Hàng trăm ngàn người tham gia vào cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Iraq tại thành phố Sydney, Úc.

Cuộc biểu tình đã góp phần vào làn sóng biểu tình chống chiến tranh tại 600 thành phố trên thế giới vào dịp nghỉ cuối tuần này, thu hút khoảng 8 triệu người cho tới nay.

Vào thứ Bảy, các cuộc biểu tình khổng lồ đã diễn ra tại New York, Rome, London, Paris, Berlin và nhiều thành phố khác trên thế giới.

Chính phủ Úc của thủ tướng John Howard ủng hộ mạnh mẽ chính sách cứng rắn của Mỹ về vấn đề Iraq.

Đây là lễ biểu tình lớn nhất tại Sydney kể từ hồi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam hơn 30 năm trước, và người đi biểu tình đã hát lại những bài được hát lên 30 năm trước đây.

Howard vẫn cương quyết

Theo ước tính, khoảng 250 000 người tham gia biểu tình tại Sydney. Những người biểu tình, gồm cả trẻ em, giương cao các biểu ngữ, đánh trống và hát vang những bài hát phản đối.

Một người biểu tình tên Thomas Aitken nói: "Chúng tôi muốn ngài thủ tướng lắng nghe chúng tôi, chúng tôi không muốn chiến tranh với Iraq".

Ông Howard vừa trở về từ Indonesia. Tại đây, ông đã khẳng định lại quyết tâm của ông ủng hộ hành động quân sự chống Iraq.

Thủ tướng Howard vẫn tỏ ra kiên quyết ủng hộ lập trường cứng rắn của Anh-Mỹ về việc sử dụng vũ lực chấm dứt chế độ Saddam Hussein. Nhận xét về cuộc biểu tình, ông nói nó không phản ánh chính xác ý kiến của người dân.

Ông Howard nói: "Tôi không biết rằng chỉ dựa vào số người tham gia biểu tình mà có thể đánh giá được ý kiến của dư luận".

Ngoài ra, ông Howard còn đối mặt các cuộc tuần hành phản đối tại Brisbane, Darwin và Adelaide vào Chủ Nhật.

"Không quá trễ"

Khoảng một triệu người dự đoán đã tuần hành tại Luân Đôn vào thứ Bảy bày tỏ sự phản đối với thủ tướng Tony Blair, một đồng minh thân cận khác của tổng thống Bush.

Các cuộc biểu tình trong dịp nghỉ cuối tuần diễn ra sau khi trưởng thanh tra vũ khí Hans Blix cho Hội đồng Bảo an biết họ không tìm được bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ Iraq phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Phát biểu tại một đám đông lớn tại Hyde Park, thị trưởng Luân Đôn Ken Livingstone nói: "Cuộc chiến này chủ yếu chỉ về dầu hỏa. George Bush không bao giờ quan tâm đến nhân quyền".

Những người phản đối đã tuần hành với một biển biểu ngữ và khẩu hiệu như là "Không chiến tranh với Iraq".

Sự ủng hộ của công chúng cho thủ tướng Anh Tony Blair đã giảm đáng kể sau khi ông Blair quyết tâm theo đuổi kế hoạch quân sự chống Saddam Hussein của Mỹ.

Tại New York, ông Desmond Tutu, vị tổng giám mục người Nam Phi, phát biểu trước đám đông 10 000 người rằng những người muốn chiến tranh Iraq xảy ra "phải biết nó sẽ là một cuộc chiến phi đạo đức".

Trung Đông giận dữ

Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại các thành phố tại Trung Đông, bao gồm Israel, và tại Đông Á vào thứ Bảy.

Khoảng 3000 người Do Thái và Ảrập đã cùng nhau tuần hành tại thành phố Tel Aviv, Israel.


Biểu tình tại Seoul, thủ đô Nam Hàn
Các quan chức cho biết có khoảng ít nhất một triệu người diễu hành tại Baghdad, trong khi đó tại Damascus hơn 200 000 người biểu tình với biểu ngữ "Trục ma quỷ: Mỹ, Anh, Israel".

Tại Seoul - thủ đô Nam Hàn, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Á châu, hàng trăm người tham gia biểu tình, hát vang lớn "Bush, khủng bố".

Tại Malaysia - một quốc gia Hồi giáo - hàng trăm người đã biểu tình trước đại sứ quán Mỹ tại Kuala Lumpur mặc dù cảnh sát tuyên bố cấm biểu tình.

Cuối cùng, khoảng 2000 người tại Thái Lan - chủ yếu là người Hồi giáo - tuần hành phản đối trước đại sứ quán của Anh và Mỹ tại thủ đô Bangkok vào thứ Bảy. (BBC)