CHƯƠNG HAI MƯƠI: TÌNH YÊU (chương sau cùng)

Trong các xã hội Tây phương, khi hai người lấy nhau, họ thường chỉ lấy nhau vì yêu nhau mà thôi. Hơn thế nữa, họ còn hy vọng họ sẽ tiếp tục yêu nhau suốt đời. Cảm nghiệm của họ về nhau thật êm ái và họ muốn điều ấy cứ thế tiếp tục. Mặc dù nhìn lên cha mẹ hoặc những cuộc kết hôn của thân nhân và bằng hữu, họ thấy hôn nhân không hẳn là một vườn hồng. Nhưng đa số vẫn tin rằng cuộc hôn nhân của riêng họ sẽ thành công và tình yêu của họ sẽ tiếp tục trổ bông trong cuộc đời họ. Tuy thế, tỷ lệ từ hai mươi lăm đến ba mươi phần trăm các cuộc hôn nhân tan vỡ là một nhắc nhở đáng buồn cho họ thấy rằng tình yêu không hẳn bền vững mãi, và do đó bản chất của yêu thương trong hôn nhân hiện đại là một hiện tượng chủ yếu cần được thấu hiểu.

Tình yêu trong hôn nhân hiện đại vẫn có những hoài mong có tính cách cổ truyền như nâng đỡ nhau về mặt vật chất lẫn mặt xã hội. Về phương diện vật chất, nhiệm vụ duy trì gia đình về phương diện kinh tế vẫn chủ yếu là nhiệm vụ của người chồng, nhưng càng ngày người vợ càng chia sẻ với chồng trong nhiệm vụ này. Trong các xã hội ít có nạn thất nghiệp, phần lớn phụ nữ đi làm việc trước khi có con và đi làm trở lại sau khi các con đã lớn khôn. Trong một số trường hợp, vì cả hai vợ chồng cùng có nghề nghiệp quan trọng như nhau, nên vấn đề chia sẻ trách nhiệm trông coi việc nhà lại càng cần được đặt ra. Tuy nhiên, phần lớn các ông chồng không phản đối vấn đề này. Lợi tức do người vợ kiếm được nhiều khi là điều cần thiết để tránh cảnh thiếu thốn, nhưng phần lớn nó giúp gia đình sống sung túc hơn. Nhưng trong khi các phụ nữ đi làm càng ngày càng đông như thế, thì xã hội lại không chịu điều chỉnh các sắp xếp của mình giúp họ dễ dàng trong công việc làm của họ, tỷ dụ như thay đổi giờ làm việc để người chồng làm buổi sáng, người vợ làm buổi chiều. Vì thiếu những điều chỉnh cần thiết như thế, nên các bà vợ vừa phải đi làm vừa phải trông coi việc gia đình và chăm sóc con cái. Một thời khóa biểu như thế chắc chắn sẽ gây ra nhiều mệt mỏi và chán nản tuyệt vọng. Một số ông chồng sẵn sàng giúp vợ nhẹ gánh phần nào, nhưng xã hội như một toàn thể phải làm sao cho có sự quân bình trách nhiệm trong tương quan giữa gia đình, việc làm và con cái. Phần hai vợ chồng, lúc nào cũng phải ráng tạo ra bầu khí yêu thương để nâng đỡ nhau khi cả hai cùng đi làm.

Nói về cuộc sống xã hội của hai vợ chồng, ta thấy vai trò lệ thuộc của người vợ càng ngày càng bớt đi. Việc vâng lời chồng không còn được coi là một đòi hỏi xã hội nữa. Hai vợ chồng cùng thích ứng các nhu cầu xã hội của nhau và bảo đảm cả hai đều hài lòng. Các sinh hoạt xã hội như thăm viếng, chiêu đãi ăn uống đôi khi trùng hợp nhau, nhưng cũng có khi hai vợ chồng có những sở thích khác nhau nên đã có những sinh hoạt riêng. Thế giới của người vợ không còn chỉ quanh quẩn trong gia đình và tùy thuộc ý muốn của chồng nữa. Nàng có khả năng trở thành một con người độc lập trong cuộc sống xã hội và nàng thi hành sự tự do ấy rất thường xuyên.

Nhưng ở các xã hội Tây Phương, chính trong thế giới cảm quan và xúc cảm, tình yêu tự bộc lộ cách mới mẻ hơn cả. Vì khi thoát ra khỏi những truyền thống và những đòi hỏi của đại gia đình, của cộng đòan và của xã hội nói chung, hai vợ chồng cảm thấy nhu cầu mạnh mẽ phải yêu thương nhau và phát biểu cái tình yêu bản vị ấy cho nhau. Tấm tình yêu này lập lại kiểu mẫu tình yêu họ từng cảm nhận thời thơ ấu. Ðứa trẻ lớn lên học biết ý nghĩa yêu thương khi được bế bồng, vỗ về, mơn trớn trong đó cái phần thể lý rất mạnh. Dần dà, nó nhận ra ý nghĩa của việc cảm thấy được nhìn nhận, được ước muốn và được đánh giá, ý nghĩa của việc được yêu thương vì chính bản thân nó. Những nguyên tố đầu tiên của tình yêu được nhận chìm trong bể yêu thương vô điều kiện. Những năm đầu đời, đứa trẻ được yêu mà không cần phải đã làm được gì, có những thành tích gì. Các nguyên tố của yêu thương trong giai đoạn này là tiếp xúc thể xác và khẳng nhận cảm quan. Ðứa trẻ thấy mình được quan tâm chỉ vì mình có đó, có mặt ở đó, hiện hữu. Giữa cha mẹ và đứa trẻ có một sự tin cậy lẫn nhau rằng nó được yêu vì nó từ họ mà ra. Chỉ mãi sau này, tình yêu mới dần dần tùy thuộc điều kiện nó phải ngoan và có thành tích.

Tình yêu thu lượm được trong mối liên hệ thân mật đầu tiên giữa đứa trẻ và cha mẹ ấy sẽ được sống lại trong tình thân mật của hôn nhân. Hai vợ chồng, và nhất là người vợ, sẽ tìm về với sự trìu mến êm ái của việc nhận ra thể xác và xúc cảm của nhau. Ðiều ấy được thể hiện qua việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau lớn mạnh, và qua muôn vàn cách thế những điều trên được cảm nghiệm. Việc hôn nhân tan vỡ hầu như bao giờ cũng cho ta thấy sự kiện này là vì nó thiếu mất cái mức tối thiểu của thứ tình yêu bản thân kia. Thay vì tin tưởng nhau, họ hoài nghi nhau. Thay vì chấp nhận nhau, họ từ khước nhau. Thay vì khẳng nhận nhau, họ không ngừng chỉ trích nhau và loại trừ nhau. Thay vì cam kết và khích lệ nhau, họ lại giận hờn và dửng dưng đối với nhau. Trong quá khứ, vì vai trò của vợ chồng là trợ giúp về vật chất, săn sóc nhà cửa và con cái, nên người ta vẫn mong chờ họ tiếp tục sống với nhau dù bị tù túng về phương diện tình cảm. Ngày nay, điều ấy không còn được chấp nhận nữa. Vợ chồng thời nay tìm kiếm yêu thương qua thỏa mãn bản thân, và tỷ lệ tan vỡ lớn lao cho thấy giữa các hoài mong và việc huấn luyện cũng như trợ giúp để thực hiện các hoài mong ấy có cả một ngắt quãng thật lớn.

SI TÌNH

Trong hôn nhân hiện đại, tình yêu có hai giai đoạn. Giai đoạn nhất là si tình, giai đoạn hai mới là yêu thương. Si tình là giai đoạn được cảm nghiệm như một biến cố mạnh mẽ thuộc cảm xúc (emotional). Thể xác giữ phần chủ động, đem lại cho ta sự lôi cuốn về thể xác và việc tìm về với lối chăm sóc của mẹ cha. Có một cảm thức hoà hợp đầy thân mật giữa các xác thân, rồi dần dà mới đụng đến tâm tư tình cảm. Sự hòa hợp này được lý tưởng hóa. Dưới mắt người yêu, người được yêu có mọi đức tính độc đáo. Chàng hay nàng đâu phải chỉ lôi cuốn mà thôi, họ còn tuyệt trần ngây ngất nữa, đâu phải chỉ tốt bụng mà còn là hiện thân của lòng tốt nữa. Sự hiện diện của họ làm ta hân hoan thèm muốn. Họ muốn được gần nhau và không ngừng ở bên cạnh nhau. Những cuộc cãi vã nếu có sẽ được mau chóng hàn gắn và thiện ý lúc nào cũng trổi vượt. Các khuyết điểm được thu nhỏ lại, còn các ưu điểm được phóng lớn lên. Khuynh hướng chung là tối thiểu hóa các bất đồng và tối đa hóa các hòa điệu. Cả hai tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng những gì lầm lỗi bây giờ sẽ được sửa chữa đúng lúc. Nói cách khác, cảm thức hòa hợp và vui sướng luôn luôn thắng thế. Cái tình yêu lãng mạn này là cái đang điều khiển diễn trình si tình kia. Có người hoài nghi cho rằng đó không phải là căn bản để ta xây dựng một liên hệ vĩnh viễn và rằng sự hiện diện của một cảm thức mạnh mẽ như thế sẽ xóa nhòa cả lương tri lẫn sự khôn ngoan. Thiết nghĩ lời bình luận này có đúng một phần, nhất là khi thời gian hẹn hò quá ngắn. Nhưng thực ra, tình yêu lãng mạn đã trở thành phương thức thông thường nhất để xây dựng các mối liên hệ thân mật dẫn tới hôn nhân, và điểm mạnh của phương thức này nằm ở chỗ hôn nhân được đặt căn bản trên sự hỗ tương tin cậy nhau, chấp nhận nhau và sẵn sàng cho nhau. Và đặc tính này sẽ trở thành hậu cảnh cho giai đoạn yêu thương sau này.

YÊU THƯƠNG

Sau khi cưới, si tình biến dạng thành yêu thương. Những tiếp xúc hàng ngày với nhau cho họ thấy thực tế chứ không còn lý tưởng hóa nữa. Thời gian dành cho nhau mỗi ngày một ít ỏi hơn nhất là khi đã có con. Thất vọng, tổn thương và giới hạn kéo hai vợ chồng lại cỡ người chân thực của mình. Dần dần cái hào quang ngây ngất giảm đi và nỗi hân hoan háo hức của thời gian si tình cũng mất dần. Hành vi yêu thương thay thế cho ngất ngây và lãng mạn. Trong hành vi yêu thương này, vợ chồng coi nhau như nhân vật quan trọng nhất trong đời, nhưng những người khác như cha mẹ, thân bằng quyến thuộc cũng lấy lại được tầm quan trọng của họ.

Giờ đây người ta không còn cảm nghiệm tình yêu như một bầu không khí nữa nhưng như một cam kết ngày ngày phải nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và giúp nhau lớn mạnh. Ðiều này bao hàm việc đối thoại tương cảm, nhìn nhận những thay đổi nơi nhau, nhẫn nại trong những lúc sa lầy, bùn đọng, hoặc trong những lúc người kia cần có thì giờ để đuổi kịp mình. Có nghĩa là cần phải không ngừng làm mới lại sự sẵn sàng đối với nhau, chống lại cái khuynh hướng muốn rút lui và muốn chỉ có mình. Tranh chấp, lời qua tiếng lại và đau khổ là những cái không thể tránh được nhưng tha thứ, chuộc lỗi và làm hòa đã trở thành những yếu tố nội tại của hành vi yêu thương. Và lúc nào vợ chồng cũng tìm cách hiểu nhau và đáp ứng với nhau bằng cái tài khéo léo và quán thông của một người mẹ hoặc một người cha. Họ cảm thấy thực sự được yêu thương khi các nhu cầu của thế giới bên trong được người kia thấu hiểu và thực tế được dự ứng trước mà không cần phải nhiều lời giải thích cũng như cố gắng. Họ thực sự thấy buồn và thất vọng khi họ thấy họ chẳng có nghĩa lý gì đối với người bạn đời của mình hoặc người bạn đời chẳng có nghĩa lý gì đối với chính họ, vì yêu thương là làm cho sự cách phân tan hòa vào sự nên một.

Việc tan hòa này dĩ nhiên được thực hiện bằng nhiều cách nhưng mạnh mẽ hơn cả là qua giao hợp tính dục. Ở đó, thân xác, tâm tư và xúc cảm trở nên một trong một cảm nghiệm trong đó sự nên một và toàn diện tính dẫn họ đến ngất ngây. Xác thân trở thành môi trường cho sự hiệp nhất toàn diện hệt như sự nên một không còn biên giới về phương diện thể lý giữa người mẹ và đứa con.

Sự yêu thương giữa vợ chồng như thế, một yêu thương nhằm nâng đỡ, chữa lành và giúp nhau lớn mạnh trong một môi trường liên tục, đáng tin cậy và dự đóan được, sẽ đem lại một bầu không khí yêu thương cho con cái phát triển, và thực sự đó là căn bản chắc chắn duy nhất cho sự lớn mạnh của chúng. Ðược như thế, gia đình quả là đơn vị căn bản của xã hội nơi người ta học biết yêu thương.

Trong diễn trình yêu thương ấy, vài việc sau đây sẽ xẩy đến với các thành viên của gia đình. Mỗi thành viên của gia đình sẽ dần dần tự dị biệt hóa. Ðứa con sẽ lớn lên về thể xác, tâm trí và xúc cảm để dần dần tách rời khỏi mẹ cha. Vợ chồng tiếp tục phát triển thể xác, tâm trí và xúc cảm của mình. Mỗi ngày họ càng học biết về mình nhiều hơn và hội nhập được một cách tiệm tiến các phần khác nhau trong nhân cách mình. Họ học cách trở thành chồng/vợ, mẹ/cha. Họ mở rộng tầm ý nghĩa và quan trọng của mình khi trở nên tự tin về các tài nguyên và tài năng của mình. Họ hội nhập ý chí với các cảm quan của mình và lập cầu giao lưu giữa cõi ý thức và cõi vô thức. Tất cả các điều trên cho phép họ có được một cảm thức sắc bén về chính mình đến độ dù tùy thuộc người kia nhưng họ không sống tùy thuộc sự cho phép tốt bụng của người ấy. Diễn trình dị biệt hóa đưa nhân cách đến chỗ chín mùi, trở thành một thực thể duy nhất và khác biệt, mà theo truyền thống Kitô giáo vốn có số phận đời đời. Không có chuyện tái sinh trong một con người khác. Ta chỉ có một cuộc đời và một nhân cách để phát triển đầy đủ, và nhiên liệu để chúng lớn mạnh chính là tình yêu, chủ yếu nhận từ cha mẹ và vợ chồng.

Sự dị biệt hóa trên đi kèm với việc tự chiếm hữu bản thân một cách khẳng nhận và tiệm tiếm. Người đàn ông và người đàn bà nào khi ra khỏi tuổi thơ cũng mang theo mình một mức độ nào đó trong cảm thức mình chiếm hữu được mình và thấy mình thoải mái về từng phần trong bản thân mình. Diễn trình tự chiếm hữu và tự khẳng định ấy sẽ được hoàn tất với sự giúp đỡ của vợ hoặc chồng vì tình yêu của họ sẽ vén mở và xác nhận các phong phú đang khai mở nơi nhau. Tất nhiên, vợ chồng không phải là những người duy nhất làm được điều đó. Con cái, thân bằng quyến thuộc cũng có góp phần; tuy nhiên, vợ chồng phải đóng vai trò chủ yếu.

Cái bản ngã khẳng định, đã được dị biệt hóa nơi người phối ngẫu kia, sẽ sống trong sự cân bằng giữa phân cách và nên một. Người phối ngẫu ấy sẽ khai triển các đặc điểm riêng của mình và dung hợp với người bạn đời theo từng mức độ để cuối cùng tan hòa vào một hợp nhất toàn diện trong giao hợp. Sự tan hoà này được phản ảnh trong ý thức hỗ tương ngày càng lớn mạnh về thế giới bên trong của nhau. Vợ chồng biết rõ các thói quen, các cách nhìn, các ý kiến, các giá trị, các ưu tiên, và các giới hạn của nhau. Có sự tương hợp trong cảm quan và hành động.

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Tình yêu vợ chồng phản ảnh tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội và tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Ba Ngôi Vị tách biệt (distinct) và khác nhau, nhưng cùng một bản tính. Chính tình yêu hợp nhất các Ngài, một tình yêu giữa những ngôi vị tuyệt đối bằng nhau trong liên hệ với nhau. Như thế, chìa khóa để hiểu Chúa Ba Ngôi là các Ngôi Vị trong liên hệ yêu thương. Mỗi Ngôi Vị đều hoàn toàn dị biệt hóa đối với Ngôi Vị kia và chiếm hữu mình một cách đầy đủ và khẳng định. Cũng giống như thế, tình yêu vợ chồng là một trong những liên hệ bổ túc, trong đó, vợ chồng dần dần được dị biệt hóa và đạt tới việc chiếm hữu mình một cách khẳng định. Họ trở nên hoàn toàn sẵn sàng cho nhau và nhờ thế có thể hiến thân trọn vẹn cho người khác, cho con cái và sau cùng cho toàn thế giới. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai đã dị biệt hóa trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã tự chiếm hữu mình trọn vẹn và khẳng nhận và do đó đã có thể hiến thân trọn vẹn cho toàn thể thế giới cho đến tận thế.

Các thành viên trong Ba Ngôi không lấy nhau nhưng liên hệ với nhau trong yêu thương. Học thuyết của Thầy Chí Thánh cho ta thấy hôn nhân chỉ có ở đời này; nó không có ở đời sau. Ðặc điểm của đời sau là liên hệ yêu thương, nhưng hôn nhân chính là phương thế thông thường nhất để chuẩn bị những người đàn ông và những người đàn bà hướng tới cái liên hệ yêu thương ấy. Nước Trời quả đã khởi sự ngay ở đời này.

GIA ÐÌNH VÀ TÌNH YÊU

Bản tóm lược trên đây về tình yêu cho ta thấy một cách rõ ràng rằng trong hôn nhân, và đặc biệt trong Bí tích Hôn phối, Thiên Chúa đã đặt trong tay ta một trong những phương thế chính để phát triển các mối liên hệ yêu thương để chuẩn bị ta hướng về cõi đời đời. Gia đình chính là chiếc nôi của tình yêu, do đó không có bí tích nào, sau Phép Rửa và Phép Thánh Thể, quan trọng hơn bí tích hôn phối. Gia đình là giáo hội tại gia mục đích tạo ra các điều kiện để các phần tử vươn tới những tiềm năng đầy đủ nhất của tình yêu, một tình yêu phản ảnh và tham dự vào tình yêu của Chúa Ba Ngôi; sự chia sẻ này chính là số phận sau cùng của ta.