Bài Tin Mừng Luca 7:18-23: Câu hỏi của Ông Gioan Tẩy giả và câu trả lời của Chúa Giêsu

18Môn đệ của ông Gioan báo cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, 19sai họ đến hỏi Chúa rằng : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 20Khi đến gặp Đức Giêsu, hai người ấy nói : “Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy : ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’” 21Chính giờ ấy, Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

(Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm CGKPV)



Chú thích

Môn đệ của Ông Gioan. Luca đã nhắc đến các môn đệ của Ông Gioan tại 5:33 và sẽ còn nhắc đến một lần nữa ở 11:1. Dường như họ là nhóm người Do Thái ở Palestine từng chịu phép rửa của Gioan, ngoại trừ Công vụ (18:25-26) có nhắc đến Apôlô, người Do Thái ở Alexandria cũng đã chịu phép rửa của Gioan. Những người này sử dụng một hình thức cầu nguyện nào đó và thường xuyên ăn chay. Mc 6:29 gợi ý họ vẫn tiếp tục sinh hoạt tập thể cả sau khi Gioan bị tù đầy và qua đời.

Ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại. Nghĩa là cho vời hai môn đệ tới nhà tù nơi Ông đang bị giam. Ở đây, Luca không nhắc đến việc Gioan bị ngồi tù nhhư Mt 11:2. Cũng khác với Mátthêu, Luca thêm “hai” (môn đệ) chắc chắn để phản ảnh Đnl 19:15: “lời của hai nhân chứng” và điều này giải thích lý do cho việc ngài thêm câu 21 vào câu truyện.

Đến hỏi Chúa. Luca dùng lại tước hiệu ho kyrios ở đây để chỉ Chúa Giêsu trong một trình thuật. Một số bản chép tay chỉ nói đến tên Giêsu mà thôi chứ không có tước hiệu ho kyrios này.

Đấng phải đến. Ho erchomenos, ở đây rõ ràng được dùng như một tước hiệu. Câu hỏi này có ý nói tới câu tuyên bố của Ông Gioan tại 3:16: “đang đến” (erchetai).

Vì việc “đến” của một số nhân vật được mong đợi từng có trong truyền thống Do Thái trước Chúa Kitô, thiết nghĩ nên tìm hiểu xem tước hiệu “Đấng phải đến” này có nghĩa gì đối với Gioan và Luca. Trong bối cảnh này, chắc chắn không phải là vị khách hành hương đến Giêrusalem dự lễ như trong Tv 118:26 (Bản Bẩy Mươi ho erchomenos), được ám chỉ trong Lc 13:35 và sửa đổi tại 19:38. Cũng thế, chắc chắn nó khó được dùng chỉ việc Giavê đến như nghĩa trong Dcr 14:5. Dĩ nhiên, nó phải dùng cho một nhân vật vua chúa mà việc ngự đến đã được Dcr 9:9 nhắc đến. Nó cũng có thể được hiểu như việc đến của một tiên tri, như Môsê, và của các vị Được Xức Dầu như trong 1QS (qumran) 9:11 (“cho tới khi đến của một tiên tri và các vị được xức dầu là Aaron và Israel”). Nó cũng có thể dùng chỉ việc đến của sứ giả Giavê như trong Mk 3:1, người được đồng hóa với Êlia, vị sẽ được sai đến trước “ngày trọng đại và huy hoàng của Chúa” (Mk 3:23). Vấn đề liệu đây có chỉ về việc đến của Con Người cá thể, cánh chung hay không thì vẫn còn có người tranh cãi vì không chắc đã có một niềm tin vào một nhân vật như thế trong truyền thống Do Thái ở Palestine trước thời Chúa Kitô. Nhưng đến thời Tân Ước, việc “đến” của một Con Người cá thể đã được biết đến (xem Mc 8:38; Lc 9:26; Mt 16:27; 25:31), và áp dụng vào Chúa Giêsu, Đấng được nói đến như ho erchomenos trong Dt 10:37.

Nhưng trong ngữ cảnh này, khi Gioan Tẩy giả nói đến ho erchomenos, khó có thể có nghĩa Con Người, một vị vua hay một vị tiên tri kiểu Môsê. Hầu hết các nhà chú giải cho rằng Gioan có ý đến tước hiệu xức dầu. Kiểu giải thích này được nâng đỡ bởi câu 3:15 trong đó, người ta hỏi có phải Ông Gioan là Đấng Mêxia hay không, và một số nhà bình luận cho rằng căn cứ vào câu trả lời, Gioan ngụ ý dành tước hiệu này cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Cha Fitzmyer cho rằng ngụ ý này không mấy chắc chắn. Nó có thể đúng với Mátthêu vì trong Mátthêu, Gioan Tẩy giả được nghe về các việc làm của Đấng Được Xức Dầu (11:2), một điều do chính Mátthêu sửa đổi nguồn “Q” vì câu 11:19. Chứ kiểu giải thích xức dầu của tước hiệu ho erchomenos không phù hợp với giai đoạn I của phần này trong truyền thống Tin Mừng cũng như ngữ cảnh Luca. Do đó, theo Cha Fitzmyer, khi lời rao giảng có tính cách cánh chung và xức dầu của Gioan (3:7-9, 15-17) được xem xét với điều người ta thấy trong tình tiết này (7:18-23), ta nên hiểu tước hiệu này như là “sứ giả của Giavê”, một Êlia Hồi Sinh (Elias redivivus), một vai trò bị Chúa Giêsu bác bỏ ở đây. Điều này cần phải thừa nhận cho dù có một cảm thức trong đó Chúa Giêsu được coi như ÊliaThứ hai trong Tin Mừng này.

Chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám. Cả ba thứ này đều liên hệ tới động từ (chữa) khỏi cho thấy người xưa không hề phân biệt giữa bệnh tật thể lý và tình trạng bị qủy ám.

Những điều mắt thấy tai nghe. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu Ông Gioan hỏi; thay vì nhìn nhận hay bác bỏ việc mình là ho erchomenos theo nghĩa Elias redivivus, Chúa Giêsu bảo hai môn đệ của ông Gioan về trình bầy cho ông những gì chính họ chứng kiến trực tiếp bằng mắt bằng tai. Câu trả lời của Người sử dụng các cụm từ ám chỉ một số cụm từ trong Isaia (35:5; 26:19; 61:1) ngụ ý muốn nói rằng Người đến như hiện thân của các phước lành đã hứa ban cho con người qua miệng vị tiên tri này. Quả thực câu trả lời của Người như muốn nói: “đúng, tôi đến, nhưng không theo nghĩa của ông tức một nhà cải cách bốc lửa”. Quả thực Chúa Giêsu đả bỏ không nhắc đến ý niệm “báo thù” trong Isaia (29:20; 35:4).

Kẻ nghèo được nghe tin mừng. Tin mừng, euangelizesthai, là chữ Luca rất thích dùng. Ngược lại, Máccô không bao giờ dùng nó còn Mátthêu chỉ dùng một lần (11:5). Luca thì dùng nó 10 lần trong Tin Mừng và 15 lần trong Công Vụ: 7 lần để chỉ lời dạy của Chúa Giêsu (Lc 4:18,43; 7:22; 8:1; 9:6; 16:16; 20:1).



Nhận định

Đây là tình tiết đầu tiên trong ba tình tiết Luca muốn nói về Gioan Tẩy giả và mối liên hệ của vị này với Chúa Giêsu. Tình tiết thứ nhất này (18-23) đề cập tới câu hỏi của Gioan ngỏ với Chúa Giêsu và câu Chúa Giêsu trả lời ngài. Tình tiết thứ hai (24-30) nói về chứng từ của Chúa Giêsu về vai trò và căn tính của Gioan và tình tiết thứ ba (31-35) nói về phán xét của Chúa Giêsu về thái độ của thế hệ Người đối với Gioan và đối với chính Người.

Cha Fitzmyer cho rằng điều khó trong tình tiết này là vấn đề tư cách Mêxia của Chúa Giêsu. Mt 11:1 nói đến “những việc Đức Kitô [Mêxia] làm”. Còn Luca thì không hề nói chi tới tính cách “Mêxia” ở đây. Vì trong các câu 18-22, Chúa Giêsu được mô tả như bác bỏ vai trò Êlia Hồi Sinh, vai trò mà Gioan Tẩy Giả thoạt đầu đã gán cho Người (xem 3:15-18). Thay vì hiểu sứ mệnh của mình như sứ mệnh của một nhà cải cách cánh chung bốc lửa, Chúa Giêsu coi vai trò của mình như hiện thân các phước lành Thiên Chúa hứa ban cho những kẻ bất hạnh của xã hội con người qua miệng tiên tri Isaia. Thọat đầu, Gioan Tẩy Giả coi Chúa Giêsu như Đấng sẽ đẩy xa hơn nữa những gì ông đã bắt đầu “Đấng mạnh thế hơn tôi” (3:16), “Đấng đang đến”. Nhưng nay, Chúa Giêsu cho biết rõ Người không “cầm nia rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Thay vào đó, Người chữa lành, giải thoát, hồi sinh; Người săn sóc người mù, người què, cùi hủi, điếc, câm và thậm chí cả người đã chết, và Người rao giảng tin mừng của Thiên Chúa cho người nghèo. Câu 7:22 có thể được coi như tiếng vang của câu Is 61:1, như được trình bầy tại Lc 4:18.

Về việc tại sao Gioan Tẩy Giả lại phải hỏi Chúa Giêsu về vai trò của Người, Cha Fitzmyer cho hay nhiều giải thích đã được nêu ra. Trong số này, các nhà bình luận từ thời giáo phụ cho tới Phong trào Thệ phản coi việc hỏi này chỉ là hư cấu: người tù Gioan Tẩy giả muốn nhân dịp này củng cố cái hiểu của các môn đệ mình đối với Chúa Giêsu; nhưng sau đó phần đông coi việc hỏi này ít nhất cũng là niềm hoài nghi chớm nở của tù nhân Gioan Tẩy giả về vai trò Chúa Giêsu hiện đang thủ diễn, mà thẳng thừng thì quả là một niềm hoài nghi, do dự hay ngỡ ngàng thực sự khi thấy Chúa Giêsu không phải là loại đấng xức dầu như mình mong muốn. Niềm hoài nghi này không hẳn bác bỏ niềm tin của Gioan coi Chúa Giêsu là đấng xức dầu nhưng hoài nghi vai trò làm vị xức dầu sẵn sàng “cầm nia rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Và vì thế, Chúa Giêsu muốn Gioan biết đúng vai trò của Người và cầu mong Ông đừng vì thấy Người không đáp ứng “hoài mong” của Ông mà vấp ngã. Mối phúc ở câu 24 là sứ điệp đặc biệt gửi đến ông và những người có những ý kiến tiên niệm về Người.

Chính vì thế, có tác giả như Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_18-23/) đặt tựa cho bài suy niệm tình tiết này là It’s O.K. to doubt Jesus (hoài nghi Chúa Giêsu là điều không sao). Lẽ dĩ nhiên, phải ở một tâm trạng nào mới có thể “hoài nghi” Chúa Giêsu mà không sao. Myers cho rằng đây là niềm hoài nghi của một người bốc lửa, vốn tin tưởng “người mạnh thế hơn mình” sẽ tiếp tục con đường đốn cây, dẹp sạch sân đạp lúa mà mình đã khởi sự. Khi thấy mình ngồi tù, hết đường hoạt động, mà “người mạnh thế hơn mình” liên tiếp không đi theo con đường bốc lửa của mình, thì hoài nghi, thắc mắc, và phúc cho ông, ông đã lên tiếng hỏi và được chính Chúa đích thân trả lời, lái ông về ý niệm Kitô hay Mêxia chân chính.

Myers nhận định rằng “Nhưng điều khích lệ hơn nhiều là cách Chúa Giêsu đáp ứng niềm hoài nghi của người đàn ông này. Chúa Giêsu không trách móc ông. Chúa Giêsu không coi thường ông. Chúa Giêsu không quở trách hay khiển trách ông. Chúa Giêsu chỉ yêu ông thôi, và cho ông những gì ông cần để vượt qua sự nghi ngờ của ông. Người trải qua giai đoạn nghi ngờ này không ai khác chính là Gioan Tẩy giả. Ông là nhà tiên tri vĩ đại nhất trong Cựu ước. Chúa Giêsu nói về ông rằng trong số những người sinh ra bởi phụ nữ từ khi sáng thế cho đến thời điểm đó, không ai vĩ đại hơn Gioan Tẩy Giả”.

Và nếu một con người vĩ đại như thế còn hoài nghi, thì chúng ta là chi mà không hoài nghi. Chỉ có điều khác với Gioan Tẩy giả, khi hoài nghi, ta thường ngưng đọc Kinh Thánh, ngưng cầu nguyện, ngưng đi lại với các đồng đạo Kitô hữu. Gioan Tẩy giả không làm như thế. Khi bắt đầu hoài nhi, khi niềm tin của ông bắt đầu giật giờ ông với tới Chúa Giêsu để có câu trả lời.

Myers cho rằng hoài nghi nở rộ trong bóng tối, giống loài nấm. Nó nở rộ trong cõi đơn côi lạnh lẽo, tối tăm của tinh thần con người. Trong cô đơn, các vấn nạn xem ra lớn lao hơn, khủng khiếp hơn, vô vọng hơn. Gioan Tẩy Giả lúc ấy đang trong ngục tối, nơi nấm lan tràn. Bóng tối nuôi dưỡng hoài nghi. Ánh sáng xua tan nó. Nên lúc hoài nghi hãy chạy tới ánh sáng. Đừng bỏ qua thì giờ với Thiên Chúa. Đừng bỏ bê việc đọc Kinh Thánh. Đừng xa lánh việc tụ tập với các đồng đạo Kitô hữu. Khi hoài nghi, hãy thu nhận càng nhiều ánh sáng càng tốt vào cuộc sống mình. Khi hoài nghi, hãy chạy tới với Chúa Giêsu.

Người đáp ứng ta một cách khoan thai như đã đáp ứng câu hỏi của Gioan Tẩy Giả. Người không trả lời ngay, nhưng tiếp tục chữa lành. Và chính hành động chữa lành này nhắn lời với Gioan. Ngài chữa 4 thứ bệnh để các sứ giả của Gioan thấy bằng tai bằng mắt mà thuật lại cho Gioan nghe, trong đó, nổi nhất là chữa người mù. Gioan cũng là một người mù, mù tinh thần. Ngồi trong tù, không thấy Chúa Giêsu là ai. Đọc Cựu Ước không thông nên hoài nghi vai trò thiên sai của Chúa Giêsu. Chứ Isaia 35:5-6 đã nói rõ “Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Những điều này đang xẩy ra dưới sự mục kích của các sứ giả.

Khi hoài nghi, đừng tìm cách bác bỏ nó, hãy chạy đến với Chúa Giêsu. Người sẽ giúp ta thấy rõ.

Thái độ coi việc Chúa Giêsu chưa đáp ứng “nguyện vọng” của mình như dấu chỉ Người không phải là Đấng Kitô đúng nghĩa hiện nay vẫn rất phổ thông. Myers nhận định rằng “Đúng, Người nói những điều bạn không hiểu. Người làm những điều bạn không kỳ vọng. Bạn đừng vấp ngã về những điều ấy. Những câu nói khó hiểu và những hành động gây ngạc nhiên không có nghĩa là Người không phải là Đấng Người nói Người là. Chúng chỉ cho thấy bạn chưa biết Người trọn vẹn mà thôi. Nên bạn hãy tiếp tục trở lại để học hỏi nơi Người”.