Tới quốc hội Âu Châu sáng nay, 25 tháng 11 và được chủ tịch Martin Schultz cùng hơn 7 trăm đại biểu nồng nhiệt chào đón, Đức GH Phanxicô đã đọc một bài diễn văn dài. Theo Đài Phát Thanh Vatican, Đức Phanxicô kêu gọi một Âu Châu cô đơn và chỉ lưu ý tới mình phục hồi vai trò chủ đạo thế giới của mình, căn tính của mình như người bảo vệ phẩm giá siêu việt của con người, người nghèo, di dân, người bị bách hại, người trẻ và người già, tìm lại linh hồn mình là Kitô Giáo.

Trong bài diễn văn dài của ngài, Đức Phanxicô nói với các đại biểu QH Âu Châu rằng lịch sử hai ngàn năm vốn liên kết Âu Châu và Kitô Giáo, “không hẳn không có tranh chấp hay sai lầm, nhưng được thúc đẩy bởi ước vọng cùng làm việc cho ích lợi của mọi người”. Ngài nói: “đó là hiệnn tại và là tương lai của chúng ta. Đó là căn tính của chúng ta”.

Đức GH cũng thúc giục 500 triệu công dân của Âu Châu hãy coi các vấn đề của Liên Hiệp, vấn đề kinh tế, ngưng đọng, thất nghiệp, di dân, mức nghèo gia tăng và càng ngày càng bị phân cực, như “sức mạnh của hợp nhất” để ta vượt thắng sợ sệt và bất tin tưởng lẫn nhau.

Ngài nói rằng phẩm giá là ý niệm then chốt trong diễn trình tái thiết sau Thế Chiến Hai và đã dẫn tới Dự Án Âu Châu. Ngày nay, nó vẫn còn là tâm điểm đối với cam kết của Liên Hiệp Âu Châu. Nhưng ngài cảnh cáo rằng : ý niệm nhân quyền thường bị hiểu lầm và sử dụng sai.

Ngài nói tới khuynh hướng đề cao các quyền của cá nhân “mà không lưu tâm gì tới sự kiện này: mỗi hữu thể nhân bản đều là thành phần của một bối cảnh xã hội, từ đó, các quyền lợi và nghĩa vụ của họ bị cột chặt với các quyền lợi và nghĩa vụ của người khác và với ích chung của chính xã hội”.

Nhân phẩm siêu việt- Đức GH nói tiếp, có nghĩa coi các hữu thể nhân bản không như những hữu thể tuyệt đối, mà như như những hữu thể trong tương quan. Ngài đề cập tới một Âu Châu đầy rẫy những cơn bệnh cô đơn, hậu quả trực tiếp của khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa. Ngài nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế càng làm tệ hơn sự cô đơn bàng bạc này và nuôi dưỡng một sự bất tin tưởng mỗi ngày một lớn hơn nơi con người đối với các định chế bị coi là xa vời và có tính bàn giấy.

Đức GH nói tới cảnh giầu có tạm bợ của các lối sống vị kỷ, dửng dưng đối với những người nghèo nhất trong các người nghèo, trong đó, các vấn đề kỹ thuật và kinh tế chiếm hết các cuộc tranh luận chính trị, có hại cho việc quan tâm chân chính đối với những con người nhân bản.

Ngài nhận định rằng điều trên giản lược sự sống nhân bản thành một “cái chốt trong một cỗ máy” mà nếu không hữu dụng nữa, ta có thể vứt bỏ chẳng lo âu gì, như trường hợp những người bệnh sắp chết, những người cao niên bị bỏ rơi không ai chăm sóc, và các trẻ em bị giết ngay trong bụng mẹ”. Trích dẫn lời Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô nói rằng điều này là một sai lầm lớn mà ta phạm phải “khi để cho kỹ thuật thống trị”; hậu quả là hỗn độn giữa cùng đích và phương tiện.

Đức GH nói thêm rằng tương lai Âu Châu tùy thuộc việc phục hồi mối liên kết sinh tử giữa việc cởi mở đối với Thiên Chúa và khả năng thực tế và cụ thể biết đối đầu với các tình thế và vấn đề.

Ngài nói rằng Kitô Giáo không phải là một đe dọa đối với Âu Châu thế tục mà đúng hơn là một phong phú hóa. Theo ngài, các tôn giáo có thể giúp Âu Châu phản công “nhiều hình thức quá khích” đang tràn lan hiện nay; những hình thức này thường là “hậu quả của việc trống vắng lớn lao các lý tưởng mà ta đang chứng kiến hiện nay tại Tây Phương”.

Ở đây, ngài lên án “sự im lặng đáng xấu hổ và có tính đồng loã” của nhiều người trong khi các nhóm thiểu số tôn giáo bị “trục xuất khỏi nhà cửa và sinh quán của họ, bị bán làm nô lệ, bị giết, bị chặt đầu, bị đóng đinh hoặc thiêu sống”.

Đức Phanxicô tiếp tục nhận xét rằng huy hiệu của Liên Hiệp Âu Châu là Hợp Nhất Trong Đa Dạng, nhưng hợp nhất không có nghĩa độc dạng. Duy trì sống động nền dân chủ ở Âu Châu có nghĩa phải tránh những khuynh hướng hoàn cầu hóa nhằm xóa bỏ thực tại.

Duy trì sống động các nền dân chủ là một thách đố của thời điểm lịch sử hiện giờ, nhưng ta không được để cho thách đố này xụp đổ dưới áp lực các quyền lợi đa quốc vốn không có chi là phổ quát cả. Thách đố này có nghĩa là nuôi dưỡng các tài năng của mỗi người, đàn ông cũng như đàn bà; là đầu tư vào gia đình, tế bào nền tảng và là yếu tố qúy báu nhất của bất cứ xã hội nào; đầu tư vào các viện giáo dục; vào người trẻ ngày nay, những người đang yêu cầu một nền giáo dục thích đáng và đầy đủ, giúp họ nhìn về tương lai với niềm hy vọng chứ không chán nản.

Trong các lãnh vực như sinh thái, Âu Châu luôn là người tiền đạo, Đức Phanxicô nói thế, nhưng ngài nhận định thêm rằng ngày nay “hàng triệu người trên khắp thế giới đang chết đói trong khi hàng tấn thực phẩm bị vất bỏ khỏi bàn ăn của ta hàng ngày”.

Ngài cũng đề cập tới việc phải cổ vũ các chính sách tạo nhân dụng, nhưng trên hết “phục hồi phẩm giá lao động bằng cách bảo đảm các điều kiện làm việc thích đáng” trong khi tránh việc bóc lột nhân công và bảo đảm để họ “có khả năng tạo lập một gia đình và giáo dục con cái”.

Về vấn đề di dân, Đức GH Phanxicô kêu gọi một đáp ứng thống nhất và ngài lên án việc thiếu một cố gắng rộng lớn có phối hợp của Âu Châu trong việc chấp nhận các chính sách có thể trợ giúp di dân ngay tại quốc gia gốc của họ và cổ vũ việc hội nhập họ một cách hợp công lý và thực tiễn. Ngài nói giữa tiếng hoan hô vang dậy và thật dài: “Ta không thể để Địa Trung Hải thành một nghĩa địa bao la!”.