Bài Tin Mừng Luca 7: 24-30: Chúa Giêsu nói về Gioan Tẩy Giả

Khi những người ông Gioan sai đến đã ra về, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? 25Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. 26Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! 27Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!

28“Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. 29Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. 30Còn những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.


(Trích trực tuyến từ Kinh Thánh của Nhóm CGKPV)



Chú Thích

Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hàm ý Gioan đang ngồi tù vì bênh vực công lý, đâu phải là một cây sậy phất phơ trước gió. Điều này và sự tương phản tiếp theo chắc chắn có ý nói tới mối tương quan của Gioan Tẩy giả với phó vương Hêrốt (3:19).

Một vị ngôn sứ chăng? Việc Chúa Giêsu thừa nhận Gioan Tẩy giả là ngôn sứ đã liệt Ông vào Thời Kỳ Israel.

Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Điều này cho thấy rõ vai trò của Gioan Tẩy giả không giới hạn trong thừa tác vụ tiên tri; Ông không phải chỉ là một tiên tri của Thời kỳ Israel, mà là tiên tri vĩ đại nhất. Danh xưng này không phải chỉ có nơi Luca mà đã có trong truyền thống “Q”. Cái hơn của Gioan Tẩy giả được đề cập ở câu 27-28.

Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh. Công thức dẫn nhập này trước khi trích dẫn Cựu Ước cũng đã tìm thấy trong văn chương Qumran. Xem Tài liệu Cairo Damascus 1:13: “có những người mà về họ đã có lời chép trong sách Êdêkiel, ngôn sứ”.

Này Ta sai sứ giả của Ta. Trích dẫn này phần lớn là từ Malakhi 3:1 mà trong Bản Bẩy Mươi viết như sau: “Này, Ta sai sứ giả của Ta đi và ngài sẽ khảo sát đường đi trước Ta”. Bản Bẩy Mươi của Xh 23:20 cũng có thể ảnh hưởng tới câu trích ở đây: “Này, Ta sai sứ giả của Ta trước ngươi để ngài có thể giữ gìn ngươi trên đường”. Việc chuyển từ “Ta” tới “ngươi” là kết quả của việc thích ứng bản văn Cựu ước vào truyền thống Tin Mừng trong nguồn “Q”. Động từ kataskeuasei [dọn đường] trong câu 27c phản ảnh tốt hơn bản Hípri của Malakhi 3:1 hơn là động từ epiblepsetai của bản Bẩy Mươi và rất khác với phần cuối của Xh 23:20. Hơn nữa, “sứ giả” của đoạn này được hiểu như một thiên thần; ít có xác suất chỉ Gioan Tẩy giả. Nên phần lớn nó được hiểu là trích dẫn từ Malakhi 3:1, chịu ảnh hưởng một phần bởi Xh 23:20.

Mục đích của câu trích Cựu ước này là nhận diện Gioan như người đi trước của Chúa Giêsu, theo nghĩa trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan. Đây là lý do thứ hai của việc Gioan “còn hơn cả ngôn sứ nữa!” Vì xét về phương diện hoàn toàn trần thế, Gioan vẫn là người vĩ đại hơn cả. Sự trổi vượt của ông được quả quyết nhưng không được giải thích. Sinh từ một phụ nữ Do Thái (1:57), Gioan thuộc Israel xưa và không có người ngang hàng. “Lọt lòng mẹ” là kiểu nói của Cựu Ước chỉ việc thuộc loài người (Xem G 14:1; 15:14; 25:4). Nó được dùng chỉ Chúa Giêsu trong Gl 4:4.

Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. Câu này bị nhiều tác giả tranh cãi vì trong tiếng Hy lạp, hai tĩnh từ “nhỏ” [mikroteros] và “lớn” [meizōn] đều ở thể so sánh. Nhưng theo Cha Fitzmyer, trong tiếng Hy lạp phổ thông thời kỳ văn hóa Hy Lạp và là tiếng Hy Lạp dùng trong Kinh Thánh [Koine Greek], người ta không còn dùng thể cao nhất (superlative) nữa mà dùng thể so sánh thay thế, nên dịch là “nhỏ nhất” quả đúng hơn. Câu nói vì vậy quả quyết sự khác nhau giữa tư cách ở nước trời và tư cách tự nhiên của người ta: người nhỏ nhất trong nước trời lớn hơn cả Gioan, người vĩ đại nhất trong hàng phàm nhân.

Về họ. Cha Fitzmyer cho rằng một số thủ bản bỏ cụm từ này vì nó làm tối nghĩa bản văn. Vì thế, có tác giả nghĩ rằng cụm từ này để nhấn mạnh trách nhiệm của các người biệt phái và thông luật, nên đã dịch là “nhưng những người biệt phái và thông luật, họ, vì không muốn để mình được ông làm phép rửa, nên đã khước từ ý định của Thiên Chúa” (G. Gander, Verbum Caro 5 [1951] 141-144.

Nhận định

Cha Fitzmyer cho rằng đoạn này cũng có gần như y hệt trong Mt 11:7-11 chỉ khác là trong Mátthêu không có các câu song hành với các câu Lc 29-30. Chính vì thế, cha coi các câu 29-30 này có vấn đề. Một số tác giả coi chúng như là tiếp tục lời nói của Chúa Giêsu. Nhưng khó có thể giải thích như thế, cho bằng đây là bình luận của Luca.

Chứng từ của Chúa Giêsu rõ ràng liên kết Gioan Tẩy giả vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa; đây là ý chính không những của các câu chứng từ đúng nghĩa mà còn của nhận định thêm vào của Luca. Các câu hỏi tu từ trước nhất cho thấy Gioan không phải là gì, và vai trò của ông được gợi ý bằng cách tương phản với chúng. Rồi tuyên bố 3 điều của Chúa Giêsu về Gioan đã cho thấy rõ vai trò của ông. Ông quả là một “ngôn sứ” nghĩa là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Nhưng ông “còn hơn cả ngôn sứ nữa”, một điều được giải thích hai cách 1) bằng cách trích dẫn Malakhi 3:1, là đoạn văn không những mô tả Gioan như tiền hô của Chúa Giêsu mà (một cách mặc nhiên) còn như một Elias Redivivus (Êlia hồi sinh); và 2) bằng chính việc nhìn nhận của Chúa Giêsu rằng không phàm nhân nào, ngay các tiên tri Cựu Ước, cũng không lớn hơn Gioan.

Câu 27 cho thấy Chúa Giêsu minh nhiên nhận diện Gioan là tiền hô của Người. Chữ “Con” trong câu trích dẫn chỉ có thể hiểu là Chúa Giêsu. Người coi Gioan như sứ giả được gửi đến trước Người.

Tuy nhiên, câu 27 cũng ngầm cho thấy Chúa Giêsu muốn ám chỉ Gioan như Êlia và là Êlia Hồi Sinh (Elias redivivus), đồng hóa ông với vị sứ giả của Mk 3:1 và cuối cùng nhìn nhận ông là Êlia ở câu Mk 3:23.

Cha giải thích thêm như sau: ở Giai đoạn I của truyền thống Tin Mừng, Gioan Tẩy giả dường như đã nghĩ Chúa Giêsu như Elias Redivivus, “Đấng phải đến” trong vai trò người cải cách rực lửa. Chúa Giêsu xuất hiện và thi hành vai trò của Người như Đấng mang các hồng ân được hứa ban qua miệng ngôn sứ Isaia. Gioan Tẩy giả do dự và hoài nghi không biết Người có thực sự là “Đấng phải đến” hay không (7:19). Rồi Chúa Giêsu đảo ngược các vai trò: Gioan Tẩy giả là Elias Redivivus (7:27). Sau đó, vì Chúa Giêsu được thừa nhận trong truyền thống Tin Mừng (Giai đoạn II và III) như “Đấng được Xức Dầu” (Messiah) và vì Gioan Tẩy Giả đã được Chúa Giêsu nhận diện như người đến trước của Người và như Êlia (một cách mặc nhiên trong Luca), Êlia trở thành người đến trước Đấng Được Xức Dầu.

Luca không biết gì về việc minh nhiên đồng nhất hóa Gioan với Êlia (như Mt 11:14); việc đồng nhất hóa này chỉ có nơi Mátthêu. Luca cũng bỏ cả đoạn nói đến việc đến của Êlia tại Mc 9:9-13, dù ngài biết việc đồng nhất hóa này ở 1:17 nghĩa là ở trình thuật tuổi thơ được viết với lối nhìn trở lui.

Các câu thêm vào 29-30, theo cha Fitzmyer, là để tóm lược phản ứng của “mọi người” trong đó có những người thu thuế đối với chứng từ của Chúa Giêsu về Gioan. Phản ứng của họ cung cấp bối cảnh để phán định phản ứng của biệt phái và các nhà thông luật. Như thế, Luca muốn nêu ra việc nhà cầm quyền Israel đi ngược lại quần chúng nhân dân của họ, những người bị họ khinh thường.

Nói về Gioan Tẩy Giả, Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_24-30/) cho rằng Gioan Tẩy Giả có nhiều cái nhất. Cái nhất đầu tiên: ông là ngôn sứ đầu tiên sau 400 năm không có ngôn sứ nào ở Israel. Thiên Chúa “im lặng” trong suốt thời gian này. Ông cũng là ngôn sứ đầu tiên được tiên báo. Và cái nhất thứ ba: ông là người dọn đường cho Chúa Giêsu và còn hiện diện cho tới khi Đấng Xức Dầu xuất hiện. Tất cả các ngôn sứ khác đều mong đợi Đấng Xức Dầu nhưng đều đã chết mà không được gặp Người.

Ông quả là tiên tri vĩ đại nhất. Nhưng kẻ nhỏ bé nhất của Nước Trời vẫn vĩ đại hơn Gioan. Nhưng làm sao vào được nước trời ấy? Myers bảo chỉ có cánh cửa duy nhất để ta vào được nước ấy là Chúa Giêsu Kitô. Trong Ga 10:9, chính Chúa Giêsu nói “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”. Và trong Ga 14:6, Người quả quyết Người là đường duy nhất để vào được nước trời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.