Bài Tin Mừng Luca 8:16-18: dụ ngôn cây đèn

16“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ



Chú thích

Chẳng có ai đốt đèn. Luca bỏ cụm từ dẫn nhập trong Máccô “Người nói với các ông” và thay đổi lối trình bầy thiếu trang nhã của Máccô, bỏ đặt câu nói thành câu hỏi (Mc 4:21: Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?).

Rồi lấy hũ che đi. Luca cũng dùng chữ “hũ” (skeuos) thay vì “thùng hay đấu” (modion) như trong Mc 4:21 có lẽ hay hơn vì theo Cha Fitzmyer, “skeuos” nghĩa rộng hơn “modion”, nó có thể chỉ bất cứ dụng cụ nào, hoặc hũ hoặc lọ; đặt nó vào “skeuos” có lẽ là cách dễ dập tắt nó.

Để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Đoạn song hành trong Máccô và Mátthêu không có câu này. Có thể vì Luca nghĩ đến căn nhà có hành lang, một kiểu nhà không có mấy tại Palestine nhưng rất thông thường trong thế giới La Hy hồi đó.

Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện. Câu này được nối với câu trước bằng chữ “vì”. Tuy nhiên, Luca đơn giản hóa câu khá vụng về của Máccô “để được” bằng chữ “mà”. Câu nói này nối với câu trước một cách lỏng lẻo bởi việc liên kết 3 nhóm tương phản: ánh sáng/bóng tối, bí ẩn/hiển hiện, che dấu/biết.

Hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Trong khi Máccô viết: “Hãy để ý tới điều anh em nghe” (Mc 4:24) thì Luca nhấn mạnh đến “cách thức anh em nghe” điều mà Luca đã đề cập ở 8:12, 15.

Ai đã có, thì được cho thêm. Tự nó, câu này phản ảnh sự khôn ngoan thực tiễn về của cải. Tuy nhiên, trong đồng văn của Luca, nó không liên hệ gì tới tiền bạc hay của cải vật chất. Nó liên hệ tới câu nói trước, ai nghe lời một cách hữu ích sẽ được lợi nhiều hơn; ai nghe một cách hững hờ sẽ mất ngay cả điều xem ra họ đã có.

Cái họ tưởng là có. Luca dùng kiểu nói này làm phức tạp cho việc hiểu câu nói. Máccô chỉ đơn giản nói là: “ngay cái đang có”. Ý của Luca muốn nhấn mạnh tới giá trị biểu kiến của sở hữu chứ không phải sự sở hữu biểu kiến chúng.

Nhận định

Cha Fitzmyer cho rằng dụ ngôn cây đèn tiếp tục dụ ngôn người gieo hạt giống. Nhưng thoạt mới đọc, người ta thấy hai dụ ngôn này dường như là hai dụ ngôn biệt lập, không ăn uống gì với nhau cả. Chính Cha Fitzmyer cũng cho rằng các câu 8:16-18 là một loạt ba lời nói của Chúa Giêsu, phần lớn thuộc ba nguồn độc lập lẫn nhau, được nối kết với nhau. Tuy nhiên, ở đây, Luca, theo gương Máccô, đã gắn những lời nói này vào việc giải thích dụ ngôn người gieo hạt giống. Có điều, ngài bỏ hai dụ ngôn trong Máccô, tức dụ ngôn hạt lúa âm thầm mọc lên (4:26-29) và dụ ngôn hạt mù-tạt (4:30-32) và câu kết luận (4:33-34), người ta thắc mắc tại sao ngài lại giữ dụ ngôn cây đèn. Việc ngài giữ lại dụ ngôn này cho thấy rõ không những ngài lệ thuộc Máccô ở điểm này mà cả quan tâm của ngài muốn liên hệ các lời nói này gần gũi với phần này của Tin Mừng của ngài. Vì không những ngài bỏ cụm từ dẫn nhập thông thường của Máccô “Người nói với các ông” nhưng ngài còn nối chúng với câu 8:15 bằng liên từ de [δὲ=bởi chưng] (1) và du nhập liên từ gar [γὰρ=vì] ở câu 8:18b để nối kết tư liệu gần gũi với nhau hơn. Để bảo đảm có sự nhất quán chặt chẽ hơn, Luca đã bỏ 2 câu nói trong Máccô: 4:23 (ai có tai thì hãy nghe) và 4:24b (Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em).

Ba câu nói Luca dùng ở đây cũng xuất hiện ở nơi khác trong Tin Mừng của ngài tuy dưới hình thức hơi khác: câu 16 có song hành ở 11: 33 (Chẳng có ai đốt đèn lên rồi đặt vào chỗ khuất hoặc dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng); câu 17 là một hình thức của câu 12:2 (Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết); và câu 18b-c là một hình thức của câu 19:26 (Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi). Các câu trong tình tiết này là lấy theo Máccô trong khi các câu kia là lấy của nguồn “Q”.

Câu đầu tiên nói tới việc đừng che dấu chiếc đèn đã đốt. Câu thứ hai nói về việc các điều bí ẩn trở thành hiển hiện và câu thứ ba nói về việc người đã có thì được cho thêm. Thoạt nhìn, chúng có vẻ như đương nhiên. Nhưng theo Cha Fitzmyer, chúng phải được hiểu trong đồng văn Luca nghĩa là việc Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa, vốn đã bắt đầu với câu 8:4.

Trong đoạn trước, Luca từng tương phản các người nghe cách “vui vẻ” (câu 13) với những người nghe “với tấm lòng cao thượng và quảng đại”, và với lòng “kiên trì”(câu 15). Bây giờ, ở câu 18a, ngài viết “hãy để ý tới cách thức anh em nghe” quả đã tiếp nối những lời trên. Ngài bỏ dụ ngôn hạt lúa mọc âm thầm có lẽ là vì nó gây trở ngại cho việc nhấn mạnh ngài đặt vào cách lắng nghe lời Thiên Chúa.

Các câu nói, vì thế, dùng để nêu bật cách người ta nên lắng nghe Lời Thiên Chúa. Câu 16 nhấn mạnh tới việc ta không nên đốt đèn rồi dấu nó đi, mà phải đặt nó trên đế để nó chiếu sáng căn phòng. Và câu 17, liên kết chặt chẽ với câu 16, giải thích rằng điều bí ẩn sẽ hiển hiện; kết quả của bí ẩn là một ngày kia sẽ trở thành hiển hiện. Việc tỏ hiện này được nối với lý do tại sao người ta đốt đèn và đặt nó lên đế... Việc đốt đèn này dĩ nhiên mô tả tác phong của môn đệ Chúa Kitô: lối lắng nghe lời Thiên Chúa của họ phải mang lại hoa trái... Các hồng ân ban cho người môn đệ biết các điều bí ẩn về Nước Trời được Thiên Chúa dự liệu loan truyền cho mọi người.

Một tác giả khác (http://www.thespiritualdumbbell.com/blog/luke/the-parable-of-the-lamp-luke-816-18/), cho hay cả dụ ngôn này lẫn dụ ngôn người gieo hạt giống đều nói về Lời Chúa. Dụ ngôn này muốn nói tới việc ta phải làm gì với Lời Chúa ấy khi đã nhận được nó. Nó cần được chia sẻ và càng chia sẻ ta càng nhận được nhiều thông sáng hơn về Nước Thiên Chúa.

Đó cũng là nhận định của một tác giả khác (https://reformedbaptistblog.com/2014/04/25/parable-of-the-lamp-luke-816-18-teaching-outline/) khi cho rằng dù Chúa giải thích riêng cho các môn đệ ý nghĩa của dụ ngôn, nhưng các môn đệ không nên giữ cho riêng mình việc giải thích này. Trái lại trong tư cách ánh sáng thế gian, họ phải thông đạt cho người khác. Như Người đã dạy ở câu 15: “nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. Hai việc tuân giữ và chia sẻ Lời Chúa phải đi song song với nhau, y như việc đốt đèn rồi để trên đế. Ta cũng nên nhớ lại trong Mátthêu 10:27, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi rao giảng, Người nói với các ông: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng”.

Về câu 18, tác giả này lưu ý tới lý do Chúa Giêsu nêu ra để khuyên ta nên chú ý tới cách lắng nghe lời Thiên Chúa. Lý do tích cực: “ai đã có, thì được cho thêm”. Ở đây Chúa Giêsu có ý nói đến những người “ai có tai thì hãy nghe” ở câu 8 và những người lắng nghe “với tấm lòng cao thượng và quảng đại” ở câu 15, họ sẽ nhận được nhiều chân lý hơn nữa. Như thế, những người thực sự sở hữu chân lý trong tâm hồn, dù ít ỏi bao nhiêu, cũng hãy tin rằng họ sẽ được ban cho thêm.

Lý do tiêu cực: “còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”. Ở đây, chắc chắn Chúa Giêsu nghĩ đến ba loại đất xấu trong dụ ngôn người gieo hạt giống. Trong mỗi trường hợp này, những người đại diện cho các loại đất khác nhau dường như có được Lời Chúa chỉ để sau đó bị lấy đi mất. Họ không phải là những người biết lắng nghe lời Thiên Chúa, thiếu hăng say đối với lời Thiên Chúa thành thử không sinh hoa trái...
_________________________________________________________________________
(1) Các bản dịch tiếng Việt kể cả bản dịch của Nhóm PVCGK không lưu ý tới liên từ này.