HÀ NỘi, Việt Nam – Một gia đình Công giáo tại miền Trung Việt Nam nhiều năm vượt qua khó khăn để nuôi dạy con cái khuyết tật không chỉ học giỏi, thành đạt trong nghề nghiệp mà còn tích cự tham gia khuyến học giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, học sinh nghèo trong cộng đồng xã hội, họ được biểu dương khen ngợi cùng với 250 gia đình hiếu học và 70 dòng họ khuyến học nhân đại hội khuyến học tòan quốc lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Lịch đang nhận bằng khen
Gia đình ông Phêrô Nguyễn Công Lịch và bà Mattha Nguyễn Thị Hứa đã nuôi dạy ba người con ăn học thành tài, trong đó có hai người con khuyết tật bại liệt là một trong số gương mặt gia đình Công giáo ít ỏi hiện diện tại một đại hội khuyến học cấp quốc gia thu hút 700 đại biểu cấp cao và địa phương tham dự, trong đó có 251 gia đình hiếu học và 70 dòng họ khuyến học tiêu biểu được tôn vinh đại diện cho hơn 4 triệu gia đình hiếu học và hơn 30.000 dòng họ khuyến học, đến từ 64 tỉnh thành trên tòan quốc

Trong các gia đình về dự đại hội lần này, đông đảo nhất vẫn là gia đình nông dân, công nhân rồi đến các gia đình làm ăn buôn bán, có cả gia đình trí thức và về mức sống, nhưng phần lớn là gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thu nhập chưa cao nhưng tất cả đều nỗ lực hết khả năng của mình để lo cho con cái học hành thành đạt cũng như cổ vũ cho phong trào khuyến học tại quê hương mình ngày càng phát triển.

Đại hội “tôn vinh các gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học” tòan quốc lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 9 và 10/10/2007 vừa qua tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, gần quảng trường Ba Đình Lịch sử, Hà Nội, Hội nghị đặc biệt có Chủ tịch Nước và Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cùng nhiều quan chức cấp cao khác tới dự buổi lễ này. Các vị đã phát biểu khen ngợi phong trào khuyến học trên cả nước. Đại hội khuyến học lớn nhất này cứ 3 năm lại tổ chức một lần, đại hội lần thứ nhất tổ chức vào tháng 12 năm 2004.

Hội trường Trung tâm với sức chứa gần 1000 người trong giờ khai mạc bỗng trở nên sôi động náo nhiệt bởi tiếng vỗ tay và hàng ngàn ánh mắt đổ dồn về giữa hội trường khi ông Lịch và đứa con trai ông là Phanxicô Xaviê Nguyễn Công Hùng xuất hiện trên chiếc xe lăn vinh dự được Ngài Chủ Tịch Triết tới bắt tay chúc mừng động viên và chụp hình kỷ niệm, trước đó hai cha con luôn bị quây kín bởi đông đảo các phóng viên các hãng tin báo, đài phát thanh và truyền hình trong cả nước quan tâm thăm hỏi và phỏng vấn chụp hình. Gia đình ông là giáo dân giáo xứ Chính toà Xã Đoài, giáo phận Vinh thuộc xã Nghi Diên, huỵện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cách Hà Nội 290 km về phía nam.

Ông Lịch, 46 tuổi, phát biểu: “Là người Công giáo, Tôi rất vui mừng sung sướng khi gia đình mình cùng với hàng trăm gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu trong cả nước được tôn vinh hôm nay, đó là sự ghi nhận của xã hội, riêng gia đình tôi có được niềm vui hạnh phúc và sự thành công của con cái trên đường học vấn và sự nghiệp như ngày hôm nay trước hết là nhờ ơn Chúa thương ban và lòng vững tin của cả nhà quyết tâm vượt qua mọi gian lao thử thách lẫn cả mồ hôi và nước mắt có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được, tất cả để dành hết mọi sự lo cho con cái được học tập, nhất là những đứa con tật nguyền mình dứt ruột đẻ ra.”

Ông kể, vợ chồng ông sinh được một con trai và hai con gái, nhưng không may đứa con trai đầu lòng duy nhất là Công Hùng và con gái thứ ba Thảo Vân bị bại liệt toàn thân từ nhỏ không tự mình đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào bố mẹ, trong điều kiện kinh tế gia đình gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã cố gắng để các con được đi chữa bệnh tại nhiều bệnh viện nhưng đành chấp nhận vì số phận, cuộc sống vợ chồng cũng như bao gia đình khác trong làng tất cả nhìn vào mấy sào ruộng và đôi gánh buôn bán nhỏ trên vai từ nhà đến chợ gần chục cây số đi bộ ngày nào cũng như ngày nào, nếu nghỉ chợ thì cả nhà gặp khó khăn, buổi chiều cũng đôi gánh ấy "một đầu là con, một đầu là mạ, con ngồi trên bờ, mẹ xuống ruộng cấy lúa.”

Ông kể tiếp, các con lớn dần theo năm tháng với ước mơ được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, lúc đó “Cõi lòng vợ chồng tôi thắt lại đau đớn xót xa khi nghe con nói rằng Ba Mẹ ơi! con muốn đi học, câu nói ấy làm chúng tôi phải suy nghĩ và trăn trở tìm cách để đưa con đến trường, thế là bảy năm Công Hùng đi học hết cấp II cũng là bảy năm mẹ cùng đi học, mười hai năm cháu Vân đi học hết cấp III cũng là mười hai năm mẹ cùng đến trường, không quản ngại mưa nắng, gần 20 năm cha mẹ thay nhau cõng con và trở con bằng xe đạp đưa đón con đến trường cách nhà cả chục cây số chỉ mong sao cho các con học hành thành đạt."

Ông cho biết: "thậm chí khó khăn đến nỗi vợ chồng tôi phải bán chiếc nhẫn cưới vàng là của hội môn của mình để có tiền mua cho Hùng một chiếc máy vi tính đầu tiên để thỏa nỗi cô đơn buồn bã và niềm đăm mê học vi tính của cháu.

Ông nói trong nghẹn ngào: "Trời đất bù lại cho vợ chồng tôi là Hùng đứa con đầu lòng, bị tật nguyền nhưng rất thông minh, ham học bằng ý chí của mình, Hùng đã vượt lên tất cả nỗi đau thể xác và tâm hồn để hòa nhập với cộng đồng với mong muốn là phổ biến kiến thức tin học cho mọi người, thêm một người biết tin học là một niềm vui, thế là năm 2003 Hùng mở một Trung tâm dạy Tin học miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật và học sinh nghèo, đồng thời dạy tin học cho thanh thiếu niên trong vùng, việc mở trung tâm tin học tại vùng nông thôn là rất cần thiết, giảm được chi phí cho học sinh, các em không phải xa bố mẹ, sau mỗi buổi học các em được trở về với gia đình.”

Anh Phanxicô Xaviê Nguyễn Công Hùng, cũng là khách mời đến dự đại hội cùng với ba mình, phát biểu: "Nếu không có ơn Chúa nâng đỡ và ba mẹ tận tình chăm sóc chu đáo cũng như khuyến khích cho ba anh chị em tôi học tập, thì tôi không thể có được cuộc sống hoà nhập với xã hội và thế giới, cũng như không thể làm gì gíup cho các bạn đồng cảnh ngộ tật nguyền như mình."

Công Hùng, 25 tuổi, chỉ cân nặng 12 kg và điều khiển vi tính bằng một ngón tay trỏ là giám đốc của Trung tâm này, nói: "Tôi mãi mãi ghi ơn ba mẹ mình và cảm phục nghị lực phi thường của cha mẹ, vì bao nhiêu năm nguyên lo phục vụ cho con cái khuyết tật mọi thứ từ miếng ăn giấc ngủ và mọi sự sinh hoạt đời thường đã khó, nhưng cha mẹ tôi còn luôn sẵn sàng tiếp nhận và nuôi nấng miễn phí tất cả các bạn khuyết tật khắp nơi tới ở nhà mình để học tin học mà không hề ca thán, chính nhờ vậy mà trong 4 năm qua kể từ khi tôi mở Trung tâm đào tạo Tin học Nhân đạo Công Hùng vào năm 2003 với 30 chiếc máy vi tính mua trả góp trong nhiều năm, đến nay đã có có 500 em khuyết tật và học sinh nghèo cả lương và giáo ra trường từ trung tâm này, một nửa trong đó được đào tạo miễn phí và chiếm 15% các em đã có việc làm ổn định, góp phần nào bớt được gánh nặng cho gia đình và xã hội.”

Ngoài việc điều hành Trung tâm Tin Học, Thiết kế website, Công Hùng còn làm cầu nối kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tặng được 20 chiếc xe lăn cho người khuyết tật tại địa phương, kêu gọi ủng hộ các em học sinh bị bão lụt nặng tại miền Trung trong các cơn bão vừa qua hàng chục triệu đồng để mua sách vở bút mực, nhờ vậy mà các em may mắn kịp thời có những sách vở mới phục vụ cho năm học mới.

Nhờ những đóng góp đào tạo tin học phục vụ cộng đồng vô vị lợi, nên Công Hùng đã được trao tặng danh hiệu "Hiệp sỹ Công nghệ Thông tin năm 2005", ngày 25/3/2007 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao giải thưởng "10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006", cùng nhiều bằng khen của các tổ chức khác.

Nguyễn Thị Thủy, người con thứ hai kháu khỉnh của ông Lịch ước mơ từ nhỏ mong muốn được trở thành cô giáo để dạy học và nâng cao kiến thức cho nhiều em nhỏ trong làng, nay đã trở thành hiện thự, sau khi tốt nghiệp PTTH vào TP. HCM Thủy được học tại trường "Ngoại ngữ không gian" kết quả sau bốn năm học Thủy là một trong những học sinh xuất sắc được chọn ở lại làm giáo viên giảng dạy tại trường.

Thêrêsa Nguyễn Thị Vân, người con thứ ba mặc dầu bị bại liệt nhưng ý chí không ngừng vươn lên, không chịu bó tay trước mọi thứ thách, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, Vân cũng đã đạt giải nhất môn cờ tướng khối PTTH trong Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh Nghệ An 2004, sau khi tốt nghiệp PTTH Vân học thêm một khóa Kỹ thuật viên Công nghệ Thông tin và hiện nay đang làm việc tại Công ty Heartlink Hà Nội, công việc của Vân là thiết kế Đồ hoạ trên máy vi tính, với mức lương không những đủ trang trải cho bản thân mà còn phần vào hỗ trợ thêm cho gia đình.

Maria Nguyễn Thị Thơm, 22 tuổi một người Công giáo khuyết tật quê tỉnh Quảng Bình bị bại liệt hai chân, hiện đang học lập trình viên về tin học tại trường Trung Học Cơ Bản Kỹ thuật Tin học Hà Nội, phát biểu: “Trước khi được gia đình bác Lịch giới thiệu tôi vào đây học được một tháng nay, tôi đã được Trung tâm anh Hùng nhận vào học 4 năm, vừa học tin học vừa dạy học, tôi nhớ ơn gia đình bác ấy và coi như cha mẹ của mình vì đã 4 năm cưu mang nuôi nấng và yêu thương tôi như con cái trong nhà không lấy tiền, vì nhà tôi nghèo đông con nên không giúp gì được, nay tiếp tục giúp đỡ tôi học nâng cao.”

Còn Em Giuse Nguyễn Văn Thắng, 22 tuổi, nhưng chỉ cao bằng em 7 tuổi, phát biểu với: “Em ở với Bác Lịch, Bác Hứa 4 năm trời, hai bác thì yêu thương em, còn anh Hùng thì dạy tin học miễn phí, nhò vậy mà em đã được nhận vào làm việc tại Công ty phần mềm Tin học Nhân Hoà, Hà Nội, với mức lương 2,5 triệu đồng một tháng, cuộc đời em đã đổi đời nhờ trung tâm Công Hùng.”

Anh Công Hùng được Chủ tịch Nước khen thưởng
Ông Lịch hiện là ủy viên Ban Chấp Hành Hội khuyến học xã Nghi Diên, cho biết thêm, gia đình ông còn khuyến khích con em chăm chỉ học tập, động viên khích lệ những em có hoàn cảnh khó khăn đi học, hàng năm gia đình có tích lũy để đóng góp phần mình vào Hội khuyến học xã nhằm động viên, khen thưởng những học sinh giỏi hoặc thi đậu Đại học, kể từ năm 1999 đến nay thông qua các tổ chức phi chỉnh phủ, được sự hỗ trợ và khuyến khích của Hội khuyến học xã ông đã kêu gọi được gần một tỷ đồng giúp cho 200 em học sinh nghèo có điều kiện đi học, các em được nhận tiền hàng tháng từ 50,000 đến 230,000 đồng một tháng một em. Bên cạnh đó ông còn là Giám đốc Công ty HandViet.Ltđ, co (Công ty bàn tay Việt tại xã để lo đào tạo nghề thêu và tạo việc làm cho 400 chị ẹm phụ nữ nông thôn.

Ông Cao Đình Hòe, 60 tuổi, phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An, cho biết: “Tỉnh Nghệ An chúng tôi vui mừng và tự hào về gia đình hiếu học của Bác Lịch, đáng quí hơn đó lại là một gia đình Công giáo duy nhất trong số 3 gia đình và hai dòng họ của tỉnh được chọn đi dự đại hội, trong khi con cái lại khuyết tật mà tự lực vươn lên trở thành những nhân tài phục vụ cho đất nước và quê hương.” Ông Hoè cho biết thêm, Nghệ An hiện nay là tỉnh đứng đầu trong cả nước về phong trào khuyến học với 583.492 gia đình tham gia cuộc vận động này.

Tuy nhiên, Ông Lịch nuối tiếc rằng, sự hiện diện của giới Công giáo trong đại hội này là quá ít ỏi chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và thiếu vắng hoàn toàn đại diện các giáo xứ và linh mục khuyến học, vì tại Việt Nam phong trào hiếu học và khuyến học trong giới Công giáo cũng không phải là ít.

Vào buổi chiều ngày kết thúc đại hội, cả gia đình Ông Lịch đã được đài Truyền hình Việt Nam mời tới trường quay để ghi hình chương trình “Người Xây Tổ Ấm”, cũng như gần một chục hãng tin báo đài Trung Ương và đại phương tới phỏng vấn gia đình của ông về nghị lực phi thường của một gia đình Công giáo khuyết tật và những cống hiến từ thiện của gia đình cho cộng đồng xã hội.

Nội dung đại hội hai ngày gồm có diễn văn khai mạc, báo cáo tổng kết phong trào, đọc 12 tham luận của các gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu, các nhà tài trợ trao tặng ũng hộ quĩ khuyến học, biểu diễn văn nghệ dân tộc thiểu số Sơn La, 321 gia đình và dòng họ nhận bằng khen và kỷ niệm chương, cuối cùng là tiệc chiêu đãi.

Hội khuyến học Việt Nam được thành lập vào năm 1996, đến nay, đã có 4.285.987 gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”, 26.664 dòng họ đăng ký phấn đấu thành “Dòng họ khuyến học”. Tại các địa phương, đến nay đẵ có nguồn quĩ khuyến học lên tới hơn 400 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Triết tại đại hội: “Phong trào của Hội khuyến học trong 11 năm qua hội đã tích cực góp phần động viên thày dạy tốt, trò học tốt, hỗ trợ hàng triệu suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, hàng triệu phần thường cho các em học sinh giỏi, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, điều đáng mừng nhất đối với ông khi tham dự Đại hội là có rất nhiều gia đình hiếu học của dân tộc Thái, Tày, Nùng, K.ho, Khmer, H.rê, H.mông, Dao...đăng ký và phấn đấu đạt gia đình hiếu học tiêu biểu.”

Chủ tịch cũng không khỏi băn khoăn cho rằng, trong khi có những địa phương kinh tế không phát triển nhưng phong trào khuyến học lên rất mạnh nhưng ngược lại, có những địa phương kinh tế rất phát triển nhưng phong trào khuyến học lại không phát triển? Chủ tịch yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần nghiên cứu để trả lời được câu hỏi này cùng Hội Khuyến học Việt Nam.