Hôm nay lại thêm một cơn giông bão ghé đến thành phố Westminster, thăm gia đình tôi. Chắc cũng chẳng khác mấy với những gia đình có con cái lớn như chúng tôi. Ôi thì lại chuyện con cái ấy mà!. Con cái làm phiền cha mẹ thì nó chẳng có mặt ở nhà dùm cho tôi, để cho ông nhà tôi ổng mắng nhiếc và la lối nó cho sướng cái miệng của ông. Đằng này ổng cứ nhè tôi mà hoạnh họe, hạch hỏi, đổ thừa, và trách cứ tôi đủ thứ. Tôi cứ tưởng tượng rằng mình là cái thùng rác không hơn không kém. Tất cả những gì ổng muốn tìm hiểu về con gái cưng của ổng thì tôi cũng nào có biết hơn gì ông đâu. Ông nhà tôi thì được cái tánh đó đã làm khổ tôi cả bao nhiêu chục năm nay rồi!. Chắc cái bệnh rất thường muốn có của người đàn ông là muốn có uy quyền trên vợ và con cái. Cái tánh của ông nhà tôi thì thật cảm tạ Chúa cái gì cũng tốt, chỉ duy một điều là muốn có quyền hành trong gia đình. Mà cái muốn ấy của ổng tôi đã để cho ổng cầm quyền suốt từ khi tôi về làm vợ của ổng cơ mà!.

Tôi đã để cho ông lo tất cả mọi thứ trong nhà từ A đến Z. Tôi đã để cho ông toàn quyền nắm giữ tiền bạc và chẳng giữ riêng cho mình đồng bạc nào cả! Thì hà huống chi tôi có được trương mục riêng. Nhưng tôi đã chọn chìu theo ý ông. Từ trong nhà cho đến ra ngoài, tôi luôn chọn là cái bóng đi sau chồng tôi. Nên chắc ổng đã quen như thế mà từ từ lấn lướt thái quá, và quên rằng tôi cũng có mức chịu đựng của tôi.

Tất nhiên cơn giông bão đến rồi lại đi nơi khác, nhưng những rác rưởi từ cơn giông ấy để lại, mới là điều đáng để tôi nói. Có ai đã nhìn tận mắt những tấm hình trước và sau của cơn bão Joplin tiểu bang Missouri chưa?. Tàn khốc và khủng khiếp sợ hãi thật!. Cũng giống như cơn bão thường hay xẩy ra trong gia đình của chúng ta vậy!. Chẳng phải giống như sau cơn mưa trời lại sáng đâu!. Cơn giông tố xẩy ra trong một gia đình nhất là vợ chồng, nó giống như tự mình đào cái hố sâu, rồi tự mình chôn vùi mình trong ấy!. Không hiểu có ai nhìn ra điều này hay không?. Nhưng riêng tôi thì mỗi lần cơn giông đến thường để lại cho tôi một vết sẹo lòng. Mà tôi gọi là Thánh Giá của đời tôi, là khổ vì chồng vì con. Đừng hiểu lầm rằng chồng tôi đụng gì đến thân xác tôi; nhưng đây vẫn là nỗi khổ tâm mà ông luôn dằn vặt tinh thần của tôi. Tôi thiết nghĩ những người chồng hiền nhất cũng giống ông nhà tôi mà thôi!. Trong sự cố gắng dằn cơn thịnh nộ của ông để tránh khỏi bạo hành, thì ông thay vào đó bằng những lời nói làm cho người vợ rất yêu dấu của ông ra đau đớn. Như câu người xưa thường nói “Lời đẹp thì nhớ lâu; lời đau thì nhớ đời” là thế!.

So ra Thánh Giá của tôi thiết nghĩ cũng rất nhẹ so với những gia đình khác; có điều tôi phải hiểu và nhận ra những cái tốt của ông nhà tôi để sống. Thuở còn trẻ, tôi còn có được sức khỏe thì khác, có nghĩa 10 lần ổng giận thì tôi nhịn hết cả 10, nhưng nay sức khỏe Chúa ban chỉ còn cầm chừng theo thời gian mà thôi!. Có nghĩa tôi cũng không khác như bao nhiêu người được gọi là ở tuổi đang ngả về chiều. Chúa ban cho bao nhiêu thì nay Chúa lấy lại từ từ; là điều và là luật rất tự nhiên của con người mà thôi!. Vì hiểu được như thế nên tôi cố gắng chấp nhận tánh xấu của chồng tôi rất ư là “người”. Nhưng cảm xúc thì khó mà giữ cho được như mặt hồ thu lặng lẽ không gợn sóng.

Sau suốt 5 giờ đồng hồ, cơn giông bão bốc tất cả nhà cửa của chúng tôi lên, thì ông nhà tôi sau cùng đã thốt được một câu nghe rất chí lý mà xưa kia còn trẻ ông đã không hiểu và không để ý cho mấy; câu nói ấy là: “Người đàn ông uy quyền là người đàn ông cô đơn nhất”. Tôi lợi dụng câu nói này mà khuyên ông nhà tôi nên suy nghĩ, bởi câu nói trên không xa với thực tế lắm đâu!. Uy quyền thường được dùng ngoài xã hội và nơi công sở. Bởi đó là chức vụ, bổn phận, và trách nhiệm, đã được người ta định giá khi mướn mình làm công việc đó!. Không làm thì sẽ không bảo đảm còn giữ được việc làm của mình. Nhưng nếu dùng uy quyền mà đối xử với vợ con trong nhà là sai. Vì trong gia đình đòi hỏi người chồng người cha phải dùng tình yêu thương, thông cảm, và quan tâm, để xây dựng một mái ấm gia đình có nền tảng đạo đức hơn và lối sống lành mạnh hơn.

Dùng uy quyền và bạo hành trên vợ con là tự chính mình muốn dần càng xa cách mọi người. Ai lại muốn ở gần người dữ tợn bao giờ?. Con cái nào lại muốn đến gần người cha hay mẹ mà lúc nào cũng sẵn sàng cho chúng con đầy những lời nói giận dữ và chửi rủa?. Làm sao tìm được sự cảm thông khi mà người chồng người cha luôn áp đảo vợ con, để thỏa mãn được những ý muốn cho riêng mình?. Từ từ gia đình sẽ không còn được hòa khí nữa!. Từ từ người vợ sẽ trở nên lạnh cảm và không còn muốn gần chồng nữa!. Tôi thì chứng kiến rất nhiều những cảnh người già bị bỏ vào viện dưỡng lão. Và tôi đã từng chứng kiến những người già rất khó khăn với những nhân viên làm việc trong viện dưỡng lão, nhất là người Mỹ, dù họ là ông hay bà. Những người này tôi thường thấy chẳng có ai lui tới để thăm hỏi họ, ngay cả người già VN mình. Điều này tôi đã tự hỏi rất nhiều lần là tại sao, không ai đến thăm họ?. Thì bây giờ tôi đã hiểu lý do vì sao!. Nếu chúng ta là bậc cha mẹ mà không làm tròn bổn phận thì khi về già, con cái chúng ta cũng chẳng coi cha mẹ là quan trọng. Thử hỏi chúng ta là cha mẹ khi chúng còn nhỏ, chúng ta đã không dậy chúng sống trong tình yêu thương, biết chia sẻ, biết quan tâm cho nhau, thì khi chúng lớn lên, chúng cũng chẳng biết yêu thương ai và quan tâm đến ai cả!. Thành thử khi chúng ta già cần đến con cái, thì con cái của chúng ta đâu??. Cho nên khi chúng ta vào viện dưỡng lão hay thăm nom ai trong nhà thương mà cảm thấy họ cô đơn đến tột độ, chúng ta cũng đừng quá khắt khe mà lên án con cái của họ. Hy vọng những người con bỏ bê cha mẹ là con số rất ít không đáng kể!. Nếu không thì có phải đó là những chuyện rất buồn mà bánh xe trước đi qua, bánh xe sau lại đổ tới, cả hai dấu vết xấu xa giống y nhau.

Chúa trao ban cho chúng ta con cái là để thay thế Người dậy dỗ chúng. Con cái là hồng ân Chúa ban. Xin cho bậc cha mẹ biết thương con cái mà dậy dỗ chúng cho đúng với đường hướng mà Thiên Chúa muốn. Để tương lai của chúng là những thành phần rất hữu ích và hữu dụng cho chính chúng, gia đình, và xã hội. Và để chúng sẽ lập lại những gì thật tốt lành do cha mẹ đã dậy dỗ cho thế hệ tiếp nối mai sau.