Bài Tin Mừng Luca 7:36-50: Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều

36Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. 37Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

39Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” 40Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41Đức Giêsu nó: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43Ông Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”

44Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” 48Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” 49Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” 50Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.


(Trích theo bản Kinh Thánh trực tuyến của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Chú thích

Có người thuộc nhóm Pharisêu. Theo Josephus (Ant.18.1,2 §11), Pharisêu là một trong ba phái “triết học” của người Do Thái ở Palestine thời ông; đôi lúc, ông gọi họ là “giáo phái” (Ant. 13.5,9 §171). Họ bắt nguồn từ các nhà giải thích Tôra không phải là giáo sĩ thời hậu lưu đầy; nhưng hình như họ bắt đầu xuất hiện như một nhóm có tổ chức vào thời Macabê, có lẽ trước thời John Hyrcanus không lâu (Ant. 13.5,9 §171). Chữ Hy Lạp pharisaioi có lẽ là phiên âm chữ perisaye của tiếng Aram, có nghĩa là “biệt phái”, có thể do người khác dùng chỉ về họ vì họ khá khác với người ta. Nó có thể dùng để chỉ thái độ xa lánh, không muốn tiếp xúc với những người ít tuân giữ Tôra; muốn biết Luca đánh giá họ ra sao xin xem Cv 26:5. Họ cổ vũ một lối giải thích nghiêm nhặt Luật Môsê, nhấn mạnh không những việc giữ Tôra viết mà cả Tôra truyền khẩu nữa tức truyền thống được gán cho Môsê và các trưởng lão, tức các giải thích Tôra viết từ thời hậu lưu đầy. Những “lời của Cha Ông” (xem Mc 7:3) này nhằm trở thành “hàng rào cho Lề Luật”, giữ cho nó khỏi bị vi phạm. Chịu ảnh hưởng của ý niệm văn hóa Hy Lạp về giá trị paideia, những nhà giải thích này coi việc biết Tôra và các lệnh truyền và lệnh cấm của nó như là dấu chỉ và bảo đảm là người đạo đức. Trở thành một quốc gia thánh thiện, thánh thiêng và tận hiến cho Giavê là mục tiêu của mọi người Do Thái; nhưng đạt được điều này bằng giáo dục và hiểu biết Tôra là đặc điểm của Pharisêu. Tỉ mỉ tuân giữ ngày sabát và các ngày lễ, các qui luật về sạch sẽ nghi lễ, dâng cúng 10 phần trăm thu nhập, các luật về ăn uống là việc thực hành của họ... Ở đây, người Pharisêu không được nêu tên. Nhưng từ các câu 37 và 39, ta biết người này tên là Simôn.

Dùng bữa với mình. Xem Lc 11:37 và 14:1 để thấy những trường hợp khác Chúa Giêsu dùng bữa với người Pharisêu. Ở đây, Người được mô tả cư xử với họ như Người đã cư xử với những người thu thuế (19:5) và tội lỗi (7:34). Lý do mời không được nêu ra. Người Pharisêu này nghe về Chúa Giêsu cũng như người đàn bà tội lỗi thôi. Câu 39 cho thấy ông ta hồ nghi Chúa Giêsu là một ngôn sứ, nên việc ông mời Người có thể phát sinh từ ý muốn vinh danh Người. Vì trong câu 40, ông gọi Người là “thầy”.

Vào bàn ăn. Đúng ra là nằm (kateklithē) vào bàn ăn. Và do đó, cho thấy đây là một bữa tiệc thịnh soạn, vì ở Palestine, nằm vào bàn ăn chỉ được thực hành trong những dịp như thế. Có tác giả còn cho rằng đây là bữa tiệc ngày Sabát trong đó Chúa Giêsu được mời sau khi giảng tại hội đường. Tuy nhiên, không có chi tiết nào cho biết như vậy.

Bỗng một phụ nữ. Nàng cũng không được nêu tên giống như người phụ nữ ở Bêtania trong Mc 14:3 và Mt 26:7. Cả trong Máccô lẫn Mátthêu và Gioan, nàng không bị gọi là “tội lỗi” như ở đây. Trong Ga 12:3, nàng là Maria, em gái của Marta và Ladarô ở Bêtania. Trong các truyền thống Giáo Hội Tây Phương, ít nhất từ thời Đức Grêgôriô Cả, Maria thành Bêtania được coi là một với người phụ nữ ở Galilê, thậm chí với cả Maria Mađalêna, người “đã được giải thoát khỏi 7 qủy dữ” (8:2). Tuy nhiên, không có việc coi là một như thế trong Tân Ước. Truyền thống Giáo Hội Hy Lạp vẫn duy trì các vị có tên Maria này khác nhau.

Vốn là người tội lỗi. Luca mô tả nàng như vậy, và chính người Pharisêu cũng gọi nàng như thế (câu 39) và người ta làm cho Chúa Giêsu nhìn nhận nàng như vậy (câu 47). Không nói nàng mắc tội gì. Phần lớn các nhà chú giải cho rằng nàng là gái điếm trong thành. Điều này có thể đúng vì người Pharisêu có ám chỉ như vậy (câu 39b).

Lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Nguyên nhân của cái khóc không được nói rõ. Người ta vẫn cho rằng nàng khóc vì tội lỗi của mình. Cha Fitzmyer cho rằng cũng có thể nàng khóc vì vui mừng được tha thứ, một tâm tư nàng đã cảm nhận được. Dù sao, Cha cho rằng nước mắt làm nản bất cứ mưu toan giải thích lệch lạc nào về nguyên nhân tình dục.

Chị lấy tóc mình mà lau. Cử chỉ xoã tóc nơi công cộng này gây ngạc nhiên và khiến người Pharisêu bình luận. Nó không hẳn xác nhận tội lỗi nàng cho bằng tạo dịp để người ta bình phẩm nàng.

Rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Dấu chỉ sự tôn vinh dành cho người được nhìn nhận là tác nhân của Thiên Chúa. Nàng không chừa sự hậu hĩnh nào.

Một ngôn sứ. Dựa vào một số thủ bản, Cha Fitzmyer cho rằng rất có thể là “Đấng Ngôn Sứ” như Môsê (Đnl 18:15). Dù sao, suy nghĩ của người Pharisêu phản ảnh niềm tin chung: một ngôn sứ nên có khả năng tri nhận tư cách của người mình giao thiệp với.

Xin Thầy cứ nói. Simôn coi Chúa Giêsu như một trong những vị thầy đáng kính ở Palestine. Tước hiệu didaskalos (thầy), dùng chỉ Gioan Tẩy Giả ở 3:12, được dành cho Chúa Giêsu ở đây lần đầu tiên, nó có nghĩa mạnh hơn rabbi/rabbouni vì dành cho những vị thầy khả kính.

Năm trăm quan tiền. Tương đương với lương của 500 ngày lao động (xem Mt 20:2).

Ai mến chủ nợ hơn? J. Jeremias (Parables, 127) cho rằng động từ agapan ở đây không hẳn là “mến” cho bằng “cảm thấy một lòng biết ơn sâu xa nhất” vì cả tiếng Hípri lẫn tiếng Aram đều không có một chữ riêng để chỉ việc biết ơn.

Còn chị ấy từ lúc vào đây. Cha Fitzmyer dịch là “từ lúc tôi vào đây” vì cha cho là lối đọc đúng hơn của động từ eisēlthon (tôi vào), chứ không phải của eisēlthen (chị ấy vào). Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ giống như của Bản Phổ Thông: “chị ấy vào” được Cha Fitzmyer cho là hợp với bối cảnh hơn. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng nghĩ như vậy khi chú giải để biện hộ cho lối dịch “chị ấy vào”: “Nhưng ở đây thì theo những bản cổ xưa chép một cách ăn khớp hơn với câu chuyện". Nhưng Cha Fitzmyer nhận định rằng điều ấy đáng hoài nghi.

Bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Cha Fitzmyer cũng dịch gần như thế “seeing that she has loved greatly” trái với nhiều bản dịch dịch là “tội chị nhiều, nhưng đã được tha, chị đã yêu nhiều”. Vì liên từ hoti ở đây không có nghĩa nguyên nhân () như thể muốn nói rằng tình yêu của người phụ nữ là lý do hay cơ sở của việc tha thứ. Điều này đi ngược lại ý hướng của dụ ngôn 2 con nợ. Đúng hơn hoti phải được hiểu theo nghĩa luận lý của nó. Như thế, câu này quả quyết không phải lý do để tha thứ mà đúng hơn tại sao tha thứ được biết là đã hiện hữu.

Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. Câu này không những để kết luận dụ ngôn mà còn mở rộng lời tuyên bố của Chúa Giêsu. “Tình yêu” mô tả hiệu quả của sự tha thứ và “yêu mến ít” là đặc điểm của chủ nhà, cũng là người nợ ít. Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, ít tha thứ được tỏ cùng Simôn, không hẳn vì tác phong của ông ta, mà là vì thái độ nền tảng của ông ta.

Tội của chị đã được tha. Cha Fitzmyer thì dịch là “tội của chị được tha” theo nghĩa thì hiện tại. Câu này cố ý liên kết việc tha thứ với hoạt động của chính Chúa Giêsu. Câu 49 cho thấy phản ứng của các khách dự tiệc đối với Chúa Giêsu, họ hiểu lời của Chúa Giêsu theo nghĩa chính Chúa Giêsu tha tội cho người phụ nữ. Nên họ nghĩ: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”, với động từ ở thì hiện tại.

Lòng tin của chị. Cuối cùng, Luca cung cấp động lực khiến người phụ nữ trước hết tìm kiếm ơn tha thứ của Thiên Chúa cho nhiều tội lỗi của nàng. Lòng “tin” của nàng phải được hiểu như niềm tín thác vào Thiên Chúa bất chấp các tội lỗi quá khứ, niềm tín thác này phục hồi mối tương quan với Người, mối tương quan vốn không có hay thiếu trước đây. Nó cũng thúc đẩy nàng biểu lộ nhiều dấu chỉ lòng kính trọng và yêu mến đối với Người, Đấng mà nàng coi là tác nhân của Thiên Chúa (một ngôn sứ dưới mắt Simôn).

Chị hãy đi bình an. Công thức giải tán chung này (xem Lc 8:48; Cv 16:36) là mô phỏng công thức của Cựu Ước (1Sm 1:17; 20:42; 29:7).

Nhận định

Dụ ngôn hai con nợ không những mang theo sứ điệp của nó về mối tương quan giữa ơn tha thứ và lòng yêu mến (tức người tội lỗi hóa ra lại là người biểu lộ với Thiên Chúa lòng biết ơn lớn lao hơn người Pharisêu chính trực và ưa phê phán) nhưng cũng phúng dụ hóa trình thuật: lòng ăn năn vì tội lỗi của đời người phụ nữ làm nàng mở lòng mình ra với lòng Thương xót của Thiên Chúa hơn sự sẵn lòng hẹp hòi của chủ nhà chỉ muốn dành cho Người một bữa ăn. Tình yêu người phụ nữ biểu lộ với Chúa Giêsu bằng nước mắt, những nụ hôn, và nước hoa cho thấy xu hướng nền tảng của nàng đối với chính Thiên Chúa, tức là đức tin của nàng, một đức tin đem lại ơn cứu độ cho nàng, Chính vì thế Chúa Giêsu nói với nàng “hãy đi bình an”. Thành thử tình tiết này kết thúc với việc nhắc đến hai cách căn bản qua đó, Luca nhìn hiệu quả của biến cố Kitô, ơn cứu độ và bình an.

Tình tiết này là một trong những tình tiết vĩ đại trong Tin Mừng Luca vì nó mô tả Chúa Giêsu không chỉ bênh vực người phụ nữ tội lỗi chống lại các phê phán của người Pharisêu, mà còn nhấn mạnh một cách đặc biệt mối tương quan giữa ơn tha thứ tội lỗi và vị trí của lòng yêu mến và hiến mình trong trọn tiến trình này. Không ai đọc tình tiết này mà không thấy sức mạnh của hình ảnh văn học do Luca vẽ nên. Khi so sánh với các tình tiết trong Máccô và Gioan, ta thấy nó hơn hẳn.

Thánh Cyril thành Alexandria (c. 376 – 444), khi chú giải đoạn Tin Mừng này, chỉ lưu ý tới ơn tha thứ. Người viết:

“Hỡi tất cả mọi người, hãy vỗ tay và ngợi khen Thiên Chúa bằng tiếng cảm tạ.” Nhưng đâu là nguyên nhân để mừng vui? Vì lề luật mà Môsê rất khôn ngoan đã ban hành, là để khiển trách tội lỗi, và kết án các vi phạm, nhưng nó tuyệt đối không làm ai ra công chính. Vì chính Thánh Phaolô rất khôn ngoan đã viết, “bất cứ ai bác bỏ Luật Môsê phải bị kết án tử không thương tiếc căn cứ vào miệng của hai hoặc ba nhân chứng." Nhưng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, đã xóa bỏ sự nguyền rủa của lề luật, và chứng minh điều răn chuyên kết án là bất lực và vô hiệu, đã trở thành Thượng Tế đầy lòng thương xót của chúng ta, theo lời lẽ của Thánh Phaolô diễm phúc. Vì Người công chính hóa kẻ ác bằng đức tin, và giải thoát những kẻ bị giam cầm bởi tội lỗi của họ. Và Người đã công bố điều này cho chúng ta bởi một trong các vị ngôn sứ thánh thiện rằng, "Trong những ngày đó, và vào thời đó, Chúa phán: Họ tìm kiếm tội lỗi của Israel, nhưng sẽ không tìm thấy gì: Vì tội của Giuđa, ngươi sẽ không tìm thấy gì; vì ta sẽ thương xót những kẻ còn sót lại trong lãnh thổ, Chúa phán như thế." Nhưng kìa! Việc ứng nghiệm lời hứa cho chúng ta đã xuất hiện vào thời điểm Người Nhập Thể, như chúng ta được bảo đảm bởi nội dung của các Tin Mừng thánh thiêng. Vì Người đã được một người trong những người Pharisêu mời đến, và vì lòng nhân hậu và yêu thương đối với con người, và "muốn mọi người được cứu và nhận biết sự thật," Người đồng ý và ban ơn cho người đã mời Người. Và khi bước vào, Người nằm vào bàn; và ngay lập tức có người đàn bà bị ô uế bởi dâm ô xấu xa bước vào: giống như người mới thoát khỏi rượu chè và say xỉn, và ý thức được tội lỗi của mình, đã cầu xin Chúa Kitô tẩy rửa cô, và giải cứu cô khỏi mọi lỗi lầm, và giải thoát cô khỏi các tội lỗi trước đây của cô, như "không còn nhớ gì tới các tội lỗi nữa." Và cô đã làm điều này, rửa chân cho Người bằng nước mắt, xức dầu thơm, và lau chúng bằng tóc của mình. Như thế, một phụ nữ, trước đây đã dâm dục và phạm tội nhục dục, một tội lỗi khó rửa sạch, đã không bỏ lỡ con đường cứu rỗi; vì nàng đã trốn chạy để nương náu nơi Người là Đấng biết cứu độ, và có thể sống lại từ vực sâu của sự ô uế.

Rồi, cô đã không thất bại trong mục đích của mình. Nhưng thánh sử diễm phúc cho chúng ta hay người Pharisêu khờ dại đã phật lòng, và tự nói: "Nếu đây là một ngôn sứ, thì Người phải biết người phụ nữ chạm vào Người là ai và thuộc loại nào, nó là một kẻ tội lỗi." Người Pharisêu do đó đã tự phụ, và hoàn toàn không hiểu gì. Vì bổn phận của ông ta đúng ra là điều chỉnh cuộc sống của chính mình, và nghiêm túc trang điểm nó bằng mọi mưu cầu phẩm hạnh; và không được tuyên án người yếu đuối, và kết án người khác. Nhưng về ông ta, chúng ta khẳng định rằng được nuôi dưỡng trong các phong tục của lề luật, ông ta đã dành các ảnh hưởng quá rộng lớn cho các thể chế của nó, và đòi chính Đấng Lập Pháp phải tuân theo các điều răn của Môsê. Vì lề luật truyền cho người thánh thiện phải tránh xa những người ô uế, và Thiên Chúa cũng trách cứ những người có số phận làm người đứng đầu cộng đoàn Do Thái, vì đã không sẵn lòng về mặt này. Vì Người đã nói như vậy qua một trong các ngôn sứ thánh thiện: "Chúng không phân biệt giữa người thánh thiện và kẻ phàm tục." Nhưng Chúa Kitô đã sống lại cho chúng ta, không phải để bắt tình trạng của chúng ta phải lệ thuộc những lời nguyền rủa của lề luật, nhưng để cứu chuộc những người lệ thuộc tội lỗi bằng lòng thương xót vượt trội hơn lề luật. Vì lề luật đã được thiết lập "vì các vi phạm", như Kinh Thánh đã tuyên bố, "mọi miệng lưỡi có thể được ngăn chặn, và tất cả thế gian trở nên tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, bởi không có xác thịt nào được công chính hóa nhờ việc làm của lề luật." Vì cho đến nay chưa có ai tiến bộ về đức hạnh, ý tôi muốn nói về các nhân đức thiêng liêng, đến có thể hoàn thành tất cả những gì đã được truyền lệnh, và hoàn thành một cách không thể kết lỗi. Nhưng ân sủng, nghĩa là được nên công chính nhờ Chúa Kitô, vì, thoát khỏi việc kết án của lề luật, nó giải thoát chúng ta bằng đức tin.

Do đó, người Pharisêu kiêu ngạo và khờ dại đó thậm chí không cho rằng Chúa Giêsu đã đạt đến tầm cỡ của một ngôn sứ: nhưng Người làm cho những giọt nước mắt của người phụ nữ trở thành cơ hội để dạy dỗ ông rõ ràng về mầu nhiệm. Vì Người đã dạy người Pharisêu và tất cả những người đang tụ họp ở đó, rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa, "đến thế gian giống như chúng ta, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian được Người cứu rỗi." Người đến để Người có thể tha thứ cho những người mắc nợ dù nhiều hay ít, và tỏ lòng thương xót những kẻ mắc nợ dù nhỏ hay lớn, hầu cho không ai không được dự phần vào sự tốt lành của Người. Và như một lời cam kết và thí dụ rõ ràng về ân sủng của Người, Người đã giải thoát người phụ nữ không trong sạch đó khỏi nhiều tội lỗi của cô bằng cách nói, "Tội lỗi của ngươi đã được tha thứ cho ngươi." Quả thực một tuyên bố như thế xứng đáng với Thiên Chúa xiết bao! Nó là một chữ được kết nối với một thẩm quyền tối cao. Vì lề luật đã lên án những kẻ phạm tội, nên tôi xin hỏi, ai có thể tuyên bố những điều trên lề luật, nếu không phải là Đấng đã ra lệnh đó? Do đó, ngay lập tức Người vừa giải thoát người đàn bà, vừa làm cho người Pharisêu đó, và những người đang dùng bữa với ông ta, lưu ý đến những điều tuyệt vời hơn: vì họ học được rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa, không phải là một trong các vị ngôn sứ, mà vượt xa tầm thước của loài người, mặc dù Người đã trở thành người. Và người ta có thể nói với người đã mời Người rằng: Hỡi người Pharisêu, ngươi đã được huấn luyện trong Kinh thánh; ngươi, dĩ nhiên ta giả dụ như thế, biết các mệnh lệnh do Môsê rất khôn ngoan đưa ra: ngươi đã xem xét lời nói của các vị ngôn sứ thánh thiện: Vậy đây là Đấng nào đang đi trên con đường trái với các mệnh lệnh thánh thiêng, đã giải thoát khỏi tội lỗi? Ai đã tuyên bố họ được tự do, những người đã dạn dĩ phá vỡ những điều đã được truyền lệnh? Do đó, nhờ chính các sự kiện, ngươi hãy thừa nhận Đấng cao hơn các ngôn sứ và lề luật: ngươi hãy nhớ rằng một trong những vị ngôn sứ thánh đã tuyên bố những điều này về Người vào thời xa xưa rằng, "Chúng sẽ ngạc nhiên trước Thiên Chúa của chúng ta, và sẽ sợ hãi Người. Ai là Thiên Chúa giống như Chúa, Tha thứ cho những sự vi phạm, và bỏ qua những tội ác của phần còn lại của cơ nghiệp Người, và cũng không giữ cơn giận của Người cho đến cùng, bởi vì Người có lòng thương xót?"

Do đó, những người cùng dùng bữa với người Pharisêu, đã ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy Chúa Kitô Cứu thế của mọi người sở hữu quyền tối cao giống như Thiên Chúa, và sử dụng những cách diễn đạt vượt quá quyền của con người. Vì họ nói, "Đây là ai mà cũng tha cả tội?" Ngươi có muốn ta nói cho ngươi biết Người là ai không? Đấng vốn ở trong lòng Thiên Chúa Cha, và được sinh ra bởi Người do bản tính: bởi Người mà mọi vật được tạo thành: Đấng có quyền cai trị tối cao, và được mọi vật trên trời và dưới đất tôn thờ. Người đã nộp chính Người cho gia sản của chúng ta, và trở thành Thượng Tế của chúng ta, để Người có thể dâng chúng ta lên Thiên Chúa, tinh khiết và trong sạch, sau khi đã loại bỏ mùi hôi tanh của tội lỗi và sau khi đã tiếp nhận Người vào trong chúng ta như một hương thơm ngọt ngào. Vì, như thánh Phaolô rất khôn ngoan từng viết, "Chúng tôi là một hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa." Đây là Đấng đã phán bằng giọng nói của ngôn sứ Ezechiel, "Và đối với ngươi Ta sẽ là Thiên Chúa, và ta sẽ cứu ngươi khỏi mọi sự ô uế của ngươi." Do đó, ngươi hãy thấy rằng thành quả thực tế đã xẩy ra đúng theo với những gì đã được các ngôn sứ thánh thiện đoan hứa trước đó. Ngươi hãy thừa nhận Người là Thiên Chúa – Đấng rất dịu dàng và yêu thương đối với loài người. Ngươi hãy nắm bắt con đường cứu rỗi: ngươi hãy trốn chạy khỏi lề luật lệ chỉ giết chóc: ngươi hãy chấp nhận đức tin, vốn vượt trên lề luật. Vì có lời chép rằng: “Điều được viết ra là điều sát hại,” ngay cả lề luật: “nhưng tinh thần ban sự sống,” kể cả sự thanh tẩy thiêng liêng vốn có trong Chúa Kitô. Satan đã trói dân cư của trái đất bằng sợi dây tội lỗi: Chúa Kitô đã cởi các sợi dây này; Người đã làm cho chúng ta được tự do, đã xóa bỏ sự bạo ngược của tội lỗi, đã xua đuổi kẻ tố cáo yếu đuối của chúng ta; và Kinh thánh được ứng nghiệm, rằng "mọi sự gian ác phải ngưng miệng;" "vì chính Thiên Chúa công chính hóa. ‘Ai dám kết án?’” Điều người viết Thánh vịnh thần thánh này cũng đã cầu xin có thể được nên trọn, khi ngỏ lời xin với Đức Kitô là Đấng Cứu Rỗi của tất cả mọi người. "Hãy để những kẻ tội lỗi bị diệt vong khỏi mặt đất; và những kẻ gian ác, để chúng không được tìm lại nữa." Vì quả thật, chúng ta không được nói về một kẻ mặc Chúa Thánh Thần mà lại nguyền rủa những kẻ yếu đuối và tội lỗi: - vì điều không phù hợp với các thánh là nguyền rủa bất cứ ai: - nhưng đúng hơn là người ấy cầu nguyện điều này với Thiên Chúa. Vì trước khi Đấng Cứu Rỗi đến, tất cả chúng ta đều ở trong tội lỗi: không ai thừa nhận Đấng, do bản tính và thực sự, vốn là Thiên Chúa. " Không có ai làm điều tốt, không có ai cả; nhưng tất cả họ đã cùng nhau quay sang một bên, và trở thành kẻ đáng trách." Nhưng vì Đấng là con một đã nộp chính Người để tự làm rỗng mình, trở nên xác phàm, và làm người, nên các kẻ có tội đã bị diệt vong, và không còn hiện hữu nữa. Vì các cư dân trên trái đất đã được công chính hóa nhờ đức tin, đã rửa sạch sự ô nhiễm của tội lỗi bằng phép rửa tội thánh thiện, đã được trở thành người chia sẻ Chúa Thánh Thần, đã thoát khỏi tay kẻ thù; và sau khi ra lệnh cho đoàn lũ ma qủy phải lìa khỏi, đã ở dưới ách của Chúa Kitô.

Do đó, các hồng ân của Chúa Kitô đã nâng con người lên một niềm hy vọng được mong đợi từ lâu, và tới một niềm vui thân thương nhất. Người phụ nữ mắc nhiều tội ô uế, và đáng bị qui lỗi cho hầu hết những việc làm ô nhục, đã được công chính hóa, thì chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Chúa Kitô chắc chắn sẽ thương xót chúng ta, khi Người thấy chúng ta vội vã chạy đến với Người, và cố gắng thoát khỏi cạm bẫy của gian ác. Chúng ta cũng hãy đứng trước mặt Người: chúng ta hãy nhỏ nước mắt ăn năn: chúng ta hãy xức dầu thơm cho Người: vì những giọt nước mắt của người ăn năn là một hương vị ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa. Hãy nhớ đến Người, Đấng vốn nói: “Hỡi những kẻ say rượu, hãy tỉnh thức, hãy khóc lóc và gào thét tất cả những ai đang uống rượu đến say sưa.” Vì Satan làm say lòng người, và kích động tâm trí bởi những khoái lạc độc ác, dẫn dắt con người trở thành những anh hề của nhục dục. Nhưng trong khi còn có thời gian, chúng ta hãy tỉnh táo; và như Thánh Phaolô rất khôn ngoan từng nói: "Chúng ta đừng thường xuyên tham gia vào những cuộc vui chơi và say sưa, cũng đừng tham gia vào việc chơi bời dâm đãng; nhưng, đúng hơn, chúng ta hãy làm việc tốt; vì chúng ta không thuộc ban đêm, cũng không thuộc bóng tối, nhưng là con cái ánh sáng và ban ngày. Vì vậy, chúng ta hãy từ bỏ việc làm của bóng tối, và mặc lấy việc làm của ánh sáng." Đừng bối rối khi anh em suy gẫm về sự to lớn của những tội lỗi trước đây của anh em: nhưng đúng hơn, hãy biết rằng, ân sủng công chính hóa kẻ có tội và tha thứ cho kẻ ác còn lớn lao hơn.

Như thế, đức tin vào Chúa Kitô được coi là lời đoan hứa cho chúng ta những ân phước lớn lao này: vì nó là con đường dẫn đến sự sống: đưa chúng ta đến những dinh thự ở trên cao: nâng chúng ta lên hàng thừa kế của các thánh: làm chúng ta trở nên thành viên của vương quốc Chúa Kitô: nhờ Người và với Người mà Thiên Chúa Cha được ngợi khen và thống trị cùng với Chúa Thánh Thần, đời đời, Amen.