Trong xã hội tân tiến ngày nay, nhiều thành kiến bị lên án gắt gao và có khi người chủ trương và đề cao một số thành kiến có thể bị luật pháp chế tài. Tuy nhiên, thành kiến chống Công Giáo xem ra lại được coi là điều có thể chấp nhận được. Nói cho cùng, người Công Giáo chúng ta tuyên xưng một số niềm tin đi ngược với trào lưu đời thường. Chúng ta đứng lên bênh vực cho những kẻ vô tội qua chủ trương phò sự sống; chúng ta bênh vực gia đình bằng cách chống lại ly dị; chúng ta đề cao trật tự xã hội bằng cách xiển dương hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ.

Thành ra, không ngạc nhiên gì trước những làn sóng tấn công hết đợt này lại đến đợt khác nhắm vào Đức Thánh Cha và qua đó vào Đức Tin do ngài lãnh đạo.

Huynh Đoàn Thánh Piô X

Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre
Những thay đổi sau Công Đồng Vatican II (1962-1965) đã khiến một số người Công Giáo không hài lòng đặc biệt là vấn đề Thánh Lễ tiếng La Tinh theo một phụng vụ truyền thống có thể nói được là đã giữ nguyên không có thay đổi trong hàng trăm năm và có thể truy nguyên nguồn gốc của phụng vụ ấy xa hơn nữa trong quá khứ. Hệ quả là có một số người Công Giáo, cả giáo dân lẫn giáo sĩ hình thành những nhóm tự cô lập hầu bảo tồn những truyền thống và thực hành có trước thời Công Đồng.

Huynh Đoàn Thánh Piô X được Tổng Giám Mục Pháp Marcel Lefebvre thành lập từ năm 1969 với quyết tâm duy trì phụng vụ La Tinh và nhiều khía cạnh của căn tính Công Giáo mà nhóm này cho rằng “đã bị mai một” theo thời gian. Chẳng hạn, Huynh Đoàn này chủ trương Công Giáo phải là quốc giáo trong các nước có truyền thống Kitô. Huynh Đoàn chống lại chủ trương đại kết và các buổi cầu nguyện liên tôn. Nói cách khác, không chỉ chống lại phụng vụ mới theo Công Đồng Vatican II mà còn chống lại nhiều đường lối mà Giáo Hội hiện đang theo đuổi.

Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng cũng như nhiều nhóm ly giáo khác, Huynh Đoàn Thánh Piô X chưa bao giờ đặt vấn đề về quyền bính Đức Giáo Hoàng (như trường hợp Chính Thống Giáo). Họ công nhận tất cả các vị Giáo Hoàng bao gồm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI như là người đầu Hội Thánh.

Năm 1988, khi Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre đã già yếu thì vấn đề kế tục được đặt ra. Ngài đã truyền chức giám mục cho 4 linh mục tại Econe, Thụy Sĩ mà không có phép của Đức Thánh Cha. Hành động này đương nhiên dẫn đến vạ tuyệt thông tiền kết cho Tổng Giám Mục Lefebvre và 4 người được phong chức thành sự nhưng không hợp luật. Từ đó, Huynh Đoàn Thánh Piô X bắt đầu hoạt động bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, tức là trở thành một nhóm ly giáo.

Theo sau biến cố ly giáo này, Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa) đã được thành lập ngày 2/7/1988 với sứ vụ hợp tác với các Giám Mục, các cơ quan Giáo Triều Roma và những nơi liên hệ để đưa ly giáo Huynh Đoàn Thánh Piô X trở lại tình trạng hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội.

Từ năm 2000 những nỗ lực của Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei đã có những tiến triển cụ thể. Huynh Đoàn Thánh Piô X cũng bày tỏ ý muốn quay trở lại nhưng họ đặt ra 2 điều kiện. Trước hết là những hạn chế trong việc cử hành thánh lễ tiếng La Tinh phải được hủy bỏ. Đó là điều Đức Thánh Cha đã cho phép vào năm 2007. Thứ hai là vạ tuyệt thông vào năm 1988 phải được giải. Điều này Đức Thánh Cha cũng đã làm như một nghĩa cử bác ái trong thông báo chính thức công bố hôm 24/1/2009.

Giám Mục Richard Williamson

Giám Mục Williamson
Giám Mục Richard Williamson là một trong 4 vị được tấn phong Giám Mục năm 1988 và bị vạ tuyệt thông. Giám Mục Williamson được coi là nhà lãnh đạo của “cánh ương ngạnh” trong Huynh Đoàn Thánh Piô X vì lập trường cương quyết không chịu hiệp thông với Giáo Hội của ông.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Paolo Luigi Rodari, tiếp ngay sau khi Đức Thánh Cha công bố tự sắc Summorum Pontificum cho phép cử hành rộng rãi thánh lễ tiếng La Tinh, Giám Mục Bernard Fellay, tổng quyền của Huynh Đoàn Thánh Piô X, dưới ảnh hưởng của Giám Mục Williamson, tiếp tục đặt ra những điều kiện khó khăn và hoang tưởng cho việc hiệp nhất hoàn toàn với Giáo Hội.

“Williamson và tôi đồng ý với nhau rằng thật là khó để quay trở lại với Giáo Hội như trong tình trạng hiện nay. Lý do rất đơn giản. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã giải phóng nghi thức thánh lễ cổ” nhưng ngài bị chỉ trích “bởi đa số các Giám Mục” khi làm như vậy. “Chúng tôi nên làm gì đây? Tái quay lại để bị những người này xỉ vả à?”

“Cùng với vấn đề thánh lễ theo nghi thức cổ là vấn đề của chúng tôi đối với những lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô dành cho Vatican II” bởi vì “chẳng may là sự gãy đổ trong quá khứ có liên hệ trực tiếp đến một số đoạn của Công Đồng Vatican II và những đoạn này cách nào đó phải được tái xét”.

“Đức Giáo Hoàng phải chuẩn bị cho một cuộc tái xét những văn bản của Công Đồng và không phải chỉ dừng lại ở việc lên án những diễn dịch sai”.

Giám Mục Fellay đưa ra một thí dụ là tuyên ngôn về quyền tự do tôn giáo Dignitatis Humanae. Theo Giám Mục Fellay, tuyên ngôn này đặt Giáo Hội vào vị thế phải tôn trọng thẩm quyền của nhà nước. “Theo ý kiến của tôi cần phải là ngược lại: Nhà nước phải tùng phục đức tin Công Giáo và phải công nhận Công Giáo là tôn giáo của Quốc Gia”.

Trong điều kiện cụ thể của thế giới hiện nay, người tín hữu Công Giáo sống trong một quốc gia không bị nhà nước bách hại đã là may mắn lắm rồi. Người ta không hiểu làm sao Giám Mục Fellay và Williamson lại hoang tưởng đến mức kỳ vọng các nhà nước trên thế giới này công nhận Công Giáo là quốc giáo! Và trở thành quốc giáo để làm gì cơ chứ?

Tòa Thánh gặp rắc rối vì Giám Mục Williamson

Giám Mục Bernard Fellay
Đoạn phim phỏng vấn Giám Mục Williamson trong đó ngài phủ nhận ở mức độ nhất định tội ác diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã thực hiện được phát trên truyền hình Thụy Điển hôm 25/1. Tuy nhiên, có những nguồn tin báo chí cho rằng buổi phỏng vấn đã được thực hiện từ hồi tháng 11/2008 với dụng ý cho rằng Tòa Thánh đã biết trước về những lời bình phẩm của Giám Mục Williamson.

Trong buổi phỏng vấn dành cho tờ Corriere della Sera (Tin Chiều) hôm 29/1, Đức Hồng Y Dario Castrillón Hoyos, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hội Chúa cho biết như sau:

“Khi tôi trao sắc lệnh đã được ký cho Giám Mục Fellay, thì chúng tôi không biết gì về cuộc phỏng vấn này. Sắc lệnh đã được ký vài ngày trước đó.

Hiển nhiên là vào thời điểm đó [tức thời điểm các viên chức Tòa Thánh được thông báo về những tuyên bố của Giám Mục Williamson], sắc lệnh đã được trao tận tay bên hữu quan”.

Đức Hồng Y Castrillón cũng cho biết thêm “Sự hiệp thông trọn vẹn chắc chắn sẽ xảy ra. Trong những cuộc thảo luận với chúng tôi, Đức Cha Fellay đã chịu nhìn nhận Công Đồng Vatican II, về mặt thần học. Chỉ còn một vài khó khăn sau cùng”.

Khi được hỏi có phải đó là những khó khăn liên quan đến tuyên ngôn Nostra Aetate, tuyên ngôn được xem là khúc quanh trong quan hệ với Do Thái Giáo, Đức Hồng Y Castrillón nói:

“Không phải như thế. Nó liên quan đến những khía cạnh đang được thảo luận như vấn đề đại kết và tự do lương tâm”.

Nguồn gốc của những rắc rối

Búa rìu dư luận trong những ngày qua cố nhiên xuất phát từ những tuyên bố sai lầm mà chính Giám Mục Williamson đã nhìn nhận là “thiếu thận trọng” trong thư xin lỗi Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Castrillón và Tòa Thánh.

Tuy nhiên, những căng thẳng cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của giới truyền thông về nguồn gốc nảy sinh ra Huynh Đoàn Thánh Piô X, vạ tuyệt thông dành cho 4 Giám Mục trong nhóm này, và tiến trình kêu gọi hiệp nhất của Tòa Thánh thông qua Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei.

Nhiều bài báo cho rằng Giám Mục Williamson bị vạ tuyệt thông vì lập trường bài Do Thái của ông. Và như thế giải vạ cho Giám Mục Williamson chứng tỏ khuynh hướng bài Do Thái của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, một người Đức.

Thực ra, theo Giáo Luật, Giám Mục Williamson bị vạ tuyệt thông tiền kết (tức khắc có hiệu quả) khi ông chấp nhận việc tấn phong Giám Mục cho mình mà không được sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng vào năm 1988.

Dĩ nhiên, những lời bình phẩm về vụ tàn sát người Do Thái của Giám Mục Williamson là không thể bào chữa được và chứa đựng những thông tin sai lạc và nói được là “ấm ớ” nhưng những ai hiểu biết được Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo thì phải biết rằng những phán đoán ngớ ngẩn, sự ấm ớ và sự ngu xuẩn không phải là những vi phạm dẫn đến vạ tuyệt thông.