Bài Tin Mừng Luca 7:11-17: Chúa Giêsu Cho Con Trai Một Bà Góa Tành Nain Sống Lại

11Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12Đức Giêsu đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. 16Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” 17Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận

(Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm CGKPV)



Chú Thích

Nain. Một thị trấn ở nam Galilê (nay là Nein) chỉ được nhắc đến ở đây trong Kinh Thánh. Nó tọa lạc không xa Endor về phía tây bắc Nebi Dahi một ngọn đồi nằm giữa Gilboa và Núi Tabor, cách Nadarét mấy dặm về tây nam. Nó cũng không cách xa địa danh Sunêm của Cựu Ước bao nhiêu.

Con trai duy nhất. Luca thích dùng chữ monogenēs (duy nhất) (8:42; 9:38) để nhấn mạnh sự khó khăn mà bà mẹ góa phải chịu đựng khi mất đứa con trai duy nhất và do đó là phương thế duy nhất chu cấp cho bà.

Trông thấy bà, Chúa... Đây là lần đầu tiên tước hiệu Chúa (ho kyrios) được dùng chỉ Chúa Giêsu trong một đoạn trình thuật của Tin Mừng.

Chạnh lòng thương. Lý do của phép lạ được trình bầy ở đây. Nó tiến hành do lòng cảm thương bột phát của Chúa Giêsu đối với người đàn bà; là “tác giả sự sống” (Cv 3:15), Người chứng tỏ quyền năng của Người đối với bà trong lúc nguy khốn. Nó không đòi hỏi “đức tin” như tình tiết trước đây với viên bách quân Rôma.

Và bắt đầu nói. Luca tự chế không thêm điều người thanh niên sống lại nói, chỉ nhắc đến việc anh ta lên tiếng trở lại để chứng tỏ là người ta thấy anh ta thật sự sống cách hữu hình và qua lời nói.

Mọi người đều kinh sợ. Luca thường dùng chữ phobos (sợ) để diễn tả phản ứng của khách bàng quan đối với sự can thiệp của trời hay việc Chúa Giêsu tỏ rõ quyền năng của Người (xem 1:65; 5:26; 8:25, 37; Cv 2:43; 5:5, 11; 19:17).

Một vị ngôn sứ vĩ đại. Giống như Êlia trong Cựu ước, như việc ám chỉ về truyện của vị này ở câu 15 đã gợi ý; Chúa Giêsu cũng sẽ được nhìn nhận như thế một lần nữa trong câu 24:19. “Ngôn sứ” cũng đã được dùng cho Người cách mặc nhiên ở câu 4:24,27 (trong so sánh cả với Êlia lẫn Êlisa). Liệu “ngôn sứ vĩ đại” này có ám chỉ đấng tiên tri cánh chung như Môsê hay không thì có tác giả cho là có, có tác giả cho là không. Tuy nhiên, chắc chắn tước hiệu này chưa có ý nghĩa “xức dầu” (messianic) mà chỉ có ý nghĩa phục vụ dân Thiên Chúa. Thừa tác vụ của Người không chỉ phục vụ người nghèo, tù nhân, người mù, người bị chà đạp, mà cả người chết nữa.

Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Luca dùng hình ảnh “viếng thăm” này nhiều lần (xem 1:68; 1:78). Phản ứng này của dân chúng nhắc lại một chủ đề quán xuyến vốn có trong trình thuật tuổi thơ. Việc Thiên Chúa viếng thăm dân Người một cách đầy cảm thương và nhân hậu lại được nhìn thấy trong việc Chúa Giêsu làm người trai duy nhất của bà góa Nain sống lại. Việc đặt việc viếng thăm và cái chết bên cạnh nhau từng đã có tại St 50:24-25 trong đó, tổ phụ Giuse liên hệ cái chết của ngài với một cuộc viếng thăm.

Nhận định

Đoạn này đề cập đến một bước tiến triển mới trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Ta đã thấy trong tình tiết trước, Chúa chữa người đầy tớ viên bách quân ngoại giáo khỏi bệnh sắp chết từ xa, nay quyền năng của Người tiến thêm một bước thật xa là phục hồi sự sống cho người con trai duy nhất của một góa phụ đang được mang tới nơi an nghỉ cuối cùng.

Nó cũng dọn đường cho câu trả lời cho Gioan Tẩy giả ở tình tiết tiếp theo khi vị này sai môn đệ tới hỏi có phải Chúa Giêsu là người phải đến hay không? Trong câu trả lời này, ngoài những công trình khác, Chúa Giêsu kể “kẻ chết được làm cho sống lại” (7:22).

Đoạn này nhắc ta nhớ tới biến cố tiên tri Êlia hồi sinh người con trai của bà góa Xarépta trong 1Vua 17:8-24. Chúa Giêsu tới Nain, Tiên tri Êlia tới Xarépta; ở cổng thành, các ngài gặp một bà góa; sau đó, người con trai của bà được hồi sinh. Và theo cha Fitzmyer, ám chỉ minh nhiên của câu 1V 17:23 tìm thấy ở câu Lc 7:15, hay nói cách khác, lời lẽ trong 1V 17:23 của Bản Bẩy Mươi y hệt như lời lẽ của Lc 7:15. Và cũng theo cha sự gần gũi giữa Nain và Sunêm còn khiến nhiều nhà chú giải cho rằng đoạn này gợi nhớ cả câu truyện tiên tri Êlisa hồi sinh đứa con trai của người đàn bà Sunêm trong 2Vua 4:18-36. Nhưng cha cho hay sự so sánh này không mấy có cơ sở. Ngài muốn dừng lại với câu truyện của tiên tri Êlia. Tuy nhiên, vẫn có những dị biệt giữa hai biến cố hồi sinh này: trong khi Chúa Giêsu ra lệnh bằng chính lời quyền năng của Người, thì Êlia phải nằm lên đứa trẻ 3 lần để hồi sinh em.

Có tác giả, như Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_11-17/), nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh sư cùng luật sĩ khi Người chạm vào quan tài người chết, một điều bị nhóm người này coi là việc không được làm vì nó khiến người ta ra bẩn thỉu (Lv 21:1-12). Tác giả này cũng nhấn mạnh đến lòng cảm thương của Chúa Giêsu: không đợi lời cầu xin của bất cứ ai trong cuộc. Bà góa không hề lên tiếng, những người bao quanh bà cũng không lên tiếng, các môn đệ và những người đi theo cũng không ai lên tiếng. Nhưng Người đã lên tiếng và hành động, hoàn toàn do lòng cảm thương của Thiên Chúa làm người.

Một tác giả khác, Eric D. Barreto (https://www.huffpost.com/entry/luke-7-11-17-women-work-and-the-word_b_3386130), nhấn mạnh tới khía cạnh: trong tình tiết này, không phải người con trai đã chết khiến Chúa Giêsu cảm thương mà là người mẹ khóc than. Tại sao? Vì ngoài nỗi nhớ thương con, bà còn nỗi thương tâm rất lớn: không còn nơi nương tựa trong xã hội Do Thái xưa. Và ông tự hỏi: ngày nay, nếu Chúa Giêsu không gặp bà góa khóc con mà là một bà mẹ đơn chiếc đang can đảm gánh vác một gia đình trên bờ vực nghèo đói, Người sẽ làm gì? Tác giả không có câu trả lời, chắc ông để độc giả tự trả lời lấy. Câu truyện này cho thấy Chúa Giêsu quả là Chúa của các bà góa (Grm 49:11)! Nó cho thấy dù người góa phụ đơn chiếc, không quyền hành, sức lực, không người bênh vực tranh đấu cho nhưng Chúa Giêsu vẫn “thấy” ra bà. Môn đệ Chúa Giêsu cũng thế họ phải biết "nhìn ra" những con người “vô hình” đầy rẫy trong xã hội hiện đại, xã hội mạnh ai nấy sống, đang kêu gào giúp đỡ trong thầm lặng vô vọng.

Một tác giả khác, Gerald M. Bilkes, (https://www.christianstudylibrary.org/article/miracle-gate-nain), nhận xét rằng Chúa Giêsu làm cho người con trai bà góa sống lại bằng cách nói thẳng với anh ta. Đối với kẻ ưa hoài nghi, việc này đáng nực cười. Không có gì đáng buồn cười hơn việc nói chuyện với một ai hai lỗ tai chết đã đóng lại. Ấy thế nhưng sự chết vẫn không giữ người ta khỏi đáp lại tiếng Chúa. Như Tin Mừng Gioan 5:25 vốn quả quyết: “chính là lúc này đây– giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống”.