CHƯƠNG MƯỜI TÁM: CHIỀU KÍCH KITÔ GIÁO

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Kitô hữu ai cũng biết rằng có một cái gì linh thiêng liên quan tới hôn nhân. Chúa Kitô dạy ta rằng đời sau sẽ không còn hôn nhân, và do đó, hôn nhân không thể là đối tượng tối hậu của cứu rỗi. Nhưng thực sự nó cũng gần như tối hậu. Vì nó là bậc sống trong đó hết 95% trong chúng ta sẽ tìm thấy Chúa trong cuộc sống của mình. Nó là văn phạm Chúa dùng để phát biểu tình thương và lòng trung tín của mình (1). Người Công giáo La-Mã còn đi xa hơn, tin rằng nó là một bí tích.

Người Công giáo lớn lên ai cũng quen thuộc với ý niệm bí tích, nhưng ý nghĩa của bí tích thì không luôn luôn được hiểu rõ ràng. Vì các bí tích thường xuyên xẩy ra trong cuộc sống của họ đến nỗi họ chấp nhận sự quan trọng của chúng mà không thực sự hiểu ý nghĩa của chúng. Ðiều này càng rõ khi áp dụng vào bí tích hôn nhân. Hầu như ai ai cũng lập gia đình, Kitô hữu hay không Kitô hữu, do đó quả là khó khăn mới thấy tại sao một kinh nghiệm chung và phổ quát như thế lại có thể trở nên một phương tiện cứu rỗi đối với các Kitô hữu. Nói cách khác, thật khó hiểu khi liên kết thực tại thế tục này vào chiều kích thần linh.

BÍ TÍCH

Do đó việc trước nhất là phải nói về ý nghĩa tổng quát của bí tích. Trong nội thẳm Kitô giáo, có niềm tin căn bản rằng Thiên Chúa đã sáng tạo và chấp nhận con người và muốn thiết lập một liên hệ yêu thương giữa Ngài và toàn thể nhân loại. Ðó chính là mục đích của sáng thế và giao ước mà Chúa đã làm với con người. Thiên Chúa, Ðấng vốn là tình yêu, muốn mở rộng mình ra và chia sẻ đời sống của Ngài với chúng ta. Con người đã đáp lại bằng sự sa ngã. Ðó là lời từ khước tiếng Chúa mời gọi. Tuy thế, Chúa đã kiên tâm và muốn giao hòa với cái nhân loại đang từ khước mình. Ngài thực hiện điều đó bằng việc gửi Con Một mình, là Chúa Giêsu Kitô, xuống trần gian. Trong biến cố Nhập thể, Thiên Chúa Cha lại kêu mời nhân loại đã sa ngã một lần nữa, và lần này, qua Chúa Kitô. Ngài gửi lời mời của mình qua nhân tính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã nhân danh toàn thể nhân loại đáp lại lời mời ấy một cách khẳng định. Và lời khẳng định ấy đã đưa Ngài đến cái chết và sự phục sinh, và nhân loại được cứu thoát này cũng chia sẻ trong cái chết và sự phục sinh ấy. Chúa Kitô trở thành Cứu Chúa của cả nhân loại. Ngài là dấu chỉ và là sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa, và Kitô hữu được mời gọi chia sẻ tình yêu này qua sự sống của Chúa Kitô. Một cách để thực hiện được điều đó là tham dự vào bẩy hành vi ban sự sống đã được chính Chúa Kitô thiết lập cho mục đích trên. Bẩy hành vi có hiệu quả cứu chuộc ấy chính là Rửa tội, Hoà giải, Thánh thể, Thêm sức, Chức thánh, Hôn nhân và Sức dầu Bệnh nhân. Ðó là bẩy Bí tích mà Giáo hội cử hành trong Phụng vụ của mình. Giáo hội là thân mình còn mọi người chúng ta kết hiệp thành Dân Chúa; Chúa Kitô tương quan một cách mật thiết với Giáo hội, tức với mỗi một và với mọi người chúng ta. Theo thuật ngữ của Thánh Phaolô, thì Giáo hội là Nhiệm thể mà Chúa Kitô là Ðầu, một thuật ngữ làm nổi bật tình thân thiết giữa Ngài và Giáo hội. Do đó mỗi một người đã được rửa tội đều phải sống một cách đầy đủ trong thực tại nhân bản của mình nhưng đồng thời không ngừng được biến đổi bởi sự hiện diện có tính bí tích của Chúa Kitô; trong Ngài, Thiên Chúa đã chấp nhận bất cứ cái gì là nhân bản.

Hôn nhân là một trong bẩy bí tích trên. Ðiều ấy có nghĩa là đối với đôi bạn, đời sống hôn nhân là cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa Kitô và do đó là phương thế để họ nên thánh. Tuy nhiên, các bí tích không có cùng một vị thứ như nhau và do đó không có cùng tầm quan trọng như nhau trong công trình cứu rỗi. Thực vậy, trước đây, trong một thời gian dài, bậc sống độc thân hiến mình cho Chúa Kitô đã được coi là có vị thứ cao hơn hôn nhân. Cuốn sách này, ngược lại, sẽ được dùng để chứng tỏ rằng hôn nhân, sau Phép Rửa tội và Thánh thể, là bí tích quan trọng nhất của Giáo hội, bởi vì chính trong bí tích hôn nhân, 90 đến 95 phần trăm cộng đồng Dân Chúa tìm được ơn cứu thoát. Việc đặt để bí tích này trong ý nghĩa thích đáng của nó là một diễn trình đã bắt đầu trong thế kỷ 20 và sẽ được tiếp tục trong thế kỷ 21. Nói như thế không có nghĩa là hạ thấp bậc sống độc thân. Ngược lại, phẩm giá đầy đủ của bậc sống độc thân sẽ được tìm thấy qua việc hiểu biết về hôn nhân và phẩm giá đầy đủ của hôn nhân sẽ được tìm thấy qua việc hiểu biết về bậc sống độc thân. Hai bậc sống này bổ túc lẫn nhau.

BẢN CHẤT BÍ TÍCH HÔN NHÂN

Các bí tích đã được Chúa Kitô thiết lập, và đoạn văn chủ yếu liên quan đến hôn nhân là thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (5:21-33). Trong đoạn văn này, Thánh Phaolô nói rằng tình yêu của Chúa, được thông ban trọn vẹn nơi Chúa Kitô và cư ngụ nơi Giáo hội, có thể đạt tới được qua hôn nhân và được diễn tả qua tình yêu của hai vợ chồng, vốn đã trở thành dấu chỉ. Như thế, hai vợ chồng đã trở nên như Chúa Kitô, hoặc theo thuật ngữ của Thánh Phaolô, Có cùng một tâm tư như Chúa Kitô (Pl 2:5) trong việc chia sẻ và lập lại đức vâng lời, lòng trung tín, sự hiến mình và tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội. Chúa Kitô yêu Giáo hội của mình, thực tế là mỗi người chúng ta, cho đến tận cùng thời gian, và tình yêu này được diễn tả trong bí tích hôn nhân và thể hiện qua tình yêu của hai vợ chồng dành cho nhau.

Một khi đã hiểu bản chất bí tích của hôn nhân, thì câu hỏi của tất cả các cặp vợ chồng là họ sẽ tìm ở đâu để thấy các đặc điểm của bí tích này? Bí tích hệ ở khía cạnh nào của hôn nhân? Trước Công Ðồng Vatican II, người ta nhấn mạnh đến lúc hai vợ chồng tỏ lời ưng thuận hiến thân và chấp nhận lẫn nhau. Ðó là điểm chủ yếu của hôn nhân và sau đó được hoàn tất bằng việc hoàn hợp thể xác qua giao hợp. Nhìn như thế, trọng điểm của bí tích là nghi thức hôn phối trong đó lời ưng thuận được tỏ bày. Sau biến cố đó, hai vợ chồng bị quên lãng, ngoại trừ trong các dịp họ hiện diện để chứng kiến con cái họ lãnh nhận các bí tích Rửa tội và Thêm sức. Thành ra bậc sống đôi bạn bị coi là nghèo nàn về phương diện ý nghĩa bí tích.

Tuy thế, Vatican II đã nhấn mạnh rằng qua việc hai vợ chồng chấp nhận nhau, một liên hệ bền vững đã xuất hiện. Yếu tính của bí tích do đó nằm ở mối liên hệ luôn triển khai dọc dài suốt cuộc sống cho đến lúc một trong hai người qua đời.

Trong mối liên hệ luôn luôn triển khai đó, hai vợ chồng sẽ đối sử với nhau như Chúa Kitô đã đối xử với Giáo hội. Bốn đặc điểm đã được nhận dạng trong cách Chúa Kitô cư xử với Giáo hội, và cũng bốn đặc điểm này phải hiện diện trong mối liên hệ suốt đời của hai vợ chồng. Bốn đặc điểm đó là vâng lời, trung tín, hiến thân và yêu thương. Thực ra bốn đặc điểm đó có thể tóm lược vào tình yêu, nhưng bốn đặc điểm ấy sẽ giúp ta hiểu đầy đủ hơn bản chất của tình yêu. Bốn đặc điểm này phải được giải thích theo quan điểm hiện đại về hôn nhân trong các xã hội Tây phương. Ở các xã hội khác, các yếu tố nhân chủng và xã hội có thể đưa ra lối giải thích khác cho cùng những đặc điểm này.

Sự hiểu biết của chúng ta về vâng lời thoát thai từ tác phong thích hợp của chúng ta trong tư cách con cái đối với cha mẹ, và trong tư cách người trưởng thành đối với uy quyền và luật pháp. Sự vâng lời của Chúa Kitô đối với Chúa Cha không phải là sự vâng lời của một bề tôi đối với bề trên. Ðúng hơn, nó diễn tả sự thuộc về và sự tín thác có tính cách yếu tính. Hai Vị không tách rời nhau, nhưng tạo thành một sự có nhau tuyệt đối. Vâng lời do đó là việc không thể tránh mà không tự đặt mình dưới người khác chỉ vì một hợp nhất tính toàn diện về mục đích. Chúa Kitô vâng lời Ðức Chúa Cha vì trong tư cách thành viên của Tam Vị Nhất Thể, mục đích của các Ngài hoàn toàn giống hệt nhau, trong trường hợp này, là giao hòa nhân lọai với Ba Ngôi. Vâng lời là tín thác trong liên hệ; trong trường hợp Chúa Kitô và Giáo hội, thì sự tín thác này là tuyệt đối.

Hai vợ chồng, trong khi hành xử như Chúa Kitô, cũng nợ nhau đức vâng lời. Mỗi người trong họ sẽ hành động với nhau như Chúa Kitô đã hành xử. Sự vâng lời lẫn nhau không phải vì sợ, vì lệ thuộc, hay vì bất bình đẳng, nhưng vì cả hai nay đã nên một. Chính trong cái nên một qua sự có nhau ấy đòi phải có tín thác lẫn nhau. Họ thuộc về nhau. Mỗi người trong họ đã hiến trọn con người mình cho người kia. Vâng lời là tín thác phát sinh từ sự hợp nhất của họ. Họ sống vì cái tốt trong nhau. Họ không thể còn điếc hay đui đối với một dấu hiệu chung nào dù nhỏ nhặt đến đâu. Họ không còn là hai nhưng là một, và sự nên một này đòi một đáp ứng toàn diện. Vâng lời là luôn sẵn sàng hướng tới nhau. Một phần chủ yếu của ơn sủng trong hôn nhân là làm vững mạnh tín thác, từ đó có vâng lời, mà vâng lời là ý thức về người bạn đời và đáp ứng người ấy.

Qua đức vâng lời, Chúa Kitô và Giáo hội trở nên một. Từ sự nên một ấy mà có nhu cầu trung tín. Một khi Chúa Kitô đã long trọng tuyên bố tín thác qua mầu nhiệm vượt qua, một trong các hiệu quả của lời tuyên bố ấy là lòng trung trinh. Trong cuốn sách này, chúng tôi đã trình bày rằng lòng trung tín tìm thấy nơi tính liên tục, tính đáng tin cậy và tính dự đoán được. Tương quan của Chúa Kitô và Giáo hội là một tương quan liên tục, đáng tin cậy và có thể đoán trước. Ngài không bao giờ ngưng không liên hệ và Ngài chu toàn điều đó một cách đáng tin cậy và có thể đoán trước. Sự đáng tin cậy của Ngài là đặc điểm của lòng trung trinh. Ngài không bao giờ ngả nghiêng hoặc thay đổi ý kiến. Ngài đã hiến thân mình trong một ý định đặc thù mà ta có thể tin tưởng được và dự đoán được. Ngài luôn luôn ở đó để đáp lại tiếng kêu của nhân loại. Ngài không màng tưởng bất cứ chính nghĩa nào khác, nhưng luôn trung thành với Dân Chúa suốt dòng thời gian cho đến tận cùng.

Lòng trung tín của con người chắc chắn khó thực hiện hơn nhiều. Vì vợ chồng có thể trở nên cũ mèm đối với nhau. Họ thường hay so sánh người bạn đời của mình với những cặp vợ chồng khác. Và nếu họ có trung thành với nhau đi chăng nữa, thì đôi khi họ lại không coi trọng chính lòng trung thành đó. Họ ý thức về nhau một cách hời hợt và sự nên một của họ hết sức nông cạn. Họ có thể không chịu tìm hiểu sâu về người bạn đời của mình và chỉ trung thành với cái phần nhỏ mọn bên ngoài của người bạn đời ấy mà thôi. Sự đáng tin cậy của họ có thể mỏng dòn, tác phong của họ khó mà lường trước được. Một lần nữa, ân sủng của bí tích, sự hiện diện của Chúa Kitô, thực sự cần thiết để tăng cường lòng trung thành của hai vợ chồng, để họ tận tụy tập trung vào nhau.

Sự vâng lời và lòng trung thành đòi phải có một mạch chuyển đối thoại. Mạch chuyển đó chính là sự sẵn sàng cho nhau về phương diện thân xác, tình cảm, xã hội, tri thức và tâm linh. Chúa Kitô đã không giữ lại chi trong tín thác của Ngài đối với Giáo hội. Ngài dựng nên Giáo hội từ việc Ngài hiến thân trọn vẹn. Sự hiến thân này hướng tới kết hiệp. Chúa Kitô và Giáo hội là một và điều này đòi có sự sẵn sàng toàn diện. Thiên Chúa Cha hoàn toàn sẵn sàng cho Chúa Con và Chúa Con hoàn toàn sẵn sàng cho nhân loại qua Chúa Thánh Thần.

Một cách trực cảm, vợ chồng muốn cho và nhận của nhau bao nhiêu có thể. Sự trao đổi ấy dẫn tới việc sẵn sàng cả về thể xác, cảm quan, tâm tư và tâm linh. Nhưng trong các diễn biến của cuộc sống bình thường, thì vợ chồng lại hoặc bo bo giữ lấy cho riêng mình, hoặc không biết làm sao để hiến mình đi, hoặc không có khả năng ghi nhận điều mà người phối ngẫu hiến tặng mình. Thành ra sự sẵn sàng hiến mình dần dần trở thành giới hạn, do đó, nó cần được luôn luôn canh tân sinh lực để nhận ra cách trọn vẹn sự phong phú trong khả năng sẵn sàng cho nhau của mình. Ơn thánh luôn cần để điều đó thực hiện được.

Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:7-8). Trong trường hợp này, tình yêu tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa và như vậy thật khó mà hiểu và lượng giá nó cách đầy đủ. Tuy thế, ta biết rằng Thiên Chúa Cha thông đạt trọn vẹn tình yêu của Ngài cho Chúa Con, và Chúa Con thông đạt trọn vẹn tình yêu của mình cho Giáo hội. Thử hỏi bản tính của tình yêu này là gì? Mặc nhiên trong nó có vâng lời, trung tín và tự hiến mình. Qua tình yêu này, Ba Ngôi Thiên Chúa nâng đỡ, chữa lành và giúp nhân loại lớn lên trong trọn lành, thực sự nên hoàn thiện như Chúa Cha. Chúa Kitô luôn sẵn sàng hiến mình cho Giáo hội để nâng đỡ, chữa lành và làm cho Giáo hội lớn mạnh. Sự hiện diện của Ngài trong lòng Giáo hội bảo đảm rằng tình yêu của Ngài hành động như một xúc tác liên tục đối với các chi thể.

Tình yêu là phương thế nhờ đó vợ chồng nâng đỡ, chữa lành và giúp nhau lớn mạnh. Chính tại đây, sự yếu đuối của con người được thấy rất rõ; vợ chồng thường hay thất bại trong việc nâng đỡ nhau, giúp nhau chữa lành hoặc khích lệ nhau cùng lớn mạnh. Vì tất cả những điều đó rất quan thiết để ta còn là người, nên sự thất bại trên luôn là nguyên nhân chính làm hôn nhân tan vỡ. Không nơi nào ơn thánh cần cho bằng ở đây, ở chỗ ta phải không ngừng làm sống lại nguyên động lực yêu thương và yêu thương một cách bén nhậy và chính xác. Tình yêu hãn hữu và có giới hạn của vợ chồng được tập trung vào mối liên hệ giữa họ với nhau, giữa họ và con cái và giữa toàn thể gia đình với cộng đồng nói chung.

HÔN NHÂN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CÁC BÍ TÍCH KHÁC

Từ trước cho đến tận những ngày gần đây, cuộc sống của Giáo hội quay quanh chức linh mục và hàng giáo phẩm, và không thể tránh được sự kiện bậc sống độc thân của các ngài thường làm giảm sự chú ý của ta về ý nghĩa của hôn nhân. Ngày nay, người ta càng ngày càng nhận ra rằng đơn vị căn bản trong Giáo hội là gia đình, được mệnh danh là giáo hội tại gia. Chính ở đó, bên trong mối liên hệ gia đình, mỗi người chúng ta sẽ học biết ý nghĩa của yêu thương và thực hành ý nghĩa ấy. Chính cái cảm nghiệm về gia đình trong tư cách yêu thương đã mang lại ý nghĩa cho các bí tích khác.

Hôn nhân là một liên hệ suốt đời và chính ý niệm liên hệ là chìa khóa để hiểu bí tích Rửa tội, qua đó, chúng ta bước vào liên hệ suốt đời với Chúa Giêsu Kitô. Trong liên hệ suốt đời của hôn nhân, ta thấy giữa các thành viên của nó có một sự có nhau rất đặc thù thể hiện qua việc sẵn sàng cho nhau toàn diện. Sự sẵn sàng này được hoàn tất trong tác động giao hợp khi hai vợ chồng trở nên một theo nghĩa chính xác nhất của từ ngữ. Họ chấp nhận nhau toàn diện và trong lúc giao hợp, cá tính của họ hoà lẫn trong một gặp gỡ làm biến tan các biên giới cá thể. Họ phải biết nhau cách trọn bộ bao nhiêu có thể vì họ muốn nhận nhau một cách đầy đủ bao nhiêu có thể. Bí tích Thánh thể là biến cố phụng vụ qua đó thực tại cứu chuộc của Chúa Giêsu được thể hiện qua lời truyền phép trên bánh và rượu. Bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô. Khi được lãnh nhận trong lúc rước lễ, Mình và Máu Thánh ấy kết hiệp người nhận hoàn toàn vào Chúa Giêsu.

Còn về sự hòa giải và chữa lành, tức Bí tích Giải tội và Xức dầu Bệnh nhân, thì hai vợ chồng tiếp nhận đi tiếp nhận lại, liên tục suốt trong cuộc sống chung của họ. Ðối kháng và hoà giải là thành phần cốt cán trong mối liên hệ của họ, và giúp nhau hàn gắn vết thương đã được cuốn sách này chứng tỏ là thành phần chủ yếu trong mối liên hệ vợ chồng. Cả hai Bí tích vì thế có thể được hiểu và đánh giá một cách tốt đẹp hơn nhiều với kinh nghiệm của cuộc sống hôn nhân.

Bí tích Thêm sức cùng Bí tích Rửa tội và Thánh thể là các Bí tích Khai tâm đời sống Kitô hữu, vì chúng diễn tả sự thánh hiến và sứ mệnh của các Kitô hữu. Ðặc biệt là Bí tích Thêm sức, nó ban ơn Chúa Thánh Thần để nâng đỡ toàn bộ đời sống Kitô hữu. Hai vợ chồng cần nâng đỡ nhau xuyên suốt cuộc sống lứa đôi bằng cách luôn khẳng định nhau như mới. Sự khẳng định có tính cách nâng đỡ nhau này giúp họ hiểu được ý nghĩa cốt tủy của Bí tích.

Cuối cùng là Bí tích Truyền chức thánh. Xét bề mặt, Bí tích này, với lời thề hứa độc thân, có vẻ như đối nghịch với hôn nhân. Nhưng độc thân không phải là điều kiện phổ quát của chức linh mục và không hẳn là đặc điểm chủ yếu của chức đó. Linh mục là người được thánh hiến để phục vụ Chúa và là chất xúc tác thiêng liêng của cả cộng đoàn. Ngài truyền giảng Lời và cử hành các bí tích, và đặc điểm chính của ngài về phương diện con người là sự sẵn sàng hiến thân. Vợ chồng có thể hiểu được điều đó qua việc đánh giá các đặc tính góp phần vào sự sẵn sàng dâng hiến và các cố gắng của họ trong việc thánh hóa lẫn nhau.

Liên hệ giữa hôn nhân và các bí tích khác sẵn sàng đón nhận điều chỉnh cũng như mở rộng khi bản chất của hôn nhân được hiểu một cách đầy đủ. Chắc một điều: việc đánh giá các bí tích khác sẽ ngày một gia tăng khi hai vợ chồng tìm thấy ở chúng những thực tại được họ cảm nghiệm trong chính cuộc sống hôn nhân của mình. Theo cách đó, hôn nhân không những trở thành phương thế cứu rỗi của hai vợ chồng, kinh nghiệm về nó còn là một trong những chìa khóa giúp ta đánh giá và tham dự vào các bí tích khác.

MỐI LIÊN HỆ

Trong thẩm cung Ba Ngôi, ta thấy có mối liên hệ trao ban sự sống. Hôn nhân, vốn phản chiếu mối liên hệ trao ban sự sống và yêu thương đó, nay được nhìn như một bí tích được diễn biến suốt cuộc đời. Những biến cố nhỏ nhặt hàng ngày vốn góp phần làm ra nó thẩy đều được thu nhận và biến thể vào thực tại thần linh. Không có gì dù nhỏ dù to trong cuộc sống hôn nhân mà lại không tham dự vào cuộc gặp gỡ giống như Chúa Kitô của hai vợ chồng và của những thành viên khác trong gia đình. Hai vợ chồng cần được giúp đỡ để, qua các chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống lứa đôi, họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong và nhờ Chúa Giêsu Kitô và Thánh Linh.

Trong quá khứ, các cặp vợ chồng thường cảm thấy sự cứu rỗi thực sự của họ chỉ chủ yếu đạt được nhờ các bí tích khác. Họ không đánh giá được vai trò chính yếu tác động trên sự cứu rỗi của họ qua bí tích hôn nhân thể hiện trong mối liên hệ trải dài suốt cuộc đời. Trong khi tất cả các bí tích đều góp phần vào sự cứu rỗi, và không bí tích nào có thể bị loại ra khỏi cuộc sống Kitô hữu, thì nay là thời điểm thích hợp để giúp các cặp vợ chồng lượng giá được tính cách độc đáo trong ơn gọi của họ. Ðiều đó phải được nhìn trong cuộc gặp gỡ yêu thương giữa họ với nhau, là cuộc gặp gỡ mà hai vợ chồng đã cố gắng sống qua trong nhiều chục năm và là nguồn cội cuộc sống của họ và của con cái họ. Ðó là cuộc sống của tình yêu có trước con cái và tiếp tục sau khi chúng ra đi.

GIÁO HỘI TẠI GIA

Căn cứ vào những điều đã trình bày, ta thấy gia đình, đơn vị căn bản của xã hội, có đủ các đặc tính của một giáo hội thu nhỏ. Vợ chồng được mời gọi cư xử với nhau như Chúa Kitô cư xử với Giáo hội, và bên trong mối liên hệ này, vợ chồng đối diện với những cảm nghiệm như tranh chấp và giao hòa, tổn thương và làm lành, nâng đỡ nhau và hiến thân cho nhau qua kết hợp thể xác, không ngừng kiên định nhau qua niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu, một cảm thức về tư cách tư tế trong bậc giáo dân, tất cả những điều này nhắc nhớ ta về các bí tích khác. Như thế, gia đình thực sự có thể mệnh danh là Giáo Hội Tại Gia mà phụng vụ của nó là chính cuộc sống hằng ngày.

Trong quá khứ, cái khía cạnh thiêng liêng về hôn nhân này rất thường bị quên lãng hoàn toàn. Thay vào đó, gia đình thường được khích lệ cầu nguyện với nhau theo những hình thức không thích hợp với đời sống hôn nhân, mà thích hợp nhiều hơn với đời sống tu viện. Ðiều cần được đề cao là những trao đổi từng giây từng phút giữa các thành viên của gia đình phải là những lời cầu nguyện, theo nghĩa họ đang nói về Chúa Kitô ở trong nhau. Ðiều này không có nghĩa là lời cầu nguyện chuyên biệt không có chỗ trong đời sống gia đình. Nó vẫn có đó. Ðiều cần là lời cầu nguyện ấy phải quan tâm đến việc làm cho những gì ẩn tàng trong đời sống đôi bạn trở thành bộc bạch minh nhiên. Vợ chồng cần ơn Chúa để bền vững trong vâng lời tức tín thác lẫn nhau, trung thành tức toàn vẹn trong trắng, hiến thân tức luôn sẵn sàng và tình yêu vốn bao trùm nâng đỡ, chữa lành và cùng nhau lớn mạnh. Chúng ta cần một hình thức cầu nguyện hàng ngày trong đó nội dung đời sống đôi bạn được nhấn mạnh và sự trợ giúp và ơn thánh sủng của Chúa được biểu lộ để thực thi tình yêu trong giáo hội tại gia.

Mục đích của giáo hội tại gia này là gì? Trong Giáo hội hoàn vũ, nó là nơi sự sống được cưu mang, nuôi dưỡng và yêu thương. Giáo hội tại gia này là trường dạy tình yêu cho toàn thể Giáo hội. Nó là nguồn mạch tình yêu trong đời sống vợ chồng và trong đời sống mới mà họ dẫn khởi và nuôi dưỡng. Không có giáo hội tại gia, sẽ không có Giáo hội nói chung vì chính trong nó, tình yêu, vốn là bản tính Thiên Chúa, được duy trì sống động và chính vì lẽ đó mà hôn nhân thật là quan trọng trong tư cách bí tích.

TÓM LƯỢC

Hôn nhân là một bí tích, một trong bẩy bí tích được Giáo hội nhìn nhận. Nó bắt đầu với việc hai vợ chồng cùng thề hứa hiến thân cho nhau toàn vẹn và tiếp tục sau đó trong liên hệ yêu thương sẽ kéo dài suốt đời. Mối liên hệ này được ghi dấu bằng việc vâng lời, trung tín, hiến thân và yêu nhau, những đặc tính cũng được tìm thấy trong mối liên hệ của Chúa Kitô và Giáo hội. Theo cách này, hôn nhân trở thành giáo hội tại gia, nguồn mạch và người bảo vệ tình yêu trong Giáo hội hoàn vũ.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Kaspar, W., Theology of Christian Marriage. Burns and Oates, 1980.