Chiều thứ Bảy 05/11/2011, trước gần 200 khán giả tham dự tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn, thầy Nguyễn Thành Nhân, Chuyên viên của Trung Tâm Đào Tâm Tài Năng Trẻ Thái Bình Dương đã chia sẻ đề tài: “DẠY CON THỜI HIỆN ĐẠI” do Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình Sài Gòn tổ chức. Lần đầu tiên đến với khán giả Công Giáo, thầy Nhân đã để lại ấn tượng tốt, gây xúc động trong lòng khán giả qua sự nhiệt tình và lối kể chuyện minh họa đầy cảm xúc với những câu chuyện thực tế từ kinh nghiệm giảng dạy và tham vấn tâm lý của mình.
Sau câu chuyện mở đầu kể về một ca tham vấn trong đó một ông bố nói rằng mình như ngã gục và bất lực trước sự ngỗ nghịch của đứa con tuổi vị thành niên. Thầy đặt vấn đề cho đề tài chia sẻ rằng dù theo tôn giáo nào, dù là con người như thế nào, dù ở nơi đâu thì những đứa con của các bậc cha mẹ đều được họ nghĩ là báu vật trên đời này (Câu chuyện mọi sự rồi cũng sẽ trôi qua), nhưng tình hình trong gia đình thời nay quả là một vấn nạn.
Bốn yếu tố ảnh hưởng đến trẻ: gia đình, nhà trường, xã hội và nội tâm. Các nhà tâm lý Việt Nam thường chỉ nói đến 3 yếu tố đầu, nhưng yếu tố thứ tư rất quan trọng, quyết định nhân cách và sự thành công của một con người. Cha mẹ có thể bỏ rất nhiều tiền để đầu tư cho con, nhưng đứa trẻ hư là do lỗi của người làm cha mẹ rất nhiều trong đó vì không được huấn luyện tốt. Trước đây xã hội và cộng đồng gắn liền với tôn giáo và tôn giáo giúp điều tiết hành vi con người rất tốt, nhưng thời bây giờ đã có nhiều sự khác biệt. Cái nếp của gia đình vẫn chưa điều tiết được, vẫn chưa thể xử lý được chuyện giáo dục con cái và cộng đồng xã hội cũng đã góp phần làm cho trẻ trở nên khó dạy hơn.
Cha mẹ Việt Nam cho con học rất nhiều thứ, nào là ngoại ngữ, tin học, nhạc, họa và chọn cho con học trường thật giỏi, trẻ không còn thời gian để chơi, làm cho tâm lý trẻ mệt mỏi, thậm chí giận cha mẹ vì cha mẹ cho con học quá nhiều. Bên cạnh đó, cha mẹ thời nay dạy con theo tâm lý bảo bọc trẻ. Cha mẹ bảo bọc trẻ như con gà công nghiệp, bảo bọc trẻ như một cái trứng, sợ con mình thất bại, sợ môi trường xấu, sợ con nhiễm tật xấu. Tâm lý hạn hẹp đó cần phải được thay đổi, bởi vì trong môi trường xấu vẫn có rất nhiều người tốt và đôi khi trẻ cần phải biết một vài cái xấu đó để mà tránh, giống như một liều vắc xin dành cho trẻ. Một đứa trẻ chỉ biết toàn điều tốt thì thiếu kỹ năng để phán đoán và bảo vệ chính mình. Tâm lý bảo bọc dẫn đến trẻ con rất dễ ngang bướng, được thể hiện bằng những quan niệm và cách giáo dục sai lầm như sau:
Trẻ con được xem như cái rốn của vũ trụ: Cha mẹ và những người trong gia đình phải phục vụ trẻ, chăm sóc từ ly, từ tí, trẻ không phải tự thân lo điều gì cả, đây quả là điều cực kỳ nguy hiểm.
Cha mẹ có tâm lý bù đắp: Do ngày trước nghèo khó, sau bao năm vất vả giờ đã khá giả, nên cha mẹ muốn bù đắp bằng những đồng tiền mình kiếm được trong mọi chuyện, muốn con mình bằng bè, bằng bạn. Song song đó, do ngày càng phải làm việc nhiều hơn, đi công tác nhiều hơn, cả tuần, cả tháng, tâm lý ông bố lại càng muốn bù đắp cho con hơn bằng những bữa ăn sang trọng, những vật dụng đắt tiền…
Cha mẹ muốn con trở thành thiên tài: Một đứa con phải là một người có ích sau đó mới là một người giỏi, một thiên tài, đó là quy luật. Nhưng hiện giờ các bậc cha mẹ không nghĩ vậy, nên khi con đi học trong trường, học lực khá họ không chấp nhận, bằng mọi giá con phải là học sinh giỏi. Tâm lý muốn con là thiên tài đang đè nặng lên mọi người, đẩy cả xã hội chạy theo thành tích học tập nguy hiểm, và cha mẹ đang góp phần vào cuộc chạy đua đó.
Cha mẹ thiếu những bài giảng giúp cho con cảm nhận khó khăn: Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ những nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến tình trạng khó khăn của trẻ như học hành sa sút, thất bại trong việc gì đó… để từ đó hướng dẫn và đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ dần vượt qua khó khăn (Câu chuyện con đi sinh nhật về bị mẹ mắng và con uống thuốc nhầm ).
Vật chất hóa tình cảm: Một điều hết sức nghịch lý là các bậc phụ huynh để cho ti vi (TV) “dạy dỗ” con mình từ 4 tiếng đến 7 tiếng mỗi ngày, nhưng họ chỉ có từ 5 đến 20 phút để trò chuyện với con (Câu chuyện xin mua giờ của bố). Họ hiển nhiên có thể mặc cả với con rằng: Bố có thể cho con nhiều tiền, mẹ có thể cho con nhiều tiền nhưng bố mẹ bận lắm, bố mẹ làm ăn, bố mẹ cần phải gặp gỡ bạn bè, cần phải có những giao dịch này nọ. Từ trong sâu thẳm của đứa bé, nó đã trở nên xa dần cha mẹ, vật chất hóa tình cảm đã đánh mất đi tình cảm gia đình. TV dạy cho trẻ rất nhiều nhưng cha mẹ không kiểm soát được những điều tốt xấu và điều xấu cứ thế thấm dần vào trẻ xuyên suốt hành trình tuổi thơ.
Thiếu gắn kết gia đình: Ngày còn nghèo khó, người ta thường có những buổi cơm gia đình, 4-5 giờ sáng mẹ nấu cơm sáng cho con cái quây quần ăn xong rồi mới bắt đầu hành trình một ngày mới, giờ thì bữa cơm gia đình gần như không còn nữa (Câu chuyện nồi cháo gia đình ). Ngày mình còn nghèo, bữa ăn gia đình là tiết kiệm nhưng nó lại là sự gắn kết, làm cho những đứa con trở nên tốt hơn và điều tiết tâm lý con tốt hơn. Khi đã khá giả, cha mẹ cứ nghĩ đi ăn ở KFC (tiệm thức ăn nhanh) là tốt, đi ăn nhà hàng là tốt, thật ra nó chỉ là để thể hiện sự sang trọng. Vai trò người bố rất quan trọng, nếu như thiếu những gắn kết bằng những buổi ăn gia đình, bằng những cái ôm hôn vỗ về sẽ làm cho trẻ không lớn lên.
Tâm lý thay đổi của trẻ theo thời gian: Ở cấp một khi bố mẹ chở đi học thì con ôm chặt bố mẹ. Lên cấp 2, bố mẹ cũng chở vậy thì ngồi xa xa ra một chút, đến cấp ba thì mắc cỡ với bạn bè, không muốn cha mẹ đưa đón nữa, muốn đi học riêng bằng xe đạp, nếu cha mẹ khó khăn thì cảm thấy xấu hổ. Có thể nói trẻ đang dần xa cha mẹ mình và đây tâm lý ích kỷ, ngang bướng và nổi loạn của trẻ, tùy theo trẻ mà giai đoạn này xảy ra ngắn hay dài. Trẻ con ngày nay dậy thì sớm là do ăn nhiều, uống nhiều, nhất là uống nhiều loại sữa bổ dưỡng làm cho trẻ phát triển cơ thể, to con hơn, béo phì, vì cha mẹ cứ nghĩ cho con uống sữa để phát triển trí não. Não trái phát triển làm cho con người có khả năng tư duy, toán học, buôn bán giỏi, mưu mẹo giỏi, nhưng con người cảm thụ âm nhạc, hội họa, tình cảm, biết yêu thương, biết chia sẻ và yếu tố để con người thành công liên quan đến não phải rất nhiều. Nhưng để não phải phát triển không hề đơn giản là chỉ uống sữa có chứa DHA, hay ăn những bữa ăn sang trọng, ăn đủ chất mà phải từ những bài tập cơ học, từ những bài tập đập tay cơ bản cho đến những cup game (trò đập tay phối hợp với 1 chiếc ly) mà trẻ con trên thế giới đang được huấn luyện, nhưng trẻ con Việt Nam thì không được dạy. Những lời ru và những câu chuyện kể hằng đêm khi trẻ còn nhỏ cũng giúp não phải phát triển tốt.
Trẻ bây giờ sống vội, ăn vội, uống vội, nói vội, thậm chí nói với bố mẹ câu nói chưa xong đã bỏ đi. Xã hội và phim ảnh đẩy trẻ đến con đường sống vội, và làm trẻ bây giờ ít bạn. Cha mẹ có bạn mà đứa con không bạn là lỗi do cha mẹ mà ra, do không tạo cơ hội cho con có bạn, cha mẹ cho con nhiều tiền và cho con có phòng riêng. Con sẽ cô đơn trong căn phòng của mình và tìm đến những người bạn ảo và tới một ngày trẻ sẽ nghiện những thứ không cần thiết. Giữa cha mẹ và con cái sẽ có một khoảng cách rất xa, bởi vì trẻ thiếu những người bạn thực trên đời. Ngoài môi trường học đường, sinh hoạt tôn giáo cũng là nơi mà trẻ có thể vui chơi và kết bạn.
Trẻ con dễ bị tổn thương và mặc cảm, nhất là khi bị la mắng trước mặt bạn, nhưng một khi trẻ thần tượng ai rồi thì trẻ rất nghe lời dạy bảo của người đó, và trẻ sẽ thay đổi rất tốt (Câu chuyện trẻ bị la mắng trước mặt bạn ).
Với đà phát triển của khoa học kỹ thuật, những phương tiện truyền thông giúp ích rất nhiều cho thế hệ trẻ ngày nay, nhưng những mặt trái của các thành tựu khoa học, của những trào lưu, lối sống trong xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến trẻ, và nếu cha mẹ không có những kỹ năng thích hợp để điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của trẻ, thì trẻ rất dễ bị nhiễm những căn bệnh của xã hội:
Căn bệnh ngón tay cái: Khi trang bị điện thoại cho trẻ, cha mẹ thường nghĩ và mong đợi sẽ tốt hơn cho trẻ, nhưng thường trẻ lại bị bệnh ngón tay cái. Ngồi trong cùng phòng học trẻ nhắn tin cho nhau, trước khi đi ngủ nhá máy cho nhau, và tệ hơn là đổi sim điện thoại để quấy rối bạn bè, thầy cô, và thậm chí cả cha mẹ. Hiện nay trẻ sử dụng iphone, điện thoại di động đắt tiền như là một trào lưu và thể hiện đẳng cấp của mình. Đáng lý trẻ con dưới đại học không nên sử dụng các thiết bị như thế.
Bệnh nói dối: Đối với trẻ em từ 2 đến 4 tuổi, nói dối là vô thức không có gì đáng lo. Từ 5-7 tuổi, trẻ nói dối vì sợ bố mẹ, 8 tuổi, trẻ nói dối vì sợ kỷ luật và trừng phạt. Nói đối từ đâu ra? Đầu tiên là từ một xã hội nói dối, cho nên trẻ con biết nói dối, thứ hai do cha mẹ nói dối, yếu tố nội tâm của trẻ đã biết bắt chước từ những chuyện nhỏ nhặt nhất lúc tuổi thơ, vì thế trẻ sinh ra nói dối. Các bậc cha mẹ cần thay đổi phương pháp nói bằng cách nói trớ đi để tư duy trẻ trở nên tốt hơn (Câu chuyện hai đứa con bán dù và dép cỏ ). Nên khuyến khích và động viên trẻ bằng câu nói: “Ráng thêm chút nữa” (Câu chuyện trẻ bị chê có vấn đề về thần kinh).
Bệnh sợ yêu: Trẻ thèm được người khác ôm hôn vỗ về, nhưng càng lớn trẻ càng ít được hôn hơn, nhất là các ông bố. Ngày nay, trẻ yêu đương sớm, vì cha mẹ không yêu thương chăm sóc, trẻ sẽ đi tìm một tình yêu khác. Đứa con là báu vật của cha mẹ, vì thế hãy dành tình yêu cho con, cụ thể là hôn con và có những cử chỉ thân mật từ lúc con nhỏ và cũng có thể cả khi con đã lập gia đình. Hôn con là cách dạy điều tiết hành vi của trẻ, để những khi trẻ nổi nóng, những cái hôn đó sẽ kéo trẻ trở lại gần cha mẹ hơn.
Ganh tị với anh chị em trong gia đình: Lỗi từ nhiều bà mẹ, ông bố mà ra, khi bắt đầu có đứa con thứ hai nằm trong bụng, cần phải dạy con đúng cách, đừng vô tình mà bảo rằng: “Có em rồi, không thương con nữa đâu!” Câu nói đó khiến từ trong đầu đứa bé có ý nghĩ muốn tiêu diệt đứa em trong bụng mẹ, vì có đứa em mình không được thương nữa. Hãy dạy cho trẻ nhận biết được người bạn thân trong cuộc đời cần phải nghe và phải học đó là anh chị em ruột cùng dòng máu với mình, kế đến cha mẹ cũng sẽ là người bạn thân khi trẻ lớn lên (Câu chuyện anh em ganh tị đánh nhau).
Bệnh đua đòi: Ngày còn nhỏ trẻ sao cũng được, cũng dễ thương, lớn lên một chút cha mẹ cho con cái chọn màu sắc, chọn đồ chơi, lớn nữa thì nhuộm tóc, thay đổi điện thoại di động sao cho hợp mốt, sành điệu. Gia đình khá giả mà cha mẹ có tâm lý bù đắp vật chất, thì trẻ con ngày càng trở nên đua đòi hơn, tới một lúc nào đó tâm lý đua đòi đè nặng lên trẻ thì trẻ sẽ xao lãng trong việc học tập vì trẻ tập trung cái này sẽ không tập trung cái khác, đua đòi cái này trẻ sẽ quên bẵng đi những chuyện khác cần phải làm.
Tự cho mình là căn bệnh và làm cho mình trở thành một người quấy rối lặng thầm: Trẻ sống tự ti, đôi lúc tự dưng đòi chết với những lý do lãng nhách: thằng bạn con không chơi với con, con muốn chết. Bên cạnh đó là trở thành người quấy rối lặng thầm như quấy rối bằng điện thoại di động hay cột tà áo dài của bạn nữ, viết bậy lên đó…
Nghiện game online: Những đứa trẻ không được tâm sự với bố mẹ thường muốn thể hiện trên thế giới ảo, những đứa bé càng bị ăn hiếp trong trường thì lên thế giới ảo nó càng chứng tỏ mình, vì được nhiều người tôn sùng, trở nên hãnh diện hơn, được nói nhiều hơn, chơi nhiều càng được nâng cấp, đứa trẻ càng ngày trở nên hào hứng hơn và nó trở nên nghiện game hơn. Ngày nay, đường truyền internet nhanh, máy vi tính rẻ, cha mẹ thường sai lầm là gắn máy vi tính, tivi trong phòng con, chỉ nên để phòng con là phòng ngủ, thậm chí học bài cũng học ở phòng chung. Biểu hiện của nghiện game là ăn cắp vặt để mua thẻ nạp, mua những báu vật trong game, ngỗ nghịch hỗn láo với bố mẹ. Để cai nghiện game cần cho trẻ được giải phóng năng lượng bằng cách đưa trẻ đi huấn luyện ở trung tâm để cai nghiện game online. Bên cạnh đó, cần phải có người bạn mà trẻ yêu quý hoặc trẻ thần tượng để tác động tâm lý cho trẻ.
Sau khi phân tích các căn bệnh xã hội mà trẻ có thể mắc phải, thầy đã phân tích thêm một số điều cha mẹ thường mắc sai lầm làm cho trẻ bị ức chế:
Mệnh lệnh một chiều: Trẻ được được yêu thương là một lẽ, nhưng nuông chiều trẻ cũng làm trẻ hư, ngược lại áp đặt mệnh lệnh một chiều, bắt con phải làm thế này, phải làm thế kia sẽ làm cho bố mẹ và con trẻ trở nên cách xa nhau. Cần hướng trẻ đến những hoạt động phụ giúp cha mẹ công việc nhà để trẻ thấy rằng làm để học cách lớn lên, biết gánh vác trách nhiệm và tự tin hơn.
Dán nhãn cho con: Trong lúc tức giận vì kết quả học tập của con không đạt, vì những bất cẩn lỡ tay làm vỡ vật dụng, hai một lầm lỗi nào đó, cha mẹ có thể dán nhãn cho con sao ngu, dốt thế, hậu đậu thế… Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, nên một lần dán nhãn thì cần chín lần gỡ nhãn ra. Cũng không nên so sánh với những đứa trẻ khác, trẻ sẽ làm ngược với ý cha mẹ vì tại sao bố mẹ không chú ý đến con mà chú ý đến người khác.
Không nên so sánh về khuôn mặt và ngoại hình với những đứa trẻ khác: Đừng bao giờ lấy ngoại hình của người khác áp đặt cho con mình, không được dùng chân tay để hạ nhục trẻ, nhất là ở chỗ đông người, bởi vì con là đặc biệt trên cuộc đời này, nên chăng là đánh thức nội lực của con, giúp cho con mình trở thành thiên tài thực sự bằng cách giáo dục, huấn luyện đúng cách.
Làm gì để giáo dục con, nâng đỡ con trong cuộc sống khi con có những hoạt động trỗi vượt hơn hay gặp phải những tình huống không thuận lợi, mắc lỗi sai lầm? Thầy Nhân đã đưa ra những phương pháp rất quan trọng các bậc cha mẹ cần ghi nhớ để áp dụng trong việc giáo dục con cái:
Chuyện nhỏ, chuyện to: Chuyện to hãy làm cho nhỏ trở lại, chuyện nhỏ hãy xem như không có. Cần khéo léo tạo tâm lý cho con vượt khó, tập nhẫn nhịn vì tuổi vị thành niên thường đánh nhau vì những chuyện nhỏ xé ra to (Câu chuyện người mẹ hy sinh lặng thầm để lo cho con ăn học).
Khen chê: Khi khen trẻ hãy khen trước mặt, còn khi phê bình, hoặc là cha hoặc là mẹ phê bình thôi, bởi vì hai người phê bình cùng một lúc trẻ sẽ không biết nương tựa vào ai. Những người làm giáo dục cần phải để ý là khi phê bình hãy phê bình một mình trẻ, để trẻ không bị tổn thương (Câu chuyện người mẹ hy sinh một mắt cho con).
Dùng sức lực của nhiều người để tạo nên niềm tin và cộng hưởng: 100% sức lực của một mình bố mẹ không bằng 10% sức lực của 10 người, không bằng 1% sức lực của 100 người, hãy cộng hưởng với những phụ huynh của bạn bè con em mình, chơi với họ để phát hiện con em mình thế nào, để điều tiết hành vi trẻ trở nên tốt hơn. Đôi lúc cha mẹ nói có thể con không nghe nhưng cha mẹ của bạn bè nói trẻ sẽ nghe.
Trước khi kết thúc bài giảng của mình, Thầy cũng đưa ra một số lưu ý cha mẹ nên thực hiện để động viên, khuyến khích, huấn luyện con trẻ trở nên giỏi hơn như: Những ngày hè cho con về quê nội, quê ngoại, nếu có điều kiện hãy cho đi dã ngoại dài ngày có mục đích để đứa trẻ được trải nghiệm cuộc sống thay vì những cuộc vui chơi chỉ đơn thuần là hưởng thụ; Giao cho trẻ những việc nhỏ để tạo cho trẻ niềm tin; Tìm thần tượng cho con, nhất là người bố, vì bố là bờ vai cho con tựa; Viết thư cho con và viết nhật ký cho con: Viết nhật ký cho con không khi nào là quá muộn, khi con lớn đến mức độ nào đó, cho con xem lại những việc con đã từng làm như thế nào, những lời lẽ, những tình cảm trong nhật ký sẽ có sức mạnh biến đổi con; Khi con ngỗ nghịch hãy viết thư cho con nhằm điều tiết hành vi của trẻ; Dành thời gian cho trẻ, chia sẻ với trẻ.
Mỗi đứa trẻ là báu vật cuộc đời, là quà tặng quý giá có một không hai của Thiên Chúa dành cho các bậc cha mẹ. Vì thế, khi trẻ bắt đầu tiếng khóc chào đời, người làm cha làm mẹ nào cũng mong mỏi một tương lai tươi sáng cho con. Nhưng phải giáo dục con như thế nào trong từng giai đoạn trưởng thành của trẻ là chuyện không hề đơn giản trong thời đại ngày nay. Dạy con thời hiện đại quả là một nghệ thuật kết hợp các kỹ năng thực hành xã hội, những kinh nghiệm tôn giáo nhằm giúp trẻ có những bước đi đúng đắn trong cuộc đời. Mong sao kinh nghiệm từ bài giảng “Dạy Con Thời Hiện Đại” của thầy Nguyễn Thành Nhân được nhiều bậc cha mẹ đón nhận và áp dụng để cả xã hội cộng hưởng với nhau thì nó sẽ trở nên tốt đẹp hơn.