Hôn Nhân, Đức Tin Và Tình Yêu (7)

CHƯƠNG SÁU: TĂNG TRƯỞNG TRONG HÔN NHÂN

Một trong những phẩm bình thường được lặp lại nhiều nhất về hôn nhân hiện đại là thời gian kéo dài của nó. Các thời đại trước, thời gian ấy ngắn hơn nhiều và cha mẹ thường qua đời khi các con đến tuổi lập gia đình. Thành ra chu kỳ hôn nhân bao gồm các giai đoạn sau đây: lấy nhau, nuôi nấng con cái, con cái lập gia đình, cha mẹ qua đời. Mục đích chính của hôn nhân và tính dục, do đó, là để bảo tòan phúc lợi của thế hệ kế tiếp.

Ngày nay, chu kỳ hôn nhân dài hơn thế. Cuộc sống lứa đôi kéo dài từ bốn đến năm mươi năm là chuyện thường. Cho nên, mới có lời bình phẩm về hình thức hôn nhân cổ truyền cho rằng hai con người không thể sống với nhau suốt trong quãng thời gian dài đằng đẵng ấy mà lại không chán chường nhau được. Ðã đành con cái vẫn còn là mối dây liên kết cha mẹ lại với nhau, nhưng khi chúng rời mái ấm, cha mẹ còn đến cả hai ba mươi năm, trong đó, họ phải trở lại sống cái mối liên hệ tay đôi như trước. Lời bình phẩm trên coi việc đó không phải là phương trình cho hạnh phúc mà là cho án tù. Họ chủ trương nên tạo ra những cuộc hôn nhân theo chu kỳ cuộc sống (serial marriages), những khế ước ngắn hạn từng năm năm một. Vì khả năng của hai vợ chồng trong việc nâng đỡ nhau và chữa lành nhau chỉ có hạn, không thể kéo dài đến bốn mươi hoặc năm mươi năm được. Các tôn giáo vốn bênh vực sự bền vững của hôn nhân bị người ta thách thức phải chứng tỏ làm cách nào các cặp vợ chồng có thể chung sống với nhau trong khoảng thời gian dài như thế mà vẫn thể hiện được đầy đủ các tiềm năng của họ. Xét chung, truyền thống Do thái - Kitô giáo đã từng tỏ ra lúng túng trong câu trả lời cho thách đố trên. Truyền thống ấy nhấn mạnh đến sự bền vững trong hôn nhân, nhưng ít nói đến phương thức thực hiện sự bền vững ấy. Tuy nhiên, người ta thấy rất rõ: vợ chồng sẽ có thể sống với nhau lâu dài nếu các nhu cầu nhân bản và thiêng liêng của họ đi đôi với những cơ may giúp họ thể hiện được bản thân (1,2).

Khi đề cập đến việc tự thể hiện bản thân hoặc tự thực tại hoá bản thân, có người cho rằng như thế là ích kỷ, là đi tìm hướng về chính mình, điều cần được hạn chế hơn là khích lệ. Nhiều người cho rằng nhiệm vụ chính của vợ chồng là làm cha mẹ, chứ hôn nhân không phải là một định chế giúp thể hiện các tiềm năng của bản thân con người. Họ cho rằng người ta đã đòi hỏi nhiều thứ quá từ hôn nhân hiện đại, cần phải dẹp bỏ mọi cái thứ khác, và chỉ nên đặt cái tôi phục vụ cho con cái.

Con cái quả là những thụ tạo hay đòi hỏi và cha mẹ cần phải hy sinh vì chúng. Nhưng xét cho cùng, việc thành công trong thiên chức làm cha mẹ lại tùy thuộc phẩm tính của nhân cách và nếu sự toàn vẹn của cha mẹ càng hoàn hảo thì con cái càng nhận được nhiều phúc lợi hơn từ sự chín mùi của các ngài. Thành ra, tự thể hiện bản thân không phải là một mục tiêu ích kỷ; con cái sẽ được lợi nhờ sự phong phú trong tiềm năng của cha mẹ. Việc tự thể hiện hóa bản thân này sẽ được thực hiện qua diễn trình tăng trưởng về phương diện thể lý, tri thức, xúc cảm, tình cảm và tâm linh.

TĂNG TRƯỞNG THỂ LÝ

Ðỉnh cao của sự tăng trưởng thể lý xảy ra vào khoảng cuối thập niên thứ hai hoặc đầu thập niên thứ ba (3), khi cơ thể thể hiện được cái phác thể thể lý (physical configuration) sau chót của nó. Từ đó trở đi, diễn trình thoái hóa bắt đầu, nhưng không rõ rệt lắm. Các thay đổi rất nhỏ, ít khi nhận ra được.

Tóm lại, tuyệt đỉnh của tiềm năng thể lý có vào khoảng cuối tuổi mười mấy đầu tuổi hai mươi. Tiềm năng có thể xuất hiện dưới thân hình lực sĩ hoặc dưới kỹ năng của một thể tháo gia thực hiện được những thành tích phi thường như các kỹ năng không thị của người chơi cù (golf). Những kỹ năng này đòi hỏi lao tập và kỷ luật khắt khe và đôi khi người phối ngẫu phải hy sinh dành thì giờ cho người bạn đời đạt được và duy trì được những tiêu chuẩn ấy. Sự tăng trưởng thể lý này không phải là việc cộng thêm những thành tố vật lý cho cơ thể cho bằng thể hiện các tiềm năng trong khả năng vận động của nó. Cái năng lực thô và chưa dị biệt hóa được biến đổi thành các thành tích của nhà lực sĩ.

Tuy nhiên cơ thể không chỉ phát triển về phương diện các tiềm năng tuyệt đối của nó mà thôi. Bàn tay, mắt và tai cũng có thể phối hợp với các tiềm năng thẩm mỹ để phát triển các kỹ năng nghệ sĩ trong hội họa, đồ hình và âm nhạc, cũng như thêu thùa, may mặc, nghề mẫu và những tài khéo léo khác.

Cuối cùng, thể xác trở thành thực tại tính dục. Thực tại tính dục này dị biệt hóa nhân loại và cặp vợ chồng. Thực vậy thân xác tính dục là phương thế hai vợ chồng bổ túc cho nhau, và sự thông đạt tính dục của vợ chồng tùy thuộc ở cách thân xác ấy được ăn mặc, được sử dụng và được săn sóc ra sao.

Như thế, việc tăng trưởng thể lý bao gồm những thay đổi từ thuần vận động qua lực sĩ tính, từ thuần miêu tả qua nghệ sĩ tính, và từ thuần phái tính qua thông đạt tính dục sống động. Tất cả các hình thức tăng trưởng ấy đều cần tới ý chí thúc đẩy của người phối ngẫu và sự nâng đỡ khẳng nhận của người bạn đời. Thân xác tăng trưởng, ổn định một thời gian rồi suy thoái. Sự tăng trưởng của nó chính là sự ý thức hơn về các tiềm năng của nó, và cái ý thức này được duy trì như một phần trong hình ảnh về con người của ta, ngay cả ở tuổi già. Vì tuổi già là thời gian khi sự tăng trưởng của con người đã đạt được một mức độ chín mùi nào đó để có thể trả lại dần dần ơn phúc thân xác cho đấng Hóa Công. Việc thoái hóa dần dần ấy không phải là sự mất mát nhưng là một chuẩn bị để ta ý thức về ta trong tương quan với Thiên Chúa ở cõi đời đời. Tuổi già không phải là một chuỗi hủy diệt nhưng là một cho đi từ từ cái tôi đã được cảm nghiệm như thành phần thường hằng của thế giới bên trong, để một khi tôi cho đi cái phần bên ngoài của cái tôi, tôi vẫn còn lại nguyên tuyền cái ý thức bên trong. Chính cái ý thức này là cái trải dài trong nhiều thập niên và vẫn hiện diện trong tương quan vợ chồng ở tuổi già, trong tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa trong mầu nhiệm đời đời trước khi toàn vũ trụ phục sinh.

TĂNG TRƯỞNG TRI THỨC

Giống như việc tăng trưởng thể lý, sự tăng trưởng tri thức, xét theo trí hiểu, cũng đạt đến đỉnh cao vào cùng một thời gian, trong đó, nổi hơn cả là khả năng trừu tượng hóa hoặc suy tư thuần lý (4).

Trí hiểu giúp ta đo lường chiều cao, sức nặng, kích thước, mầu sắc, khỏang cách, giá trị số học, các sắp xếp không thị (visual-spatial), chú ý từng phần và toàn thể, ngôn ngữ và thông đạt, suy nghĩ, cả về cụ thể lẫn trừu tượng, suy luận và phân giải, lượng gía và hội nhập. Chúng ta không ngừng nhận được những tín hiệu thuộc cảm giác và trừu tượng, và qua trung gian của não bộ, vốn trách nhiệm về khả năng ý thức của ta, ta phải giải thích tất cả những cái xảy đến từ bên ngoài và từ bên trong ta để rồi hành động.

Biến tất cả những kiến thức trên thành túi khôn là một tìm kiếm liên tục của mỗi người, và làm thành túi khôn tập thể của xã hội. Cái khôn không đồng nghĩa với trí hiểu tuyệt đối. Truyền thống Tây phương vốn đặt hào quang cho trí hiểu và duy lý tính, các văn hóa khác lại coi những chuẩn đích như trực giác, thần bí học, các trạng thái thuộc cảm giới như là những giá trị trổi vượt. Lý trí và cảm quan, khách quan và chủ quan, cụ thể và trừu tượng, nội tại và siêu việt đã tranh nhau trở thành những biểu lộ chủ yếu của túi khôn. Tâm lý học của Jung, vốn biểu lộ sự gần gũi với hai luồng tư tưởng Ðông Tây, đã cố gắng tổng hợp những yếu tố tiêu biểu của cả hai luồng tư tưởng ấy trong diễn trình ông gọi là cá nhân hóa (individuation) (5). "Ðể thực hiện được sự toàn vẹn nơi con người cũng như nơi thần thánh, những cái tương phản phải triệt tiêu lẫn nhau; sự thiện và sự ác, ý thức và vô thức, nam và nữ, bóng tối và ánh sáng sẽ được nâng lên một tổng hợp được gọi một cách tượng trưng là giao thể của các tương phản (conjunctio oppositorum)". Thành ra đối với Jung, túi khôn là cái giao thể của những phần tách biệt của bản thân ta.

Theo nghĩa thông thường, từ khôn ngoan ám chỉ việc trí hiểu lượng giá những điều có trước mặt, một lượng gía được tinh lọc bởi văn hóa và cảm quan. Túi khôn tập thể của một nền văn hóa là tiêu chuẩn qua đó các phán định (predicaments) của cá nhân sẽ được phê phán. Một phần của túi khôn là đánh giá cái đã nhận được từ gia đình, từ văn hóa và từ tôn giáo và không ngừng đánh giá lại dựa trên ánh sáng các kinh nghiệm bản thân. Các trào lưu tư tưởng đã thành hình khi cái nhận được đã không được tiếp nhận một cách mù quáng, nhưng đã được phê phán dựa theo các đòi hỏi hiện đại. Thành rạ sự căng thẳng giữa cái nhận được và cái cải tân không phải chỉ có ở ngoài xã hội mà còn ở trong mỗi cuộc hôn nhân nữa.

Vợ chồng là người thừa kế cái túi khôn tập thể của xã hội, của văn hóa và của gia đình họ. Họ đem đến cho nhau trí hiểu và những niềm tin cũng như những huyền thoại chưa bị thách thức của họ. Rất có thể một bên sẽ cố gắng áp đặt quan điểm của mình lên người kia vì nghĩ rằng không thể khoan nhượng một chủ trương khác được. Những con người cứng ngắc và quá kiêu căng đó có thể công kích các niềm tin của người phối ngẫu và làm tổn thương các xác tín chân tình nhất của họ. Các xác tín này có thể bị chế nhạo liên tục, bị bài bác hoặc bị đặt thành trò cười, chỉ còn lại quan điểm của người kiêu căng kia là có giá trị. Sự khuất phục bắt người khác phải chấp nhận quan điểm của mình về cuộc đời có thể tiếp diễn trong một thời gian dài cho đến khi người phối ngẫu bị khuất phục kia lấy lại được tự tin, đủ để thách thức và nổi lên chống lại cái thành trì bóp nghẹt tâm trí ấy.

Tuy nhiên, sự cưỡng chế như vậy ít khi xảy ra. Phần lớn hai vợ chồng đồng ý về sự bất đồng ý kiến của mình đối với một số vấn đề mà họ không thể dung hoà được. Ðôi lúc khác, họ hành động như những bà đỡ đối với nhau. Một ý nghĩ, một tư tưởng, một quan điểm được nghiền ngẫm bên trong mà không được giải thích rõ rệt. Họ có thể nói điều ấy cho người phối ngẫu trong cái trạng thái hỗn tạp không rõ rệt như vậy và người phối ngẫu có thể giúp làm cho nó trở nên thứ tự rõ ràng. Khả năng của vợ chồng trong việc khám phá ra cái khoảng sâu vốn chưa được nhìn nhận từ trước đến nay tùy thuộc việc càng ngày càng ý thức được cái thế giới nội tâm của nhau, tương cảm đối với nội dung của thế giới ấy và khả năng rút tỉa được cái nguồn tài nguyên tiềm ẩn của nhau. Ðiều này khác hẳn với hiện tượng hạ thấp nhau có hệ thống, trong đó, bất cứ ý tưởng mới nào dù nhỏ nhặt đến đâu cũng bị coi là kỳ cục, hoặc là cuộc tranh lý, trong đó hai con người tự cho mình thông minh tìm cách hạ ván nhau bằng cách bới ra những thiếu sót trong luận chứng của nhau. Ðiều này không có nghĩa là sự phê bình chỉ trích có tính xây dựng là điều không cần thiết. Tuy nhiên, điều thực sự cần là phải tiếp nhận trong hoan nghênh và khẳng nhận.

Trong việc hỗ tương phát triển tri thức, có thể có sự kiện một bên sử dụng suy luận, còn bên kia sử dụng trực giác và cảm quan. Người thì nói bằng lý trí, kẻ lại nói bằng trái tim. Diễn trình ấy có thể đưa đến va chạm; nhưng cũng có thể là một hành trình bổ túc dẫn đến tăng trưởng chung. Người sống bằng cảm quan sẽ gọt bớt góc cạnh các ý tưởng chủ yếu đến từ suy luận, còn người mạnh về suy luận sẽ đem trật tự vào thế giới cảm quan và rút ra những hệ luận hợp lý. Sự phối hợp giữa lý trí và cảm quan là một hành trình sinh tử đối với quá trình trưởng thành hóa trong đó hai vợ chồng có thể giúp đỡ lẫn nhau nếu các khả năng của họ cần đến sự bổ túc của nhau.

Sự khôn ngoan được phát triển từ từ qua dò thử và hễ sai thì làm lại (trial and error). Sự hiểu biết về cách thế sự vật và con người hành động thường được khai triển từ kết quả của việc sử dụng nhiều phương thức khác nhau. Vợ chồng có thể giúp nhau giảm thiểu các lầm lẫn bằng cách chia sẻ các tài năng và kinh nghiệm. Ðiều này tất nhiên đòi thái độ coi trọng và kính trọng nhau, tránh ganh tỵ, cạnh tranh qua đó sự thủ đắc khôn ngoan được sử dụng chỉ để phơi bày cái thiếu sót của người kia.

Khôn ngoan cũng được biểu lộ qua việc càng ngày càng dự đóan và giải thích chính xác các hoàn cảnh cũng như các con người. Chấp nhận rủi ro, nói những điều đúng lúc, phán đoán chính xác các phản ứng, lượng gía chính xác các hoài mong của mình vào cuộc đời và vào người khác, không trông mong thái quá (lạc quan tếu) cũng không hoài nghi quá độ (bi quan vô cớ), và trên hết, ngày một tin tưởng hơn vào tiềm năng đã được đánh gía một cách thực tiễn của mình - tất cả đều là các yếu tố của khôn ngoan. Cái khôn này sẽ không ngừng được thử nghiệm trong khung cảnh gia đình, nơi lầm lỗi có thể xảy ra nhưng hậu quả chắc chắn không thảm bại.

Như thế, các yếu tố như cách thế qua đó, bản thân ta cũng như người khác được cảm nhận, kiến thức đựơc sử dụng, những chờ mong nơi các hành động, đà học hỏi nhanh hay chậm, đức can đảm trong việc thử nghiệm những suy tư mới và chính xác về chính bản thân ta, tất cả đều góp phần vào diễn trình soi dẫn lẫn nhau. Diễn trình này đương nhiên không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, nhưng rõ ràng gia đình là nơi nó tiếp nhận những tăng cường liên tục và mạnh mẽ nhất. Các trình bày từ trước đến nay ám chỉ sự tăng trưởng trong việc sử dụng các tài nguyên sẵn có. Càng ngày, người ta càng nhận ra rằng họ có thể thu lượm kiến thức mới ở một giai đoạn muộn hơn giai đoạn học tập cổ truyền. Ðàn ông cũng như đàn bà, đặc biệt khi được người phối ngẫu giúp đỡ, có thể theo học những khóa học lần đầu tiên khi đã ngoài ba mươi. Nhiều bà vợ lần đầu tiên đi học đại học khi các con đã lớn khôn. Những sinh viên lớn tuổi này giáp mặt với các môn họ chọn một cách khá khôn ngoan thực tiễn và họ phối hợp được cái học khoa bảng với những kiến thức thực tiễn của cuộc đời làm cho họ trở thành những sinh viên khá thành công.

Cuối cùng, giống nhu việc chữa lành các vết thương, cái khôn có thể là sản phẩm của một sự thông tuệ bất thần đến như tia chớp trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong giấc ngủ, trong chiêm bao hoặc trong một buổi suy niệm thâm trầm nào đó. Sự thông tuệ này không phải chỉ vợ chồng mới có, nhưng vợ chồng có cái thuận lợi là chia sẻ trực tiếp và trắc nghiệm nội dung những thông tuệ đó với người bạn đời của mình.

TĂNG TRƯỞNG XÚC CẢM

Những thay đổi chính trong nhân cách có ảnh hưởng đáng kể đối với liên hệ hôn nhân chính là những thay đổi từ lệ thuộc qua tự lập, từ việc mơ hồ về bản sắc qua việc dị biệt hóa được bản sắc ấy, và từ việc tự ruồng bỏ mình qua việc tự qúy trọng mình.

LỆ THUỘC

Ðứa trẻ đang lớn lên, các thiếu niên và thanh niên, một khi đã thực hiện được đầy đủ sự tăng trưởng về thể lý và tri thức, là đã gia nhập vào thế giới người lớn. Nhưng sự phát triển của họ về xúc cảm thực ra vẫn chưa đầy đủ. Sự lệ thuộc là một trong những nét chính của tuổi thơ. Lúc đó, đứa trẻ lệ thuộc về thể lý, xã hội, tri thức, xúc cảm và tâm linh. Lệ thuộc về thể lý và tri thức sẽ thoái lui khi các tài nguyên thể lý và tri thức ở mức trưởng thành đã đủ để con người có thể lo liệu được đời họ. Các tài nguyên xã hội và xúc cảm, trái lại, không hẳn đi cùng nhịp với các lãnh vực phát triển ấy. Những người trẻ sẽ phải rời bỏ gia đình và đặt mình vào môi trường xã hội mới và làm quen với nó. Sau khi kinh qua một số khung cảnh xã hội mới, các kĩ năng xã hội mới được phát triển đầy đủ tại nơi làm việc, với bè bạn và trong lúc vui chơi để xử lý được các đòi hỏi trên.

Sự tăng trưởng về xúc cảm xẩy ra theo mức độ nhanh chậm khác nhau nhưng thường là khá sau những phát triển khác. Sự phát triển từ lệ thuộc qua tự lập thường xẩy ra ở thập niên đầu của hôn nhân với những hệ lụy rất rõ nét đối với liên hệ vợ chồng. Căn bản, ta thấy một hoặc cả hai người phối ngẫu cứ tiếp tục cảm nhận người kia như khuôn hình cha mẹ. Chồng nhìn lên vợ như một người mẹ, hoặc vợ nhìn lên chồng như một người cha. Ðôi khi cha mẹ thật không thân thiết hoặc gần gũi, nên họ đã tôn người phối ngẫu thành hình ảnh lý tưởng hóa đầy yêu thương thân thiết thay thế cha mẹ mình.

Sự lệ thuộc có nghĩa người phối ngẫu ấy sử dụng người bạn đời như một thứ gậy đỡ hay một thứ nạng chống. Họ để cho bạn quyết định, không bao giờ đưa sáng kiến mà chưa được phép, ý nghĩ nào, hành vi nào, tư tưởng nào cũng phải được chấp thuận, và những điều này đều phải rập khuôn theo người kia. Phần lớn đời sống của người lệ thuộc đều phải được chỉ bảo hướng dẫn bởi người bạn đời là người điều hành những chuyện thiết thân cho cả hai. Sự lệ thuộc như thế thường cho thấy vợ chồng rất gần gũi nhau. Một sự gần gũi được những nhà chuyên môn gọi là liên hệ cộng sinh. Hai người sống như thể chỉ là một và cái một ấy phần lớn là chính nhân cách của người trổi vượt kia.

Nhưng với thời gian, sự lệ thuộc sẽ giảm đi. Sự chín chắn bắt đầu xuất hiện và người lệ thuộc dần dần tỏ ra ít lệ thuộc hơn vào người phối ngẫu. Giờ đây họ sẵn sàng suy nghĩ, cảm nhận, xem sét, hành động, chấp nhận may rủi theo quan điểm riêng của mình. Bước quan trọng là họ không còn thấy sợ khi thấy mình sai và có khả năng rút tỉa được điều hay từ những lầm lỗi của chính mình. Nỗi lo âu khi thấy mình sai không còn choáng ngợp nữa. Dần dà, cảm thức tự do khởi sự thấm sâu vào nhân cách và hậu quả là người lệ thuộc ngưng không còn lý tưởng hóa và răm rắp đi theo người bạn đời, trái lại họ bắt đầu biết phân định ranh giới, phát triển lòng can đảm và sức mạnh để đứng vững trên chính hai chân mình và biết sử dụng đến chính các tài nguyên sẵn có của mình. Những thay đổi này sẽ tác động mạnh đến liên hệ hôn nhân, một là tăng cường nó hai là bẻ gẫy nó. Người phối ngẫu xưa nay vẫn cư xử như cha mẹ giờ đây cần phải thích ứng theo liên hệ bình đẳng giá trị. Phần lớn các cặp vợ chồng có thể làm được điều ấy, nhưng không ít người thấy mình khó từ bỏ được cái tư cách đứng đầu và cái cơ cấu quyền hành cũ, cho nên những tranh chấp nghiêm trọng có thể xẩy ra.

MƠ HỒ VỀ BẢN SẮC

Sở dĩ sự lệ thuộc xúc cảm còn được duy trì lý do một phần là vì vợ hoặc chồng vẫn chưa ý thức rõ rệt về chính bản sắc của mình. Họ chưa ý thức rõ về các tài nguyên và tiềm năng làm việc, về nữ tính hoặc nam tính, về các ưu tiên liên quan đến việc kiếm sống hoặc hưởng đời, về các giá trị tâm linh, các cam kết đối với cha mẹ, bằng hữu, đồng nghiệp, và, trên hết, về ý nghĩa cuộc đời. Nhiều người trẻ sẽ đối đầu và thách thức: "Cho tôi hay tại sao tôi phải tiếp tục sống?" (6)"Tất cả những điều ấy có nghĩa lý gì không?" Một trong những nguy hiểm là trong tình huống mù mờ vế bản sắc ấy, một số người đi lấy vợ lấy chồng với hy vọng rằng chiếc nhẫn cưới trên ngón tay sẽ đem đến cho họ một bản sắc xã hội của những người đã lập gia đình, và bản sắc này, ít ra, cũng đảm bảo cho họ một chỗ đứng trong cộng đoàn.

Dần dần, sự mơ hồ này sẽ bắt đầu được soi sáng. Sau một số thử nghiệm từ những việc làm khác nhau, một cái gì đó bắt đầu có ý nghĩa và ăn khớp với các đặc điểm của nhân cách. Từng chút từng chút, họ có thể chấp nhận dục tính của mình và hân hoan về sự hiện diện của nó. Có thể họ đã bước vào hôn nhân trên căn bản may mắn tìm được người chịu lấy mình, giờ đây họ nhận ra một số giá trị của riêng mình và cảm thấy họ đáng được một nhân cách phong phú hơn làm người bạn đường. Các giá trị tâm linh của họ liên quan đến các theo đuổi vật chất đối nghịch với các đeo đuổi thẩm mỹ, khả năng giữ lòng thủy chung với bằng hữu, biết trân qúy họ, biết quan tâm đến phúc lợi của họ, tất cả giờ đây trở thành rõ ràng hơn. Từng bước từng bước, ý nghĩa và giá trị cuộc đời bắt đầu mặc lấy một trật tự nào đó, với cảm thức về cõi nội tại (immanent), về cái ở đây và bây giờ, và cõi siêu việt cũng bắt đầu đóng một vai tuồng quan trọng trong cuộc sống của cá nhân.

Diễn trình dị biệt hóa trên đây, xẩy ra bên trong bản ngã nhằm sắp xếp và chấp nhận ý nghĩa của thân xác và phái tính tính dục, trí hiểu với các tiềm năng của nó, các mối liên hệ với những mức độ cam kết khác nhau và việc trồi lên ý nghĩa cuộc đời như một cái gì bản ngã mình sở hữu được, chính là diễn trình tăng trưởng từ tình trạng mù mờ về bản sắc qua tình trạng tự chiếm hữu được bản thân mình. Diễn trình dị biệt hóa này hiển nhiên mang ý nghĩa cuộc hôn nhân có thể bị bác khước như là nguồn duy nhất đem lại ý nghĩa. Nó là một phát triển đòi hỏi gắt gao nơi vợ chồng nhiều khả năng để thích ứng với nhau, vì trong quá trình phát triển này, nhân cách thay đổi rất nhiều và ở một vài trường hợp nhân cách của những người kết hôn thay đổi một cách toàn diện sau khi lấy nhau. Cho nên vợ chồng cần phải thích ứng đối với những biến đổi theo ngày tháng của nhau và chả có gì đáng ngạc nhiên khi những thay đổi lớn lao ấy không còn thuận lợi cho việc tiếp tục cuộc hôn nhân nữa.

TỰ QUÍ TRỌNG MÌNH

Việc lệ thuộc người khác, đi đôi với hiện tượng mù mờ về ý nghĩa cuộc đời, đôi bên cộng lại thành ra cảm thức tự ti mặc cảm. Những người như thế thấy mình trống rỗng và hoang mang và thế giới bên trong của họ không ngừng phát ra những tín hiệu bất ổn. Khi một con người bắt đầu dứt ra khỏi ảnh hưởng của lệ thuộc và khởi sự chiếm hữu được bản thân, lòng tự quí trọng mình sẽ lớn lên. Giờ đây, họ cảm nhận rõ những biên giới giữa họ và người khác và không còn sợ bị cuốn hút vào quĩ đạo của mẹ cha, chồng con hay bạn bè lướt thắng. Lòng quí trọng này có nghĩa là mỗi lúc họ một ý thức được hơn các tài nguyên riêng của mình và có thể khởi đầu diễn trình hiến đi một phần bản thân mình, trong và qua tình yêu người khác. Và họ cũng bắt đầu tiếp nhận các tín thư yêu thương từ người khác.

Diễn trình thay đổi từ lệ thuộc qua tự lập, từ mơ hồ qua nhận rõ bản sắc, từ tự từ khước mình qua tự chấp nhận mình có thể tiếp diễn từ tuổi hai mươi, xuyên suốt qua tuổi bốn mươi và đôi khi cả tuổi năm mươi nữa. Ðây là những thay đổi có tác động sâu xa đối với cuộc hôn nhân, vì liên hệ vợ chồng phải thay đổi nếu nó muốn có chỗ cho việc trồi lên của bản ngã người phối ngẫu. Những thay đổi ấy được chấp nhận và thích ứng trong suốt cuộc sống vợ chồng là cuộc sống sẽ được thăng tiến nhờ cuộc hội ngộ của những người bình đẳng, những người giờ đây biết đối thoại với nhau trên căn bản ngang hàng nhau trong yêu thương. Như nhiều người chờ mong, và như sẽ được bàn rộng ở chương 11, những thay đổi này vì có có khả năng biến đổi cuộc hôn nhân thì cũng có khả năng tiêu diệt nó, nếu một trong hai người phối ngẫu thấy không thể thay đổi và không thể chấp nhận được sự thay đổi nơi người bạn đời của mình.

TĂNG TRƯỞNG VỀ TÌNH CẢM

Phần chủ yếu trong đời sống tình cảm là khả năng của hai vợ chồng biết nhận ra, cần đến và đánh giá lẫn nhau. Sự kiện ấy đã được nhắc đến trên đây. Ðó là một trong những tầng sâu nhất của tình yêu, nó đòi có kỷ luật, cố gắng và hy sinh mới đạt tới được. Nhưng làm thế nào để diễn trình thâm hậu hóa tình yêu này xẩy ra? Có một vài khía cạnh trong thuật thông đạt tình cảm có thể làm gia tăng khả năng yêu thương. Ðó là các diễn trình lắng nghe, đáp trả, giảm thiểu chỉ trích, gia tăng khẳng nhận, và tha thứ bằng hàn gắn thích hợp.

LẮNG NGHE

Lắng nghe cẩn trọng là một n