Chúc Mừng Thượng Phụ Karekin II nhân dịp kỷ niệm đệ thập chu niên ngày ngài được bầu lên.

VATICAN, Ngày 27, tháng 10, 2009 (Zenit.org).- Mối tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Armenia đang hưởng thụ một thời kỳ có kết quả, và Đức Thánh Cha Benedict XVI hy vọng rằng cả hai giáo hội sẽ tiếp tục tăng trưởng trong sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha viết như vậy trong một điện văn gửi cho Thượng Phụ Tối Cao của tất cả mọi người Armenian là Karekin II, nhân dịp kỷ niệm đệ thập chu niên ngày ngài được bầu lên.

Trong điện văn, Đức Thánh Cha cám ơn Thượng phụ Karekin II về sự “cam kết cá nhân của ngài cho việc đối thoại, hợp tác và thân hữu giữa Giáo Hội Tông Truyền Armenia và Giáo Hội Công Giáo. Tôi cầu nguyện cho mối giao hữu đã được thiết lập giữa chúng ta có thể tiếp tục tăng trưởng trong những năm sắp tới."

Đức Thánh Cha viết, "Việc phục hồi sự tự do của Giáo Hội tại Armenia vào cuối thế kỷ vừa qua đã đem lại niềm hân hoan cho tất cả mọi Kitô hữu trên toàn thế giới.” Ngài cũng nhắc rằng, “trách vụ to lớn trong việc tái thiết cộng đồng giáo hội nằm trên vai của Thượng Phụ."

Từ năm 1915 đến 1922, Giới Trẻ Thổ Nhĩ Kỳ -- một phong trào giáo dân quốc gia nắm quyền bính tại Thổ Nhĩ Kỳ -- tru diệt các Kitô hữu Armenia vì các lý do chủng tộc và tôn giáo. Trong dân số 2 triệu 600 ngàn người Armenia đang sống vào lúc Đế Quốc Ottoman gần rẫy chết, thì có gần 1 triệu 400 ngàn người bị tiêu diệt.

Trong điện văn, Đức Thánh Cha bầy tỏ niềm vui vì “sự triển nở của các chương trình mới về nền giáo dục Kitô cho giới trẻ, việc đào tạo các linh mục, việc thành lập các giáo xứ mới, việc xây cất các nhà thờ và trung tâm cộng đồng mới, cũng như việc cổ võ cho các giá trị Kitô giáo trong đời sống xã hội và văn hóa của quốc gia này."

Đức Thánh Cha Benedict XVI chấm dứt điện văn với lời nguyện: “Chớ gì chúng ta có thể luôn luôn trở nên hiệp nhất hơn trong mối liên kết thiêng liêng của đức tin, đức cậy và đức mến Kitô giáo."

Giáo Hội Tông Truyền Armenia là một trong sáu giáo hội Chính Thống Đông Phương xưa cổ. Các giáo hội khác gồm có Giáo Hội Chính Thống Coptic Ai Cập, Giáo Hội Chính Thống Syro ở Antioch, Giáo Hội Chính Thống tại Ethiopia, Giáo Hội Chính Thống tại Eritrea, và Giáo Hội Chính Thống Syro tại Malankar.

Các giáo hội này tách ra khỏi Rôma sau Công Đồng Thứ Tư Chalcedon năm 451, vì vấn đề mâu thuẫn trong việc Công Đồng chấp nhận ngôn ngữ Kitô Học về hai bản thể trong một ngôi vị.

Một bước tiến quyết định đã được thực hiện để vượt thắng sự chia rẽ này năm 1996, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Thượng Phụ Karekin I đồng ký một bản tuyên ngôn để giải trừ “nhiều sự hiểu nhầm phát xuất từ các mâu thuẫn và bất đồng ý kiến trong quá khứ."