa khi vợ chồng căng thẳng, hôn nhân tan vỡ, bỏ bê, ly dị, người còn yêu và thấy mình bị người bạn đời phụ bạc cảm nhận như chính Chúa đã bỏ rơi họ. Thánh vịnh 6 và những thánh vịnh khác đã nói lên điều ấy. Ðáp ca là câu: Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức.

Lạy Chúa xin đừng trách mắng con khi thịnh nộ,

Ðừng sửa trị con lúc nổi lôi đình.

Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức,

Chữa lành cho vì gân cốt rã rời.

Toàn thân con rã rời quá đỗi,

Mà lạy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?

Lạy Chúa, xin trở lại mà giải thoát con,

Cứu độ con, bởi vì Ngài nhân hậu.

Chốn tử vong, ai nào nhớ Chúa,

Nơi âm phủ, ai ngợi khen Ngài?

Rên siết đã nhiều nên con mệt mỏi,

Trên giừơng ngủ, những thổn thức năm canh,

Từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối,

Mắt hoen mờ vì quá khổ đau,

Thêm suy nhược bởi quân thù vây hãm.

Ði cho khuất, hỡi bọn làm điều ác,

Vì Chúa đã nghe tiếng nức nở ta rồi,

Chúa đã nghe tiếng ta cầu khẩn,

Chúa đón nhận lời ta nguyện xin.

Ước gì hết mọi kẻ thù tôi

phải nhục nhã, rụng rời kinh khiếp,

vội tháo lui nhục nhã ê chề
. (Tv 6:1-10)

3. THÁNH THƯ

Có lẽ không có đoạn thánh thư nào nói nhiều về tình yêu hơn là thư thứ nhất của Thánh Gioan. Trong trích đoạn sau đây, Thánh Gioan một lần nữa nhắc cho ta nhớ rằng ta phải yêu thương nhau (ở đây có nghĩa là vợ chồng phải thương yêu nhau sau khi các con đã rời bỏ gia đình), vì Chúa Kitô đã yêu ta trước:

Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Chúa Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật (1 Ga 3:16-19).

4. PHÚC ÂM

Trong ngày kết thúc năm hôn nhân này, ta thấy trong câu trả lời của Chúa Kitô cho người đàn bà quả tang ngoại tình một tiếng vang của đối kháng và hòa giải, vốn được coi như một trong những dấu ấn của cuộc hôn nhân bền vững. Người Do thái biết rằng hình phạt cho tội ngoại tình là bị ném đá cho đến chết, nên họ muốn thử Chúa Giêsu xem sao. Câu trả lời của Ngài làm nổi bật lên lòng xót thương và tha thứ. Khi khuyên người đàn bà đừng phạm tội nữa, Ngài muốn mời gọi nàng hãy trở nên nhân bản đầy đủ hơn (Ga 8:1-11).

Nhưng dù hôn nhân là một thực tại nhân bản được Chúa thánh hoá, nó lại không phải là một bậc sống sẽ còn tồn tại sau khi chết. Nó vẫn là một hình thức yêu thương, và chính cái tình yêu thương trong liên hệ này nối kết thế giới hiện tại với thế giới đời sau.

Hôm đó, có những người thuộc nhóm Xa-đốc, đến gặp Chúa Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Ngài: Thưa thầy, ông Mô-sê có nói: nếu ai chết mà không có con, thì anh hay em của nguời ấy phải cưới lấy người vợ góa, để sinh coi nối dòng cho anh hay em mình. Mà, trong chúng tôi, nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ rồi chết, và vì không có con nối dòng, nên để vợ lại cho em. Người thứ hai, rồi người thứ ba, cho đến hết bảy người, người nào cũng vậy. Sau hết, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy, trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số bảy người, vì tất cả đều đã lấy bà? Chúa Giêsu trả lời họ: Các ông lầm vì không biết Thánh Kinh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời (Mt 22:23-31).

TÓM LƯỢC

Trong chương này, chúng tôi đề nghị nên có một chu kỳ phụng vụ hàng năm chia thành bốn dịp để đề cập đến các giai đoạn liên tiếp của cuộc sống phu thê. Các bài đọc thích hợp đã được chọn cho một chu kỳ như thế dù vẫn còn rất nhiều những đoạn văn tương tự có thể được chọn để thay thế cho các đoạn văn trên này hoặc để tạo nên một chu kỳ khác. Ðiều quan trọng là phải có một chu kỳ hàng năm bao trùm được mối liên hệ hôn nhân từ thuở đầu cho đến lúc kết thúc, và phải tạo được cơ hội để vợ chồng có thể nghe được Lời Chúa liên quan đến kinh nghiệm hôn nhân của họ, để đến lượt họ, họ có thể dâng cuộc hôn nhân lên cho Ngài. Các bản văn minh hoạ nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng người chủ trì nghi lễ cần biết liên hệ những điều căn bản trên vào thực tại của kinh nghiệm hiện nay.

Tài Liệu Tham Khảo

1. "Vui Mừng và Hy Vọng", Phần II, Chương 1, Số 48.