Lòng Chung Thủy Trong Hôn Nhân Công Giáo

Thật ra, hôn nhân nào cũng đòi phải có thủy chung như nhất, trước sau như một, nếu muốn thành công trong việc đem lại hạnh phúc cho hai vợ chồng nói riêng và cho gia đình nói chung.

Trong truyện Trinh Thử của Việt Nam, ta thấy Hồ Sinh khuyên răn chuột cái rằng:

“Ái ân là nghĩa nặng thay!

Vợ chồng há phải một ngày dám quên!”.

Trong ca dao, không thiếu những câu như

“Yêu anh cốt rã xương mòn,

yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh”

Ta hãy nghe một câu khác:

“Trăm năm chỉ quyết một chồng,

dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.

Dẫu cho đá nát vàng phai,

trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào!”.

Nếu những câu trên có vẻ như chỉ nhắm vào phụ nữ, thì câu sau này chắc chắn nhắm vào cả nam lẫn nữ:

“Tay cầm đĩa muối sàn rau;

thủy chung như nhứt sang giầu mặc ai”.

Hay:

“Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,

nát Chùa Thiên Mụ, mới sai lời nguyền”.

Như vậy, ý niệm thủy chung bao gồm hai khía cạnh tương phản nhau: thay đổi và vững bền. Trước sau, đầu cuối đương nhiên để chỉ sự chuyển dịch, đổi thay. Sự chuyển dịch ấy được biểu tượng bằng những hình ảnh như “cốt rã xương mòn”, “thêu phụng vẽ rồng”, “đĩa muối sàn rau” và nhất là “cạn lạch Đồng Nai”, “nát chùa Thiên Mụ”. Vững bền được biểu thị bằng những từ ngữ “há một ngày dám quên”, “vẫn còn yêu anh”, “chỉ quyết một chồng”, “chẳng phai chút nào”.

Thủy chung không phải chỉ luẩn quẩn trong tâm tư hai người đính ước, tiền nhân ta cũng đã biết công thức hóa ý niệm thủy chung ấy bằng nghi lễ hẳn hòi. Thực thế, trong ngày thân nghinh hay ngày cưới, sau khi được rước về nhà chồng, cô dâu phải làm lễ gia tiên nhà chồng, làm lễ mừng bố mẹ và họ đương nhà chồng, rồi đi lễ các nhà thờ họ nhà chồng. Xong đâu đó mới trở lại nhà chồng để làm Lễ Tơ Hồng. Chính trong Lễ Tơ Hồng này, cô dâu chú rể uống chung một ly rượu, cho thấy từ nay hai người chỉ còn là một cho tới đầu bạc răng long; ngoài ra, họ còn ăn mỗi người một miếng trầu, têm chung một quả cau và một lá trầu không, và cùng ăn những đồ lễ khác có sẵn trên bàn thờ. Tuy nhiên, những nghi thức nhằm nói lên ý nghĩa kết hiệp như trên, chỉ được cử hành sau nghi thức tế ông tơ bà nguyệt, trong đó một vị túc nho đọc văn tế Tơ Hồng, để xin ông tơ bà nguyệt phù hộ cho đôi trẻ, được “sắt cầm nên nghĩa đá vàng, tơ tóc nên duyên tần tấn. Một nhà trong ấm ngoài êm, dây xích thằng xe thắm mối lương duyên, đôi lứa phận đẹp duyên ưa, nhịp cầu Thước, bắc vừa dòng Ngân thủy. Ba sinh trọn vẹn: loan phượng thuận hòa”… Bấy nhiêu vẫn chưa lấy làm đủ, văn tế còn xin thêm cho mười mươi rõ một: “Nhân nay việc hôn đã mãn: dám mong đức lớn phù trì, vẹn niềm chung thủy”.

Thế là chữ chung thủy được nghi thức hóa với ý nghĩa tôn giáo của nó trong văn hóa Việt Nam. Đạo Công Giáo cũng thế, và còn hơn thế nữa. Bởi vì trong nghi lễ hôn phối, không một ý niệm nào được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hơn là ý niệm chung thủy. Ta biết nghi lễ này nay đã gần như không còn chỉ là Nghi Thức Hôn Phối mà thôi, mà luôn được hiểu như gồm cả Thánh Lễ Hôn Phối nữa. Thành thử vì thế, ý niệm này lại càng được nhắc đi nhắc lại nhiều hơn gấp bội, có lúc trực tiếp, có lúc dưới một biểu thức khác đồng nghĩa.

* Như trong Lời Cầu Nguyện đầu Lễ chẳng hạn, chủ tế đã bắt đầu cầu xin “Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện, mà tuôn đổ ơn phúc dồi dào, giúp anh chị yêu thương nhau cho TRỌN TÌNH VẸN NGHĨA”.

* Lời nguyện tiến lễ cũng cùng một ý ấy khi “xin Chúa an bài cho họ được Trăm Năm Hạnh Phúc”.

* Kinh tiền tụng Mẫu A cũng không quên nhắc tới ý niệm thủy chung: “Cha đã muốn kết hợp hai người nam nữ bằng hôn ước để họ SUỐT ĐỜI GẮN BÓ YÊU THƯƠNG”.

* Trong lời cầu cho đôi tân hôn, trước khi họ rước lễ, Giáo Hội cũng tha thiết cầu xin cho hai vợ chồng “được TRỌN TÌNH CHUNG THỦY VỚI NHAU” (Mẫu A) hay cho “anh A chu toàn một cách xứng đáng nhiệm vụ của một NGƯỜI CHỒNG CHUNG THỦY” (Mẫu B)

* Khỏi nói thì ở phần nghi thức hôn phối, phần phải có của bí tích hôn phối, ý niệm chung thủy được nhắc đến một cách long trọng, trực tiếp và nhiều lần hơn nữa.

* Ngay ở phần mở đầu nghi thức, chủ tế đã nhắc đến ý niệm này rồi, khi nhắn nhủ hai người rằng “Chúa…đã dùng một bí tích đặc biệt, làm cho mối tình của anh chị được cao đẹp vững bền, giúp anh chị VẸN NGHĨA THỦY CHUNG…”.

* Rồi trong phần tra vấn, xem đôi uyên ương có thật sự chín mùi về phương diện tâm lý hay chưa, khi hỏi họ về tự do kết hôn, chứ không bị ép buộc, và về hai mục đích chính của hôn nhân, ngài nhấn mạnh tới mục đích “yêu thương và kính trọng nhau SUỐT ĐỜI”.

* Đủ thấy, Giáo Hội chú trọng đến ý niệm chung thủy này biết chừng nào. Nó hẳn phải là điều quan yếu đối với thành bại, sống chết của hôn nhân. Nhưng đấy mới chỉ là mào đầu, do Đại diện Giáo Hội chủ sự, giống vai trò vị túc nho trong Lễ Tơ Hồng. Nhưng bí tích hôn phối của Công Giáo không phải là việc của người ngoài, mà là của chính hai người phối ngẫu, nên Giáo Hội buộc đôi uyên ương phải long trọng nói lên lời thề hứa chung thủy ấy.

* Ta hãy nghe hai anh chị thề hứa với nhau trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội: “Anh nhận em làm vợ và hứa giữ lòng CHUNG THỦY với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em SUỐT ĐỜI anh”. Người vợ cũng nói lên cùng một câu như thế, không thêm không bớt một chữ nào.

* Rồi sau khi nhận chiếc nhẫn mà linh mục vừa làm phép, và bảo họ “trao cho nhau làm biểu hiệu tình yêu và lòng chung thủy”, họ xỏ nhẫn vào tay nhau, vừa xỏ vừa long trọng tuyên hứa “xin em nhận chiếc nhẫn này làm biểu hiệu tình yêu CHUNG THỦY của anh, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Người vợ cũng làm y hệt như thế.

Như thế, lòng chung thủy của vợ chồng Công Giáo không phải chỉ là một ước mong, một thở than, một lời cầu chúc, một lời cầu xin, nhưng là một cam kết của chính hai vợ chồng, được minh nhiên, long trọng và công khai nói lên trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội, không mặc nhiên như trong văn tế Tơ Hồng, hay trong cử chỉ uống chung ly rượu và ăn miếng trầu, têm từ một trái cau và một lá trầu không.

Thực ra, lòng chung thủy của vợ chồng Công Giáo còn một dị điểm nữa, khá độc đáo. Khi nói tới chung thủy, người ta thường chỉ hiểu là chung thủy giữa hai con người, tức giữa chồng và vợ. Và nhiều người cho rằng chung thủy với hai con người này cũng đủ khó khăn lắm rồi, ít ai có thể thực hiện được vẹn toàn. Thực vậy, như trên đã nói, chung thủy bao giờ cũng bao hàm hai khía cạnh trái ngược nhau là thay đổi và vững bền. Đối với người công giáo, thay đổi được diễn tả qua công thức “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe”…lúc nào cũng một lòng yêu nhau và kính trọng nhau.

Thay đổi nào cũng có thể làm cho một trong hai người hay cả hai người ra khác. Bất kể đó là thay đổi từ xấu ra tốt hay từ tốt ra xấu. Một người ra khác đã đủ phiền phức. Cả hai cùng ra khác thì quả là một đe dọa. Mà một khi đã ra khác thì những cam kết ngày nào thế nào cũng bị xét lại, thế nào cũng bị đe dọa.

Đấy mới chỉ nói đến những thay đổi bề ngoài, thể lý, hữu hình, mà công thức trên hình như nhấn mạnh đến nhiều hơn. Nhưng ngày nay, người ta để ý nhiều đến những thay đổi từ từ, vô hình, nhưng rất chắc chắn và khó lòng cưỡng lại được, một thay đổi mà nếu thành hình rồi thì khó lòng thay đổi được. Đó là thay đổi trong nhân cách, thay đổi trong tâm tư, trong suy nghĩ, trong lối nhìn, nghĩa là thay đổi tâm lý. Người vợ 40, 50 tuổi có thể đã ra khác so với cùng bà vợ ấy cách nay 20,30 năm. Hồi ấy không những bà chấp nhận chồng mà còn chấp nhận mọi giấc mơ và việc làm của chồng, mọi quyết định và mục tiêu của chồng đều là quyết định và mục tiêu của bà và của gia đình. Bà không có bất cứ tham vọng và mộng ước gì. Nhưng 20, 30 năm trôi qua, lúc các con đã trưởng thành và lên đường rời khỏi gia đình, bà bỗng thấy mình phải có chỗ để sử dụng những năng lực nay các con không cần tới nữa. Và thế là tham vọng và mộng ước trước đây không bao giờ lởn vởn trong đầu, nay bỗng trào dâng lên như thác lũ. Nếu người chồng cứ dậm chân tại chỗ với cái nhìn cũ về người vợ, thì lòng chung thủy sẽ bị đe doạ. Giống như bất cứ ai, bà không đứng yên một chỗ, bản sắc bà vẫn tiếp tục tăng trưởng. Người chồng cũng thế, tâm tư ông không giống tâm tư 30, hay 40 năm về trước. Hồi mới lấy vợ, có thể cái nhìn về hôn nhân của ông hay về cuộc đời nói chung của ông không giống cái nhìn của ông về cùng những thực tại ấy lúc này. Ấy là chưa kể lúc ấy, ông dám lấy vợ vì do cha mẹ chọn lựa, bây giờ các cụ đã mãn phần cả, cái nhìn của ông về vợ có thể cũng đã ra khác.

Sự thay đổi tâm lý này hiện được các nhà huấn đạo hôn nhân ngày nay, kể cả hôn nhân Công Giáo, chú ý một cách khẩn trương vì nó muôn hình muôn vẻ, dấu mặt, dấu tên, âm thầm, khó nhận diện mà bước tiến thì chắc nịch và bất ngờ còn hơn kẻ trộm.

Tuy nhiên, lòng chung thủy Công Giáo không phải chỉ là giữa hai người mà là lòng chung thủy tay ba. Người thứ ba này chính là Thiên Chúa. Vợ chồng tôi tuyên thệ trung thành với tình yêu tức là với chính Người. Vợ chồng tôi vì thế, cả hai, vừa phải trung thành với nhau vừa phải trung thành với Thiên Chúa và cùng nhau trung thành với Người. Có điều cả Thiên Chúa nữa xem ra cũng không đứng yên, xem ra Người cũng thay đổi. Nói đúng ra, tự bản chất, Thiên Chúa không hề thay đổi, Người lúc nào cũng là Thiên Chúa tín trung, cũng vẫn là Đấng Thiên Chúa ấy từ thuở đời đời. Nhưng cái hiểu của ta, quan niệm của ta về Thiên Chúa thì có thay đổi, và sự thay đổi này, buồn thay, cũng là một trong những nguyên nhân tạo khủng hoảng cho lòng chung thủy của hai vợ chồng. Thiên Chúa ấy trước đây đối với tôi là Đấng đầy uy quyền, ra những lệnh truyền nghiêm khắc, tuyệt đối chắc nịch và rõ ràng, tôi chỉ cần vâng theo. Nhưng giờ đây, đối với tôi, Người rất có thể không còn là Đấng nghiêm khắc ra lệnh nữa, mà có tính cách của một người đồng hành, một partner, một người hùn hạp làm ăn, khuyên nhủ, mời gọi, đưa ra nhiều giải pháp để tôi chọn lựa, và hình như người tôn trọng tự do chọn lựa của tôi…Sự thay đổi này về Thiên Chúa trong tôi có thể sai, nhưng nó có đó và nó điều hướng cuộc sống tôi. Sự chọn lựa này mà đúng thì không sao, nhưng nếu sai thì dù là của một mình tôi hay là của cả hai vợ chồng tôi, kết quả cũng như nhau, nó sẽ dẫn tới hủy hoại lòng chung thủy vợ chồng.

Đúng như thế, những thay đổi trên đang đe dọa lòng chung thủy vợ chồng chứ không hẳn những vụ ái tình lăng nhăng. Trước đây, khi nói đến lòng chung thủy, người ta thường chỉ nghĩ đến lòng chung thủy tính dục và người ta chỉ lo lắng tìm cách hạn chế, giới hạn sự bất trung này. Dĩ nhiên, bất trung tính dục là một trong những bất trung đau đớn nhất, vì nó đụng chạm đến nhân cách, đến tự ái của người phối ngẫu. Nhưng nó không phải là bất trung duy nhất trong liên hệ luôn thay đổi của vợ chồng. Mặt khác rất có thể nó chỉ là phó sản của các thứ bất trung khác, cái bất trung do việc tôi không còn có thể chấp nhận được người vợ hay người chồng ngày nay nữa vì họ đã khác xa hồi mới cưới, không còn hiền lành chất phác, gọi dạ bảo vâng như ngày nào.Nên tôi phải đi tìm người khác hợp với tôi hơn, hiểu tôi hơn. Bởi thế, ngày nay, người ta coi sự thay đổi mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của lòng chung thủy. Mà thay đổi là chuyện thường tình ở đời, đôi khi còn là dấu hiệu của sự sống nữa, vì muốn sống, con người ta phải thay đổi. Vấn đề vì thế chỉ còn là cùng nhau chấp nhận các thay đổi ở nơi nhau, coi chúng không những như lẽ thường tình mà còn cần thiết nữa để phong phú hóa bản thân người phối ngẫu và do đó phong phú hóa chính mối liên hệ giữa hai người. Muốn thế, điều cần thiết là phải cởi mở, thổ lộ cho nhau các tâm tư tình cảm, các ý nghĩ của mình. Chính vì thế, các khóa dự bị hôn nhân Công giáo hiện nay cũng như các khóa thăng tiến hôn nhân trong Đạo nhất nhất đều chú trọng đến việc vợ chồng đối thoại với nhau. Có đối thoại, vợ chồng mới nhận ra những thay đổi ở nơi nhau để a) khích lệ các thay đổi tích cực, b) chấp nhận các thay đổi tất yếu, c) hạn chế các thay đổi tiêu cực và d) cùng cố gắng bắt kịp nhau để cùng tiến, cùng thay đổi một nhịp. cùng thay đổi một hướng. Lòng chung thủy của vợ chồng Công Giáo ngày nay hệ ở cố gắng ấy.