Ấn Độ: Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Giáo Hội ở bang Arunachal Pradesh

John Thomas Kattrukudiyil (ảnh), Giám Mục Giáo phận Itanagar, trả lời phỏng vấn

ROMA – Nằm ở miền đông bắc của Ấn Độ, nơi các tôn giáo truyền thống tự duy trì trong sự sợ hãi, Giáo Hội Công Giáo có thêm trung bình 10.000 người rửa tội mỗi năm, bất chấp luật chống chuyển sang tôn giáo khác. Trong khi các nhà truyền giáo bị trục xuất trong nhiều thế kỷ ở bang Arunachal Pradesh, chính giáo dân đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng ở bang này trong 30 năm qua. Nhưng ngày nay, "mọi người đều biết rằng khu vực Đông Bắc Ấn Độ mang ơn nhiều các nhà truyền giáo”, Đức Giám mục John Thomas Kattrukudiyil khẳng định như thế. Vị mục tử của Giáo Hội trẻ này có hai ưu tiên: giáo dục cho người nghèo và dạy giáo lý.

Ông Mark Riedemann đã phỏng vấn Đức Cha John Thomas Kattrukudiyil, Giám mục Giáo phận Itanagar, thủ phủ của bang Arunachal Pradesh, cho chương trình truyền hình hàng tuần "Nơi Thiên Chúa khóc", thuộc Mạng lưới Công Giáo Truyền hình và Truyền thanh (CRTN), cùng cộng tác với tổ chức quốc tế "Trợ giúp Giáo Hội khốn khó” (AED).

Mark Riedemann - Kể từ thập niên 70, Giáo Hội Công Giáo đã phát triển mạnh ở vùng đông bắc Ấn Độ, bây giờ đạt đến một con số khoảng 200.000 người. Nhờ gì mà có sự phát triển ngoạn mục này của đức tin Công giáo?

Đức Giám mục Kattrukudiyil - Đây là một hiện tượng đã làm ngạc nhiên Giáo Hội, chính phủ, tất cả mọi người. Lý do đầu tiên mà tôi có thể nói là sự mong muốn của những người trẻ tuổi ở Arunachal Pradesh để hưởng các lợi ích về hoạt động từ thiện của các nhà truyền giáo Công giáo. Họ đã nhìn thấy việc làm tốt của các nhà truyền giáo, và do các nhà truyền giáo không được phép làm việc ở Pradesh Arunacha, họ tự nhủ: “Vâng, chúng ta hãy đi ra ngoài và mời họ." Dần dà, họ đã được rửa tội và trở thành Kitô hữu, người Công giáo. Một yếu tố khác là các người trẻ này không thích các thực hành tôn giáo truyền thống. Ví dụ, họ phải dâng nhiều của lễ khi có người ốm đau. Việc này là khá tốn tiền, và vì tôn giáo truyền thống tôn giáo luôn buộc họ phải tặng nhiều lễ vật như thế, cuối cùng họ quay sang tôn giáo mới, là Kitô giáo, vì tôn giáo này chỉ yêu cầu họ cầu nguyện với Chúa Giêsu mà thôi.

Chúng ta có thể nói rằng các tôn giáo truyền thống được dựa trên sự sợ hãi không?

-Vâng, chủ yếu là dựa trên sự sợ hãi. Người ta tin rằng có nhiều thần dữ, các thần này kiểm soát cuộc sống của họ và người ta phải dành thời gian để làm xoa dịu các thần ấy. Và làm thế nào để xoa dịu các thần, ví dụ, trong một khu vực không có dịch vụ chăm sóc y tế? Bằng cách dâng cúng nhiều động vật, càng nhiều càng tốt. Khi có người bệnh, người đứng đầu tôn giáo truyền thống của làng nói với họ rằng đó là vì một thần dữ, và họ phải dâng cúng 10 con Mithun (tức bò rừng), hay năm con heo hoặc 10 con bò cái. Đối với một ngôi làng, việc này cần tới hàng trăm hoặc hàng ngàn con vật, và đó là một trọng lượng rất lớn. Một khi họ đã nhìn thấy có sự thay thế, ngay lập tức họ sẽ đi theo. Đặc biệt là nếu người ta giới thiệu với họ Thiên Chúa là người Cha yêu thương chúng ta, điều này trái ngược với các thần dữ chỉ ở đó để đe dọa và bức hại chúng ta. Tôi nghĩ rằng đó là một sự khác biệt lớn.

Xin Đức Cha nói về sự tăng trưởng phi thường, nếu người ta nhận ra rằng, ở bang Arunachal Pradesh và các bang khác của vùng đông bắc Ấn Độ, có một luật chống chuyển sang tôn giáo khác. Luật này là gì và tại sao người ta đi đến luật ấy?

- Luật chống chuyển sang tôn giáo khác không chỉ có ở vùng Đông Bắc như ở Arunachal Pradesh, mà còn ở các bang khác như Orissa và Pradesh. Làm thế nào người ta đi đến luật này? Luật này được dựa trên sự lo sợ, trong một phần dân số Ấn Độ, rằng Kitô giáo sẽ lan rộng khắp cả Ấn Độ. Đây là một nỗi lo sợ vô căn cứ, nhưng có lẽ nó được sử dụng như là một lập luận chính trị để đạt được quyền lực. Có những người Ấn giáo kích động tình cảm của đa số người Ấn giáo, nói rằng họ đang gặp nguy hiểm trong ý tưởng qui tụ mọi người Ấn giáo dưới một bộ máy chính trị duy nhất, và làm cho nó thành một quyền lực chính trị. Đây có lẽ là mặt chính trị của toàn bộ vấn đề, bởi vì không thể tưởng tượng rằng các Kitô hữu, chỉ chiếm không quá 2% dân số, làm sao có thể là một mối đe dọa đối với một nước lớn như Ấn Độ được.

Trong sự thiếu hụt linh mục, chính giáo dân đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng ở Arunachal Pradesh sao?

-Vâng, nhất là phụ nữ. Một linh mục đã xây dựng một vùng truyền giáo ở sát ranh giới của Arunachal Pradesh, gần quảng trường chợ. Cha đã gặp một số phụ nữ Arunachal và mời họ làm việc truyền giáo. Những người này đã rất hạnh phúc khi gặp một người nào đó để nói chuyện! Trong khi phụ nữ buôn bán ở chợ, vị linh mục nói chuyện với họ và đã học được một vài từ trong ngôn ngữ của họ. Họ tin tưởng cha. Cha giải thích cho họ nghe về đức tin của mình. Họ đã đồng ý và nhiều người trong số họ đã được rửa tội trước khi trở về ngôi làng của họ. Cha cũng nói với họ rằng con cái của họ có thể đến và học đọc học viết. Vì vậy, họ đưa con cái của họ đến khu truyền giáo, và cha đưa các em đến trường học chữ. Cuối cùng, khu truyền giáo trở thành một trung tâm chuẩn bị cho lễ rửa tội. Nhiều người nói: "Tôi sẽ đi Harmuti để được rửa tội", họ đã đi, ở đó một hoặc hai ngày, đã được rửa tội và sau đó trở về làng của họ.

Đóng góp quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Arunachal Pradesh là gì?

-Chính phủ và người dân bộ lạc chấp nhận chúng tôi vì sự đóng góp của chúng tôi trong lĩnh vực giáo dục. Mọi người đều biết rằng khu vực Đông Bắc mang ơn các nhà truyền giáo, vì một phần lớn các người có học thức đều đã học trường của chúng tôi.

Trong thực tế, nhiều người hiện nay nắm giữ các chức vụ lãnh đạo đều học trường Công giáo sao?

-Trong số những người khởi xướng luật chống chuyển đổi tôn giáo, nhiều người có con hoặc cháu đang học ở các trường Công giáo. Họ nói: "Vâng, vâng, chính các nhà truyền giáo xây dựng trường học cho chúng ta, chứ không cho người nghèo, bởi vì họ có thể trở lại đạo”. Họ muốn duy trì các người nghèo trong sự ngu dốt. Họ chỉ muốn sử dụng các cơ sở của Giáo Hội cho họ mà thôi.

Chỉ cho nhu cầu riêng của họ thôi sao?

-Vâng, trong thực tế, xu hướng này là nhạy cảm giữa một số nhóm người ưu tú ở bang Arunachal Pradesh. Họ hỏi tôi: "Thưa Đức Cha, tại sao các ngài lãng phí thời giờ để mở trường học ở các làng mạc xa xôi làm chi? Ngài có một ngôi trường xinh đẹp ở Itanagar rồi. Ngài hãy đặt tất cả các nguồn lực vào đó; hãy bắt nộp học phí rất cao, và chúng tôi gửi con em chúng tôi đến học." Nhưng tôi trả lời họ: "Không, không phải là vì lý do này mà tôi có mặt ở đây. Tôi muốn mở trường học ở làng xa nhất, chứ không phải ở đây trong thành phố."

Đức Cha có thể nói là giai đoạn đầu của truyền giáo đã qua rồi, hoặc là chúng ta vẫn còn ở giai đoạn đầu không?

-Việc mở rộng nhanh chóng của Giáo Hội đã chậm lại. Bằng cách nào đó, với thời gian, các nhà truyền giáo đến, các định chế của Giáo Hội được thành lập, giai đoạn nhanh chóng này đã chậm lại, nhưng tôi tin rằng sự kích thích Giáo Hội vẫn luôn còn đó, và người ta tiếp tục đến với Giáo Hội. Bây giờ, chúng ta phải nhấn mạnh đến sự bén rễ với việc dạy giáo lý, và điều này đặt ra các thách thức đặc biệt: khu vực truyền giáo ở xa làm cho các dân làng khó đến, và còn vấn đề ngôn ngữ nữa, với mọi thứ tiếng địa phương; tất cả các linh mục không thể học tất cả các ngôn ngữ địa phương được, vì vậy chúng tôi cần người phiên dịch và các giáo lý viên giáo dân. (ZENIT.org 10-2-2012)

Nguyễn Trọng Đa