4. Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Tám Mùa Thường niên Năm C: Lc 6: 39-45

39Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42Sao anh lại có thể nói với người anh em : ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !
43Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! 45Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra


(Trích Tin Mừng Luca, từ trang mạng của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Chú thích

Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này. Cha Fitzmyer dịch là “châm ngôn” (proverb). Đức Ông Pellegrino cũng gọi đây là một câu cách ngôn (aphorism). Có lẽ đúng hơn là dụ ngôn. Dù sao, như Đức Ông Pellegrino giải thích: cách ngôn là một câu phát biểu ngắn gọn về sự thật. Ở đây, Chúa Giêsu đề cập tới 3 câu cách ngôn liên tiếp: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”; "Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?"; "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt, xem quả thì biết cây".

Mù mà lại dắt mù được sao?Các môn đệ phải là các nhà lãnh đạo, nhưng họ không thể là các nhà lãnh đạo mù quáng. Họ phải thấy đường trước. Trong bối cảnh “đừng xét đoán” (câu 37) mà Cha Fitzmyer coi là phần thứ 3 của Bài Giảng ở đất bằng, câu nói về mù lòa này có ý nói đến chính các lầm lỗi của mình. Nếu một người không học cách tự phê phán chính mình, thì không thể lãnh đạo người khác. Tuy nhiên việc cùng nói tới các điều tiếp theo, và mối liên kết giữa “mù” và “dắt” với “học trò” và “thầy” xem ra không làm cho lối giải thích vừa đề cập thích đáng. Ở đây phải hiểu là các thầy dạy. Đức Ông Pellegrino cũng nghĩ như thế và đề cập tới Giáo huấn của Giáo hội.

Học trò không hơn thầy. Câu song hành tìm thấy nơi Mt 10:24-25, trong đó, Luca bỏ phần nói đến chủ tớ vì muốn nối với “mù” và “dắt”. Thầy cần có viễn kiến sáng suốt, nhưng vì trò cần đến thầy, nên thầy càng cần phải có viễn kiến sáng suốt hơn. Đây chắc chắn nói về việc huấn giáo trong Kitô giáo.

Cái rác.... Cái xà. Câu nói rất gần với câu Mt 7:3-5. Câu này minh họa việc cần phải trung thực tự đánh giá mình và tự tu sửa mình cho tốt hơn; chỉ những ai đã vượt qua được các lầm lỗi của mình mới có thể thấy đường mà giúp người khác. Lời lẽ của Chúa Giêsu không cấm người ta phê phán người khác về hành vi của họ, nhưng chúng cấm các mưu toan sửa đổi người khác cho tốt hơn mà không áp dụng cùng những sửa đổi ấy cho chính mình.

Hỡi kẻ đạo đức giả!Chữ Hylạp hypokritēs dùng theo cách xưng hô cũng tìm thấy trong Mt 7:5. Thực ra nó có nghĩa “người trả lời” và trong Hy lạp cổ điển và thời thịnh của văn hóa Hy lạp (helenistic) nó không những chỉ người giải thích, người trình bầy, còn có nghĩa là diễn giả và thậm chí tài tử sân khấu. Theo nghĩa sân khấu này, nó từ từ có nghĩa là “người giả vờ” (pretender) tuy chưa có âm sắc đạo đức tiêu cực như thời tiền Kitô giáo. Trong bản Bẩy Mươi, nó xuất hiện trong Gióp 34:30; 36:13 như dịch từ chữ Hípri ḥanēp, vô thần (godless), và trong văn chương của người Do Thái ở các vùng định cư ngoài Do Thái, hypokrisis mang nghĩa dối trá và lừa đảo. Danh từ hypokritēs chỉ được Chúa Giêsu sử dụng trong các Tin mừng Nhất lãm, không có trong Gioan. Ta thấy nó trong Lc 12:56; 13:15; Máccô chỉ dùng ở 7:5 trong khi Mátthêu dùng nó 13 lần.

Không có cây nào tốt. Với câu này, Luca khởi đầu phần 4 của Bài giảng ở đất bằng (6:43-45). Song hành của nó thấy tại Mt 7:16-20 nhưng Mátthêu không có song hành với Lc 6:45. Mối tương quan của phần này với phần trước không khó nhận ra: con người xấu không thể đem người khác tới tác phong tốt bằng phê phán mà thôi; việc làm của họ phải đi trước và chứng tỏ mình là người thực sự tốt. Các minh họa ở các câu 43-44 nói lên một định luật có bản chất vật lý; và người ta dễ hiểu chúng là hình ảnh của tác phong luân lý. Có thể hiểu các hình ảnh này có ý nói tới các thầy dạy hay tiên tri giả trong cộng đồng Kitô hữu, thường bị coi là gai góc và bụi gai.

(Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 622-646)

Bình luận

Cha Anthony Kadavil (https://frtonyshomilies.com/) cho rằng trong đoạn văn này ta tìm được 4 lời khuyên quí giá:

1) Lời khuyên dành cho sinh viên và người dạy Kinh thánh: Các môn đệ Chúa Kitô được kêu gọi vừa là người hướng dẫn vừa là thầy dạy. Vì một giáo viên không thể dẫn dắt học sinh của mình vượt quá những gì chính họ đã được dạy, nên họ phải học từ người thầy giỏi nhất và sau đó tiếp tục học Kinh Thánh từ tất cả các nguồn sẵn có, tốt nhất là Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng Kinh Thánh. Sau đó, người học phải áp dụng những gì đã học vào cuộc sống của chính mình trước khi cố gắng dạy người khác. Mục tiêu của chúng ta trong đời sống Kitô hữu là phải trở nên giống như Thầy của chúng ta, Chúa Giêsu, trong suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.

2) Chúng ta không nên là người mù dẫn đường: Để dẫn đường cho người mù, người ta phải sáng mắt; để giảng dạy, người ta phải có kiến thức; nếu không, người mù và học sinh sẽ sai lạc. Tầm nhìn và kiến thức được chỉ rõ ở đây là những hiểu biết đến nơi đến chỗ (học hết chữ) nhờ Đức tin và Chúa Thánh Thần, và kiến thức phát xuất từ mối tương quan hệ đầy Đức tin với Chúa. Điểm mấu chốt của hình ảnh người mù dẫn người mù này là chúng ta phải cẩn thận khi chọn ai để đi theo, kẻo chúng ta sa chân vào hố cùng với người mù dẫn đường của chúng ta. Một hệ quả tất yếu là chúng ta không nên dấn thân vào việc hướng dẫn người khác trừ khi bản thân chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng. Đây là một thông điệp quan trọng trong một thời đại mà rất nhiều người tự bổ nhiệm mình làm đạo sư [gurus] tranh giành quyền kiểm soát các vấn đề tâm linh, các vấn đề tài chính, các vấn đề y tế, các vấn đề tình cảm và các vấn đề gia đình của chúng ta. Một số mù, nhưng những người khác thấy các điểm yếu của chúng ta — thấy chỗ họ có thể lợi dụng chúng ta. Khi chọn một người hướng dẫn — đặc biệt là một người hướng dẫn tâm linh — bạn phải hết sức cẩn thận. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải “khám mắt” thường xuyên. Mỗi ngày, Kitô hữu nên đến gặp Thiên Chúa, Bác sĩ Mắt thiêng liêng của chúng ta, để xin Người kiểm tra thị lực của chúng ta. Khi chúng ta đi vào Lời Chúa, lúc chúng ta cầu nguyện, Người sửa tầm nhìn của chúng ta và Người chỉ cho chúng ta những điều cần canh chừng. Điều tối quan trọng là chúng ta phải “khám mắt” thường xuyên, bởi vì chúng ta không ở trong xe một mình. Có những người tin tưởng chúng ta sẽ dẫn họ đến nơi an toàn. Đó có thể là con cái của chúng ta, hoặc vợ / chồng của chúng ta. Đó có thể là một người bạn. Đó có thể là những người trong Giáo hội hoặc cộng đồng đang theo bước vào nơi chúng ta dẫn dắt họ. Nếu chúng ta dẫn họ rơi xuống vách đá vì tầm nhìn kém, thì Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm. Hãy lắng nghe những lời của Thánh Phaolô trong Rôma 2: 19-23. “Bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù loà, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý : Vậy, bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình ! Bạn giảng : đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp ! Bạn nói : chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình ! Bạn gớm ghét ngẫu tượng, mà bạn lại cướp bóc đền miếu! Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!”

3) Chúng ta không có quyền chỉ trích và phán xét người khác: Lý do đầu tiên mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta là chúng ta không có quyền chỉ trích trừ khi bản thân chúng ta không có lỗi. Điều đó đơn giản có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không có quyền chỉ trích, bởi vì “có quá nhiều điều xấu trong những người tốt nhất của chúng ta và quá nhiều điều tốt trong những người tệ nhất của chúng ta, đến nỗi bất cứ ai trong chúng ta cũng bắt lỗi với những người còn lại”. Chúa Giêsu làm sáng tỏ quan điểm của Người bằng cách trình bầy một cách hài hước về một người với khúc gỗ mắc kẹt trong mắt mình cố gắng lấy một cái rác từ mắt người khác. Do đó, không nên cố gắng thực hiện nhiệm vụ sửa sai anh em (loại bỏ cái rác, v.v.), nếu không tự kiểm tra trước, mặc dù môn đệ không cần phải hoàn toàn không có khuyết điểm trước khi tiến trình có thể bắt đầu.

4) Chúng ta phải tốt trong lòng mới tốt trong việc làm: Để phân biệt cây tốt với cây xấu, chúng ta cần nhìn vào quả mà cây sinh ra (việc làm) chứ không phải ở tán lá (lời nói). St Bede giải thích: “Kho báu của trái tim cũng giống như rễ của cây. Một người có kho báu kiên nhẫn và bác ái hoàn hảo trong lòng sẽ sinh hoa kết trái tuyệt vời; họ yêu người lân cận và có tất cả những đức tính khác mà Chúa Giêsu dạy; họ yêu kẻ thù của mình, làm điều tốt cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ đã nói hành mình, không phản ứng lại kẻ đã tấn công hoặc cướp đoạt mình; họ cho những ai yêu cầu, không đòi lại những gì họ đã bị đánh cắp khỏi họ, không phán xét và không lên án, sửa sai một cách kiên nhẫn và trìu mến những người sai lầm. Nhưng người có ở trong lòng mình kho tàng điều ác thì hoàn toàn ngược lại: anh ta ghét bạn bè mình, nói xấu người yêu anh ta và làm tất cả những điều khác bị Chúa lên án”(Trong Lucae Evangelium Expositio, II, 6). Trong câu 46, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hành động nhất quán với tư cách là Kitô hữu và không tạo ra bất cứ sự tách biệt nào giữa Đức tin mà chúng ta tuyên xưng và cách chúng ta sống: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có mặc bộ áo tôn giáo hay không; đó là liệu chúng ta có cố gắng thực hành các nhân đức và trao phó ý chí của chúng ta cho Thiên Chúa và xếp đặt cuộc sống của chúng ta như Thiên Chú đã sắp đặt, và không muốn làm theo ý muốn của chúng ta mà là theo Thánh ý Người”(Thánh Têrêxa Avila, Interior Castle, II, 6).

Áp dụng vào cuộc sống, Cha Tony Kadavil cho rằng ta nên tránh thói giả hình. Chữ giả hình, được Cha Michael Tate, cựu bộ trưởng tư pháp của Chính Phủ John Howard và là cựu đại sứ của Úc bên cạnh Tòa Thánh (mtate.bigpond.com), trong bài giảng lễ hôm nay, quảng diễn thêm; theo đó, ở Hylạp xưa, các tài tử mang mặt nạ để che bộ mặt thực của mình. Người ta có thể nói họ là người “hai mặt” và được gọi là hypokritēs, và chúng ta lấy chữ giả hình và ý niệm giả hình từ đó. Chúa Giêsu cũng hiểu theo nghĩa này.

Hai mặt. Hay đúng hơn, mắt bị cái xà án ngữ, không nhìn rõ. Cha Kadavil kể câu truyện vui. Một cặp vợ chồng kia dọn vào một khu phố mới. Sáng hôm sau, trong khi ăn sáng, người đàn bà trẻ thấy người hàng xóm phơi đồ, nàng bèn nói, “đồ giặt kia không sạch. Cô ta không biết cách giặt cho đúng. Có lẽ cô ta cần một thứ xàbông giặt tốt hơn”. Người chồng nhìn lên nhưng không nói gì. Cứ mỗi lần người hàng xóm phơi đồ, người đàn bà trẻ đều lặp lại nhận xét của nàng về lối giặt không sạch ấy. Khoảng một tháng sau, người đàn bà trẻ ngạc nhiên thấy đồ giặt rất sạch treo trên sào phơi nhà hàng xóm. Nàng nói với chồng: “xem kìa anh, cô ta đã học được cách giặt đúng. Em thắc mắc không hiểu ai đã dạy cô ta?”. Người chồng ôn tồn bảo vợ: “sáng nay, anh dậy sớm và đã lau sạch các cửa sổ nhà mình”.

Cha cũng khuyên ta không nên phán đoán người khác một cách vội vàng và vô lý vì thứ nhất chỉ có Thiên Chúa mới tốt lành đủ để phán đoán người khác, vì Người biết trọn sự thật và chỉ có Người mới đọc được lòng người; thứ hai, chúng ta thường có thiên kiến khi phán đoán người khác và chúng ta khó mà có sự hợp tình hợp lý trong loại phán đoán này; hơn nữa, chúng ta không thấy hết sự kiện, hoàn cảnh hay sức mạnh của cám dỗ, thường dẫn con người đến chỗ làm bậy; cuối cùng, chúng ta không có quyền phán xét người khác vì mình cũng có cùng lầm lỗi, có khi còn tệ hơn người khác.

Thành thử, nên để Chúa phán xét, còn mình thì thực thi lòng nhân từ, tha thứ. Cha bảo các thánh thường khuyên ta “khi bạn chỉ một ngón tay kết án vào người khác, ba ngón kia chỉ vào bạn” hay nên theo lời khuyên của các giáo sĩ Do Thái: “ai phán xét người khác một cách thuận lợi, sẽ được Thiên Chúa phán xét một cách thuận lợi”.