Hôn nhân, đức tin và tình yêu (7)

Vì trục trặc kỹ thuật, bài 7 đã chỉ tải lên được một phần, khiến một số độc giả thắc mắc. Chúng tôi xin tải phần còn lại và xin thành thực cáo lỗi với bạn đọc.

LẮNG NGHE

Lắng nghe cẩn trọng là một nghệ thuật phải được phát triển liên tục cho đến cuối cuộc đời. Chủ yếu, lắng nghe là phải đi quá bên kia lời nói để đụng đến cảm quan hàm chứa phía sau. Ý nghĩa tri thức, theo sự kiện, cụ thể của lời nói là điều ít phải khó khăn mới nắm được. Cái khó khăn đòi hỏi là những tầng tầng lớp lớp ý nghĩa do chúng chuyên chở. Do đó, điều sinh tử là phải lắng nghe cách cẩn trọng, không ngắt ngang, không phán đoán, không cố vấn dạy đời, cho đến khi lời họ muốn nhắn chấm dứt. Ðiều tối quan trọng là người nói phải cảm thấy họ được tiếp nhận một cách toàn diện. Trong suốt cuốn sách này, chúng tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần mối nguy hiểm chỉ nghe một cách theo lý luận mà bỏ qua không tiếp nhận sự thông đạt về tâm tư tình cảm.

Một phần trong diễn trình tăng trưởng tình yêu là việc chăm chú lắng nghe toàn thể con người của người nói và tiếp thu các nhắn nhe của họ càng sâu càng tốt. Ðó là chỗ đôi khi người nghe trở thành một bà đỡ, đỡ cho ý nghĩa "đẻ" ra được từ lời nói, ngay cả khi chính người nói không hoàn toàn rõ lắm về những điều họ muốn nói. Tất nhiên điều quan trọng là việc đỡ ấy phải đem ra được cái thế giới bên trong của người nói chứ không phải chỉ phản ảnh cách tiếp cận của người nghe muốn giải thích những điều nghe được theo các cảm quan riêng của mình. Khả năng biết lắng nghe và giữ được công tâm đối với nét độc đáo của lời nhắn, không phớt qua cũng không giải thích sai, chính là yếu tố quan trọng trong việc tiếp nhận người khác.

Người từng bị thương tổn đôi khi sợ phát biểu quan điểm hoặc nhu cầu của mình ra sẽ bị người ta bác khước như hồi còn nhỏ. Những người như thế thường thầm mong người phối ngẫu của mình đọc ra được mình một cách chính xác trong thinh lặng và dự đoán ra được cái nội dung của thế giới bên trong của mình. Nỗi thầm mong ấy là một phần trong niềm hy vọng của họ muốn rằng nếu mình thực sự được yêu thì lời nhắn nhe của mình phải được đọc ra một cách chính xác trước khi được nói ra. Ðây là một trong những trách vụ khó khăn nhất của tình yêu khi phải quan tâm với một tài dự đoán sắc bén hệt như bà mẹ hiền dường như lúc nào cũng biết con mình muốn gì mà không cần phải nói. Câu "nếu anh yêu em thì anh phải hiểu em chứ" có nghĩa như thế này: người phối ngẫu phải biết điều gì đang xẩy ra trong thế giới bên trong của người bạn đời để đáp ứng một cách thích đáng.

Ðôi khi đối thoại mà chẳng song thoại chút nào bởi vì người nghe không chăm chú chút nào vào những chi tiết được phát biểu ra bằng lời nói và cảm quan, mà chỉ chờ người kia kết thúc để mình bắt đầu. Ðiều tốt duy nhất trong lối trao đổi này là người phối ngẫu không cắt ngang. Nhưng thực tế không hề có lắng nghe. Chỉ là một ngắt quãng để sau đó được dịp chứng minh cho người ấy thấy cái sai của họ với lời phê phán và khuyên răn.

Lối đối thoại như thế là lối đối thoại của những người điếc. Không bên nào chịu lắng nghe một cách chăm chú, hoặc chẳng chịu lắng nghe chi cả. Những người như thế lại hay thề thốt là họ thực sự yêu người phối ngẫu, nhưng nếu không có trao đổi lắng nghe chăm chú, làm sao họ tiếp nhận được thế giới bên trong của người bạn đời. Thực ra có thể họ sợ phải giáp mặt với những đòi hỏi mới hoặc phải thay đổi cung cách sống của họ chăng.

Tất nhiên, không phải bất cứ việc lắng nghe nào cũng là vấn đề phải trao đổi nghiêm trọng. Những suy tư, những câu trả lời và những góp ý bộc phát thường vẫn có thể đưa ra trong lúc đối thoại, và đó là chuyện nên làm. Nhưng những trao đổi tự phát này không được lầm lẫn với những trao đổi có ý nghĩa hơn khi những vấn đề sinh tử đang được bàn thảo. Trong các hoàn cảnh này, lắng nghe là cố gắng nhận ra những cái sâu sắc của người bạn đời và giúp họ đạt tới những kết luận riêng của họ. Chăm chú lắng nghe với chủ đích giúp người phối ngẫu nổi hẳn lên chính là hình thức yêu thương hết sức đặc biệt. Những cặp vợ chồng đang đau khổ thường than thở là họ không nói cho nhau nghe được, và điều này làm họ thấy cô đơn một cách khủng khiếp ngay bên trong môi trường mà ai cũng nghĩ là đầy rẫy tiếp thu.

TRẢ LỜI

Trả lời chủ yếu không hẳn là trả lời cho hợp lý. Câu trả lời đúng, tuy vẫn là điều tốt, chỉ là thứ yếu so với cảm quan cần được chuyên chở này là ở ngay chính thời điểm ấy, người nói muốn có được sự chú tâm không chia sẻ của người nghe. Tập thành được khả năng biết lắng nghe chăm chú như thế là một phát triển phải thách thức các cặp vợ chồng trong một thời gian dài, nhưng cảm thấy mình được chăm chú lắng nghe cũng tương đương như là cảm nghiệm mình được tiếp nhận như một con người. Cho nên khi lắng nghe người khác, ta phải tiếp nhận họ như những con người trọn vẹn. Các cặp vợ chồng phải từng bước học tập nghệ thuật biết tập trung lắng nghe trong những hoàn cảnh xét ra cần thiết, phân biệt với những câu chuyện trao đổi bình thường hằng ngày.

Bất cứ khi nào việc lắng nghe ấy được áp dụng, ta đều gặp nỗi lo âu mạnh mẽ này là rất có thể mình không có câu trả lời chính xác. Thế nhưng, câu trả lời của người bạn đời đầy yêu thương đâu phải được xét dưới khía cạnh chính xác hay không. Ðúng hơn, người bạn đời biết lắng nghe được coi như tấm gương để người nói nhìn thấy mình dưới một ánh sáng khác. Chính hành vi nói mang lại cho người bạn đời cơ hội đạt tới những thông tuệ mới mẻ. Những thông tuệ mới mẻ này không phải cuộc đối thoại nào cũng tìm ra được. Ðiều thường thực hiện được nơi người biết trả lời cẩn trọng là ý thức sâu hơn về cái thế giới bên trong của người phối ngẫu, và điều ấy sẽ phá tung sự cô lập và cô đơn để đem hai vợ chồng lại gần nhau hơn.

Trả lời một cách nhậy cảm có nghĩa là đôi khi người bạn đời cảm thấy có điều không đúng nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Ðây cũng là một nỗi lo âu khác trong diễn trình trả lời. Người ta thường mong người nói nói cho lẹ để người nghe có dịp can thiệp vào một cách hợp nghĩa. Tuy thế, cần có sự nhẫn nại để người phối ngẫu có cơ hội biểu lộ một phần con người của họ ra. Kiên nhẫn là một biểu hiệu khác của tình yêu. Khi thấy rõ điều gì đó về người phối ngẫu, ta đều muốn cho họ hay ngay. Nhưng một giải thích vội vã có thể dẫn tới đủ thứ lo âu, mà người phối ngẫu của ta chưa sẵn sàng đương đầu kịp. Thành ra, câu trả lời cẩn trọng không nhất thiết phải là bày tỏ tất cả các cảm quan của người nghe ra. Người nghe cần đợi đến lúc thuận tiện mới nói ra điều mình muốn giải thích. Nhiều người phối ngẫu, sau khi lắng nghe người bạn đời, đã nói ngay cho họ thấy điều sai của họ, nhưng thất bại ở chỗ không lượng giá được sự kiện là họ chưa sẵn sàng đón nhận lời giải thích của mình.

Trả lời chính xác có nghĩa là người nói cảm thấy họ được tiếp nhận một cách thông cảm càng nhiều càng tốt. Ðiều này có nghĩa là cái nặng nề do hành vi sửa sai hay sự thông tuệ đem lại không nên áp đặt mà không nâng đỡ hoặc trước khi người phối ngẫu sẵn sàng về phương diện xúc cảm để có thể đương đầu với một vấn đề đặc thù nào đó. Giải thích đúng lúc là điều sinh tử đối với mọi cuộc đối thoại có tính xúc cảm, và cũng quan trọng không kém đối với các cặp vợ chồng là những người cần làm cho nhau cảm thấy rằng họ thực sự hiểu nhau.

CHỈ TRÍCH

Trên đây đã nhắc đến sự kiện này là vợ chồng thường hay thông đạt với nhau trên căn bản cùng chỉ trích lẫn nhau. Khuyết điểm của người này được hiểu như ưu điểm của người kia và ngược lại. Sự cân đều về lỗi lầm không còn chỗ cho bất cứ sự trổi vượt nào. Thế là hai bên duy trì được sự cân bằng yêu thương dựa trên những thiếu sót của nhau. Nhưng một tình yêu như thế xét ra quá giới hạn vì nó chỉ chủ yếu đem lại êm ấm cho thất bại.

Sự tăng trưởng trong các tình cảm yêu thương đòi hỏi việc chỉ trích lẫn nhau phải chấm dứt. Yêu thương không thể là vấn đề yêu người bất toàn. Sự bất toàn luôn luôn có đó, nhưng một trong các cách để giảm thiểu nó là làm ngơ các phát hiện của nó và ca ngợi các thành quả của nhau.

KHẲNG NHẬN

Ca ngợi các thành quả là phần thưởng cho các hoạt động và thành tích. Việc đánh giá cao cái phần hoạt động của người phối ngẫu là điều quan trọng. Tuy nhiên càng quan trọng hơn nữa là việc khẳng nhận (affirmation) chính con người của họ, tức chấp nhận họ một cách vô điều kiện với mọi điểm mạnh và mọi điểm yếu của họ. Ít có mối liên hệ nào bày tỏ nhiều cho bằng liên hệ hôn nhân. Chỉ cần một thời gian ngắn là họ đã biết nhau khá rõ. Sự hiểu biết này chắc chắn sẽ cho thấy nhiều giới hạn nhưng đồng thời cũng cho thấy những điểm mạnh hiện có và đang được thành hình. Khẳng nhận làm kiên cố cái đã đạt được đồng thời thúc đẩy người bạn đời hướng tới những điều đang được thể hiện. Khẳng nhận sinh tử đối với cả hai điều trên.

Như thế, khẳng nhận dần dần bảo đảm cho lòng tự quí của người bạn đời vừa được củng cố vừa được phát triển thêm lên. Tình yêu càng được hai vợ chồng chia sẻ, thì sức mạnh thúc đẩy hai người một cách khẳng nhận càng lớn bấy nhiêu. Dù có bị thương tổn, thì cảm thức về cái tốt của họ vẫn mạnh đủ để vượt qua cơn đau và làm nó tan biến đi. Trong mỗi người chúng ta, luôn có trận chiến không thôi giữa cảm nghiệm tốt và cảm nghiệm xấu và không biết liệu cảm nghiệm tốt có bị cảm nghiệm xấu lướt thắng hay không. Giá trị của khẳng nhận hệ ở chỗ càng ngày mình càng yêu mình một cách chân thực hơn và do đó các cảm nghiệm xấu về mình sẽ bị cuốn hút và hoà nhập bởi các cảm nghiệm tốt thay vì để cho các cảm nghiệm xấu giập chết các cảm nghiệm tốt. Vợ chồng cần đến nhau để có thể thực hiện được thế cân bằng thích đáng.

THA THỨ

Dù nghe, trả lời và khẳng nhận có tốt bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn không thể tránh được có đôi lúc ta nói và làm những điều mếch lòng nhau. Với thời gian, những biến cố ấy cần được giảm thiểu khi vợ chồng đã rõ những điểm dễ gây đau lòng của nhau. Tuy vậy, giận dữ và hiểu lầm không tài nào hoàn toàn loại bỏ hết được. Khi đã gây ra mếch lòng, thì bước tự nhiên kế tiếp phải là tha thứ và đền bù. Việc tha thứ này không thể chỉ là biểu hiệu nông cạn, bề ngoài, mà phải là một đáp ứng thực sự đối với người tìm kiếm nó. Người ta có thể tha thứ, nhưng vẫn nhớ những "tội ác" của người kia và thỉnh thoảng lại đem ra để nhắc nhớ họ. Tha thứ như thế không phải là tha thứ thực sự mà chỉ là cách phát triển sự khống chế đối với người phối ngẫu.

Ðôi khi, người phối ngẫu bị thương tổn từ chối giảng hoà và thu mình vào thế hờn dỗi kéo dài cả giờ, cả ngày và có khi cả hàng tuần. Từ chối không chịu nhận sự ăn năn và đền bù là từ chối tư cách nhân bản của mình. Thường cũng con người như thế hoặc hờn dỗi hoặc không bao giờ biết tạ lỗi, bất cứ họ đã làm gì. Luôn luôn người bạn đời của họ phải khởi sự giảng hòa. Mẫu tác phong như thế quả là thù nghịch đối với tình yêu và góp phần bẻ gẫy cuộc hôn nhân.

Sự tha thứ chân tình giữa vợ chồng là biểu hiệu của yêu thương đằm thắm và nhắc ta nhớ đến lòng tha thứ vô bờ của Chúa. Thành ra sự tha thứ của con người là băng tần để ta hiểu tình yêu Thiên Chúa. Nó là điểm hẹn giữa con người và Thiên Chúa nơi đó con người được Thiên Chúa biến đổi. Với năm tháng trôi qua, những kình chống giữa vợ chồng sẽ giảm đi và, có lúc nào chúng xuất hiện, thì sự tha thứ đã có được đặc tính thâm hậu đủ để phản ảnh và biểu trưng cho lòng sót thương của Chúa.

TĂNG TRƯỞNG TÂM LINH

Sự tăng trưởng của vợ chồng về tâm linh chủ yếu là sự tiến triển của họ trong tình yêu dành cho nhau, cho con cái và cho người khác. Tình yêu nhân bản này phản ảnh Ðấng thiêng liêng, và tất cả những đặc tính ta đã đề cập sẽ tham dự vào việc thể hiện càng ngày càng thâm hậu hơn. Khi ý thức được rằng tình yêu nhân bản này phản ảnh Ðấng Thiêng liêng, hai vợ chồng sẽ tiến đến chỗ gặp gỡ chính nguồn suối yêu thương, là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa được gặp gỡ qua nhân cách đang phát triển và dần dà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ vươn tới được tuy không hiểu thấu. Mầu nhiệm ấy là liên hệ bổ túc của yêu đương giữa các ngôi vị tự lập (autonomous), vừa tách biệt vừa là một. Hôn nhân cho thấy tính cách bổ túc nhau giữa hai con người, một đàn ông một đàn bà, vốn tách biệt nhau nhưng đôi lúc đã trở nên một. Hôn nhân và gia đình trong tư cách một cộng đồng tình yêu phản ảnh liên hệ giao ước giữa Thiên Chúa và con người và làm ta dõi nhìn vào mầu nhiệm trung tâm về Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi tình yêu thẩm nhập để dị biệt hóa và kết hợp. Bởi thế, trong hôn nhân, tình yêu dị biệt hóa và kết hợp và hai vợ chồng sẽ càng ngày càng ý thức hơn sự hiện diện nội tại của Thiên Chúa ở giữa họ và tính siêu việt của Ngài, một sự siêu việt vốn là căn bản cho tình yêu của tất cả các cặp vợ chồng và của tất cả các cuộc hôn nhân.

TÓM LƯỢC

Cùng với việc nâng đỡ nhau và chữa lành nhau, hai vợ chồng tiếp tục tăng trưởng trong nhiều thập niên. Sự tăng trưởng này sẽ biến thân xác thành thực thể vật lý có tính lực sĩ và thẩm mỹ, biến đổi trí hiểu thành túi khôn, tình cảm thành yêu thương đậm đà. Thông đạt nằm ngay ở trung tâm việc tăng trưởng xúc cảm, một tăng trưởng, qua khẳng nhận, sẽ làm dễ tình yêu đối với chính mình và người lân cận quí giá nhất, đó là người phối ngẫu của ta. Trong tư cách cha mẹ, họ chuyên chở tình yêu thương của họ đến con cái.

Tài liệu Tham khảo:

1. Maslow, A.H., Motivation and Personality, Harper, New York, 1954

2. Maslow, A./H., Towards a Psychology of Being. Van Nostrand, New York 1962

3. Smart, M.S. and Smart, R.C., Children. Collier-Macmillan, 1972

4. Maier, H. W., Three Theories of Child Development, Harper, New York, 1969.

5. Moreno, A. Jung, Gods and Modern Man Sheldon Press 1974