Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu

CHƯƠNG MƯỜI LĂM: NGĂN NGỪA HÔN NHÂN TAN VỠ

Quan điểm truyền thống vẫn cho rằng để có thể ngăn ngừa hôn nhân tan vỡ, cần phải có những luật lệ khắt khe chống ly dị, đi đôi với các giáo huấn luân lý và những giá trị xã hội có tác dụng lên án các cuộc tan vỡ hôn nhân, các cuộc ly dị và tái kết hôn. Trong những hoàn cảnh như thế, những hoàn cảnh từng đã có nhiều trong các xã hội Tây Phương mãi cho đến những năm gần đây, ly dị và tái kết hôn đều không được cả xã hội lẫn tôn giáo chấp nhận. Như thế, không dễ gì những người đàn ông và những người đàn bà có thể chia tay nhau khi phải đứng trước những sức chống đối phối hợp kia. Ðiều ấy không có nghĩa là cuộc hôn nhân nào cũng triển nở tốt đẹp hoặc tương hợp. Thực vậy, phe chỉ trích tính cách bất khả tiêu thường cho rằng nó đã giam hãm những cặp vợ chồng mà liên hệ đã chết từ lâu hoặc đã chia tay hoặc tuy còn sống dưới một mái nhà nhưng chẳng còn chút gắn bó về xúc cảm và tính dục. Cái khuynh hướng tiến tới ly dị dễ dàng hơn chính là một cố gắng để giải thoát những con người như thế khỏi xích xiềng của những hoàn cảnh tuyệt vọng. Việc giải phóng những người đàn ông và đàn bà giúp họ cơ hội thứ hai chính là động lực đứng đàng sau phong trào nới lỏng ly dị. Trong giai đoạn này, chủ yếu trong hai thập niên 1950 và 1960, ly dị được quan niệm như một cái gì tích cực và sáng tạo, và việc chống đối của Kitô giáo đối với nó được coi như giáo điều, có tính thù nghịch đối với cái chân thực nhân bản.

Dần dần, cùng với đà gia tăng của ly dị, người ta mới thấy rằng hậu quả của nó không hẳn là không có những hệ lụy sâu sắc và đôi khi kéo dài cũng như gây ra nhiều khó khăn. Như Chương trước đã chứng tỏ, ly dị có những hậu quả tai hại trong ngắn hạn và có thể cả dài hạn nữa; nó cũng gây nhiều thiệt hại cả tư riêng lẫn công cộng. Một bức tranh đang bắt đầu tỏ hiện cho ta thấy chính tính cách bất khả tiêu mới phản ánh chính xác nhất các hoài vọng và toàn vẹn tính của con người, còn ly dị chỉ là một biểu thức lệch lạc. Kitô giáo có trách vụ phải làm cho xã hội tin rằng việc chống đối ly dị của mình không phải là vấn đề giáo điều mà là một cần thiết nhân bản. Nhưng để làm được chuyện đó, Kitô giáo phải cho họ thấy rằng mình không giữ các cặp vợ chồng kẹt cứng lại với nhau chỉ vì những nhu cầu xã hội và kinh tế; trái lại, việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau, cùng nhau tăng trưởng cũng như những thoả mãn nhau về xúc cảm và tính dục là điều có thể tương hợp với sự bền vững trong hôn nhân. Muốn thế, cần phải có một lối quan niệm mới về hôn nhân cùng với việc huấn luyện, nâng đỡ và giáo dục cần thiết để người ta nắm được lối quan niệm mới này nhằm ngăn ngừa các tan vỡ hôn nhân.

VẤN ÐỀ Ý THỨC HỆ

Loại hôn nhân nào cần được duy trì? Câu trả lời của Kitô giáo là: cuộc hôn nhân nào cũng cần được duy trì. Nhưng câu hỏi kế tiếp mới quan yếu, tức là, khi nào một cuộc hôn nhân mới là một cuộc hôn nhân đúng nghĩa? Muốn trả lời câu hỏi này cách thỏa đáng, thì phải chấp nhận rằng điều tạo nên hôn nhân hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Vì một đàng, có những cuộc hôn nhân trong đó người ta coi trọng những điều ở bên ngoài như tính cách bền vững, con cái và lòng chung thủy, tức những điều tốt mà Thánh Augustinô đã khuôn định cho hôn nhân. Nhưng mặt khác, lại đang xuất hiện một kiểu hôn nhân trong đó thế giới bên trong của hai vợ chồng mới là điều quan trọng. Trong suốt cuốn sách này, chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng cái lý tưởng hiện nay là phải di chuyển từ thực tại bên ngoài vào thực tại bên trong, được biểu thị qua việc thực hiện các tiềm năng cảm giới, xúc cảm, và tính dục trong một liên hệ bình đẳng về giá trị. Mức độ thực hiện có khác nhau tùy theo từng cặp vợ chồng, nhưng chắc một điều việc chối bỏ các khát vọng này cuối cùng sẽ buộc người ta phải kết thúc cuộc hôn nhân của họ. Những khát vọng này có liên hệ mật thiết với việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau tăng trưởng, thẩy đều là những giá trị Kitô giáo sâu xa. Như thế, cái khuôn mẫu hôn nhân đang xuất hiện kia không hề phản lại Kitô giáo chút nào, trái lại nó giúp hai vợ chồng cơ hội thực hiện được cái tầng sâu hơn của con người họ, cái tầng sâu hơn của tình yêu vốn phản ánh tình yêu Thiên Chúa.

Như thế cần phải bảo vệ cái sinh lực nội tại (internal dynamism) là cái sinh lực đầu cùng nắm vận mệnh của hôn nhân. Ðiều ấy không có nghĩa là các yếu tố xã hội không đóng một vai trò nào cả. Xin đơn cử một thí dụ: vợ chồng chỉ có thể chú tâm đến các đòi hỏi sâu xa hơn của con người mình khi họ được no đủ về kinh tế. Cũng như phải có sự bình đẳng về giá trị giữa các giới tính thì cái mẫu hôn nhân đang xuất hiện kia mới thành công được. Do đó, phải dẹp bỏ các xáo trộn kinh tế, xã hội và chính trị thì hôn nhân mới được ổn định đủ để thực hiện được các hoài mong mới của mình. Từ nay trở di, sẽ có sự tương hành tế vi giữa ổn định xã hội, no đủ kinh tế và mẫu hôn nhân mới này. Nói chung đấy là những điều kiện trong ba mươi năm qua, là thời kỳ có những thay đổi lớn trong ý thức hệ về gia đình.

Chính kiểu mẫu hôn nhân nhằm tới việc thực hiện cách sâu sắc hơn chính bản thân con người này mới là kiểu hôn nhân cần được bảo vệ, vì chỉ có nó mới nhấn mạnh đến mối tương quan yêu thương đầy tính bản vị. Nơi nào tình yêu có cơ hội chân thực để tăng trưởng, nơi đó Kitô giáo có quan tâm sâu sắc, vì Thiên Chúa là tình yêu ( 1Jn 4:8), và việc bảo tồn những cuộc hôn nhân này không phải là việc thông đồng với một huyền thoại trừu tượng nhưng là đi theo kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch không ngừng được tỏ hiện cho con người.

NHỮNG PHÁT HIỆN CỦA KHẢO CỨU

Các kết quả khảo cứu trong năm mươi năm qua đều hướng vào việc xác định ra các yếu tố tác hại đối với hình thức hôn nhân đồng hành, là hình thức hôn nhân đang xuất hiện. Nói cách khác, trong quá khứ, các yếu tố tác hại đối với hôn nhân cổ truyền là bất ổn kinh tế, thiếu lãnh đạo nơi người chồng, kém tề gia nội trợ nơi người vợ và bất trung nơi cả hai. Trái lại các nghiên cứu hiện nay cho rằng các yếu tố xã hội và tâm lý mới là các yếu tố làm què quặt sự tương hành của các sinh lực bên trong. Các yếu tố này đã được nhắc đến rồi, nhưng được lặp lại ở đây cùng với những phương thức ngăn ngừa.

YẾU TỐ XÃ HỘI

1.Tuổi: Các nghiên cứu trên đều nhất trí rằng các cuộc hôn nhân dưới 20 tuổi rất bất ổn. Ðối với các cuộc hôn nhân cổ truyền, lấy nhau lúc nào là điều chẳng quan trọng gì. Tuổi đâu có trở ngại chi đối với khả năng làm việc, sinh nở và phục vụ nhau về phương diện thể lý. Nhưng tuổi rất quan hệ đối với cuộc hội ngộ giữa các nhân cách, là những chủ thể đi tìm sự hiểu biết lẫn nhau trên bình diện xúc cảm. Vợ chồng càng trẻ thì càng mơ hồ về bản sắc, và với thời gian trôi qua họ sẽ trở nên những con người khác đòi hỏi được bổ khuyết bởi một con người khác hẳn.

Trên bình diện thực tiễn, có nhiều cách ngăn ngừa kiểu hôn nhân quá trẻ này. Giáo hội và xã hội nên nhấn mạnh đến những nguy hiểm của kiểu hôn nhân ấy và phải lo liệu để giáo dục họ bằng những sự kiện được thiết lập hẳn hòi. Một cách khác để ngăn ngừa kiểu hôn nhân này là tránh những vụ cưới gả chỉ vì trót mang bầu. Những cuộc hôn nhân ép uổng sau khi có bầu là những giải pháp nguy hiểm. Dần dần sự thực này đã được nhiều người nhận ra, nhưng khốn nỗi họ lại đưa ra giải pháp phá thai. Ðiều này lương tâm Kitô hữu không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hiện người ta chưa biết những hậu quả tự nhiên của việc phá thai đối với cuộc sống của người đàn bà trong tương lai là như thế nào. Mục tiêu nhân bản cũng như Kitô giáo là phải giúp cô gái sinh con mà không bị nhục mạ hoặc ruồng rẫy. Cô ta có thể giữ đứa bé hoặc cho đi làm con nuôi, nhờ thế có thể tránh được những sai lầm nghiêm trọng do việc ép duyên khi đôi trẻ chưa sẵn sàng kết hôn.

Nhiều người muốn thử xem đời sống hôn nhân có những nguy cơ nào nên đã chọn sống với nhau không cheo cưới. Một lần nữa đây cũng là điều không được Kitô giáo ủng hộ. Thảo luận về các lý do đả phá việc sống chung này cần đến cả một pho sách bàn về tính dục con người; ở đây chỉ xin bàn đến một điểm. Có người chủ trương rằng sống với nhau là một chuẩn bị tốt cho hôn nhân đồng thời là cách giải thoát sinh lý vào cái tuổi đời lúc thúc ép về sinh lý lên cao. Bề mặt, xem ra có vẻ là giải pháp lý tưởng. Nhưng bất luận việc sống chung đưa lại kinh nghiệm nào đi chăng nữa, nó cũng không giống hệt như hôn nhân được. Thực tế, trọn bộ kinh nghiệm ấy bị bao phủ bởi một nhận thức tối hậu này là họ có thể chia tay nhau mà không gây phiền phức gì nếu họ muốn. Chính cái tự do đó thay đổi toàn bộ thực tại của kinh nghiệm kia. Dĩ nhiên đối với một số cặp, việc sống chung ấy có làm dễ dàng cuộc kết hôn sau đó của họ thật, nhưng đối với nhiều cặp khác, câu chuyện không như thế, trái lại khi thực sự lấy nhau, các khó khăn về xúc cảm và tính dục mới bắt đầu. Có chấp nhận được chăng là khi các cặp bất an về tâm lý tạm sống chung để có thể trưởng thành hơn mà tiến tới hôn nhân, nhưng điều này vẫn có thể thực hiện được qua những hẹn hò thích đáng.

Một phương thức khác là nhà nước và Giáo hội nên nâng tuổi tối thiểu để kết hôn lên. Ðiều này có thể khiến một số cặp lại liều sống chung với nhau trước khi lấy nhau. Người ta cũng có thể cho đó là vi phạm đến tự do cá nhân. Sự thực là nếu nhà nước có quyền hạ tuổi hợp pháp để kết hôn, thì cũng có quyền nâng tuổi ấy lên. Cũng vậy, Giáo hội có thể đặt định các điều kiện riêng của mình đối với các cuộc kết hôn Kitô giáo.

Tuy nhiên trên thực tế, vì luật lệ và tập tục Kitô giáo hiện nay vẫn còn giá trị tại Anh và các nơi khác, nên nhiều cặp vợ chồng đã có thể lấy nhau lúc chưa đầy 20 tuổi. Một số các cuộc hôn nhân này thuộc các nhóm xã hội vốn coi việc kết hôn sớm như chuyện bình thường, không những thế còn mặc nhiên ủng hộ nữa. Nguy hiểm thực sự là khi những cuộc kết hôn quá trẻ kia xẩy ra trong các nhóm kinh tế xã hội vốn không ủng hộ chúng. Ðây là chỗ việc phòng ngừa cần phải được đưa ra bằng cách bảo đảm rằng Giáo hội và xã hội phải nâng đỡ các cuộc hôn nhân ấy. Tỷ dụ như tổ chức những khóa dự bị hôn nhân trong đó khéo léo nhắc cho họ thấy những nguy hiểm và nhu cầu phải đi tìm giúp đỡ sớm sủa.

2.Có Bầu Trước Khi Kết Hôn: Ðã có nhiều chứng cớ cho thấy việc có thai trước khi kết hôn cũng là một yếu tố gây hại khá nặng. Nhất là khi hai vợ chồng lại lấy nhau lúc còn quá trẻ. Có người vẫn nghĩ rằng việc có thai sớm sẽ giúp hoàn tất cuộc hôn nhân. Ngày nay, người ta mới hiểu ra hai vợ chồng cần có thời gian tìm hiểu nhau và hội nhập cuộc sống với nhau trước khi đứa bé ra đời. Muốn thực hiện điều đó, cần có các phương pháp hiệu nghiệm để điều hòa sinh sản và hai người cần được huấn luyện để biết cách sử dụng những thời kỳ không thụ thai khi sinh hoạt tính dục bắt đầu. Kitô giáo vốn nhấn mạnh rằng việc giao hợp chỉ được phép trong hôn nhân mà thôi, nhưng nếu tiên liệu không tránh được thì cần phải hết sức tránh có thai. Phá thai không phải là giải pháp được Kitô giáo chấp nhận, nhưng nếu xẩy ra việc có bầu trước khi kết hôn, thì cộng đoàn phải nâng đỡ để tránh cho bằng được việc ép duyên.

3. Các Nhóm Kinh Tế Xã Hội: Tại Mỹ và Anh, có bằng chứng là hôn nhân dễ tan vỡ trong các nhóm kinh tế xã hội thấp. Các nhóm này thường được liên kết với việc kết hôn sớm, có bầu trước hôn nhân, nhà ở và triển vọng kinh tế nghèo nàn, do đó chồng chất khá nhiều yếu tố bất lợi. Rõ ràng không phải hễ thuộc giai tầng xã hội thấp là ít là người hơn hoặc không đủ điều kiện để kết hôn. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là họ cần được nâng đỡ đặc biệt. Nếu ta coi hôn nhân là điều hệ trọng, thì xã hội cần phải nhận ra trách nhiệm của mình đối với những người kém may mắn, và thấy ra những người thuộc các giai cấp này có nguy cơ nhiều hơn trong hôn nhân. Xã hội cần có những sắp xếp về việc làm, nhà ở, giữ trẻ, còn Giáo hội thì lo nâng đỡ họ về phương diện bản thân.

4. Nhà Ở: Người ta cũng có bằng chứng là những người ly dị thường không có chỗ ở riêng khi khởi đầu cuộc sống hôn nhân của họ. Họ thường phải chia phòng hoặc phải chuyển nhà luôn luôn. Chắc chắn đối với những người mới cưới nhau thì nhà ở là ưu tiên hàng đầu mà các chính phủ cần phải xem sét.

5. Bối cảnh hỗn tạp: Cũng có chứng cớ là những cặp vợ chồng khác nhau về tôn giáo, chủng tộc, mầu da, giai cấp xã hội thường gặp nguy cơ tan vỡ hôn nhân nhiều hơn. Tuy nhiên ta thấy các khuôn mẫu tác phong này đang thay đổi và có thể trong tương lai, những cuộc hôn nhân hỗn tạp này sẽ ít bị nguy hiểm hơn. Dù thế, bất cứ khi nào bối cảnh của hai vợ chồng quá khác biệt nhau, thì cần phải bảo đảm là họ phải tương hợp nhau về xúc cảm, chỉ như thế họ mới vượt qua được bất cứ tranh chấp nào còn sót lại trong các tập tục xã hội.

6.Hẹn Hò Làm Quen: Thời gian hẹn hò là thước đo lối sống của hai vợ chồng trong cuộc đời hôn nhân sau này. Người ta đã chứng minh rằng thời gian hẹn hò ngắn ngủi có liên hệ đến việc tan vỡ hôn nhân và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì hai vợ chồng đâu có dịp biết nhau nhiều. Tuy nhiên đôi khi thời gian hẹn hò quá lâu, lâu một cách không cần thiết, cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm nếu một bên hoặc cả hai thực sự không dám cam kết bước vào hôn nhân hoặc không muốn có con và các lý lẽ họ đưa ra chỉ cốt ý biện bạch.

Thời gian hẹn hò, nếu bị giầy vò bởi bất đồng ý kiến, cứ hết cãi nhau rồi lại chia tay, cũng là điềm chẳng tốt chút nào cho cuộc hôn nhân sau này. Vì việc hủy bỏ đính hôn là dấu cho thấy có khó khăn trong nhân cách.

Trên hết, đừng nên lấy bất cứ ai mắc rượu chè, bài bạc hoặc ma túy, dù có hứa sẽ sửa đổi sau khi kết hôn. Nhiều người tin tình yêu của mình có thể thay đổi được người mình yêu. Ðiều ấy có thể xẩy ra mà cũng có thể không. Chắc chắn một điều nên sửa đổi người bạn đời tương lai trước khi hơn là sau khi cưới nhau.

Ðiều trên cũng đúng đối với sinh hoạt tính dục. Những người đàn ông hoặc đàn bà dâm đãng, hoặc những người có thúc bách tính dục cao và có nhiều liên hệ tính dục trước khi lấy nhau phần lớn khó thay đổi sau khi lấy nhau.

Cuối cùng cũng có bằng chứng cho thấy nhiều cuộc hôn nhân sau này gặp khó khăn là vì một trong hai người đã không thực sự muốn kết hôn. Quả có nhiều phúc trình cho thấy có người khi kết hôn vẫn còn do dự hoang mang và thực tế đã bị cưỡng bức phải kết hôn. Vì mọi sắp đặt đã đâu vào đấy cả rồi, nỡ nào thay đổi vào phút chót cho đành. Có trường hợp có người còn dọa hoặc toan bề tự vận hoặc chịu kết hôn chỉ vì đã thất bại ở cuộc tình đầu. Cách này hay cách khác, rõ ràng là không yêu nhau khi kết hôn với nhau. Các vị mục tử khi chuẩn bị hôn nhân cho các cặp trai gái đang hẹn hò nhau không nên bỏ qua những e dè trên, ngược lại nên hỏi họ xem họ có thực sự và tự do ưng thuận trong quyết định của họ hay không.

7. Chống đối của Cha mẹ: Khi một phía hoặc cả hai phía cha mẹ đều nhất mực chống đối, thì cuộc hôn nhân đã bắt đầu với một trở ngại nghiêm trọng, vì hai vợ chồng mới cưới thiếu mất sự nâng đỡ của mẹ cha. Không được coi thường những chống đối này, trái lại cần phải lượng định chúng một cách cẩn thận. Nhưng vì đôi trẻ nhiều khi không có vị thế làm được điều đó, nên các vị mục tử cần làm sao để những chống đối ấy đừng xẩy ra hoặc nếu xẩy ra thì phải giúp đôi trẻ khắc phục chúng.

Không ai chủ trương hễ biết được các yếu tố xã hội này là tự nhiên loại trừ được các tan vỡ của hôn nhân, nhưng nếu các khám phá trên đây được nhiều người biết đến, được đưa vào hệ thống giáo dục và trở thành một phần của các khóa dự bị hôn nhân, thì sẽ giúp ích rất nhiều trong diễn trình rút giảm con số tan vỡ. Ta cũng tìm thấy nhiều trợ giúp khác khi đề cập đến từng giai đoạn của chu kỳ hôn nhân.

GIAI ÐOẠN ÐẦU CỦA HÔN NHÂN

Giai đoạn này bao gồm năm năm đầu và như đã nói đây là những năm chủ yếu đối với sự sinh tồn của hôn nhân. Ðã có bằng chứng cho thấy có khoảng từ 30% đến 40% các vụ tan vỡ xẩy ra trong những năm này. Ðàng khác, các vấn đề khởi sự trong giai đoạn này sẽ có tác dụng quan trọng đối với thành quả của hôn nhân trong nhiều năm kế tiếp. Có lẽ một điểm quan trọng có thể đưa ra đối với những năm này là người vợ thường nhận thức những vấn đề này trước hết. Nếu thuyết phục được các ông chồng biết coi trọng các lời than phiền rất chính đáng ấy của các bà vợ, thì qua cái nét xã hội tâm lý này, một chiều kích ngăn ngừa khác sẽ khởi sự. Các bà vợ thường có tính nhậy cảm và trực giác nhờ xúc cảm mà phần đông các ông chồng không có và chính việc nhìn nhận điều này sẽ cứu được rất nhiều cuộc hôn nhân, dù các ông thấy khó chịu khi phải đối diện và thực thi sự nhìn nhận ấy.

Sau đó điều quan trọng là phải nhìn vào những chiều kích xã hội, xúc cảm, thể lý, tri thức và tâm linh của giai đoạn này.

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI

1. Cha mẹ: Một vấn đề giai dẳng là khi một hoặc cả hai vợ chồng không thể tách mình ra khỏi ảnh hưởng của cha mẹ, khi các vị này đi quá đà không còn phải là nâng đỡ mà là chen vào nội bộ của vợ chồng. Vợ chồng như thế sẽ bị chết cứng giữa hai lòng chung thủy: một với người bạn đời và một với cha mẹ. Dù vậy họ nên biết ưu tiên phải ở chỗ nào; dĩ nhiên ở người bạn đời. Trên bình diện tâm lý, người phối ngẫu quá gắn bó sợ làm phật lòng cha mẹ. Nhưng nên để sự phật lòng này xẩy ra, dù cha mẹ có giận hờn, lên án và đe dọa đi chăng nữa. Trong những lúc như thế, người kia cần nâng đỡ bạn mình vì bạn mình thấy sự tách rời ấy khó khăn quá về phương diện xúc cảm, và do đó, có thể bị ân hận và mặc cảm tội lỗi dầy vò. Thực ra, đường lối cứng rắn bao giờ cũng thành công. Vì vào cái lúc xế chiều của cuộc đời, cha mẹ cần con cái hơn con cái cần cha mẹ. Khi trận chiến dành quyền đã hạ hồi phân giải, cha mẹ sẽ đành phải chấp nhận rằng bọn trẻ vẫn còn săn sóc và yêu thương mình nếu chúng còn điện thoại mỗi tuần một lần dù không hàng ngày, thỉnh thoảng đến thăm dù không định kỳ, và không còn mong chúng phải vì mình mà bỏ qua cuộc sống xã hội của chúng. Những điều này xem ra có vẻ tàn nhẫn, nhưng nhiều cuộc hôn nhân đã tan tành chỉ vì những điều ấy. Cho nên liên hệ đúng đắn với cha mẹ cần được ấn định rõ rệt ngay từ đầu khi mới lấy nhau.

2. Bạn bè: Ðối với bạn bè cũng vậy, tuy vấn đề không gay cấn bằng. Ở đây, ta thấy một trong hai người có thể tỏ ra ghen tương thái quá đối với người bạn đặc biệt nào đó của bạn mình. Trong những hoàn cảnh như thế, người bạn kia có thể bị hy sinh để mưu lấy an bình gia đạo, nhưng điều này vẫn không giải quyết đuợc vấn đề vì chẳng bao lâu người bạn khác sẽ trở thành đối tượng của ngờ vực. Người bạn này có thể bị tố cáo là nhồi nhét những tư tưởng bậy bạ vào đấu óc bạn mình khiến họ ra sai lạc. Cần phải đánh giá những chỉ trích ấy và nếu thấy thiếu sót, thì chủ yếu phải làm sáng tỏ vấn đề ấy ngay từ đầu. Nếu cứ bỏ qua một cơn ghen mà không đánh giá, thì những cơn ghen khác sẽ tiếp nối. Cho nên cần phải đối chất với các cảm quan ghen tức trên, nếu không, con số bạn bè sẽ giảm dần và chỉ còn lại những ai được người kia chấp thuận. Và như thế ta lại thấy một khởi đầu mới trong đó sự kiểm sóat của người này đốì với cuộc đời của người kia chẳng chóng thì chầy sẽ bị thù ghét, đặt nền cho nhiều vấn đề trầm trọng sau này, khi người bị vào khuôn kia sẽ vùng dậy đi tìm tự do, nổi loạn chống lại người bạn đời độc đoán của mình.

3.Tiền bạc: Tiền bạc rất thường xuất đầu lộ diện trong các vấn đề giữa vợ chồng và ta thấy có ba vấn đề sau đây. Thứ nhất, sự bần tiện của người chồng hoặc thiếu khả năng quản lý của người vợ hoặc của cả hai. Thứ hai, việc tiêu sài bừa bãi vào bài bạc, rượu chè hoặc may sắm a dua. Thứ ba, biến tiền bạc thành thuộc tính xúc cảm của tình yêu.

Nếu người chồng thực sự bần tiện, nghĩa là lúc nào cũng đưa cho vợ ít tiền hơn nhu cầu và bằng một thái nhục mạ, thì cần phải đối chất với thực tại này càng sớm càng tốt. Cũng như đối với cha mẹ và bạn bè, nếu thực tại này không được đối chất sớm, nó sẽ đặt nền cho những thù ghét và giận dữ sau này. Chẳng thà một chút cãi vã đắng cay lúc khởi đầu cuộc sống hôn nhân còn hơn phải thấy cơn giận cứ mỗi ngày một tích lũy thêm lên để cuối cùng đành mất niềm tin và lòng trọng kính lẫn nhau. Thành thử gặp trường hợp như thế, người vợ nên đòi cho được số tiền mà nàng thấy cần thiết, nếu không sẽ không chợ búa chi cả. Không thể có những biện pháp nửa vời đối với những vấn đề căn bản, mà tiền bạc là một. Cũng thế, nếu người vợ thiếu khả năng quản lý, nàng phải mau chóng tìm cách học hỏi để vượt qua, và trong vấn đề này, nàng có thể nhờ chồng chỉ vẽ.

Phí phạm tiền bạc trong bài bạc, rượu chè là những yếu tố phá hoại qủy quyệt, và một lần nữa phải thanh toán ngay từ lúc đầu mới lấy nhau, hoặc hay hơn nữa ngay từ lúc còn hẹn hò, như đã đề cập trên đây. Phần lớn là người chồng, chứ người vợ ít khi bài bạc hoặc rượu chè. Nếu yêu cầu nài nỉ mà không xong, thì người phối ngẫu nên bỏ nhà một thời gian cho đến khi người kia chịu bỏ bài bạc, rượu chè.

Trong hôn nhân, tiền bạc là biểu tượng quan trọng của tình yêu. Vợ chồng nên cho nhau biết tình thế tài chánh của mình. Thật không thể tin được có biết bao bà vợ không hề biết chồng mình kiếm được bao nhiêu. Các ông chồng thường bào chữa là vợ họ không hiểu các vấn đề tài chánh và nhiều bà vợ lại bằng lòng với lối giải thích ấy. Tuy nhiên, bom sẽ nổ khi bà khám phá ra chồng đang mắc rắc rối lớn về tài chánh hoặc đã sắp xếp tiền bạc theo những cách mà nếu biết trước bà sẽ không bao giờ chấp thuận. Buồn thay chỉ đến khi ra toà ly dị, chuyện tiền bạc mới được phanh phui chi tiết, lúc ấy chỉ còn đắng cay thất vọng làm cho vấn đề càng rối rắm thêm. Cho nên qui luật hữu ích cho cả hai vợ chồng là nên biết chính xác vị thế tài chính của mình.

4.Sắp xếp việc gia đình: Mặc dù các ông chồng càng ngày càng tham gia hơn vào công việc trong nhà, nhưng các bà vợ vẫn phải làm phần lớn công việc nội trợ, nhất là nấu nướng và giặt giũ.

Như thế dù đang có sự thay đổi theo hướng đó, người ta cũng cần phải đạt được sự chia sẻ thực sự các trách nhiệm trong nhà. Các bà vợ thường chịu đựng sự kỳ thị này với cái nhìn định mệnh. Tuy nhiên nhiều bà không chịu như thế và đòi chồng phải gánh vác nhiều hơn nữa công việc nội trợ trong nhà. Ðiều quan trọng là phải tuân giữ những điều đã được cả hai cùng thoả thuận. Vì nhiều khi ông chồng hứa nhưng chẳng giữ lới hứa chi cả và cái cảm thức bị coi thường như thế làm người vợ rất buồn bực. Vì thế điều quan trọng là người chồng đã hứa điều gì thì phải làm điều ấy, dù chỉ là việc cỏn con, và những lúc người vợ yếu đau hoặc khi cần kíp thì nên làm mọi sự theo hết khả năng của mình. Ðương nhiên người ta mong ông chồng làm nhiều hơn, khi các con ra đời. Thay tã, cho con ăn, thay phiên lúc đêm hôm đều là những việc chủ yếu cần chia sẻ, quan tâm.

5. Nghỉ ngơi giải trí: Nếu việc hẹn hò trước đây tỏ ra thoả đáng, thì hẳn hai vợ chồng mới cưới phải có nhiều điểm chung về các thú vui giải trí song song với các sở thích riêng. Ðiều quan hệ là người phối ngẫu này đừng nên loại bỏ dần các sinh hoạt giải trí của người kia và tự sắp đặt chúng theo cái qũy đạo sở thích riêng của mình mà thôi. Tệ hơn nữa, có người vì tự mình không có sở thích giải trí nào hết, nên đã không chấp nhận bất cứ sinh hoạt xã hội nào và do đó dần dần giam hãm người kia luẩn quẩn trong nhà chẳng còn có ai ngoài chính hai vợ chồng. Phải chống lại những xu hướng như thế, vì nếu không chúng sẽ tạo nên đắng cay thất vọng, và những đắng cay thất vọng này sẽ nổ bùng một ngày không xa.

Một số độc giả đề nghị phải cương quyết và mạnh mẽ chống lại người phối ngẫu không chịu chấp nhận nguyên tắc bất can thiệp hoặc cưỡng bức người kia thay đổi. Ðã đành rõ ràng là vợ chồng phải kính trọng nhân cách của nhau, vì nhân cách này thường làm phong phú lẫn nhau. Họ cũng phải chấp nhận một loạt những phong cách riêng, tuy làm mình khó chịu nhưng không có hại đến chính mối liên hệ vợ chồng. Tuy nhiên, bất cứ khi nào người phối ngẫu này thấy mình bị người kia đối xử một cách không thể nào chấp nhận được, mà cứ im lặng bỏ qua vì sợ sệt thì chỉ tổ chồng chất thêm giận hờn, một ngày kia sẽ nổ tung khi không còn sợ nữa. Chi bằng nên chặn cản những dị biệt quan yếu ngay từ buổi đầu mới lấy nhau hơn là để cho chúng sói mòn dần sự tương hợp của mối liên hệ.

CHIỀU KÍCH XÚC CẢM

1. Lệ thuộc: Trên thực tế, hai vợ chồng lệ thuộc nhau về xúc cảm. Họ cần được an toàn, chăm sóc, âu yếm và yêu thương. Họ muốn được khẳng nhận và vững tâm. Họ cần hy vọng, ủi an, tha thứ và khích lệ. Những điều này đều phải hỗ tương. Hai vợ chồng bổ túc các nhu cầu của nhau. Sáng kiến và thay đổi làm thăng bằng thụ động và đều đặn; óc mạo hiểm được bổ khuyết bởi lòng cẩn trọng; óc lý luận bởi cảm quan; quá khích bởi chừng mực; quả quyết bởi dè dặt; tự tin bởi đa nghi; nhẫn nại bởi nóng nẩy. Hơn nữa, các vai trò trên có thể tạm thời đảo ngược hoặc lên xuống trồi sụt như những đức tính được chia sẻ chung trong các hoàn cảnh thích hợp.

Nhưng sự lệ thuộc có thể mang hình thức khác. Ðó là trường hợp người phối ngẫu này cứ tiếp tục coi người kia như đại biểu của uy quyền, của khôn ngoan, của sáng kiến và trổi vượt. Họ thích được bảo phải làm gì, phải chọn gì, phải đi đâu, phải đọc gì; họ dễ dàng nhận trách nhiệm đối với bất cứ điều gì không hay xẩy ra và nói chung họ hành xử như một đứa trẻ còn lệ thuộc. Cái hình thức lệ thuộc này vô cùng nguy hiểm. Vì chẳng chóng thì chầy, người như thế sẽ trưởng thành lên và lúc đó họ sẽ nổi lên chống lại người kia như họ đã chống đối cha mẹ họ, và điều này từng phá tan cả hàng triệu cuộc hôn nhân.

Khi một người phối ngẫu thấy mình hành xử kiểu này, họ cần lượng giá đầy đủ hoàn cảnh của họ. Ðây là hoàn cảnh cực kỳ khó khăn vì họ thích kiểu mẫu hôn nhân này. Họ thích được chăm sóc, vì họ đâu có trưởng thành trong các năm ấy. Nhưng vì là những người phát triển chậm, nên rồi ra họ cũng sẽ lớn lên về phương diện xúc cảm. Lúc ấy họ sẽ thấy những cái làm họ ưng ý trước đây nay thật đáng ruồng bỏ, mạnh mẽ ruồng bỏ đến chính họ cũng phải ngạc nhiên. Bởi vậy, càng sớm nhận ra sự lệ thuộc của mình, họ càng sớm thực hiện được những bước tự lập đầu tiên nhờ sự giúp đỡ của chính người phối ngẫu, nay được cảm nghiệm như người trợ lực chứ không còn là người áp chế nữa. Cũng thế, người phối ngẫu trổi vượt có thể cảm thấy vui khi được người kia trọng kính mình, nhưng nếu họ ý thức được hoàn cảnh, họ phải giúp người bạn đời mình đạt được tính tự lập càng nhanh càng tốt để họ khỏi cảm thấy âu lo không cần thiết.

2. Lòng tự hào: Một trong những đặc điểm của hôn nhân hiện đại là nhu cầu của hai vợ chồng muốn được người bạn đời trân qúi, cảm thấy mình quan trọng và nhờ thế duy trì được niềm tự hào riêng. Tuy nhiên, nhiều cuộc hôn nhân ngày nay đang phải sống trong cảnh thăng trầm về xúc cảm. Có khi niềm tự hào của người này xuống dốc vì bị chỉ trích, thì, nói một cách tương đối, người kia lại cảm thấy lên cao vì tạm thời đã lập được thế thượng phong. Ðiều này có thể chỉ xẩy ra rất ngắn vì chẳng bao lâu sau tình thế bị đảo ngược lại. Cho nên, điều cần là cả hai vợ chồng cùng phải thẳng thắn phê bình lẫn nhau và, quan trọng hơn nữa, là biết đánh gía nhau một cách thích hợp và thường xuyên. Nếu một người phối ngẫu không biết khẳng nhận, thì cần chấn chỉnh càng sớm càng tốt. Hôn nhân hiện đại đòi hỏi tình yêu, nhưng cách biểu lộ tình yêu mạnh nhất chính là biết đánh giá một cách tích cực.

Các cặp vợ chồng thường đến than phiền với các huấn đạo viên rằng họ thấy họ không còn được yêu thương nữa. Ngay từ buổi đầu mới lấy nhau, người phối ngẫu của họ chưa bao giờ cho họ dấu gì là họ đáng yêu cả. Trước đó, có thể họ đã từng có một cuộc tình trong đó họ thấy họ được cần đến và được đánh giá cao. Nhưng nay rất giận vì người bạn đời từ khước họ cái cảm quan ấy. Chấm dứt cuộc hôn nhân này há chẳng tốt hơn sao? Ðôi khi họ rất ngạc nhiên khi thấy người phối ngẫu thực sự yêu mình và sẵn sàng nói như thế trước sự hiện diện của huấn đạo viên. Tuy nhiên vợ chồng không thể sống mà cứ phải trả tiền cho mấy ông huấn đạo viên. Họ cần học cách biết nhìn nhận lẫn nhau một cách yêu thương, và những năm đầu tiên này là những năm chủ yếu để vượt qua các trở ngại trong phạm vi này. Vợ chồng cần nhấn mạnh đến những cách biểu lộ thích đáng tình âu yếm cho nhau, những lối biểu lộ mà người kia có thể nhìn và cảm nhận được. Nếu điều ấy không xẩy ra thì đừng nhượng bộ, vì nhượng bộ rất tai hại. Nếu cần có thể rời bỏ căn nhà vợ chồng để người phối ngẫu kia biết là mình muốn câu chuyện được giải quyết.

3. Tình thân mật: Trong thời gian hẹn hò tìm hiểu, chắc nhắn hai vợ chồng đã sống với nhau khá nhiều thời gian. 'Với nhau' phải là một trong những đặc điểm chính của giai đoạn hẹn hò vì bản chất của mối liên hệ trong giai đoạn này chính là vậy. Tuy nhiên, nấp sau tình thân mật ấy ta thấy có hai điều nguy hiểm. Ðiều thứ nhất, một trong hai không sống một mình được. Ðiều này sẽ lộ ra sau này trong cuộc sống hôn nhân là lúc cần có sự thăng bằng giữa gần gũi và phân cách. Nghĩa là mỗi người hôn phối, tuy sống với nhau phần lớn thời gian, vẫn cần có thời giờ riêng cho mình. Ấy thế nhưng người không sống một mình được lại cứ theo người kia hết phòng này qua phòng khác, lúc nào cũng muốn ở gần nhau bất kể trong hay ngoài nhà. Họ không chịu được khi không có người bạn đời bên cạnh và việc có nhau, vốn được hiểu như dấu hiệu của tình âu yếm thân mật, nay đã thành ra ngột ngạt khó chịu. Người không dễ ở một mình kia thường cũng lại hay ghen sợ người yêu bị cướp mất. Ðể khỏi lôi thôi, người kia có thể cứ để họ theo đuôi mình hoài, nhưng sự nhượng bộ như thế chỉ tổ gây thêm thù ghét. Cần phải khuyến khích họ tập tự lập, làm việc này việc nọ, đi đây đi đó một mình trong một thời gian ngắn cho đến khi họ có thể đương đầu với sự lẻ loi. Cần phải giúp họ chấp nhận cảm thức lo âu khi phải ở một mình và, nếu cần, nên nhờ những nhà chuyên môn giúp đỡ để vượt thắng nỗi lo âu kia.

Nguy hiểm thứ hai là thiếu sự thân mật. Sau ngày cưới, người chồng có thể trở lại gặp bạn bè tại các bóp bia hoặc các câu lạc bộ, ở lại làm trễ và nói chung khước từ sự gần gũi vốn có trong thời gian hẹn hò. Người chồng có thể nại cớ làm trễ vì lợi ích gia đình mặc dù vợ con ít được nhìn thấy ông. Nhưng nếu hỏi cho cặn kẽ, có thể ông ta sẽ cho hay rằng cuộc sống hôn nhân làm ông ta ngột ngạt khó thở về phương diện xúc cảm. Trong trường hợp này, người vợ phải đương đầu với chồng, kiên trì đòi ông phải dành số giờ tối thiểu cho gia đình. Ðồng thời tìm hiểu xem bầu không khí nào làm ông vui, bầu khí nào trái lại làm ông xa lánh không thích gần gũi vợ con. Nếu người chồng không chịu đáp ứng, thì cần phải làm mạnh cho ông ta thấy. Thà một màn trình diễn ngọan mục khi thiện chí còn đó hơn là sau này khi kiên nhẫn đã tàn lụi.

4. Cô lập và giao du: Liên hệ mật thiết đến việc có nhau trong thời gian hẹn hò ta phải nói đến sự giao du ngoài xã hội. Nếu hai người cứ dính cứng lấy nhau trong thời gian hẹn hò, nhất định không chịu hòa mình với người khác, thì ít khi họ thay đổi được sau khi đã kết hôn. Thời gian hẹn hò còn nói được là họ không muốn ai xâm nhập vào cái thiên đường nhỏ bé của họ. Nhưng nên thận trọng coi chừng thái độ tự cô lập ấy, nhất là khi một trong hai người muốn được hòa mình với người ngoài.

Sau khi lấy nhau, người phối ngẫu sống cô lập và xa lánh người đời trên chắc chắn sẽ hạn chế các giao du ngoài xã hội của người bạn đời và do đó thế giới của họ trở nên chật hẹp chỉ còn lại họ và những người thân thiết ruột thịt, trong đó người bạn đời của họ tức người muốn giao du ngoài xã hội sống như bị cầm tù. Nếu thấy mẫu tác phong này phát triển, ta không được thông đồng. Người muốn ra ngoài và có bạn tới nhà cần phải thi hành ý muốn chính đáng của mình. Và nên khích lệ người bạn hay lo sợ trên để họ có thể vượt qua đuợc nỗi sợ sệt về phương diện xã hội của họ. Nhiều khi những người đó chỉ dự cảm trước một biến cố giao dịch nhưng khi đã tham dự rồi thì họ lại vui vẻ hân hoan.

5. Chống chế: Ðể có thể đương đầu với những hạn chế trên đây, hai vợ chồng thường dựa vào những cơ chế tâm lý giúp họ duy trì cái hoàn cảnh méo mó ấy.

(a) Phóng chiếu: Trong các năm đầu mới lấy nhau, có một sự bóp méo đặc biệt dựa trên nguyên tắc phóng chiếu (projection). Cơ chế phóng chiếu này làm thay đổi cảm nghiệm của họ về người phối ngẫu. Thay vì coi họ như con người thực sự của họ, người bạn đời lại tô vẽ họ theo hình ảnh của cha, của mẹ hay của một người mình tôn sùng. Như thế, họ không cảm nghiệm con người thực của người phối ngẫu nhưng theo hình ảnh họ muốn về người đó và họ liên hệ với người đó trên căn bản hoàn toàn tưởng tượng. Ðôi khi, có thể có người phối ngẫu thích cái bản sắc do họ vẽ về mình. Người chồng thích coi vợ như đứa con gái nhỏ, người vợ coi chồng như đứa con trai bé, người chồng coi vợ như em gái, và người vợ coi chồng như anh trai - người bạn đời lại thích làm theo như vậy. Cả hai chuyện ấy, chuyện lựa chọn và chuyện bên kia đáp ứng theo, đều thuộc bình diện thiếu trưởng thành về xúc cảm. Những liên hệ có tính thông đồng này có thể bao gồm các mẫu tác phong thống bạo (sado-masochistic) trong đó tính tự cao tự đại và hay gây hấn của người này gặp được tính tự ti mặc cảm và cảm quan muốn-bị-phạt của người kia. Ta thấy có sự nối dài tế vi giữa bổ xung tính và lối tưởng tượng thông đồng này. Ðương nhiên, tưởng tượng là tình trạng rất bất ổn, vì chẳng chóng thì chầy, thực tại của người phối ngẫu sẽ trồi lên và phá tan tưởng tượng. Nếu bị đối xử theo lối tưởng tượng, ta nên nhấn mạnh cho người phối ngẫu hiểu ta không phải là mẹ hoặc cha, mà là chồng hoặc vợ, và nên từ khước hành xử theo vai trò tưởng tượng do họ đòi hỏi. Ta nên luôn nhấn mạnh đến thực tại.

(b) Biện giải: Phóng chiếu là một cơ chế vô thức qua đó việc lựa chọn và đáp ứng chính là cái con người đã mất, đã được thần tượng hóa và do đó không bao giờ bắt được. Khi hai vợ chồng về sống chung với nhau, họ phải làm cho nhau trở nên có nghĩa, cả hiện tại lẫn quá khứ. Ðể làm việc đó, có khi họ dùng đến cơ chế biện giải (rationalization). Cơ chế này không chỉ được dùng trong các cuộc hôn nhân thông đồng mà là trong bất cứ cuộc hôn nhân nào trong đó người ta không chịu đương đầu trực diện với một vấn đề xúc cảm hoặc một mối âu lo nào đó. Thay vào đó họ xử lý chúng bằng cách rút gọn chúng lại trong một giải thích hoàn toàn thuần lý. Theo lối đó, một hoặc cả hai vợ chồng nhất định từ khước không chịu bàn đến mối tranh chấp xúc cảm mà họ đang gặp phải. Trong vấn đề này, người phối ngẫu nhìn ra thực tại phải đòi giải quyết các vấn đề trên bình diện thực tại. Phải cởi bỏ những điều không đúng của biện giải cũng như mối lo âu nằm bên dưới chúng, để trực diện công khai với nỗi sợ và mặc cảm tội lỗi.

(c) Chối: Nếu biện giải không thành công, người ta sẽ chạy tới cơ chế chối phắt (denial). Khi bị người bạn đời cáo buộc một hành động vi phạm nào đó (rất thường) hoặc được họ khen đã làm một điều tốt gì đó (ít thường hơn), ta thường nhào tới chống chế bằng cách chối phắt cái hại hoặc cái động lực đứng đàng sau. Chối không hẳn là nói dối. Vì nói dối là hành vi hữu thức và có suy nghĩ. Chối là một bác bỏ được thai nghén từ vô thức vốn không muốn nhận trách nhiệm về những chuyện không vui và đôi lúc không chịu được lời khen.

Ba cơ chế phóng chiếu, biện giải và chối phắt này góp phần bóp méo sự trao đổi qua lại của vợ chồng khiến họ mò mẫm trong bóng tối, trừ khi họ nhìn ra các động lực của chúng. Chính đây là chỗ sự giải thích xây dựng của một người thứ ba sẽ giúp ích rất nhiều.

CÁC VẤN ÐỀ TÍNH DỤC

Chương Tám đã trình bầy bằng chứng cho thấy sự thỏa mãn tính dục và hạnh phúc hôn nhân có liên quan chặt chẽ với nhau. Do đó điều quan trọng là phải tìm cách vượt qua các khó khăn về tính dục đang hiện diện hoặc đang xuất hiện trong giai đoạn đầu của hôn nhân.

1. Chuẩn bị giao hợp tính dục: Ngày nay, thật hiếm có cặp vợ chồng nào đến ngày cưới mà lại chưa từng giao hợp với nhau. Tuy vậy, chỉ trong cái cảm nghiệm liên tục của một cuộc hôn nhân đã được xây dựng đàng hoàng, người ta mới có được sự an toàn tuyệt đối và cơ hội dạy cho nhau biết thế nào là gợi hứng tính dục. Nếu nhận rằng việc giao hợp tính dục là một cử hành, thì các chi tiết chung quanh nó hẳn phải có tầm quan trọng rất lớn. Sự hiệp thông tính dục cần có chuẩn bị, một chuẩn bị cần hai vợ chồng phải thông đạt đầy đủ với nhau. Mỗi người phải nói cho bạn mình biết điều gì làm mình thích thú đang khi mơn trớn nhau (foreplay). Họ cần cho nhau biết các chi tiết về dáng dấp, rờ mó, vuốt ve, mơn trớn, hôn hít và thời gian cần để cả hai cùng có hứng. Ðàn ông thường hay vội vàng tiến tới giao hợp, quên rằng vợ chưa sẵn sàng nhập cuộc, còn người vợ thì quá thẹn thùng hoặc sợ sệt không dám cho chồng hay mình thích gì. Do đó thông đạt tốt là điều chủ yếu, không được làm gì khiến vợ chồng hãi sợ không dám bộc lộ các ý thích tính dục đích thực của mình sợ bị bài bác. Trái lại nên khích lệ lẫn nhau để nhận ra ý thích của nhau và ráng làm cho nhau thích thú càng nhiều càng tốt.

2. Giao hợp: Sự gợi hứng kết thúc bằng việc giao hợp tính dục. Ở đây ta thấy tư thế làm tình do hai vợ chồng chọn, thời gian kéo dài của việc giao hợp, việc đạt tới tuyệt đỉnh cũng như những giây phút tiếp sau đó tất cả đều có ý nghĩa. Việc người vợ giả vờ khóai ngất là một nghệ thuật được nhiều phụ nữ thực hành trong nhiều thời đại. Nhưng ở thời đại người ta chuộng những cái chân thực của bản thân này, đó không phải là giải pháp thỏa đáng. Nếu người vợ không vui thích việc giao hợp, nàng cần nói thẳng cho chồng biết và cả hai sẽ phải tìm ra nguyên do và sửa chữa các nguyên do ấy.

Việc giao hợp tính dục có thể không diễn tiến được. Một số ít các cặp vợ chồng không hoàn hợp được cuộc phối ngẫu của mình. Ngày nay gặp trường hợp như thế họ nên đi tìm sự giúp đỡ với rất nhiều hy vọng thành công.

Việc xuất tinh sớm và bất lực sơ khởi nơi người chồng, cũng như việc thiếu khoan khóai khi làm tình, khó khăn lắm mới đạt cực khóai hoặc chứng co đau âm đạo (vaginismus) nơi người vợ đều có thể nhận được giúp đỡ qua các phương pháp hiện hành trong khoa trị liệu tính dục.

CHIỀU KÍCH TRI THỨC VÀ TÂM LINH

Việc phòng ngừa chủ yếu đối với sự bất tương hợp về tri thức và tâm linh phải bắt đầu ngay lúc mới hẹn hò nhau. Ðấy là lúc hai bên phải làm sao để trình độ giáo dục cũng như hệ thống giá trị của mình tương xứng với nhau. Phải có mức thông cảm với nhau về trình độ tri thức để có thể hiểu nhau. Cũng thế, cần phải biết các quan điểm của nhau về chính trị, thẩm mỹ, văn hóa và v.v. Một nhà mà chia rẽ ngay bên trong thì khó mà sống còn được. Vợ chồng nào không thể hiểu nhau cũng như không thể hợp với các giá trị của nhau thì khó mà sinh hoạt được với nhau. Những vụ kết hôn vội vàng trong đó sự lôi cuốn về thể xác giữ phần chủ động hoặc do nhu cầu chạy trốn một hoàn cảnh không thể chịu đựng được thường là nguyên nhân cho những hoàn cảnh trong đó vợ chồng thấy họ có rất ít điểm chung với nhau.