Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu

CHƯƠNG MƯỜI BẨY: PHỤNG VỤ HÔN NHÂN

Chương trước đã bàn về những đường hướng và phương thế qua đó vợ chồng được trợ giúp về phương diện mục vụ. Cách tiếp cận trên gỉa thiết rằng tâm điểm đời sống hôn nhân là chính kinh nghiệm hàng ngày của vợ chồng và thực tại này được biến đổi hoặc được hội nhập vào chiều kích thần linh. Trong cộng đồng Kitô giáo, điều quan trọng là vợ chồng phải hiểu, phải cảm nhận và phải sống thực tại hôn nhân của họ trong Chúa. Ðiều này có nghĩa là họ phải nhận ra cuộc đời chung của họ do Chúa mà có và cần được dâng lại cho Ngài.

Ðại đa số các cặp vợ chồng Kitô hữu không liên hệ được đời họ với những biến cố trong Thánh Kinh ngoại trừ những trường hợp đặc biệt trong đó họ phải đối diện với những vấn đề luân lý trầm trọng như ly dị chẳng hạn. Cứ như thế, họ chỉ biết đến Lời Chúa khi chúng có nguy cơ bị vi phạm mà thôi. Họ không lượng giá được rằng đến 99% cuộc đời họ không can dự chi đến việc vi phạm luật Chúa mà là can dự vào những kinh nghiệm tích cực, khẳng nhận trong việc sống và cố gắng yêu thương. Thánh Kinh chứa rất nhiều giáo huấn và biến cố liên quan đến cuộc sống vợ chồng và một cách giúp các cặp vợ chồng là cho họ thấy kinh nghiệm của họ được Lời Chúa nhắc đến. Qua Cựu và Tân ước, Lời ấy cho ta thấy rằng hôn nhân là phương thế cứu rỗi đối với tuyệt đại đa số con người ta.

Cho nên cần giúp các cặp vợ chồng nhận thấy rằng kinh nghiệm của họ thực sự là ở trong Chúa và hơn nữa họ có thể dâng cuộc sống phu thê của họ cho Chúa qua phụng vụ. Chúng ta nên hiểu phụng vụ đây như là việc thờ phượng mà Giáo hội dâng lên Thiên Chúa qua tay các cặp vợ chồng. Ta cần đưa vào cuộc sống Kitô hữu một cuộc trao đổi hai chiều qua đó các cặp vợ chồng nhận ra cuộc sống chung của họ là phương cách Chúa dùng để cứu vớt họ và đến lượt họ, họ có thể dâng cuộc đời ấy lên Thiên Chúa như một hành vi cảm tạ hồng ân và đồng thời như lời khấn nguyện xin ơn phù trì hàng ngày để họ có thể duy trì cuộc sống ấy được nguyên tuyền trong Chúa.

Hiện nay, phụng vụ hôn nhân chủ yếu chỉ quanh quẩn xoay quanh nghi thức hôn phối và thánh lễ kèm theo. Ðây là lúc hai người phối ngẫu thực hiện các lời nguyện ước với nhau và những lời nguyện ước này thỉnh thoảng được lặp lại trong một vài dịp đặc biệt. Tuyệt nhiên không có một phụng vụ bao trùm qua đó những biến cố hàng ngày của hai vợ chồng được nhắc đến trong một chu kỳ phụng vụ hôn nhân.

CHU KỲ PHỤNG VỤ HÔN NHÂN

Ðiều chúng tôi đề nghị trong chương này là khả năng có một chu kỳ phụng vụ hôn nhân tương hợp với chu kỳ của cuộc sống hôn nhân. Thời gian hẹn hò, những năm đầu, những năm giữa và những năm sau cùng được dùng làm căn bản để diễn tả phụng vụ hàng năm, trong đó vợ chồng có thể nhìn thấy cuộc sống họ được diễn tả trong Thánh Kinh và có cơ hội dâng kinh nghiệm đặc thù của mình cho Chúa. Những khả năng để thực hiện được điều này thì rất nhiều và chúng tôi không hề cho rằng chu kỳ được trình bày ở đây là chu kỳ lý tưởng không cần bàn cãi thêm. Tuy nhiên, có thể lấy bốn chúa nhật một năm, hoặc, nếu thấy không thích hợp, thì bốn ngày một năm để mời gọi các cặp vợ chồng lắng nghe và dùng kinh nghiệm của chính họ mà đáp lại lời Chúa nói về hôn nhân trong các giai đoạn khác nhau. Bốn ngày này có thể trùng hợp với Mùa Vọng, Mùa Chay, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và ngày kết thúc năm phụng vụ của Giáo hội, hay những dịp khác. Ðiều quan trọng là dần dần thiết lập được một chu kỳ phụng vụ hàng năm đặt trọng tâm vào bậc sống hôn nhân. Truyền thống Công giáo La-mã ngày nay thường có bốn bài đọc trong thánh lễ, nên bốn bài đọc đã được chọn cho mỗi giai đoạn. Những đoạn Thánh Kinh được chọn ở đây có thể được thay thế bằng những đoạn văn khác đã trích trong sách này hoặc những đoạn văn khác nữa.

GIAI ÐOẠN HẸN HÒ QUEN NHAU

Trong các xã hội Tây phương, thời gian quen nhau đã gây ra nhiều tranh luận vì trong một số hoàn cảnh, người trẻ đã quyết định giao hợp tính dục trước khi cưới nhau và một số nhỏ khác lại thích sống chung với nhau một thời gian mà không chịu chính thức kết hôn với nhau.

Ðã đành đây là những vấn đề quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là biết nhận thức rằng thời gian quen nhau là thời gian trong đó sự lôi cuốn về thể xác đóng một vai trò trội yếu theo nghĩa tích cực. Kitô giáo vốn có truyền thống đánh giá cao tầm quan trọng của thân xác nhưng lại tỏ ra sợ sệt nó. Thời ta, người ta quan tâm chứng tỏ rằng trong thân xác có vẻ đẹp và niềm vui vô cùng nhân bản và gây thích thú. Các cặp yêu nhau khắp nơi trên thế giới đều hân hoan về các đường nét của thân xác mình và sự lôi cuốn lẫn nhau của họ. Thánh Kinh cũng chứng thực điều đó cách tích cực.

1.CỰU ƯỚC

Các đoạn trong Diễm Ca của Cựu Ước đã chào mừng sự lôi cuốn, thứ tình yêu mà ta gọi là thơ mộng, và lòng thủy chung giữa nguời đàn ông và đàn bà. Ðây là cách chàng rể diễn tả về cô dâu:

Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá!

Sau tấm mạng the, đôi mắt nàng, cặp bồ câu xinh đẹp.

Tóc nàng gợn sóng như đàn sơn dương

Tự trên ngàn Ga-la-át tủa xuống.

Răng nàng trắng tựa đàn vật sắp xén lông,

Ðàn vật vừa lên từ suối tắm,

Hai hàng sao đều đặn, không chiếc nào lẻ đôi!

Môi thắm chỉ hồng, miệng xinh duyên dáng,

Má đỏ hây hây một mầu thạch lựu

Thấp thoáng sau tấm mạng the.

Cổ nàng đẹp như tháp ngà Ða-vit

Xây lên để trưng bầy chiến lợi phẩm:

Nơi treo ngàn vạn mộc khiên

Toàn là của anh hùng dũng sĩ.

Ngực nàng khác nào cặp nai tơ,

Cặp nai sinh đôi của nai mẹ,

Gặm cỏ non giữa vườn huệ thắm
. (Dc 4:1-5)

Một đoạn khác có thể được dùng để nói lên niềm vui của chàng rể:

Ðẹp chừng nào, công nương hỡi,

Gót sen thả nhẹ, đôi hài xinh xinh!

Lưng ong uốn mềm như chiếc vòng trang sức

Bàn tay nghệ sĩ khéo tạc nên.

Rốn em tựa chung rượu tròn chẳng bao giờ cạn.

Bụng em như lúa mì vun lên đầy ắp, hoa huệ bao quanh.

Bộ ngực khác nào cặp nai tơ, cặp nai sinh đôi của nai mẹ.

Cổ em giống như ngọn tháp ngà.

Ðôi mắt như mặt hồ Khét-bôn

Bên cạnh cổng thành Bát Rap-bim.

Mũi em tựa Li-băng, ngọn tháp nhìn về hướng Ða-mát.

Trên thân mình,

Ðầu em đỉnh núi Các-men, tóc em một giải lụa hồng,

Bồng bềnh sóng nước, xiềng xích quân vương.

Em xinh đẹp biết bao, kiều diễm biết chừng nào,

Tình yêu ơi, em làm anh say đắm!
(Dc 7:2-7)

Có những đoạn khác, trong đó cô dâu đối đáp lại bằng lời tán dương chàng rể đầy yêu thương cảm mến. Thật là hiếm họa tìm thấy trong Thánh Kinh một nét tự phát, cởi mở và thoải mái trong cách diễn đạt của môi miệng đàn bà đến như vậy. Sách Diễm Ca cho thấy các phụ nữ xưa cũng có cơ hội ca tụng những nét đẹp phái tính không chút e dè như các chị em hiện nay của họ.

Người yêu của tôi: khuôn mặt tươi sáng, nước da hồng hào,

Nổi bật giữa muôn ngàn trai tráng.

Ðầu chàng: khối vàng ròng tinh luyện,

Mái tóc chàng gợn sóng nhánh cọ non,

Ðen huyền chim ô thước.

Mắt chàng nằm gọn giữa bờ mi,

Như đôi bồ câu tắm bên dòng suối sữa.

Ðôi má chàng tựa luống hoa thơm,

Như vầng phương thảo.

Cặp môi chàng là đoá huệ thắm tươi,

Chứa chan tươm mộc dược.

Ðôi nắm tay như những trái cầu vàng

Dát kim châu bảo thạch.

Thân mình chàng tựa ngọc ngà nguyên khối

Nạm đá quí xanh lam.

Ðôi chân chàng như đôi trụ bạch ngọc

Dựng trên đế vàng ròng.

Tướng mạo chàng tựa núi Li-băng,

Kiêu hùng như ngàn cây hương bá.

Miệng chàng êm ái ngọt ngào,

Cả con người những dạt dào hương yêu.

Người tôi yêu là như thế, tình quân tôi là như vậy,

Hỡi thiếu nữ Giêrusalem!
(Dc 5: 10-16).

Sau cùng, ở một đoạn khác, người đàn ông diễn tả một cách hết sức thơ mộng lòng thủy chung trường cửu của mình. Chàng xin Cô Dâu đặt chàng thành ấn tín trên trái tim nàng. Cặp tình nhân nào cũng ước mơ cuộc tình của họ trong thời gian quen nhau sẽ tiếp tục sống mãi và trở thành phần thường tại trong nhau.

Anh đã đánh thức nàng dưới gốc cây táo.

Chính nơi đây, thân mẫu sinh ra nàng,

Chính nơi đây, nàng đã lọt lòng mẹ.

Xin đặt anh như chiếc ấn trên trái tim em,

Như chiếc ấn trên cánh tay em.

Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần,

Cơn đam mê dữ dội như âm phủ.

Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,

Một ngọn lửa thần thiêng.

Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,

Sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.
(Dc 8:5-7)

2.THÁNH VỊNH

Trong đoạn văn kết thúc bản Diễm Ca của Salômôn trên, người đàn ông nhắc đến sức mạnh của tình yêu được chàng ví như ngọn lửa của chính Giavê. Tình yêu, lòng thủy chung và Thiên Chúa có tương quan mật thiết với nhau. Thực vậy, Chúa là nguồn mọi thủy chung, và muốn cho tình yêu mãi mãi lớn mạnh, nó phải nuôi dưỡng bằng lòng chung thủy. Thánh Vịnh 89 là một ca khúc và lơì kinh cầu xin lòng thủy chung của Chúa:

Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,

Qua muôn ngàn thế hệ

Miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.

Vâng con nói: Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,

Lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.

Xin Chúa phán: Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,

Ðã thề cùng Ða-vit, nghĩa bộc Ta,

Rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,

Ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.

Lạy Chúa, thiên đình xưng tụng những kỳ công của Chúa,

Cộng đoàn chư thánh ca ngợi lòng thành tín của Ngài.

Trên cõi trời cao, nào có ai sánh tầy Ðức Chúa?

Trong hàng thần thánh, hỏi có ai giống Chúa được chăng?

Thiên Chúa oai phong giữa triều thần thánh,

Vô cùng lẫm liệt trên hết cả quần thần.
(Tv 89: 1-8).

Ðáp ca cho Thánh vịnh này sẽ là: Lạy Chúa, cộng đoàn chư thánh ca ngợi lòng thành tín của Ngài!

3.THÁNH THƯ

Trong thời gian quen nhau, giao hợp tính dục là một vấn đề quan trọng. Truyền thống Kitô giáo, tiếp nối truyền thống Do thái trong Cựu Ước, luôn đặt việc giao hợp tính dục trong một mối liên hệ vừa gồm tín thác yêu thương vừa chứa đựng một thực thể vững bền được nuôi dưỡng bằng lòng thủy chung như nhất. Những cuộc làm tình tạm bợ trong đó hai thể xác gặp nhau để mua vui cho nhau mà không hề có trao đổi bản thân để hướng tới một tình yêu vững bền là một việc nằm bên ngoài mạc khải của Chúa. Thánh Phao lô làm nổi bật chân lý ấy trong Thư gửi tín hữu Côrintô. Dân thành này tin rằng người ta có quyền làm bất cứ chuyện gì kể cả việc chơi điếm. Thánh Phaolô nhắc họ nhớ rằng giao hợp là việc kết hiệp của hai thể xác, nhưng thể xác ta đã được Chúa Kitô giải thoát trong thân thể Người; nó là đền thờ Chúa Thánh Thần và do đó, sự trao ban thân xác ấy cho người khác chỉ có thể thực hiện trong bối cảnh một tình yêu bền vững. Liên hệ nào thiếu điều đó là làm cho thân xác mình mất hết ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, là phá hủy tình yêu và không thích đáng với Chúa Kitô là Ðấng sống trong thân xác ta cũng như trong cả con người của ta:

Tôi được phép làm mọi sự; nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự; nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi. Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ hủy diệt cả cái này và cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.

Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Chúa Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Chúa Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.

Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mnình.

Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em
. (1 Cor 6: 12-20).

4.PHÚC ÂM

Thời gian quen nhau là thời gian của những dự ước hân hoan về mối liên hệ. Nhưng là mối liên hệ nào? Tạm bợ hay vĩnh viễn? Mặc dù Cựu Ước cho phép ly dị, nhưng điều đó không hẳn đẹp lòng Giavê. Ðó là điều Chúa Kitô đã bị phái Pharisêu chất vấn.

Có mấy người Pharisiêu đến gần Ðức Giêsu để thử Người. Họ nói: thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? Người đáp: Các ông không đọc thấy điều này sao: thuở ban đầu, Ðấng Tạo hóa đã làm ra con người có nam có nữ và Người đã phán: vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Họ thưa với Người: Thế sao ông Môsen lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? Người bảo họ: Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp dâm bôn, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình (Mt 19:3-9).

Ðó là một trong những giáo huấn rõ rệt nhất của Chúa Kitô, và thời gian quen nhau là thời gian để trắc nghiệm xem mối liên hệ này liệu có tồn tại bao xa, đến bốn mươi, năm mươi năm hay không. Không phải chỉ trắc nghiệm xem có xứng đôi vừa lứa hay không mà thôi, mà còn phải xét cái động cơ khiến người ta đính kết với nhau trong hôn nhân nữa. Liệu hai người có hoàn toàn tự do về phương diện xã hội và tình cảm để có thể tín thác với nhau hay bị thúc đẩy bởi những áp lực mà họ không thể cưỡng lại được?

Thời gian quen nhau là thời gian của những dự ước hân hoan về mối tương quan yêu đương bền vững, nhưng cũng là thời gian thích hợp để nhìn vào chiều sâu xem hai người có đủ khả năng và ý chí bước vào một cam kết vĩnh viễn hay không. Trong lời nguyện giáo dân, nên có những lời cầu xin thích đáng để xin Chúa ban sức mạnh và lòng khích lệ.

NHỮNG NĂM ĐẦU MỚI LẤY NHAU

Trong truyền thống Giáo hội Phương Tây, hôn nhân khởi đầu khi hai vợ chồng trao đổi lời thề hứa hiến thân trọn vẹn cho nhau như những con người toàn diện và hoàn hợp sự dâng hiến ấy về phương diện tính dục. Công đồng Vatican 2 tuyên bố sự kết hợp ấy là do Ðấng Tạo Hóa thiết lập và điều hoà bằng luật lệ của Ngài. Nó được đâm rễ trong giao ước phu phụ dựa trên sự thoả thuận bản thân không thể phản hồi được. Nhờ thế, qua cái hành vi nhân bản trong đó vợ chồng hiến dâng và chấp nhận lẫn nhau, một liên hệ được thiết lập, liên hệ ấy, do ý Chúa và dưới con mắt xã hội, có tính cách trường cửu (1).

Trong đoạn văn trên, Giáo hội quan tâm vạch cho ta thấy sự khởi đầu của một liên hệ có tính trường cửu. Tuy nhiên ta biết rằng vợ chồng cảm nghiệm cuộc hôn nhân của họ từng giai đoạn một, mỗi giai đoạn có những thách đố riêng mà họ phải vượt qua. Trong sách này, giai đoạn đầu bao gồm năm năm đầu tiên, là những năm rất chủ yếu đối với cuộc hôn nhân. Khoảng 30 đến 40 phần trăm các đổ vỡ hôn nhân đã xẩy ra trong giai đoạn này, hoặc ít nhất những vấn nạn khởi diễn từ giai đoạn này sẽ dẫn đến những đổ vỡ trong tương lai. Cho nên khi hôn nhân được quan niệm như một liên hệ không ngừng khai mở, thì giai đoạn này rất quan trọng. Thánh Kinh có rất nhiều đoạn có thể ứng đáp cho giai đoạn này. Hôn nhân để làm chi? Ý nghĩa của những năm đầu này là gì? Giao hợp tính dục mang ý nghĩa gì? Ðó là một vài vấn đề có thể đem ra suy niệm trong dịp này. Vợ chồng có thể lắng nghe các đoạn văn Thánh Kinh thích hợp, và trong diễn trình thánh lễ dùng lời cầu nguyện mà suy gẫm và dâng lên Chúa những cảm nghiệm của chính mình.

1.CỰU ƯỚC

Có hai trình thuật về Sáng thế. Trình thuật thứ hai, thực ra, lại là trình thuật có trước và là trình thuật làm nổi bật khía cạnh liên hệ trong hôn nhân một cách rõ ràng hơn cả:

Chúa là Thiên Chúa phán: con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.

Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lấp thịt thế vào. Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

Con người nói: Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.
(St 2: 18-23).

Rõ ràng, Chúa muốn đàn ông và đàn bà có tương quan với nhau. Bản chất họ đòi họ phải bổ túc lẫn nhau. Theo cái nhìn của Thánh Kinh, việc người phụ nữ ngày nay đi tìm sự bình đẳng về giá trị giữa các phái tính là điều chẳng có chi phải sợ sệt. Vì trong đoạn Sách Thánh này, rõ ràng yếu tính của người đàn bà cũng tương tự như yếu tính của người đàn ông.

Một điểm khác được đoạn văn trên nêu rõ là nhu cầu đòi vợ chồng, muốn kết hôn, phải rời bỏ cha mẹ mình. Ðiểm này vẫn còn đúng cho cả xã hội ngày nay nữa. Khi kết hôn, hai vợ chồng phải thấy mình được tự do thoát khỏi uy quyền của bố mẹ để có thể coi nhau như những nhân vật chính trong cuộc sống của mình. Khi bố mẹ pha mình vào hoặc khi đôi vợ chồng trẻ không thể nào tách khỏi bố mẹ, thì mối liên hệ vợ chồng của họ không thể nào điều hành hữu hiệu và cuộc hôn nhân của họ thực chất chưa bắt đầu.

Ðiểm thứ ba cần ghi chú là bản chất hoàn toàn trong sáng của giao hợp tính dục. Ðã đành đây là bức tranh trước cuộc Sa Ngã, nhưng việc Chúa Kitô giao hòa cái bản tính nhân loại đã sa đoạ với Thiên Chúa Ngôi Cha đã khôi phục mọi sự trở lại với cái khả thể tinh ròng của chúng. Cuộc Sa Ngã là chuyện có thực và tính dục bị thiệt hại cùng với toàn thể nhân loại. Nhưng hôn nhân, khi được sống bằng đời sống ơn thánh, đã khôi phục được cái khả thể tươi đẹp, hân hoan và yêu thương mà Thiên Chúa đã muốn vạch cho con người. Trong thân mật xuồng xã của cuộc sống lứa đôi, vợ chồng sẽ mặt đối mặt trần truồng. Không phải chỉ trần truồng thể xác mà còn trần truồng xã hội và tâm lý nữa. Hai vợ chồng sẽ học biết chiều sâu của nhau, và tình yêu của họ luôn luôn theo đuổi một hoài mong được đáp ứng toàn diện, chính xác và thích đáng.

Trình thuật thứ nhất về Sáng thế thực ra là trình thuật có sau. Nó giống với trình thuật thứ hai ở nhiều điểm, nhưng cũng có điểm khác. Trong khi trình thuật thứ hai nhấn mạnh đến khía cạnh liên hệ, thì trình thuật thứ nhất này nhấn mạnh đến khía cạnh phụ tạo (procreation).

Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo NÓ theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo CHÚNG có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng và Thiên Chúa phán với chúng: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. (St 1: 26-28).

Trong đoạn văn trên, việc con người giống Chúa đã được xác định một cách không chút mơ hồ. Ðàn ông và đàn bà đã được dựng nên theo hình ảnh của Ngài và do đó, một lần nữa, Thánh Kinh xác nhận sự bình đẳng về vị thế và phẩm giá giữa các phái tính dù họ có những chức năng khác nhau. Nhưng đoạn văn trên khi nhấn mạnh đến NÓ và CHÚNG đã chỉ rõ rằng ta chỉ có thể hiểu nhân loại trong tương quan đàn ông đàn bà. Sự phân chia phái tính là điều căn bản và, dù ta không hiểu được mầu nhiệm chung quanh bản tính Thiên Chúa mà đoạn văn nhắc đến, nhưng ta có thể an tâm nói rằng cả hai phái tính đều có mặt trong Thiên Chúa. Ta cũng có thể nói rằng sự kết hợp giới tính của họ dính liền với bản nhiên của họ và sự kết hợp ấy không chỉ tốt mà thôi mà còn rất tốt nữa. Sau cùng, cái phần yếu tính làm nên cái tốt của nó chính là đặc tính trao ban sự sống. Nhưng như ta đã biết quá rõ, cái đặc tính trao ban sự sống này chỉ có tính phụ tạo ở một số dịp hiếm hoi, phần đại đa số là sự hiệp thông của yêu thương. Và tình yêu chính là chìa khóa mở cửa đi vào bản tính Thiên Chúa, là đặc điểm yếu tính trong liên hệ giữa các phái tính và sự kết hợp dục tính giữa các phái tính ấy.

Như thế, hai đoạn văn trên thiết lập ra hai khía cạnh căn bản trong cuộc gặp gỡ đàn ông đàn bà, một liên hệ với mọi khía cạnh và tính sáng tạo của nó. Cựu Ước còn cho thấy nhiều cái nhìn thông suốt khác về mối liên hệ này. Thí dụ, một trong những lời chỉ trích cho rằng đối với truyền thống Kitô giáo, giao hợp tính dục bị coi là bất hợp pháp trước hôn nhân đã trở thành hợp pháp sau hôn nhân. Khi người ta nói đến giao hợp tính dục theo ngôn từ thô trực (crude) của được phép hoặc không được phép, Kitô giáo quả chỉ là một tôn giáo vụ luật lệ (legalistic religion) mà không quan tâm chi đến chính bản chất của tính dục. Nó chỉ quan tâm đến đúng sai, chứ không nhắc chi đến các tính chất bản thân của tính dục. Lời chỉ trích này không hẳn sai, nhưng nói như thế là chưa phản ảnh được những cái nhìn thông suốt của Thánh Kinh, truyện Tô-bi-a sẽ cho ta thấy điều khác hẳn. Ta đã được biết về người vợ tương lai của Tô-bi-a và những khó khăn cô đang gặp phải. Không ai không biết cô đã kết hôn bẩy lần và tên quỉ tồi tệ nhất trong hàng ngũ quỉ là tên Asmodeus đã lần lượt giết hết bẩy người chồng của cô trước khi họ có thể ăn nằm với cô theo nghĩa vợ chồng (Tb 3:8). (Bản Vulgate dịch rằng họ bị giết khi đang “đi vào trong nàng”: mox ut ingressi fuissent ad eam)

Thực ra chưa có lời giải thích thỏa đáng nào về việc điều gì đã xẩy đến cho Sa-ra và bẩy người chồng của cô. Theo lối giải thích phỏng đoán của chúng tôi đó có thể là vì Sa-ra không có khả năng hoàn hợp cuộc hôn nhân của cô. Tâm lý học hiện đại gọi đó là lối đáp ứng quá lo âu đối với việc giao hợp tính dục. Dù sao, thực tế đã rõ là cô rất buồn khổ vì sự thất bại của mình, buồn khổ đến độ toan bề tự vận. Sách Tôbia thuật lại như sau:

Vậy ngày hôm ấy, lòng cô Sa-ra ưu phiền và cô kêu khóc. Rồi lên lầu trên ở nhà cha cô, cô định thắt cổ tự tử. Nhưng nghĩ lại, cô tự nhủ: sẽ không bao giờ người ta nhục mạ được cha tôi và nói với người: ông chỉ có một cô con gái yêu quí, thế mà vì bạc phận, cô đã thắt cổ tự tử! Như vậy tôi sẽ làm cho tuổi già của cha tôi phải buồn phiền đi xuống âm phủ. Nên tốt hơn là tôi đừng thắt cổ tự tử, mà phải cầu xin Chúa cho tôi chết đi, để đời tôi không còn phải nghe những lời nhục mạ nữa. (Tb 3: 10).

Từ ngữ nhục mạ có thể ám chỉ việc cô thiếu khả năng giao hợp tính dục. Thế nhưng Tô-bi-a lại yêu cô, và dù đã nghe biết những tai họa giáng xuống các người chồng trước của cô, vẫn quyết định xin cưới cô làm vợ. Ðêm tân hôn, Tô-bi-a và Sa-ra cùng cầu nguyện với nhau trước khi hoàn hợp cuộc hôn nhân của mình và lời cầu nguyện của họ đã trở thành lời kinh tân hôn cổ điển. Họ cầu nguyện như thế này:

Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con. Xin chúc trụng Chúa, xin chúc tụng Thánh Danh đến muôn thuở muôn đời! Các tầng trời và công trình của Chúa phải chúc tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời! Chính Chúa đã dựng nên ông A-đam, dựng nên cho ông một người trợ thủ và nâng đỡ là bà Evà, vợ ông. Và loài người đã sinh ra từ hai ông bà. Chính Chúa đã nói: Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ thủ giống như nó. Giờ đây không phải vì lòng dục, mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già (Tb 8:5-7).

Ðó là điều thực sự đã xẩy ra. Còn sau đây chúng tôi xin đưa ra một giả thuyết nhằm giải thích rằng chính thái độ nhã nhặn và đầy âu yếm của Tô-bi-a đã khắc phục được các khó khăn của Sa-ra giúp nàng hoàn hợp được cuộc hôn nhân của mình.

Dầu vậy điều quan trọng là phải tìm hiểu thêm lời tuyên bố của Tô-bi-a cho rằng chàng không cưới Sa-ra vì lý do sắc dục. Trong bối cảnh trắng đen của hợp pháp tính, việc giao hợp đương nhiên là được phép sau khi đã cưới nhau. Và Tô-bi-a đã ân ái với Sa-ra nhiều lần. Ðiều Tô-bi-a muốn làm sáng tỏ ở đây là chàng quan tâm đến vợ trước các khóai cảm tính dục của mình. Ðộng lực của chàng phát xuất từ trái tim, và trái tim tất nhiên liên hệ mật thiết đến tình yêu.

Tình yêu trong giao hợp không những đòi hai vợ chồng phải sẵn sàng làm tình khi được người bạn đời yêu cầu, nó còn có ý nghĩa hơn thế nữa. Nghĩa là, người khởi xướng lời yêu cầu ấy phải bảo đảm là mình sẽ không đòi hỏi nếu người bạn đời chưa sẵn sàng. Sự hy sinh ấy là một thành phần trong tình yêu vợ chồng, và do đó, vợ chồng nào biết quan tâm đến nhau đều phải luôn ý thức về sự sẵn sàng của nhau. Nhiều người chỉ trích các phương pháp tiết dục định kỳ (chỉ làm tình trong những thời kỳ không thể thụ thai) như là quá đòi hỏi hy sinh nơi cặp vợ chồng. Nhưng thực ra, hy sinh hiện diện khắp cùng trong cuộc sống vợ chồng khi một người muốn làm tình nhưng người kia chưa sẵn sàng.

Một khi hai người cùng thỏa thuận giao hợp, thì người khởi xướng phải đảm bảo là người bạn đời của mình được chuẩn bị một cách thích đáng để đáp ứng, là cực khóai phải được cả hai cùng đạt tới và sự trao đổi được thăng hoa thành trao đổi săn sóc và yêu đương, một trao đổi phải tiếp diễn sau khi đã đạt cực khoái, đặc biệt khi cực khoái ấy chỉ xẩy ra một chiều. Bởi thế, lý do sắc dục mà Tô-bi-a nhắc đến có nghĩa là chỉ biết quan tâm đến khoái cảm một chiều, cho riêng mình, mà quên trìu mến quan tâm đến người bạn đời của mình. Tính dục trong những năm đầu tiên phải là một phương thế mạnh mẽ nhằm chuyên chở khóai cảm, niềm vui và quan tâm kính trọng nhau.

Nhưng tính dục chỉ là một phần cuộc sống của hai người mới cưới nhau. Họ cần có đủ thì giờ để hiểu nhau, để chia sẻ và tạo dựng cuộc sống chung. Người đàn ông rất thường khi cưới vợ nhưng vẫn tiếp tục sống cái cuộc sống như hồi còn độc thân, dành thì giờ cho đủ thứ công việc cũng như bạn bè hơn là cho vợ. Ngược lại cũng có những bà vợ chuyên tiêu phí thì giờ với thân nhân hơn là với chồng.

Cựu Ước nhấn mạnh đến nhu cầu vợ chồng phải dành thì giờ cho nhau:

Một thanh niên mới cưới vợ sẽ khỏi phải nhập ngũ, và người ta sẽ không bắt anh ta sung vào bất cứ nghĩa vụ nào, anh ta sẽ được miễn dịch một năm để ở nhà mà mua vui cho vợ mới cưới (Ðnl 24:5).

Ngày nay, không quân đội nào dễ dãi như thế. Nhưng nhu cầu phải có giờ để tạo nên nếp sống mới chung với nhau là điều tối quan hệ.

2.THÁNH VỊNH

Cũng như mọi người khác, Tô-bi-a đã hướng về Chúa để tìm ra căn bản vững bền cho tình yêu của mình. Chúa là tình yêu và từ tình yêu này nẩy sinh ra tình yêu vợ chồng. Những năm đầu của hôn nhân phải được dùng làm chứng tá cho tình yêu ấy, và Thánh vịnh 103 đã diễn tả điều này cách thâm thúy. Ðáp ca xin thưa: Hồn tôi hỡi, chúc tụng Chúa đi!

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

Toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

Chớ khá quên mọi ân huệ của người...

Chúa là đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giầu tình thương,

Chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,

Không trả báo ta xứng với lỗi lầm....

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong,

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại,

Dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.

Người xử công minh cả với đời con cháu,

Cả những ai giữ giao ước của Người,

Và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban
. (Tv 103: 1-2, 8-10, 15-18)

3.THÁNH THƯ

Hai vợ chồng khơi màn cuộc sống hôn nhân của họ bằng cam kết yêu nhau cả thể xác lẫn tâm hồn. Thánh Phaolô có những lời khôn ngoan cả về hai phương diện ấy. Thánh nhân chuộng đời sống độc thân, điều ấy đã hiển nhiên. Nhưng Ngài rất thực tế về tính dục. Tính dục ấy nếu không được biểu lộ trong tuơng quan yêu thương thì nó sẽ tìm ngõ khác, mà Thánh nhân thì không bao giờ muốn khích lệ dâm đãng. Do đó, liên hệ yêu đương trong hôn nhân là chuyện thích đáng, và trong mối liên hệ ấy, tính dục đóng một vai trò quan trọng. Nhiều người cho rằng dù có quan điểm tích cực như thế, Thánh Phalô thực ra nhìn nhận bậc vợ chồng một cách khá miễn cưỡng. Tuy nhiên sự miễn cưỡng này phải được nhìn theo cái hậu cảnh trong đó Thánh nhân đang mong chờ việc Chúa đến lần thứ hai. Ngày ấy chẳng còn bao xa nữa, nên Ngài muốn ai ai cũng phải sẵn sàng. Thành thử ra, mặc dù Ngài không phản đối hôn nhân hoặc tính dục, nhưng vì Ngài có cái viễn tượng lớn hơn, nên Ngài không muốn khích lệ bất cứ điều gì có thể làm mất chú tâm vào những đối tượng đời đời. Tuy nhiên, ở bên trong những giới hạn ấy, thì Ngài tỏ ra tích cực cả trong vấn đề hôn nhân lẫn vấn đề tính dục.

Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô trả lời các câu hỏi của họ liên quan đến tính dục và hôn nhân (1Cor 7:1-7). Nên nhớ rằng thánh Phaolô coi việc sống độc thân như một ơn phúc và bậc vợ chồng cũng vậy; Ngài không coi trọng cái nào hơn cái nào.

Nhưng sau cùng, Thánh Phaolô vượt lên trên những vấn đề thực tế ấy để dẫn ta vào cái nhìn sâu sắc về hôn nhân. Chúa đã tự mặc khải đầy đủ nơi Chúa Giêsu Kitô. Ðến lượt mình, Chúa Kitô đã trở thành đầu của Giáo hội, là Nàng dâu của Người. Cũng như Chúa Kitô đã liên hệ mật thiết với Giáo hội thể nào, thì vợ chồng cũng liên hệ thân thiết với nhau như thế. Việc hiển linh của Thiên Chúa trong Chúa Kitô ấy sẽ tiếp diễn qua sự hiện diện của Chúa Kitô trong hai vợ chồng. Như thế, đối với Thánh Phaolô, giữa việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra đầy đủ nơi Chúa Kitô, với việc Chúa Kitô kết hiệp hoàn toàn với Giáo hội và hôn nhân như một giáo hội nhỏ trong đó Chúa Kitô chủ trì mối liên hệ vợ chồng, có một sợi dây nối kết rõ ràng, vì trong tất cả những mối liên hệ ấy ta đều thấy bóng dáng yêu thương. Tất cả những điều này sẽ được tìm thấy trong cái nhìn sâu sắc của Thánh Phaolô qua Thư gửi Tín hữu Êphêsô 5:21-32 đã được trích trong Chương Một. Một lối giải thích về đoạn văn thời danh này là: như Chúa Kitô và Giáo hội đã kết hiệp nên một với nhau về phương diện thể lý trong tương quan đầu mình và thân thể như thế nào, vợ chồng cũng kết hiệp nên một với nhau về phương diện thể lý như thế chủ yếu qua giao hợp tính dục. Nhưng liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo hội, dù có tính thể lý (bodily), còn đi xa hơn thế. Vì trọn vẹn hữu thể thần linh đã được liên kết không thể tháo gỡ với Giáo hội, nên hai vợ chồng cũng phải kết hợp với nhau một cách thâm thiết không những chỉ về phương diện thể lý mà thôi, mà còn cả về phương diện xã hội, tình cảm và tri thức nữa. Tuy nhiên, thể lý là hạ tầng cơ sở cho tất cả các chiều kích kia. Các hành vi xã hội cần có xác thân mới thực hiện được, các trao đổi xúc cảm và tri thức cũng thế.

4.PHÚC ÂM

Biến cố Phúc âm thích hợp nhất chính là sự hiện diện của Chúa Kitô trong tiệc cưới Cana, là dịp để Ngài làm phép lạ đầu tiên.

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Chúa Giêsu. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Chúa Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi! Chúa Giêsu đáp: Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.

Ở đó, có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Chúa Giêsu bảo họ: Các anh đổ đầy nước vào chum đi. Và họ đổ đầy đến miệng. Rồi Người nói với họ: Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc. Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân múc nuớc thì đã biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ. Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê
(Ga 2:1-11).

(Còn tiếp)