Bài Tin Mừng Luca 7: 31-35: Chúa Giêsu phán đoán về thế hệ của Người

31“Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? 32Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:

‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không khóc than’.

33“Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’ 34Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. 35Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho”.


(Trích trực tuyến Bản Kinh Thánh của Nhóm CGKPV)



Ghi chú

Người. Rõ ràng Luca đã thêm vào nguồn “Q”; nó làm cho câu nói được hiểu một cách ít toàn diện hơn là chữ “thế hệ này” của Mt 11:16.

(của) thế hệ này. Dù Luca dùng chữ genea (thế hệ) theo nghĩa trung lập, nhưng ở đây có nghĩa miệt thị (9:41; 11:29-32, 50-51; Cv 2:40). Nó được dùng chỉ người Palestine đồng thời của Gioan và của Chúa Giêsu.

Lũ trẻ. Những người cùng thời với Chúa Giêsu được ví như một nhóm trẻ em ngồi tại chợ, hờn dỗi, không chịu chơi trò đám cưới hay đám ma. Trong lời giải thích, Chúa Giêsu và Gioan trở thành các “trẻ em” mời mọc. Vả lại, chữ “gọi nhau” cho thấy rõ có hai nhóm trẻ em, một nhóm ngồi và từ chối chơi chung với nhóm kia.

Thổi sáo. Như thói quen trong đám cưới làm nhịp cho các điệu vũ.

Tụi tôi hát bài đưa đám. Cha Fitzmyer dịch là “We Wailed for you” nghĩa là giống như những người khóc mướn tại các đám tang hay chôn cất. Sự so sánh bề mặt giữa hai thí dụ này là giữa hài kịch và thảm kịch, một mô tả niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống. Ở bình diện sâu xa hơn, sự so sánh tương phản “thế hệ này”, con nít trong phản ứng của chúng, với các trẻ em khác, nghiêm túc trong trò chơi của chúng. Việc hờn dỗi không chịu chơi là đặc điểm của “người thế hệ này” trong phản ứng của họ đối với Chúa Giêsu và Thánh Gioan. Trong sự hờn dỗi của họ, họ đã để lỡ giờ phút quyết định.

Không ăn bánh, không uống rượu. Mátthêu 11:18 chỉ nói là “không ăn không uống”. Thành thử kiểu nói của Luca có nghĩa hơn, phù hợp với trước đây, trong trình thuật tuổi thơ, Luca từng mô tả Gioan Là “Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống” (1:15). Bánh và rượu thường có nghĩa chung chỉ thực phẩm. Trong St 14:18, Menkixêđê mang “bánh và rượu” tới cho Ápram khi ông này đánh thắng 4 vua. Dù sao, đây nói về sự chay khem của Gioan và việc này nên được hiểu trong bối cảnh lời rao giảng thống hối và cánh chung của ông.

Bị quỷ ám. Cha Fitzmyer dịch là “điên”. Dù sao, sự nhiệm nhặt của Gioan bị coi là không phù hợp với phong tục xã hội Palestine.

Con Người đến. Tước hiệu “Con Người” lại được dùng ở đây và ở giai đoạn I của truyền thống Tin Mừng, nó chỉ là cách Chúa Giêsu dùng thế cho đại danh từ “Tôi”.

Cũng ăn cũng uống. Nghĩa là không nhiệm nhặt trong việc ăn uống hàng ngày, như một biểu tượng tự do của nước trời mà Người đang rao giảng.

Tay ăn nhậu. Kiểu nói này phản ảnh Đnl 21:20 và những người loại này đáng bị ném đá.

Quân thu thuế và phường tội lỗi. Lặp lại y nguyên 5:30. Việc để hai loại người này cạnh nhau là điều đáng lưu ý, cố ý mô tả Chúa Giêsu liên hệ với nhóm người Palestine bị giới lãnh đạo Do Thái coi là hạ cấp. Kẻ tội lỗi đây có thể chỉ những người không biết lề luật (Ga 7:49) hay những người không quan tâm tới lối giải thích của Biệt phái về các qui tắc lễ nghi hay ăn uống (xem Mc 7:1-12); cũng có thể hiểu là các người ngoại giáo vốn bị coi là vô luật lệ (a-nomoi) và vô thần (a-theoi). Còn người thu thuế ở đây chỉ các người Do Thái có trách nhiệm thu thuế tại các vùng khác nhau ở Palestine cho người Rôma. Vì người thu thuế thường trả trước cho người Rôma số thuế dự ứng sẽ thu được và sau đó, tìm cách kiếm lại số tiền đã nộp, cộng thêm chi phí và tiền lời, nên đã có nhiều lạm dụng và bất lương. Họ thường bị liên kết với hàng tội ác khác như “trộm cắp, bất chính, ngoại tình” (18:11), với “gái điếm” (Mt 21:32); với dân ngoại (Mt 18:17).

Lời tố cáo này làm nổi bật ấn tượng Chúa Giêsu để lại phía sau việc Người cư xử với các nhóm xã hội thời Người, nhất là ấn tượng đối với giai cấp lãnh đạo của thế hệ Người. Mặc dù Người giảng dậy đức khôn ngoan và sự tự do của Nước Thiên Chúa, Người không làm thế một cách biệt lập đối với các thành phần bị xã hội Palestine coi thường.

Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho. Sự biện minh này, trong trường hợp Gioan, đã được xác nhận ở câu 7:29. Kế hoạch khôn ngoan, cứu rỗi của Thiên Chúa đã trở nên điên rồ đối với một số người cùng thời với Chúa Giêsu; nhưng sự khôn ngoan của Người được biểu lộ như một bà mẹ mà con cái không những chỉ là Gioan và Chúa Giêsu, mà là “tất cả” những ai, giống như người thu thuế và người tội lỗi, sẵn sàng nghe Gioan hoặc Chúa Giêsu.

Đức khôn ngoan ở đây được nhân cách hóa. Bà sai các sứ giả ra đi như các ngôn sứ. Cả Chúa Giêsu lẫn Thánh Gioan cùng xuất hiện trong tư cách ấy tại Palestine với một sứ điệp phê phán và cánh chung và điều các ngài loan báo, thoạt đầu nghe có vẻ điên rồ và xúc phạm, nhưng kết cục lại là dấu chỉ của khôn ngoan. “Người của thế hệ này” kết cục không phải là con cái của Khôn ngoan mà là những kẻ hờn dỗi không chịu chơi nên không nhìn nhận khôn ngoan.

Tất cả con cái mình. Con cái khôn ngoan cũng đã được nhắc đến trong Hc 4:11; Cn 8:32.

Nhận định

Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_31-35/) cho rằng cần phân biệt đức tin như trẻ thơ (childlike faith) và đức tin con nít (childish faith). Ở Lc 18:17, Chúa Giêsu nói rằng bất cứ ai không tiếp nhận nước trời như một trẻ em, người ấy không thể vào đó được. Ở đây, Chúa lên án thứ tác phong con nít đối với sứ điệp của Người.

Đức tin như trẻ thơ là đức tin tín thác, tín thác không bờ không bến. Đức tin như trẻ thơ là đức tin sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng tin.

Tác phong như con nít là tác phong khước từ lớn lên. Trẻ em đương nhiên hành xử như trẻ em, nhưng người ta mong các em lớn lên và ngưng không hành xử như trẻ em nữa. Khi người ta khước từ việc ấy, họ trở thành con nít. Hành xử như con nít là khi những người đáng lẽ phải biết rõ hơn đã tuôn ra những cơn cáu tiết vô lý và hờn dỗi khi không được vừa ý. Hành xử như con nít là hành xử vô trách nhiệm và hành xử như thể thế giớ phải xoay quanh họ. Hành xử như con nít là đưa ra các đòi hỏi nhỏ mọn và yêu sách vị kỷ.

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín Côrintô (13:11) nói rằng “Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con”.

Điều đáng nói là ngay trong Giáo Hội, đôi lúc người ta vẫn nuôi dưỡng tác phong con nít: nhiều Giáo Hội đã làm mọi sự để hãm đà phát triển, chúng ta để những trẻ thơ tâm linh mãi là những trẻ thơ tâm linh. Chúng đòi kẹo, ta cho kẹo, hơn là sữa và thịt Lời Chúa mà chúng cần để lớn lên. Chúng nổi cơn hờn dỗi, ta tìm cách thỏa mãn ý muốn của chúng...

Như Alan Wolfe trong The Transformation of American Religion đã nhấn mạnh: nhiều Giáo Hội không còn đứng lên vì sự thật nữa, nhưng chiều theo đòi hỏi và mong muốn của người ta, sẵn sàng cung cấp điều người ta muốn nghe thay vì điều họ cần nghe.

Trong bài Tin Mừng này, thái độ con nít đặc biệt thấy rõ trong kiểu phê phán của thế hệ Chúa Giêsu đối với lối sống của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu (các câu 33-34). Lối sống nhiệm nhặt của Gioan Tẩy Giả có gì sai, vậy mà họ coi là điên khùng, qủy ám. Điều còn con nít hơn nữa là khi Chúa Giêsu sống ngược lại bằng cách vui hưởng trọn vẹn đời sống mà không để chúng thống trị mình, họ cũng chống.

Thánh Phaolô hiểu đúng tư duy của Chúa Giêsu khi viết trong thư thứ nhất gửi Timôtê 4:4: “Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ”. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (10:31), ngài cũng viết, “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”.

Vậy mà thế hệ của Chúa Giêsu lại coi Người là “tay ăn nhậu” đầy miệt thị và liệt Người vào hàng “quân thu thuế và phường tội lỗi”. Người quả có thân thiện với người thu thuế và người tội lỗi thật, nhưng không phải vì Người thích tác phong thu thuế và tác phong tội lỗi. Vả lại, những người tội lỗi không bị lôi cuốn tới Chúa Giêsu vì Người cũng tội lỗi như họ. Họ đến với Người vì Người thánh thiện và vì tình yêu vĩ đại của Người đối với họ.

Ngày nay, rất nhiều người vẫn coi việc Giáo Hội “thân thiện” với người tội lỗi là một điều không thích hợp. Bao lâu Giáo Hội chiều theo những người này là Giáo Hội bắt đầu xa rời Chúa Kitô.

Thực ra, ai chúng ta không là kẻ có tội! Thành thử ta phải biết ơn vì Chúa Giêsu “thân thiện” với kẻ tội lỗi, và như thế, thân thiện với tất cả chúng ta. Hãy lớn lên để thấy những kẻ tự coi mình là công chính, luôn chỉ ngón tay lên án người khác đều hành động như con nít, không nhìn thấy sự thật. Chỉ khi nào thừa nhận mình có tội và sẵn sàng lắng nghe Lời Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự lớn lên, từ bỏ tác phong như con nít, để trở thành con cái của khôn khoan (câu 35).

Về việc Chúa Giêsu đi lại với người thu thuế và tội lỗi, Thánh Cyril, thượng phụ Alexandria, trong cuốn chú giải Tin Mừng Luca, bài thứ 39 bình luận đoạn 7:31-35, viết như sau:

“Người không thể nhiễm tội lỗi của họ, vì Người hoàn toàn không thể vướng lầm lẫn. Chính Người có lúc đã phán ‘Thủ lãnh thế gian đến cũng không tìm thấy gì nơi Ta’ và câu khác ‘ai trong các ông khiển trách được Ta tội lỗi’.

“Nhưng anh em bảo luật Môsê truyền rằng ‘chúng ta không được giao dịch với kẻ dữ’. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét đối tượng của lề luật: chúng ta hãy xem vì lý do gì mà lề luật cấm dân Israel giao thiệp với kẻ ác và giao du với kẻ lừa dối. Bây giờ, sự thật chắc chắn nhất là, lề luật Môsê quy định những điều này, nhằm để anh em coi mình có giá hơn người khác, và biến điều răn này làm lý do để tự tâng bốc mình lên; nhưng đúng hơn, bởi vì tâm trí anh em yếu đuối, dễ bị thu hút vào điều khờ dại, và bởi vì lòng anh em sẵn sàng chạy theo những thú vui xấu xa, nên nó sẽ giải thoát anh em khỏi ước muốn được ở với những người mà cuộc sống của họ gây sai phạm, kẻo trong tâm trí anh em sẽ trở nên giống như họ, và dại dột bị mắc vào bẫy của họ. 'Vì việc giao tiếp xấu xa làm hư hỏng phong cách tốt lành'. Do đó, anh em đã nhận lệnh truyền như một biện pháp bảo vệ cho sự yếu đuối của anh em. Vì nếu anh em đã được vững vàng trong nhân đức, và tâm trí của anh em kiên định trong sự kính sợ Thiên Chúa, thì lề luật sẽ không cản trở anh em giao du hữu ích với những kẻ yếu đuối, hầu cho họ có thể trở thành người bắt chước lòng đạo đức của anh em, và học cách mô phỏng những việc làm của anh em: nhờ bước theo những bước sốt sắng của anh em, họ có thể tiến đến điều tuyệt hảo hơn. Do đó, đừng nuôi dưỡng óc tưởng tượng cho mình đáng vênh váo, vì ngay trong điều răn của Môsê, anh em cũng bị buộc là yếu đuối rồi. Anh em trách Chúa Kitô đã đi lại với người tội lỗi và người thu thuế. Có phải vì anh em sợ rằng Người phải chịu sự ô nhiễm của họ không? Vậy hãy nói cho tôi biết, anh em có tưởng tượng rằng Người cũng chia sẻ sự yếu đuối của anh em không? Anh em có hoàn toàn không biết gì về những mầu nhiệm liên quan tới Người không? Về việc Ngôi Lời là Thiên Chúa ở với chúng ta: nghĩa là, đã nhập thể vì chúng ta không? Về việc Chúa Cha đã sai Người đến ‘không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu’. Bây giờ tùy thuộc kẻ lên án phải tránh việc giao du với những kẻ vẫn còn sống trong tội lỗi; nhưng phần của người muốn cứu vớt là phải ở với họ, khuyên bảo họ và thắng thế họ để họ thay đổi khỏi con đường ô nhục của họ, và thay vì con đường gian ác, họ sẽ chọn con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. 'Người đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi các người tội lỗi ăn năn'. Và như chính Người từng nói, 'những người toàn vẹn không cần thầy thuốc; nhưng những người bị bệnh mới cần". Vì vậy, tại sao anh em lại trách Người vì đã quá yêu thương con người, và bắt lỗi lòng nhân từ giống như Thiên Chúa của Người? Tại sao lại quở trách Người vì đã tốt với chúng ta, và chữa lành bệnh tật cho chúng ta? Tuy nhiên, mọi người đều ca tụng các thầy thuốc, không phải khi họ tránh những người có bệnh, mà là khi họ thường xuyên ở bên những người này, và bằng các nguồn lực trong nghệ thuật của mình đưa những người này dần dần phục hồi sức khỏe lành mạnh. Vậy thì tại sao, vì Chúa Giêsu là Thầy thuốc của linh hồn và tinh thần, anh em lại trách cứ Người đã cứu những người tội lỗi? Người không thể nhiễm ô uế, mặc dù Người ăn uống với những người tội lỗi: vì mặt trời chói lọi đàng xa kia toả sáng khắp nơi, và thăm viếng mọi vật dưới vòm trời: như thế, rất có thể các chất dơ bẩn cũng được phơi bày với nó: nhưng thực tại đổ tràn ánh sáng xuống không hề bị ô uế, mặc dù nó chiếu sáng trên những chất thể đáng ghê tởm. Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là Mặt Trời Công Chính: như thế, một kẻ gian ác không có cách chi làm ô uế Người được, mặc dù ở ngay bên cạnh Người và ăn uống với Người”.